Chuyện ghi ở văn phòng luật sư của người nghèo

Thứ Năm, 20/11/2008, 10:45
Cái văn phòng luật sư nho nhỏ của Trịnh Thanh nằm cách trại giam khám Chí Hòa vài mươi mét, không có gì đặc biệt ngoài dòng chữ "Văn phòng luật sư người nghèo". Cả con đường Hòa Hưng này, văn phòng luật sư nào chẳng có thêm dòng chữ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, nhưng từ cái chữ trên bảng hiệu đến những câu chuyện trắng đen pháp đình mà người nghèo mắc phải là cả một quãng đường dài.

Người ta vẫn quen gọi Trịnh Thanh là ông luật sư của người nghèo, cách gọi ấy có phải như một lời khen tặng hay chỉ là danh xưng để phân biệt với những luật sư khác. Chúng tôi không bàn cãi về điều đó, chỉ biết những gì mà vị luật sư trẻ tuổi này làm được cho người nghèo lớn hơn rất nhiều so với cái cụm từ ấy.

Cái văn phòng luật sư nho nhỏ của Trịnh Thanh nằm cách trại giam khám Chí Hòa vài mươi mét, không có gì đặc biệt ngoài dòng chữ "Văn phòng luật sư người nghèo". Cả con đường Hòa Hưng này, văn phòng luật sư nào chẳng có thêm dòng chữ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, nhưng từ cái chữ trên bảng hiệu đến những câu chuyện trắng đen pháp đình mà người nghèo mắc phải là cả một quãng đường dài.

Luật sư Trịnh Thanh mới ngoài 30, cái tuổi trẻ đến mức gây ngạc nhiên cho người phỏng vấn. Trịnh Thanh quê Hải Dương, theo gia đình vào Vũng Tàu rồi lên TP HCM trọ học đại học. Tốt nghiệp Khoa Luật, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, anh đảm nhận công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo ở Hội Luật gia Việt Nam tại TP HCM.

Những ngày đảm nhận công việc ở đây, Trịnh Thanh sớm đúc kết được nhiều cái mà người nghèo không có, nổi bật hơn cả là chuyện: sự hiểu biết quá ít về pháp luật do nhận thức. Gần như, chính bản thân họ cũng không thể bảo vệ được họ trước mỗi tình huống liên quan đến pháp luật dẫu là nhỏ nhất.

Trịnh Thanh nói có cảm giác là người Việt Nam chúng ta ngại đến văn phòng luật sư, người giàu cũng ngại chứ nói gì đến người nghèo. Trong khi đó những vấn đề về pháp lý hiện không hề đơn giản, nhiều vụ việc cách hiểu và áp dụng của chính các cơ quan thẩm quyền còn khác nhau. Bởi vậy, khi tiếp xúc nhiều với họ, Trịnh Thanh vẫn luôn ao ước cái ngày anh có đủ khả năng để mở một văn phòng để có thể hỗ trợ người nghèo về mặt pháp lý.

Chỉ về mặt pháp lý thôi, bởi đơn giản, Trịnh Thanh và vợ hiện tại vẫn ở nhà mướn. Căn nhà vợ chồng anh thuê trên đường Hòa Hưng phía trước đặt văn phòng luật sư, phần phía sau là nơi để vợ chồng sinh hoạt. Trịnh Thanh chẳng khá giả gì.

Trong câu chuyện về những thân chủ nghèo của mình, Trịnh Thanh hay nhắc đến các vụ án oan.

Hơn 3 năm trước,  thời điểm mới khai trương, văn phòng của Luật sư Trịnh Thanh tiếp vị khách là một phụ nữ nghèo đến nhờ bào chữa cho con. Người phụ nữ ấy đi thăm con đang bị tạm giam ở Chí Hòa, từ cổng trại giam ra đầu đường Hòa Hưng, thấy cái biển hiệu của văn phòng bà tạt vào xin giúp, như là sự cầu may.

