Chuyện của những người ngăn chặn ma túy từ biên giới

Thứ Ba, 11/06/2019, 10:24
Những ngày qua dư luận cả nước trĩu nặng nỗi niềm trước sự ra đi của Thiếu tá Vi Văn Nhất, trinh sát đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa khi đối đầu với các đối tượng vận chuyển ma túy chiều 3-6.

Nếu xem những clip quay những chuyến vượt biên cả chục đối tượng với vũ khí nóng kè kè trên vai, hoặc chứng kiến tình huống bắt tội phạm ma túy tại thực địa với những pha đấu võ, nổ súng như phim ảnh mới thấy cuộc “đối chiến” vùng biên vô cùng dai dẳng và khốc liệt.

Đồn Biên phòng Lóng Sập và Công an Biên phòng Lào đánh án ma túy.

Nỗ lực chuyển hóa địa bàn

Chưa tính đường biển, chỉ tính riêng hơn 4.700 km đường biên giới trên đất liền thì có lẽ cũng phải có tới chừng ấy đường mòn, lối tắt để vượt biên. Chưa kể rừng rậm, thung sâu hai bên biên giới là nơi tập kết lý tưởng cho những chuyến hàng “chết chóc” được tính trọng lượng bằng kg hoặc hàng trăm, hàng chục kg, thậm chí là cả tấn.

Những năm gần đây, đội quân trinh sát đặc nhiệm quân hàm xanh đã thiết lập nhiều chuyên án lớn, đánh những trận khiến bọn tội phạm dọc biên giới phải chùn tay. Chỉ trong năm 2018, trên toàn tuyến biên giới lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) đã phát hiện, bắt giữ hàng ngàn vụ cùng hơn 1 tấn ma túy các loại.

Trong 3 tháng đầu năm 2019, con số này là 177 vụ với 784,25 kg ma túy các loại. Điều đáng lưu ý là các đối tượng bị bắt giữ, các đường dây bị bóc gỡ không chỉ hoạt động tại khu vực biên giới mà còn là các đối tượng cộm cán, cầm đầu hoạt động vận chuyển, buôn bán trên đất bạn.

Thành quả đó chính là kết tinh của bao tháng ngày nếm mật nằm gai của những người lính quả cảm trên mặt trận này, là bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ gieo rắc “cái chết trắng”. Và mỗi vụ án ẩn chứa nhiều câu chuyện về sự hi sinh lặng lẽ của người lính trinh sát, là những cuộc “đối chiến” đến nghẹt thở mà sinh mạng mỗi người như chuông treo chỉ mành.

Có những chuyên án các trinh sát phải hàng tuần nằm trong rừng sâu, nhiều ngày liền chỉ ăn mì tôm sống, lương khô và nước suối. Có lần bắt được đối tượng, từ điểm mật phục phải cắt rừng xuyên đêm về đồn biên phòng mà mặt rướm máu vì gai rừng cào xước.

Rồi có khi vì đề phòng bọn tội phạm manh động tẩu thoát hoặc nhảy xuống vực tự sát thương, mỗi chiến sỹ đặc nhiệm trở thành một chiếc còng đầy uy lực khi chính họ tự buộc dây trói ngang lưng đối tượng rồi buộc giằng vào người mình. Những người khác cõng tang vật và vũ khí thu giữ được, tay ghì chặt súng cảnh giới đồng đảng của chúng vượt sang cướp người và hàng.

Được theo sát một số chuyên án lớn của lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, tôi vô cùng ấn tượng với những lần đánh án có sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, nghiệp vụ vững chắc giữa BĐBP Việt Nam và lực lượng chức năng nước bạn Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp với Lực lượng chức năng nước bạn Lào trao đổi thông tin nghiệp vụ.

Năm 2012, trong lần phỏng vấn ông trùm Xiêng Phênh do Đại tá Võ Trọng Hải, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh, nay là Giám đốc Công an Hà Tĩnh, tạo điều kiện, khi nghe tôi hỏi về vụ buôn bán 1.000kg cần sa và 40 bánh heroin qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, câu đầu tiên của ông trùm này là “Tôi xin thua BĐBP Việt Nam”.

Sau khi thoát khỏi án tử hình, ông trùm này trở về cố quốc nhưng ngay lập tức đã thiết lập một đường dây vận chuyển ma túy từ Myanmar, qua Thái Lan, Lào, Campuchia về thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Chuyên án được thành lập đã bắt giữ ông trùm này cùng 40 bánh heroin, dẫn giải về cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bô-ly-khăm-xay, chờ ngày ra tòa lĩnh án.

Nhưng để làm được điều đó, chiến sĩ bí mật của ta đã phải đi hai tay không, sẵn sàng chấp nhận trả cái giá đắt nhất để bắt quả tang hành vi phạm pháp của ông trùm.

