Chuyện lạ ở làng Đắk Mế

Thứ Ba, 13/10/2015, 15:30
Đắk Mế (xã Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum) - ngôi làng của tộc người Brâu từng sống ở nơi heo hút tách biệt với thế giới bên ngoài, bao lâu nay luôn gắn với nhiều điều lạ với những tập tục hoang dã cổ xưa.

Nghe danh tiếng Đắk Mế đã lâu nên lúc đang sẵn dịp ở Kon Tum, từ xã Ngọc Linh, quê hương của cây sâm Ngọc Linh - nơi từng in dấu chân của Tiến sĩ  Đào Kim Long cùng các cộng sự trong chuyến băng rừng tìm sâm quý để rồi đưa tên tuổi sâm Ngọc Linh vang danh thế giới, tôi vượt chặng đường rừng hơn 100km đến với ngôi làng gắn với nhiều chuyện lạ.

Một góc làng Đắk Mế.

1. Kỳ thực Đắk Mế với tôi không phải quá xa lạ. 5 năm trước, khi ở vùng lõi của đại ngàn Chư Mom Ray (Kon Tum), nơi từng nổi danh với truyền thuyết người rừng - một sinh vật khổng lồ từng được người Mỹ bắt được vào trước năm 1975, qua câu chuyện của những anh em kiểm lâm về một tộc người chỉ có 400 người từng sống giữa mênh mông đại ngàn, nay định cư cách cửa khẩu quốc tế Bờ Y đổ sang nước bạn Lào chỉ vài cây số, chúng tôi dự tính xuống núi tìm đến ngôi làng kỳ lạ này. Đó là làng Đắk Mế.

Brâu là tộc người mang trong mình nhiều chuyện ly kỳ, bí ẩn, chuyện đó không có gì lạ. Cách đây không lâu, tôi có dịp tiếp cận tư liệu khá đặc biệt về tộc người này từ TS Bùi Ngọc Quang, công tác tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam, rằng vào năm 1979, dân số Brâu chỉ có 96 người và có thời điểm tộc người này đứng trước mối họa tuyệt chủng vì tỉ lệ tử nhiều hơn tỉ lệ sinh. Còn nhớ bận ấy, đêm giữa đại ngàn Chư Mom Ray, bên bếp lửa bập bùng, nghe những người giữ rừng tiết lộ nhiều điều ly kỳ về tộc người Brâu mà mê.

Theo đó, người Brâu ngày trước sống ở Nam Lào, sau nhiều lần dời làng đã định cư trên đất Việt cách đây khoảng 100 năm. Người Brâu có tục để ngực trần, 100% đàn bà con gái ở làng đều mang họ Nàng. Để làm đẹp, sơn nữ Brâu có tục… xăm mặt.

Chuyện để ngực trần của sơn nữ Brâu, kể cả chuyện cà răng căng tai của tộc người này, thực ra đó không phải là điều quá đỗi kỳ lạ. Không riêng gì người Brâu, sơn nữ của hầu khắp các tộc người thiểu số sống trên đất Tây Nguyên như Bahnar, Xơ-đăng, Jrai, M'nông, Ê-đê… ngày trước đều có tục để ngực trần theo quan điểm "tốt khoe xấu che".

Tục cà răng căng tai cũng vậy. Các tộc người trên cũng cà răng cụt đến tận lợi (6 răng cửa hàm trên - PV), nong dái tai to rộng đến chấm vai… xem đó là cách làm đẹp chuẩn mực, là dấu hiệu chứng tỏ sự khác biệt giữa con người và con thú. Nhưng tục xăm mặt của người Brâu thì hơi bị lạ.

Sau này, khi xuyên suốt ngôi làng này, chúng tôi bắt gặp một số cụ bà còn sở hữu những hình xăm ấy. Đó là những hoa văn lạ kỳ mà chủ nhân của nó chẳng thể giải thích được.

Bà Nàng Bâng, 87 tuổi là một trong số đó. Trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn của bà, tôi thấy có một số hình xăm đã phai màu. Bà Nàng Bâng nói tiếng Việt rất kém, tôi phải nhờ đứa cháu cố của bà là Thao Nan, 23 tuổi, phiên dịch lại. Thao Nan dẫn lời bà rằng con gái ngày trước khi đến tuổi trưởng thành đều phải xăm mặt. Không xăm mặt không lấy được chồng…

Chặt lồ ô về dựng rạp trừ tà.