Con trai bà tên Đ, bị cho là chủ mưu trong một vụ trộm cắp tài sản. Câu chuyện bắt đầu từ ngày Đ. được nhận vào làm nhân viên trong một trạm xăng, cùng làm với Đ. còn có một nhân viên lâu năm khác tên N. Một đêm, lực lượng dân phòng của khu vực khi đang trên đường tuần tra phát hiện N. loay hoay vượt tường trạm xăng để ra ngoài. Thấy biểu hiện nghi vấn, họ chặn N. lại để khám xét thì phát hiện trong người N. đang có hơn 10 triệu đồng, họ đưa N. cùng số tiền trên về Công an phường để lấy lời khai. Lúc này, chủ trạm xăng cũng đã phát hiện ra số tiền bị mất.

Tại Công an phường, N. khai nhận hành vi trộm cắp của mình. Tuy nhiên, N. cũng khai thêm rằng chủ mưu vụ trộm này là Đ. Tội nghiệp cậu bé vừa thành nhân viên trạm xăng được một ngày thì lập tức biến thành bị can. Tòa sơ thẩm kết án Đ. 1 năm tù, khi bản án vừa được tuyên là lúc Đ. khản giọng kêu oan. Mẹ Đ, cả đời sống trong lam lũ, bà chỉ biết đưa cặp mắt đỏ hoe nhìn con mình vướng vòng lao lý. Trong thâm tâm bà, bao giờ Đ. cũng là đứa trẻ ngoan.

Tìm đến Luật sư Trịnh Thanh, bà cứ luôn miệng:  "Con tui, tui đẻ ra nó, nuôi dạy nó nên tui biết nó không làm chuyện xấu đó đâu, chú ơi!". Trịnh Thanh kể ánh mắt của mẹ Đ. sao buồn thế, buồn đến mức ám ảnh anh. Trịnh Thanh nhận lời làm luật sư bào chữa cho Đ. Anh nói, với giới luật sư bao giờ phiên phúc thẩm cũng được xem quan trọng như là hiệp 2 của một trận bóng đá.

Chuyên viên văn phòng luật sư đang trợ giúp pháp lý cho người nghèo.

Lần ấy, Tòa phúc thẩm đã tuyên vô tội, trả tự do cho Đ. ngay sau đó. Khỏi phải kể chuyện vui mừng và những giọt nước mắt của hai mẹ con Đ đã rơi nhiều như thế nào. Với Trịnh Thanh, anh lại tiếp tục hỗ trợ Đ. làm đơn yêu cầu bồi thường oan sai. Giáp tết 2005, Đ. nhận được khoản bồi thường oan sai gần 20 triệu đồng cho 8 tháng ngồi tù oan của mình. Điều quan trọng hơn cả, Tòa sơ thẩm - nơi kết án Đ. đã  xin lỗi thân chủ của anh công khai trên báo chí và tại địa phương.

Ngày cuối năm, Đ. chạy xe mới chở bạn gái đến văn phòng luật sư thăm Trịnh Thanh. Đ. khoe với anh rằng Đ. trích một khoản tiền bồi thường  mua xe để làm phương tiện đi làm. Mẹ Đ. gửi tặng văn phòng một gói trà Bắc cùng lời mời đến nhà ăn cơm tất niên. Nhưng, như anh nói: "Nhìn Đ. rạng ngời bên cô bạn gái xinh xắn, tôi như thấy mặt trời của ngày đầu năm đang đến rất gần". Có lẽ, đó chính là món quà lớn nhất mà Trịnh Thanh nhận được.

Còn một câu chuyện liên quan đến người mẹ nghèo ở TP HCM đi kêu oan cho con. Bà mẹ ấy có đứa con gái bị Tòa sơ thẩm kết án 10 năm tù  vì  tội "Mua bán trái phép chất ma túy". Một ngày, bà vừa bán rau ở chợ về thì nhận được tin con gái bị bắt. Thương con, người mẹ ấy cứ liên tục gõ cửa các cơ quan chức năng kêu oan cho con. Tòa tuyên là chuyện của tòa, chứ riêng bà, bà tin rằng con bà vô tội. Rồi bà tìm đến Luật sư Trịnh Thanh.

Trịnh Thanh kể lần nào như lần ấy, bà đều đến văn phòng của anh với bộ đồ bà ba, quần ống cao ống thấp. Khi ngồi xuống ghế bà mới vội vội vàng vàng thả hai ống quần xuống rồi nói như phân bua: "Tui đi chợ, sẵn tạt qua thăm luật sư, tui nói vài câu rồi tui đi liền".

