Chuyện ghi ở đất Phật

Thứ Năm, 05/02/2009, 17:30
Sau khi giới thiệu: "Là sinh viên Khoa Du lịch Trường đại học KHXH&NV vừa tốt nghiệp, về đóng góp xây dựng quê hương", gã lăng xăng thu của mỗi khách 30 nghìn đồng. Đợi đủ 50 khách hắn mới dẫn cả đoàn đi loằng ngoằng chui hết qua vườn nhà này sang nhà nọ, Có đoạn, cả đoàn phải lách người chui qua bờ tường có cái lỗ chỉ vừa đúng một người qua.

Bị "vặt" ngay trước cửa Phật

Sáng ngày 6 tháng Giêng âm lịch, đúng ngày khai hội chùa Hương, chúng tôi lên đường hành hương về đất Phật từ 6 giờ.

Qua cầu Hà Đông, đã thấy rất nhiều đối tượng cò mồi phóng đuổi theo xe ôtô để chèo kéo. Một cò kiên trì phóng xe bám theo chúng tôi. Đường tắc nên phải bò đến gần 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới vượt qua được hơn 50km để về đất Phật.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mùa lễ năm nay vẫn còn hiện tượng cò mồi nhưng các hoạt động dịch vụ của chùa Hương đã bớt nhộn nhạo hơn trước. Đặc biệt là giảm hẳn hiện tượng "tua chui".

"Tua chui" ở đây là "chui" cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Còn nhớ, năm ngoái, người viết bài này trong lần đầu tiên đi lễ chùa Hương chưa biết nếp tẻ đã bị cò mồi chăn dắt, dẫn vào một "tua du lịch"... chui bờ rào.

Sau khi giới thiệu: "Là sinh viên Khoa Du lịch Trường đại học KHXH&NV vừa tốt nghiệp, về đóng góp xây dựng quê hương", gã lăng xăng thu của mỗi khách 30 nghìn đồng. Đợi đủ 50 khách hắn mới dẫn cả đoàn đi loằng ngoằng chui hết qua vườn nhà này sang nhà nọ, Có đoạn, cả đoàn phải lách người chui qua bờ tường có cái lỗ chỉ vừa đúng một người qua.

Chỉ khổ mấy người khách nước ngoài xì xồ xì xào vì bụng to chui không lọt, tên cò lại chạy vào nhà dân mượn cái búa tạ phang bay thêm mấy hòn gạch, mấy người khách này mới thoát hiểm để đi cùng đoàn. Đi loằng ngoằng mất hơn chục phút cả đoàn mới ra được bến Đục. Đến đây khách được dẫn ra 2 đò: "Đây là đò nhà em, chúc các bác lên đường may mắn".

Khi thuyền ra giữa dòng thì người lái đò "nọc" ra thu mỗi người 20 nghìn đồng, mọi người nhao nhao thì chẳng thấy bóng "hướng dẫn viên chui" lúc nãy đâu. Gã chèo đò ráo hoảnh: "Em quen biết gì với thằng lúc nãy đâu. Các bác cho em xin tiền, không bảo vệ người ta kiểm tra vé thì phiền". Mỗi người đành "ngậm đắng nuốt cay" móc tiền ra nộp.

Rút kinh nghiệm "tua chui" năm ngoái, năm nay, tôi vào mua vé đàng hoàng. Cả đoàn phóng viên vác máy ảnh máy quay xuống bến, dù đã mua đủ vé đò, vé vào thăm di tích nhưng chúng tôi vẫn không thể nào lên thuyền được. Tên cò cười: "Cứ đứng đó mà chờ mỏi chân, gọi khản cổ cũng chả ai chở các bác đâu. Về thuyền nhà em đây này".

Rồi hắn mặc cả: "Năm người các bác, em xin hai trăm rưỡi tiền đò cả đi và về".

Cả đoàn tá hỏa:

- Nhưng bọn tôi mua đủ cả 5 vé đò rồi cơ mà!

- Các bác đến cửa Phật thương cho chúng em chứ mỗi vé Ban tổ chức bán ra trừ đầu trừ đuôi cũng chỉ trả chúng em được khoảng 10 nghìn đồng. Mà phải cuối hội, 3 tháng nữa mới lấy được cơ. Từ giờ đến đó bọn em ăn bằng... niềm tin mà chèo đò à? Thôi em xin trăm rưỡi!

