Chuyện hay ở xứ Thanh

Thứ Ba, 18/11/2008, 11:00
Tôi về huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đúng hôm UBND huyện tổ chức lễ ra mắt mô hình "doanh nhân với an ninh trật tự". Đó là buổi lễ khá đặc biệt bởi đã có hơn 200 doanh nhân ở trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa là người Nga Sơn; những doanh nhân có tình cảm với Nga Sơn về dự và ủng hộ tới hơn 300 triệu đồng để lập Quỹ "Doanh nhân phòng chống tội phạm". Với nơi chưa phải là giàu như Nga Sơn, đó thực sự là số tiền không nhỏ...

Một đề án nặng nghĩa tình và trách nhiệm

Điều khiến tôi ngạc nhiên khi biết rằng tác giả của mô hình rất mới và thiết thực này không phải là ngân hàng chính sách hay quỹ tín dụng mà chính là Thượng tá Nguyễn Cao Sơn, Trưởng công an huyện Nga Sơn; và ý tưởng xây dựng nên mô hình này lại bắt đầu từ một... vụ án.

Đó là năm 2000, vừa nhận nhiệm vụ Trưởng Công an huyện Nga Sơn, Thượng tá Nguyễn Cao Sơn vẫn nhớ đối tượng chính của vụ án này là một cô gái rất đẹp nhưng vừa mãn hạn tù vì tội chứa mại dâm.

Trong cuộc hỏi cung đầu tiên, khi nghe anh hỏi vì sao vừa mãn hạn tù đã lại phạm pháp, cô ta đã khóc và kể rằng khi đi tù về, bố mẹ đã chết cả, nhà không có, muốn đi làm thuê cũng không được vì không ai muốn thuê một người vừa đi tù về nên cô đành phải về gia đình nghèo khó của chị gái ở nhờ. Không việc làm, bị cả cộng đồng quay lưng, ngày ngày sống trong cảnh nghèo khó khiến cô cùng quẫn. Đúng lúc ấy, có một kẻ buôn ma túy ở huyện bên cạnh tìm đến, cho cô 500 ngàn đồng và rủ cùng đi buôn "hàng trắng", cô chỉ việc mang hàng chứ không phải góp vốn. Vậy là chẳng cần suy nghĩ, cô đồng ý ngay. Lần đó, cô gái ấy bị kết án tới 20 năm tù và cho tới bây giờ vẫn đang trong trại giam...

Rồi đến tết năm 2001, sau khi rà soát, Công an huyện thấy có 11 người là đối tượng hình sự có hoàn cảnh rất khó khăn. Vì vậy anh Sơn trực tiếp xin UBND huyện 5 triệu đồng rồi cho anh em mua rượu, giò, bánh kẹo mang đến từng gia đình tặng đúng sáng 30 tết.

Nhận gói quà từ tay Trưởng công an huyện, có một người đàn ông trong số ấy đã khóc và tâm sự rất thật rằng: "Nếu không có túi quà của các anh thì đêm nay em cũng phải đi "kiếm" cái giò cho các cháu ăn tết chứ để con đói khát cả trong ngày tết thấy cực quá". 

Hai câu chuyện ấy khiến anh Sơn cứ trăn trở mãi bởi làm công an, ngoài việc chống tội phạm thì việc phòng ngừa rất quan trọng. Nếu như cô gái kia khi ra tù không bị cộng đồng xa lánh thì có thể đã trở thành một công dân tốt, tìm được hạnh phúc mới chứ không phải chịu tiếp cái án 20 năm tù; và nếu như không có cân giò vào ngày 30 tết của Công an huyện thì chắc chắn đã lại có một người nữa phạm tội, bởi từ đó đến nay, người này chí thú làm ăn lương thiện. Và ý tưởng phải làm việc gì đó thiết thực giúp đỡ những người từng phạm pháp có cơ hội hoàn lương cứ ám ảnh suốt trong tâm trí đồng chí Trưởng công an huyện.

Nhưng phải làm như thế nào? Đó là bài toán không dễ trả lời bởi muốn giúp những con người từng lầm lỗi trở về với đời rất cần có sự ủng hộ của chính quyền, người dân và nhất là phải... có tiền.