Lần gần đây nhất, bà lại đến văn phòng của Trịnh Thanh đưa cho anh quyển tập 100 trang chép tay toàn những điều liên quan đến luật, từ Bộ luật Hình sự đến tố tụng hình sự, cả những thông tư liên ngành... Bất cứ điều luật hay văn bản nào mà bà cảm thấy liên quan đến vụ án mà con bà đang mắc phải bà đều chép vào hết. Đó là lần đầu tiên Luật sư Trịnh Thanh nhận được sự hỗ trợ luật độc đáo đến vậy. Anh hỏi bà mẹ ấy lấy đâu ra nhiều điều luật đến thế, bà bảo bà vào nhà sách, tìm các quyển sách luật đọc. Thấy đoạn nào liên quan đến vụ án của con bà, bà liền viết lại.

Cho đến giờ, sau hai lần hủy án, vụ án con gái của người phụ nữ bán rau đó sắp được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 3. Lần này, theo Trịnh Thanh nếu vụ án còn cứ bị Tòa án "hủy tới hủy lui", anh sẽ đề nghị Bộ Công an giải quyết để đảm bảo tính khách quan cho thân chủ của mình.

Khi được hỏi về những "vụ án vắcxin" mà Luật sư Trịnh Thanh từng tham gia bảo vệ trong thời gian gần đây. Anh có vẻ trầm ngâm khi nói về những vụ việc đòi bồi thường liên quan đến vắcxin, không phải anh ngại vì mình phải bỏ công mà không thu phí. Anh ngại bởi sự lận đận mà những thân chủ nghèo của anh liên tiếp gặp phải.

Người đàn ông có tên là Tr, quê ở Hậu Giang. Trịnh Thanh nói cái nhà của anh không thể gọi là nhà, mà chỉ đại loại là cái lều, nơi có thể chui ra chui vào mà thôi. Tr. bị chó cắn, lo ngại bị bệnh dại, nên anh đi tiêm vắcxin phòng dại ở trạm y tế địa phương. Vừa tiêm xong vắcxin thì anh Tr. bắt đầu có những triệu chứng sốc thuốc dẫn đến đột quị.

Giờ anh Tr. nằm đó, không cử động, không tự thở được dẫu vẫn nhận thức hoàn toàn mọi chuyện xung quanh. Vợ anh, ngày ngày đi hái rau om, rau răm ở mấy cái đìa gần căn lều vợ chồng anh đang ở bán kiếm sống. Một bó rau bán chừng được 200 đồng, thu nhập mỗi ngày cao lắm là 5 nghìn đồng. Trước khi bị đột quị, anh Tr. cũng đi làm mướn.

Rồi Trịnh Thanh giúp gia đình anh Tr. kiện, một vụ kiện khó. Trịnh Thanh kể vụ kiện này cũng lận đận như đời anh Tr. Phải 6 tháng sau ngày nộp đơn kiện, Tòa mới triệu tập được các bên đương sự đến, nhưng vẫn thiếu đơn vị sản xuất ra liều vắcxin quái ác kia. Sự việc cũng chưa đi đến đâu vì đơn vị sản xuất vắcxin và bên tiêm vắcxin vẫn chưa thống nhất được với nhau. Hai bên cứ cãi qua cãi lại, anh Tr. vẫn nằm đó. Còn luật sư thì chỉ biết dùng luật và muốn khiếu kiện thắng lợi phải có bằng chứng. Mà bên y khoa cho đến giờ vẫn khó có thể chứng minh bệnh nhân bị đột quị có phải là do vắcxin hay không?

Đành lòng, gia đình anh Tr. phải xin tạm đình chỉ, chờ kết luận giám định chính thức. Dù rằng khi anh Tr. bị tai biến, Bộ chủ quản đã ra quyết định ngừng sử dụng loại vắcxin này để ngăn ngừa những tai biến khác.

Trịnh Thanh nói qua kết luận của bác sĩ, tài liệu... anh chưa dám kết luận bất cứ điều gì về kết quả của vụ án. Bởi luật pháp hiện nay dường như còn bị động với những loại vụ việc kiểu này. Bằng chứng là một dự luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm, quy định về trách nhiệm bồi thường khi tiêm chủng mở rộng trong đó xác định trường hợp nếu: giám định không xác định được nguyên nhân thì nhà nước vẫn phải bồi thường, nhưng  lại vừa mới được ban ra chỉ có hiệu lực từ ngày 1/7/2008. Anh nói, cho dù bản án cuối cùng là như thế nào, thì những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên tình trạng hiện tại của anh Tr. hoặc bé D. cũng không thể thanh thản được...