2. Làng Đắk Mế của người Brâu cách trụ sở Ủy ban xã khoảng 2km. Đường vào làng khá thơ mộng với nhiều nóc nhà cổ truyền theo phong cách cổ xưa, chìm ẩn giữa mênh mang núi rừng. Có tiếp cận với tộc người, mới biết không chỉ có đôi mắt sáng như loài chim cú, có bước chân thoăn thoắt của loài linh dương, có dũng khí của loài chim ưng cùng với tục xăm mặt kỳ lạ, thế giới của người Brâu níu chân biết bao người còn vì tục phạt vạ. Tùy mức độ phạm tội mà người vi phạm có thể bị phạt rượu, phạt heo, phạt dê, phạt trâu….

Nhà báo Phạm An Hòa đã từng có trải nghiệm nhớ đời quanh tục phạt vạ của người Brâu. Anh Hòa cho biết gần 2 năm trước, đến Ngã ba Đông Dương tìm hiểu về đời sống của người Ca Dong, biết cách đó không xa là làng Brâu, anh cùng một đồng nghiệp không bỏ lỡ cơ hội khám phá thế giới của tộc người này: "Khi ấy vào giữa trưa, vì các cán bộ xã ai về nhà nấy, không có người đưa đường nên chúng tôi tự tìm đường đến làng Đắk Mế. Vì thời gian có hạn nên để có thể hiểu rõ hiểu sâu về tộc người, chúng tôi tìm đến nhà ông trưởng làng Thao Lợi, đặng hỏi thăm. Ai ngờ khi đến đây, thì chúng tôi… gặp nạn!".

Theo lời kể của nhà báo An Hòa, khi anh tìm đến nhà thì Thao Lợi cùng vợ và một số phụ nữ ở làng đang ráp nối, lắp dựng các ống lồ ô cắt thành đoạn đặng dựng rạp cúng tế: "Theo phép lịch sự, chúng tôi dựng xe vào chào hỏi, bày tỏ nguyện vọng muốn được trò chuyện tìm hiểu về phong tục tập quán của tộc người. Nhưng oái ăm làm sao, từ đầu đến cuối, không chỉ không nói lời nào, vợ chồng ông Thao Lợi cùng những người xung quanh ai nấy đều biến sắc. Tôi thấy rõ sự thiếu thiện chí, thậm chí có phần hung dữ của họ. Đang lúc ấy thì có nhóm 6 người đàn ông từ hướng bìa rừng tiến về phía chúng tôi. Bên hông họ đeo những con dao phạt đi rừng to tướng,  trông rất dữ dằn, họ nhìn chúng tôi với ánh mắt khó chịu ra mặt. Khi đến lại gần, 1 trong 6 người nọ lao đến rút chìa khóa xe của tôi, đòi phải đóng phạt mới cho đi".

Mọi việc bắt nguồn từ việc chúng tôi vô tình vi phạm luật cấm của làng. Hỏi ra mới biết làng đang dựng rạp cúng trừ tà. Trong thời gian trên, làng cấm tiệt người lạ bước vào khu vực dựng rạp tế lễ. Cấm lệnh ấy được thể hiện bằng những cành lá cây được đặt trước sân nhà ông Thao Lợi nhưng vì không biết, mấy tay nhà báo lơ ngơ vẫn bước vào. Đó là lý do mà ông Thao Lợi tỏ thái độ không vui. Nhưng ông hiền, ông không bắt phạt vạ. Ông chỉ tỏ thái độ khó chịu ý là để chúng tôi tự đi thì thoát…. Nếu khi ấy chúng tôi rời khỏi làng thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng vì cứ nấn ná mà bị những người đàn ông được làng giao nhiệm vụ chặt lồ ô về dựng rạp phát hiện và buộc nộp phạt.

Cột trừ tà.

Khi biết hình phạt là con heo "đo 3 gang tay", anh Hòa và anh bạn đồng nghiệp vui vẻ nghĩ đến chuyện nộp phạt để nhân đó được gần hơn bản sắc của tộc người, cũng như có trải nghiệm lý thú về một tập tục lạ. Nhưng khi biết con heo mà mình phải nộp phạt không phải dài 3 gang tay tính từ đầu đến đuôi, mà 3 gang ấy "đo ngang vòng bụng", anh cùng đồng nghiệp xám hồn.

"Con heo như thế, nó phải nặng hơn cả tạ. Biết kham không nổi nên chúng tôi năn nỉ người làng giảm nhẹ hình phạt. May mà nhờ ông Thao Lợi thương tình bàn chuyện với người làng nên chúng tôi được cho đóng một số tiền tượng trưng" - anh Hòa, kể lại.