Và phải mất tới mấy năm tính toán, cuối cùng anh quyết định chọn đội ngũ doanh nhân để vận động họ cùng công an tham gia mô hình này. "Tôi chọn doanh nhân bởi họ có 3 thế mạnh: có tiềm lực về kinh tế, có uy tín trong xã hội và có khả năng giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, họ rất cần được bảo vệ về tính mạng, tài sản và môi trường đảm bảo an toàn. Trong khi đó, công an có thế mạnh là những người thực thi pháp luật. Vậy thì tại sao lại không kết hợp hai sức mạnh này để cùng làm một việc chung là đảm bảo an ninh trật tự".

Đầu năm 2008, Thượng tá Sơn bắt tay vào viết đề án. Anh đổ vào đây không ít công sức, ngay như cái tên gọi của đề án cũng phải mấy lần sửa đổi, lúc đầu định lấy tên là "diễn đàn", thấy không được; đổi sang "câu lạc bộ" vẫn không ổn, cuối cùng chọn cái tên là "mô hình".

Lãnh đạo Công an huyện Hậu Lộc tham gia cuộc họp với một tổ an ninh xã hội ở xã Ngư Lộc.

Đầu tháng 7/2008, lần đầu tiên Trưởng Công an huyện Nguyễn Cao Sơn chính thức đưa đề án này ra xin ý kiến Huyện ủy và UBND huyện đồng thời tổ chức một cuộc họp với các doanh nhân trong huyện để lấy ý kiến đóng góp. Khi nghe anh trình bày ý tưởng về đề án này, không ít giám đốc cho rằng đó là một cách công an... "quay" tiền doanh nghiệp, thậm chí có người còn nói luôn rằng "chúng tôi chẳng tham gia thì các ông vẫn cứ phải bảo vệ chúng tôi, vì đấy là việc của công an".

Phải mất tới 5 cuộc họp với cả chính quyền và các doanh nhân, cuộc họp nào Thượng tá Sơn cũng đích thân thuyết trình về mô hình này, trong đó nói rõ đây không phải cách để công an đi xin tiền doanh nghiệp mà thực chất là cách để doanh nghiệp cùng công an bảo vệ cho chính mình, cuối cùng mọi người cũng hiểu ra và ủng hộ.

Thượng tá Sơn kể rằng, trong số những người ủng hộ rất nhiệt tình mô hình này, người khiến anh bất ngờ nhất là một ông giám đốc mà trước đó không lâu vẫn còn rất "dị ứng" với... công an.

Năm ngoái, trong đoàn cán bộ và doanh nghiệp của huyện sang Trung Quốc làm việc có cả anh và ông ấy; khi ra sân bay để về, trong túi anh chỉ còn đúng 50 nhân dân tệ, trong khi ông ấy còn tới mấy chục ngàn "tệ". Nhưng mặc cho ông Trưởng công an huyện cứ đứng tần ngần trước quầy hàng ở sân bay vì món đồ rẻ nhất ở đấy cũng là 60 "tệ", ông này dứt khoát không cho vay thêm 10 "tệ" để đủ tiền mua. Vậy mà sau mấy lần nghe Trưởng công an huyện thuyết trình về mô hình "doanh nhân với an ninh trật tự", ông ấy lại là một trong những người đầu tiên tình nguyện đóng góp cho Quỹ "Doanh nhân phòng chống tội phạm" 8 triệu đồng. 

Đưa cho tôi bản đề án, Thượng tá Nguyễn Cao Sơn nói như khoe: "Nhà báo cứ đọc đi, sẽ thấy rất nhiều cái mới. Dám chắc với anh chưa có địa phương nào trong cả nước có mô hình kiểu này đâu".