Sau khi chúng tôi ngậm ngùi 5 người chung đủ 150 nghìn đưa cho tên cò mồi, bằng cái giọng đầy "cảm thông" hắn lý sự:

- Các bác phải hiểu là ở đây nhà nước quản lý nhưng tư nhân kinh doanh. Chúc các bác lên đường may mắn, năm mới trời phật phù hộ phát tài phát lộc nhé!

Nghe lời chúc của tên cò mồi mà cả đoàn từ chỗ đang rất tĩnh tâm để chuẩn bị vào đất Phật chuyển sang... tức như bò đá.

Thấy chúng tôi bực bội, ra đến giữa dòng, người chèo đò gầy gò khắc khổ trình bày: "Tôi cũng chỉ đi làm thuê thôi. Người lúc nãy là chủ đò, ông ấy lo đi bắt khách, trả cho tôi mỗi tháng 1 triệu đồng tiền chèo, cả mùa lễ là 3 triệu đồng. Không có nghề gì thì đành đi chèo chứ cả tháng được triệu bạc đổ hết vào ăn uống cả”.

Qua câu chuyện của người lái đò thì chúng tôi mới biết chuyện những chủ đò lươn lẹo, nghĩ ra đủ kế "vặt" khách chỉ có ở những chủ đò máu mặt nằm "biên chế" của các đường dây chuyên chèo kéo, chăn dắt khách. Họ lập cả một đường dây rải người lên tận Ba La, Hà Đông để bắt khách. Khi tống được khách lên thuyền thì họ tha hồ mặc cả, chặt chém.

Đến mùa lễ hội năm nay, trên suối Yến có khoảng 7.000 đò hoạt động. Tính trung bình mỗi đò chở 10 người thì số khách đi đò có thể lên đến 7 vạn người. Trong khi đó, những ngày cao điểm của lễ hội, lượng khách hành hương cũng chỉ dừng lại ở mức dưới 4 vạn người.

Như vậy, không thể lấy lý do khách đông - đò thiếu để mang ra biện minh cho việc các chủ đò chặt chém hành khách được. Ban tổ chức cứ thả sức phát hành vé, còn chủ đò cứ thả sức "chặt chém" theo kiểu "phép vua thua lệ làng". Dự tính mùa lễ hội năm nay Ban tổ chức phát hành khoảng 1,4 triệu vé.

Năm nay, suối Yến đã được mở rộng chiều ngang từ 25 lên 42m tạo điều kiện cho lượng đò lưu thông lớn hơn. Cũng vì đó mà các chủ đò tha hồ nhét khách. Phổ biến nhất trên suối Yến là 2 loại đò: loại đò đơn 1 tay chèo được phép chở 5 người còn đò 2 tay chèo được phép chở 12 người.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhóm phóng viên thì hầu như đò nào cũng chở gấp đôi số khách quy định. Nhiều đò chở quá tải, thành đò mấp mé nước chỉ chừng chục xentimét, chỉ cần ai đó trên đò trở mình, nghiêng người một cái thì toàn bộ hành khách coi như... xuống suối.

Kỷ lục nhất có lẽ là con đò đôi đi ngay sát chúng tôi, quy định chỉ chở tối đa 12 người nhưng chủ đò nhét những 37 khách, tính cả 2 lái đò nữa thì chiếc đò bé tẹo chở gần gấp rưỡi chiếc ôtô chở khách Couter. Tôi hỏi với sang: "Sao chở tham thế, nhỡ chìm thì làm sao?”.

Chị lái đò vừa tóp bụng chèo vừa thở hổn hển cười trấn an: "Đi mãi rồi, mấy năm mà có lật bao giờ đâu mà lo. Chúng em lái đò có bằng cấp hẳn hoi. Em qua đợt kiểm tra... tay chèo rồi đấy".

Chị lái đò nói chưa dứt câu thì xuồng cao tốc của Thanh tra giao thông phóng vù qua làm sóng suýt tràn cả lên đò chị. Quá tải là thế, nguy hiểm là thế mà chả thấy Thanh tra giao thông ý kiến ý cò gì. Như cánh lái đò chậc lưỡi: họ đi... cho có lệ ấy mà!