Hơn 2 năm trước, tìm hiểu về đời sống của người Bahnar ở làng Kon Dri (Kon Tum), chúng tôi cũng ghi nhận tộc người này có hình thức phạt vạ dưới 2 hình thức, pơkra (tạ lỗi) và pơsơru (bồi thường).

Theo đó, khi một người phạm tội, tùy mức độ nặng nhẹ mà "quan tòa" là tơm-pơlei sẽ tụ họp các vị lão làng (kra pơlei) cùng dân làng kết tội, đề ra hình thức xử phạt theo luật tục rồi lấy biểu quyết. Nếu số đông đồng ý với hình phạt ấy thì việc "thi hành án" được tiến hành ngay lập tức. Mức phạt tạ lỗi và bồi thường của người Bahnar có khi bằng cả chục con trâu mộng! Nhẹ hơn thì bị phạt con gà, ghè rượu…

Nhưng chuyện phạt vạ như thế chỉ có ở thời xưa, cách đây hơn 30 năm. Còn đằng này, với người Brâu, chuyện phạt vạ vẫn được duy trì trong cuộc sống thực tại.

Từ người già đến người trẻ ở Đắk Mế, kể cả phụ nữ, nhiều người ngày đêm không rời khỏi tẩu thuốc.

3. Tìm đến làng Đắk Mế tìm gặp ông Thao Lợi, khi được hỏi thăm về chuyện phạt vạ, ông cho biết đó là luật định từ bao đời. Ông nói rằng từ ngàn xưa, người Brâu quan niệm khi làng làm lễ trừ tà, trong thời gian tổ chức lễ, dựng rạp, làng cấm không cho bất kỳ người lạ nào bước chân vào làng vì sợ người đó mang theo điều xúi quẩy, thành ra gây họa cho dân làng với những dịch bệnh khủng khiếp.

"Khi không muốn ai vào làng hay vào nhà, người Brâu mình để cành cây phía trước chắn ngang làm dấu hiệu. Ai đi đứng không chịu quan sát thì bị phạt thôi mà" - ông Thao Lợi trò chuyện.

Nhân thể nói về tục cúng trừ tà của người Brâu. Đó là tục lệ được tộc người duy trì từ thuở hồng hoang đến tận bây giờ. Xuyên suốt làng Brâu, đi đâu tôi cũng thấy có những hình ảnh chứng thực của tục trừ tà hiển hiện trước cửa nhà của từng gia đình. Đó là những cây cột được làm từ lồ ô được vẽ lên những hoa văn, ký tự kỳ lạ. Dưới cột là bộ xương đầu trâu, con vật được gia chủ hiến linh cúng thần những mong người thân không bị con ma rừng bắt bệnh! Hỏi ra mới biết người Brâu rất sợ bị ma bắt bệnh, nhiều gia đình có con cái, mẹ cha đau bệnh thì làm lễ cúng ma trừ tà những mong trục bệnh...

Phó Chủ tịch xã Bờ Y - ông Nguyễn Duy Cường giải thích cho chúng tôi biết, người Brâu tin nếu có người lạ vào nhà lúc cúng tế như thế sẽ mang lại những điều không may, như vậy sẽ khiến thần linh cuồng nộ, nên phải cúng tạ tế để các thần không giận mà phạt gia chủ, dân làng bị đau bệnh, mất mùa…

"Tùy mức độ vi phạm và tính chất của lễ cúng mà hình phạt dành cho người xâm nhập vùng cấm có thể là gà, heo, trâu lớn nhỏ khác nhau… Tôi đã nhiều lần chỉ đạo anh em công an xã đến nơi gặp đồng bào "thương thuyết" để dân làng "tha" cho người lỡ phạm luật" - ông Cường, cho biết.

Từ người già đến người trẻ ở Đắk Mế, kể cả phụ nữ, nhiều người ngày đêm không rời khỏi tẩu thuốc.

Thời gian ở Đắk Mế không nhiều, nhưng đủ để chúng tôi ghi nhận và thấy rằng họ đúng là tộc người gắn với nhiều điều lạ. Cũng cần nói rõ rằng trong quá trình thực tế giữa buôn làng, chúng tôi phát hiện có rất nhiều phụ nữ có tục nhai thuốc. Thấy trong nhiều gia đình có những bộ chiêng tha cả trăm năm tuổi. Và ấn tượng hơn là những giống lúa trồng tự cổ xưa được bao đời người gìn giữ, vẫn được người Brâu gieo trồng để lấy làm rượu cúng Yang (thần linh)...

Có những vùng đất ta đến một lần là nhớ mãi. Làng Đắk Mế của người Brâu  thuộc xã Bờ Y, địa phương nơi một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe, là một nơi như vậy.

N.Thành Dũng
.
.