Quả thực, cái bản đề án dài 10 trang đánh máy này có nội dung khá mới và... hấp dẫn. Với tiêu chí rõ ràng là chỉ tập hợp những doanh nhân làm ăn nghiêm túc nên trong quá trình chuẩn bị ra mắt, đích thân Trưởng công an huyện đã phải từ chối không ít doanh nghiệp muốn tham gia mô hình nhưng đang thuộc diện làm ăn dây dưa, nợ đọng, dù đối tượng mà mô hình nhắm tới ngoài các doanh nghiệp còn có các chủ trang trại có doanh thu từ 50 triệu đồng/năm và những hộ kinh doanh đóng thuế ở mức 1 triệu đồng/tháng trở lên.--PageBreak-- 

Khi doanh nhân đã góp tiền thì ngược lại, các ngành chức năng và UBND các cấp cũng có trách nhiệm tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ doanh nhân mở rộng đầu tư, hợp tác và phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Giúp đỡ, tư vấn pháp lý, hướng dẫn thực hiện các quy định, quy trình sản xuất, kinh doanh liên quan tới an ninh trật tự; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện một cửa, xóa bỏ mọi quy định, thủ tục rườm rà, thực hiện nhanh thủ tục cấp phép kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho doanh nhân trong huyện và đối tác, bạn hàng bên ngoài vào huyện đầu tư, sản xuất.

Đặc biệt lực lượng Công an sẽ quan tâm bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nhân như tài sản, hàng hóa, thương hiệu, bảo đảm an ninh trật tự trụ sở, văn phòng, nơi sản xuất, kinh doanh; bảo vệ uy tín, tính mạng của doanh nhân và gia đình; giúp thu hồi công nợ, thu hồi vốn bị lạm dụng, chiếm đoạt bất hợp pháp trên cơ sở quy định của pháp luật... Không những thế, hàng năm chính quyền sẽ tổ chức tuyên dương những doanh nhân tiêu biểu với công tác an ninh trật tự.

Một điểm mới nhất của đề án này chính là Quỹ "Doanh nhân phòng chống tội phạm". Với phương thức hoạt động như quỹ tín dụng của ngân hàng chính sách, toàn bộ số tiền mà các doanh nhân, doanh nghiệp ủng hộ lập quỹ được gửi vào một tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và do Hội Doanh nhân huyện quản lý, Công an huyện giám sát. Trưởng công an huyện sẽ là người đề xuất cho từng đối tượng cụ thể được vay bao nhiêu, căn cứ đề xuất này, Chủ tịch hội sẽ quyết định chi tiền; số tiền cho vay tối đa là 5 triệu đồng/người.

Đối tượng chính được thụ hưởng là người nghiện ma túy, đặc xá, mãn hạn tù, hết thời hạn cải tạo bắt buộc, hết thời hạn giáo dưỡng, quản lý giáo dục tại địa phương, cộng đồng sẽ được quỹ cho vay vốn làm ăn. Căn cứ hoàn cảnh thực tế của từng đối tượng, Trưởng công an huyện quyết định hỗ trợ một phần kinh phí cai nghiện (tập trung và tại gia đình); hỗ trợ một phần kinh phí học nghề và tìm việc làm; hỗ trợ khó khăn khi mới về địa phương; hỗ trợ đột xuất (tai nạn, ốm đau...); cho vay vốn học nghề, kinh doanh; bảo lãnh cho vay vốn.

Trong số tiền cho vay, quỹ sẽ cho 20%, 80% còn lại được cho vay với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất của ngân hàng chính sách với người nghèo... Hiện ngân hàng chính sách cho vay xóa đói giảm nghèo tối đa là 10 triệu đồng/người, do đó quỹ sẽ phối hợp với ngân hàng chính sách cộng hưởng 2 nguồn để nâng mức cho vay đối với người lầm lỗi trong diện hộ nghèo để giúp họ sản xuất, kinh doanh.

Trong câu chuyện với tôi, ông Dương Đình Dịu, Giám đốc Xí nghiệp Huy Hoàng Thanh Hóa, chuyên sản xuất chiếu cói xuất khẩu, người đã góp 10 triệu đồng cho Quỹ "Doanh nhân phòng chống tội phạm" và tình nguyện phụ trách quỹ, tâm sự rằng 10 năm lăn lộn với thương trường, ông biết đồng tiền của mình bỏ vào chỗ nào là hợp lý.