Hợp tác chống tội phạm xuyên biên giới

Thiếu tướng Thoonglếch Măngnọmệch, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát,  Bộ An ninh Lào đã đánh giá rất cao hoạt động phối hợp với BĐBP và Công an Việt Nam. Ông cho rằng, với tinh thần đoàn kết, hữu nghị và tin cậy, lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam đã mở rộng phạm vi hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới các nước, tổ chức phòng ngừa từ xa một cách hiệu quả.

“Đây là một hình mẫu đặc biệt của sự phối hợp quốc tế, của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào”, Thiếu tướng Thoonglếch nhấn mạnh.

Mới đây, ngày 12-5-2019, lực lượng đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm phía Nam chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an và BĐBP Long An phá thành công chuyên án, bắt giữ 1 đối tượng cùng 57kg ma túy tổng hợp và 20 bánh heroin. Đây là đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, các đối tượng trong và ngoài nước cấu kết với nhau rất chặt chẽ, chúng sử dụng công nghệ thông tin để nghe lén, dò tần số của lực lượng trinh sát để tìm cách đối phó.

Từ thông tin do BĐBP Việt Nam cung cấp, Công an tỉnh Svây Riêng, Campuchia đã bắt giữ thêm 8 đối tượng người Campuchia có liên quan đến đường dây này.

Thiếu tướng Ngô Thái Dũng - Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tâm sự: “Chúng ta phải nhìn thật rõ vào bản chất của từng loại đối tượng để phân hóa xem đâu là kẻ cầm đầu, đâu là kẻ bị lợi dụng tiếp tay để từ đó hoạch định phương án tác chiến, đấu tranh cho phù hợp.

Quan trọng nhất là phải giữ được lòng tin của nhân dân, giúp họ hiểu rằng, chúng ta vì cuộc sống bình yên của người dân mà đấu tranh và dấn thân vào nguy hiểm. Đánh án ma túy là đánh vào những đối tượng cầm đầu hung hãn, xảo trá và nguy hiểm, phải đánh bằng trí tuệ, đánh bằng sự cảm hóa chứ không đánh bằng cơ bắp”.

Tôi đã nhiều lần đến với tuyến biên giới trọng điểm về ma túy như Mộc Châu (Sơn La), Mường Lát (Thanh Hóa), Mường Nhé (Điện Biên), Móng Cái (Quảng Ninh)... để được nghe anh em cho biết về tình trạng vận chuyển buôn bán ma túy ở nơi đây. Rừng núi biên giới thì thâm u, thăm thẳm thế, giăng biết bao nhiêu trinh sát đặc nhiệm, thiết lập biết bao nhiêu cơ sở ngầm hai bên biên giới cho đủ, nếu không dựa vào nhân dân.

Thông qua các kế hoạch như 1048 tại địa bàn biên giới Việt - Lào tuyến Sốp Bâu/Hủa Phăn/Lào và Mộc Châu/Sơn La; kế hoạch 1086 của BĐBP Thanh Hóa trên địa bàn huyện Mường Lát và kế hoạch 1368 của BĐBP Nghệ An trên địa bàn huyện Kỳ Sơn và huyện Noọng Hét/Xiêng Khoảng/Lào... có thể nói rằng đề án "Chuyển hóa địa bàn phức tạp về trật tự an toàn xã hội" ở khu vực biên giới của BĐBP đã được tiến hành hiệu quả.

Các đơn vị trên toàn tuyến biên giới đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức 3.772 đợt tuyên truyền tập trung 320.998 lượt người, bồi dưỡng 1.781 già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín làm nhân cốt tuyên truyền, vận động gia đình, dòng tộc, phát hành hàng trăm ngàn tài liệu tuyên truyền, tờ rơi tờ gấp với nội dung đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Không những thế, các đơn vị còn cử trinh sát xuống từng địa phương giúp nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Các đối tượng cùng tang vật là 69 bánh heroin trong chuyên án BĐBP phối hợp với Công an tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) triệt phá thành công.

Trong quá trình bám cơ sở, họ đã tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập các hội đồng tự quản, các tổ tự quản ANTT ở cơ sở để làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện và cung cấp cho các cơ quan chức năng các hiện tượng liên quan đến tội phạm.

Điều đáng nói là các kế hoạch nói trên không chỉ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với bà con biên giới của Việt Nam mà ngay cả phía các bản đối diện bên kia biên giới cũng bắt đầu có sự thay đổi. Trước đây, các bản phía bạn đối với lực lượng chức năng nước bạn là địa bàn “trắng”. Gần như 100% người dân ở các bản này có liên quan đến ma túy nên phía bạn cũng ngại động chạm tới.