Trong suốt hành trình trên xuồng từ bến Đục vào tận chân chùa Thiên Trù, chúng tôi không hề thấy có lực lượng chức năng nào nhắc nhở hay xử phạt hiện tượng chở người quá quy định này. Cái giá của sự buông lỏng kiểu này có lẽ phải chờ đến khi xảy ra hậu quả đau lòng thì mới thấy!--PageBreak--

Trò bịp quanh các quán thịt thú rừng

Đặt chân lên bến Trò, bến cuối của dòng suối Yến du khách sẽ phải đi qua một dãy hơn 30 quán phục vụ ăn uống. Quán nào cũng treo lủng lẳng thịt thú rừng, thôi thì đủ: hươu, nai, hoẵng, cầy hương, cầy vòi và còn có cả... "mộc tồn" truyền thống.

Nhưng theo cụ Trần Văn Đức, 70 tuổi, người gốc ở đây thì: "Núi rừng Hương Sơn này làm gì còn thú rừng nữa đâu mà săn với chả bắn".

Khi chúng tôi băn khoăn: "Mua bán, làm thịt thú rừng công khai thế mà Kiểm lâm không xử phạt gì à?". Cụ Đức cười: "Làm gì có ai bán thú rừng mà phạt, toàn treo đầu dê bán thịt chó cả".

Thì ra, lượng thịt gọi là "thú rừng" ở đây rất ít và chủ yếu là bán chui bán lủi. Những loại gọi là "thú rừng" treo bán công khai đa số đều là thịt chó, thịt thỏ, thịt mèo. Các con vật đều được thui chín, vàng ươm: mèo nhỏ thì cho thành "cầy đá", "sóc"; mèo to, thỏ sau khi cắt tai thì là "cầy hương, chồn"...

Còn công nghệ "chế tạo" chó thành "cầy vòi" thì phức tạp hơn một tý: sau khi giết thịt, toàn bộ phần xương sọ con vật đã bị đập nát rồi khéo léo moi ra, cái đầu chỉ còn phần da và thịt và khi treo móc hàm, sức nặng của toàn bộ cơ thể đã kéo cái mõm không xương của con chó dài ra như cái vòi.

Hơn 30 cửa hàng ăn uống, cửa hàng nào cũng nghi ngút mùi thịt thú rừng, xúc xích nướng. Tâm thế thanh tao trước khi bước vào đất Phật đã hao tổn ít nhiều.

Vẫn chuyện bi hài quanh cái cáp treo

Hai năm trở lại đây, Lễ hội chùa Hương có nét mới là hệ thống cáp treo. Thay vì phải leo bộ hơn tiếng đồng hồ, du khách chỉ mất có 4 phút để vào đến động Hương Tích. Công trình gần 80 tỉ đồng đã được đưa vào sử dụng sau nhiều năm tranh cãi và cho đến bây giờ tranh cãi vẫn chưa dứt.

Người thì cho rằng: có cáp treo đi nhanh và tiện; người thì cho rằng ngồi cáp treo khác gì cưỡi lên đầu Phật, như thế thì còn gì là linh thiêng. Vả lại bay vù vù mấy phút lên thắp hương lại "bay" về thì lấy đâu ra thời gian mà tĩnh tâm suy ngẫm về những triết lý sâu xa của nhà Phật.

Lực lượng Công an được triển khai thành nhiều chốt, trạm giữ gìn ANTT trong những ngày lễ hội.

Theo quan sát của chúng tôi thì phần nhiều những người mua vé đi cáp treo là thanh niên trai trẻ ngại cuốc bộ hoặc thích tận hưởng cảm giác mạnh. Nhiều người già vẫn kiên trì, lặng lẽ chống gậy nhấc từng bước qua các bậc đá để được thăm thú, thưởng ngoạn đầy đủ cảnh đẹp xứ Phật.

Giá vé đi cáp treo khá "chát" 70 nghìn đồng/ người/lượt đi - về nhưng nhà ga cáp treo lúc nào cũng đông nghịt người. Hàng trăm người dồn vào cửa dích dắc chen lấn, xô đẩy khiến lực lượng bảo vệ, điều hành luôn ở trong tình trạng quá tải.

Chen lấn, xô đẩy khiến không ít va chạm xảy ra: hai thanh niên chẳng hiểu đùn đẩy kiểu gì mà xông vào đấm nhau loạn xạ khiến bảo vệ được phen toát mồ hôi để giải tán.

- Đã ăn thua gì, phải xảy ra "lễ chiến" mới buồn cười! - Chị bán hàng trước nhà ga cáp treo kể cho tôi nghe nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Hai đoàn, mà nghe giọng nói cũng đoán được họ từ hai địa phương đến, mỗi đoàn hơn chục người xếp lễ để lên động Hương Tích thắp hương. Chen lấn xô đẩy thế nào mà tay của một anh chàng trong nhóm kia lại quờ đúng người của một cô trong đoàn nọ.