Còn ông Mai Xuân Thu, Giám đốc Ngân hàng Công thương tỉnh Thanh Hóa, người cũng đã góp 10 triệu cho quỹ, thì khẳng định mô hình này rất nhân văn và sâu sắc; vì vậy ngân hàng  sẽ có chính sách để quỹ không chỉ trực tiếp cho vay mà còn là nơi bảo lãnh để ngân hàng cho những đối tượng lâu nay vẫn bị coi là "nhạy cảm" vay vốn làm ăn.

Điều đáng nói là ngay trong quá trình triển khai thành lập quỹ, thấy được cái tâm của anh em công an, nên ngoài góp tiền lập quỹ, nhiều doanh nghiệp còn sẵn sàng bảo lãnh với ngân hàng cho những người đã hoàn lương vay vốn kinh doanh.

Trong số ấy, có hai doanh nghiệp đã dám bảo lãnh tới 1 tỉ đồng cho một người từng đi tù vì tội buôn ma túy được vay vốn lập doanh nghiệp vận tải và hiện đang hoạt động rất tốt. Anh Sơn bảo rằng, sở dĩ anh dám đứng ra bảo lãnh nhân thân vì qua thời gian thử thách, thấy đó là người tốt và rất có đầu óc kinh doanh; mấy năm trước, chỉ vì đầu tư thua lỗ hết cơ nghiệp mà họ đánh liều đi buôn ma túy.

Làm thêm một việc thiện để xã hội tốt đẹp hơn

Nhưng, đây chỉ là một trong nhiều cách làm cụ thể hóa phong trào vận động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Thanh Hóa. Có một mô hình mới nữa cũng đang được triển khai ở Thanh Hóa và bước đầu thành công là Tổ an ninh xã hội. Đây là tổ chức hoàn toàn tự nguyện giữa các gia đình cùng chung sống trong địa bàn dân cư với quy mô 10 - 15 gia đình thành một tổ.

Những ngày ở Thanh Hóa, tôi đã đến nhiều tổ an ninh xã hội tại khu dân cư, trên tàu đánh cá ở các huyện Tĩnh Gia, Hậu Lộc và thấy rằng đây là cách làm rất thiết thực trong việc bảo vệ an ninh trật tự. Khi tham gia tổ an ninh xã hội, các thành viên không chỉ cùng bảo vệ an ninh khu vực mình sinh sống, khai thác thủy sản mà còn giúp đỡ nhau về kinh tế như cùng đóng góp rồi cho thành viên trong tổ vay không lấy lãi để có vốn làm ăn, tổ cũng là nơi phổ biến pháp luật, các chỉ thị của cấp ủy, chính quyền địa phương tới từng người dân một cách nhanh nhất...

Đại tá Nguyễn Văn Bính, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết đó là những cách làm thiết thực nhất trong việc triển khai Chỉ thị của UBND tỉnh về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự.

Sau 6 tháng triển khai chỉ thị này, toàn tỉnh đã xây dựng, củng cố được hơn 34.000 tổ an ninh xã hội với gần 796.000 hộ gia đình tham gia. Qua 6 tháng thực hiện, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến rất tốt, phạm pháp hình sự giảm 12% so với 6 tháng trước. Quần chúng đã cung cấp cho công an nhiều nguồn tin có giá trị để điều tra, triệt phá nhiều ổ tội phạm như nhóm đối tượng dùng súng AK giết người ở thành phố Thanh Hóa, vụ 6 đối tượng gây ra 21 vụ cướp giật trên địa bàn thành phố Thanh Hóa...

Và tôi chợt nhớ lời tâm sự trước khi chia tay của Thượng tá Nguyễn Cao Sơn: "Khi làm việc này, tôi chỉ nghĩ rằng nếu mỗi người làm thêm được một việc thiện thì sẽ giúp xã hội tốt đẹp hơn. Một năm nữa các anh về đây, tôi dám chắc từ mô hình này sẽ có khối chuyện hay cho nhà báo viết".

Và tôi cũng hy vọng là như vậy

Nguyễn Thiêm
.
.