Khi ta kéo bạn cùng vào cuộc, truyền cho bạn kinh nghiệm vận động và ủng hộ bạn với cả tấm lòng, đồng cam cộng khổ thì một số quần chúng tốt ở các bản trên đã thể hiện thái độ đồng tình hợp tác. Hiện nay, lực lượng chức năng nước bạn đã cắm được một tổ công tác tại cụm bản này, bước đầu thiết lập lại tình hình trật tự trong vùng biên giới nước bạn.

Đất nước hòa bình, các anh vẫn hi sinh

Trở lại câu chuyện của người liệt sỹ đã làm bầu trời Bát Mọt rưng rưng nước mắt và từng dải mây cứ vấn vít chít khăn xô trên đỉnh núi. Thiếu tá Vi Văn Nhất, cán bộ Phòng phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Thanh Hóa được lệnh tăng cường lên xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân để tham gia đợt cao điểm đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt - Lào. Vốn dĩ gia đình anh ở Bát Mọt nhưng cả đợt cao điểm, anh chỉ kịp tạt qua nhà chốc lát rồi lại căng mình trên những chốt chặn dọc đường biên.

Ông Vi Văn Bàn, Trưởng bản Đục, xã Bát Mọt vẫn chưa quên cảm giác bàng hoàng khi nghe tiếng súng nổ phía biên giới và thân hình đẫm máu của 3 chiến sĩ biên phòng. Trước đó không lâu, Vi Văn Nhất và đồng đội của anh đã trực tiếp khám xét và bắt giữ một đối tượng xâm nhập biên giới có biểu hiện nghi vấn và chiến đấu chống trả lại những loạt đạn xối xả từ bên kia đường biên của nhóm đối tượng hòng giải cứu đồng bọn. Anh hi sinh trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, trong vòng tay đồng đội và nhân dân bản Đục, để lại người mẹ già, người vợ chưa có công ăn việc làm ổn định và hai đứa con thơ.

Nhìn gương mặt trĩu nặng của Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP khi ông ghé vai di quan người đồng đội, người chiến sĩ quả cảm của mình, lại nhớ lời ông từng quán triệt tới từng trinh sát rằng, quyết đấu với tội phạm nhưng luôn nâng cao cảnh giác để đảm bảo an toàn tính mạng cán bộ. Ông nói, chiến công của lực lượng là rất quan trọng nhưng không gì quan trọng hơn tính mạng và sức khỏe của những con người đã và đang lập nên chiến công cho lực lượng.

Ông dõi theo từng bước đi của anh em, yêu cầu phải thận trọng tính toán kỹ từng phương án để đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ cũng như đảm bảo tính mạng cho bọn tội phạm, bắt chúng phải chịu những bản án thích đáng theo quy định của pháp luật, có như vậy, hình ảnh người lính biên phòng mới sáng đẹp trong mắt đồng bào. Vậy mà, những kẻ mang tâm địa hiểm độc vẫn không từ một thủ đoạn nào để tước đi sự bình yên trên biên giới, tước đi sinh mạng của các anh.

Hãy yên nghỉ, hỡi người trai biên phòng đã hi sinh vì quê hương mình. Khi ngôi sao trên nền xanh tươi mới ghi nhận một chặng đường phấn đấu còn chưa kịp đậu trên vai thì anh đã vụt hóa thành ngôi sao đêm lấp lánh trên bầu trời  Bát Mọt. Đồng đội và nhân dân sẽ luôn nhớ đến anh và những người đã anh dũng ngã xuống trên trận tuyến này như Trung úy Lù Văn Hinh, Thượng úy Lương Minh Năm (BĐBP Điện Biên), Thượng úy, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lù Công Thắng (BĐBP Sơn La), Đại úy Ngô Văn Vinh (BĐBP Lạng Sơn) cùng hàng chục đồng chí khác đã bị thương, bị phơi nhiễm HIV khi làm nhiệm vụ.

Sự hi sinh của anh hôm nay sẽ không làm chúng tôi chùn bước trước những kẻ đang rập rình mang đau thương đến với những gia đình Việt, bôi xóa tên những bản làng nhỏ bé trên bản đồ biên cương đất Việt vì vấn nạn ma túy và HIV. Thử thách và những mất mát ấy đã và đang hun đúc cho lòng người thêm bền gan vững chí, để những chiến sĩ đặc nhiệm biên phòng hôm nay vẫn luôn kiên cường, bản lĩnh đối mặt với hiểm nguy, đấu trí, đấu lực với những kẻ xấu trong bóng tối để bảo vệ một dải biên cương bình yên.

Góp phần thực hiện thắng lợi “Chiến lược quốc gia phòng chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ với tinh thần quyết tâm cao nhất.

Phạm Vân Anh
.
.