Thế là cô gái quay sang lôi đủ cả "niềm tự hào địa phương" ra chửi như hắt nước vào mặt. Chàng trai chẳng biết cố ý hay vô tình nhưng cũng chẳng phải vừa quay sang "vạc" lại cho bõ tức. Thế là bao nhiêu lễ lạt hương vàng, hoa quả, oản cả hai đoàn vác ném nhau chí chết.

Hay chuyện mấy chàng thanh niên ra đi lễ chùa tiếc 2 nghìn  vào nhà vệ sinh dã chiến liền hồn nhiên chạy ra vách núi "trút bầu tâm sự". "Tè bậy" xong thấy ngay mấy thanh niên chạy đến bắt phải nộp tiền vì làm khai mù làng xóm. Thế là "choảng" nhau loạn xị ngậu. Chỉ khổ cho mấy chàng, bị trai làng Yến Vĩ rượt chạy đến nước phải nhảy cả xuống suối Yến, lội sang mãi bờ bên kia mới thoát... Toàn những chuyện nghe chả "thanh tịnh" tý nào.

Thượng tá Nguyễn Công Bộ, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức cho biết, ngay từ sáng mùng 3 tết, lực lượng công an 3 huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai đã họp để bàn các phương án bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự trong 3 tháng lễ hội.

Lực lượng công an được triển khai thành nhiều chốt trạm, ở những địa điểm nhạy cảm. Trong đó, có 4 chốt vòng ngoài gồm Sân Ga, Đục Khê, Đền Trình, bến Trò và 3 chốt tuyến trong gồm Thiên Trù, Cáp Treo, Hương Tích.

Ngoài ra còn bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông ở những nơi thường xuyên tắc nghẽn để phân luồng. Đáng ghi nhận là việc lực lượng Công an xóa được 42 động giả, chùa giả. Mùa lễ năm nay, các hiện tượng mê tín dị đoan, bói toán hay các tệ nạn như cờ bạc biến tướng hầu như không còn.

Sau một ngày du hành ở đất Phật, chúng tôi xuống bến Thiên Trù lúc 17 giờ và "bỗng dưng muốn khóc" khi không thấy đò của mình đâu. Một thanh niên trai tráng được cử ra Trạm phát thanh gọi lái đò nhưng người cũng xếp đông nghịt: người mất điện thoại, rơi giấy tờ,  quan trọng hơn nhiều nên cũng không thể xin chen chân lên trước được.

Chờ hơn 1 tiếng đồng hồ thì người chèo đò xuất hiện, thì ra bác ta bị chủ đò gọi về bến Đục tranh thủ làm thêm một "cuốc". Chúng tôi còn may mắn vì không bị "xù đò", nhiều trường hợp giở khóc giở cười vì trả tiền trước, đến lượt về không thấy đò đâu. Giá mà Ban tổ chức viết thêm cảnh báo "xù đò" vào những tấm biển dọc suối Yến thì hay biết mấy.

Đến đoạn Cầu Hội, hàng ngàn con đò ứ lại tạo nên cảnh "tắc đò" hỗn loạn trên suối. "Đợi hết tắc thì phải 10 giờ đêm mất" - Thế là bác chèo đò phải đi vòng tránh tắc ở đoạn suối dài thêm 4km. Chèo được đến gần bến thì người lái đò cũng mệt nhoài, nói chẳng nên lời. Chúng tôi mỗi người cũng tự nguyện chung vào mấy chục nghìn đồng biếu, gọi là công bác chèo thêm đoạn đường.

Đọc báo, xem tivi nhiều và tôi dám cá rằng người dân Việt Nam mình "lòng thành" với đức Phật có lẽ thuộc hàng... nhất quả đất. Hành hương vất vả là thế, bị "chăn", bị "vặt" đến tơi tả vẫn cố lên Hương Sơn để dâng lên đức Phật nén nhang bày tỏ lòng thành.

Đành rằng triết lý nhà Phật thiên về khổ hạnh nhưng nếu cứ để cho quá nhiều thứ lộn xộn mãi thế này, e rằng đức Phật anh linh chả thể tiếp tục ngồi yên mà tọa thiền trên vách đá Hương Sơn!

Bài: Hoàng Thắng - Mỹ Hiền. Ảnh: Trang Dũng
.
.