Rồi còn vụ Trịnh Thanh nhận bào chữa cho bị cáo Lê Bá Mai (26 tuổi) tại Bình Phước, trong vụ án rất nổi tiếng, thường được giới truyền thông đặt cho cái tên là "Vụ án vườn mít". Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã tuyên Lê Bá Mai án tử hình, phiên tòa phúc thẩm cũng tuyên y án sơ thẩm. Nhưng, Trịnh Thanh đã lần lượt xâu chuỗi những chi tiết nhỏ để đi đến một minh chứng trái ngược lại với bản án.

Cuối cùng, nhờ sự quan tâm của công luận và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đối với “vụ án vườn mít”, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau đó Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tái khẳng định, việc xử bị cáo Lê Bá Mai về tội giết người và hiếp dâm trẻ em là chưa đủ cơ sở vững chắc. Vụ án đang được tiếp tục xem xét. Khi nói về vụ án nổi tiếng này, Trịnh Thanh không giấu được vẻ băn khoăn trước những chứng cứ mà anh thu thập được, trong khi đó thân chủ của anh đã bị giam giữ gần 5 năm rồi còn gì.

Chúng tôi hỏi anh là cứ làm miễn phí cho người nghèo, rồi văn phòng lấy gì để hoạt động. Anh nói, khoản thu duy nhất của văn phòng là từ tư vấn luật cho doanh nghiệp, có thế thôi. Văn phòng mở ra mong muốn giúp đỡ về mặt pháp lý cho người nghèo, thì không thể bàn chuyện lỗ lãi.

Chia tay anh buổi sáng, buổi chiều Trịnh Thanh có e-mail cho tôi, nội dung đại khái là: "Thanh nghĩ viết chân dung sao cho người nghèo xem văn phòng là một địa chỉ tin cậy khi họ cần, không phải là chuyện dễ đâu nhé" và thêm một số tư liệu tra cứu cho chuẩn xác.

Đồng ý với Luật sư Trịnh Thanh là viết cho người nghèo xem văn phòng của anh là một địa chỉ tin cậy khi cần không phải là dễ. Có những câu chuyện mà con chữ không thể nào chuyển tải nổi. Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng, có những chuyện vượt ra ngoài quy luật mà phương tiện truyền thông hoặc tin đồn chuyển tải. Đó chính là công việc của anh và những người cộng sự đang làm. Công việc cần có một tấm lòng nhân ái.

Liên quan đến vấn đề trợ giúp pháp lý miễn phí ở các văn phòng luật sư tại TP HCM, chúng tôi đã trao đổi thêm với Luật sư Nguyễn Vinh Huy hiện đang công tác tại Công ty Luật Thịnh Trí.

Theo Luật sư Huy thì bắt nguồn từ chuyện nhận thấy sự mơ hồ về luật của người dân nói chung, công ty đã quyết định hỗ trợ tư vấn luật miễn phí. Tại công ty luật này, bất kể người giàu hay người nghèo, đều được tư vấn tận tình về những thắc mắc liên quan đến luật định, kể cả tư vấn cho doanh nghiệp, tư vấn về tranh chấp đất đai, quyền thừa kế... Nếu cần thiết, công ty sẵn sàng hướng dẫn các thủ tục cần thiết trước khi bắt đầu tranh chấp theo luật định.

Trên thực tế, không hẳn bất cứ văn phòng hoặc công ty luật nào cũng có phần "Tư vấn miễn phí".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các luật sư thường tham gia các buổi giao lưu tư vấn cho số đông người dân do các tổ chức truyền thông hoặc chính quyền địa phương mời luật sư tham dự.

Thời gian vừa qua, trên các phương tiện truyền thông, nhiều tình huống được luật quy định đã được phổ biến bằng những cách diễn giải rất bình dân, có thể kể đến chương trình "Chuyện không của riêng ai" do HTV (Đài Truyền hình TP HCM) thực hiện.

T.Thiên - K.Hữu
.
.