Chuyện một nhà “hổ tướng”

Chủ Nhật, 17/02/2019, 10:10
Lên Lạng Sơn vào giữa dịp gió trở mùa, rét càng thấm rét. Trên những triền đồi sắc đào phai đã điểm, núi xanh lơ hùng vĩ trùng trùng điệp điệp như những ngọn mác xỉa thẳng lên trời. Trong khung cảnh kỳ vĩ đó, anh bạn đồng nghiệp cũng là khách đồng hành duy nhất của tôi thảng thốt: “Đất nước mình đẹp quá!”.

Đẹp quá Tổ quốc tôi! Tôi đã đi nhiều nơi trên dải đất hình chữ S này và chuyến đi nào trái tim tôi cũng thổn thức khi nhớ tới bao hy sinh, xương máu cha anh đã đổ xuống cho giang sơn gấm vóc này. Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Triệu Quang Điện (tên khác là Triệu Văn Điện), nguyên Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn là một trong những con người như thế. Nhưng điều ít ai biết là “chuyện nhà” của vị “hổ tướng” này lại có không ít sự bất ngờ.

Anh hùng tuổi 20

Ngày 10 tháng 10 năm 1978, chàng trai dân tộc Nùng Triệu Quang Điện của quê hương Thiện Hòa (huyện Bình Gia, Lạng Sơn) lên đường nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân. Sau ba tháng huấn luyện tại tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động (lúc đó đóng ở xã Lê Lai, Thạch An, Cao Bằng) anh được biên chế về Đại đội 1, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Cao Lạng (sau này tách ra thành Cao Bằng và Lạng Sơn) đóng quân tại thị trấn Đồng Đăng. Tình hình biên giới lúc đó rất phức tạp. Người Hoa ùn ùn kéo về cửa khẩu, tội phạm lộng hành.

Bài về chiến công của Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Triệu Quang Điện đăng trên báo Quân đội Nhân dân và những trang nhật ký công tác của Anh hùng lực lượng vũ trang Triệu Quang Điện.

Đại đội 1 của Triệu Quang Điện (lúc đó do đồng chí Đinh Văn Thịnh chỉ huy, Hoàng Hùng Tráng là chính trị viên) nhận nhiệm vụ bảo vệ tình hình trật tự trị an, trấn áp tội phạm ở nhiều mục tiêu. Các chiến sĩ gần như phải tuần tra suốt đêm; ban ngày lại phải học các bài chiến thuật bộ binh rất vất vả. Nhớ lại những ngày tháng ấy AHLLVT Triệu Quang Điện tâm sự: “Lúc đó có sức trẻ, lại được nhập ngũ vào công an theo đúng nguyện vọng nên tinh thần tôi rất vui, không cảm thấy mệt mỏi. Anh em đồng đội lại rất quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, nỗi nhớ nhà cũng vơi bớt. Tết Kỷ Mùi qua từ lúc nào tôi không thật sự ấn tượng. Chỉ nhớ rằng qua giao thừa mấy ngày, có đồng đội nói rằng hôm nọ là ba mươi Tết, biết thế thôi, cũng chẳng tiếc, chẳng buồn”.

Trong tổ ba người của Điện có anh Trần Thái và Vi Văn Cao. Vi Văn Cao có tài thổi sáo rất hay. Đêm đó tổ ba người đi gác ca ba giờ đến 4 giờ sáng trở về, Điện còn hẹn với Cao: Sáng mai nhớ thổi một bài sáo chào mùa xuân nhé! Cao vui vẻ nhận lời, rồi cả ba cùng tìm chỗ ngủ. Vừa mới chợp mắt được tích tắc thì tiếng pháo nổ ran trời. Đại đội 1 bất ngờ nhưng không bị động, tất cả lập tức bật ngay dậy theo giao thông hào chiến đấu ra các vị trí phòng ngự như kế hoạch từ trước.

Bộ đội cùng công an vũ trang, cảnh sát cơ động lập tức hình thành một vành đai bảo vệ các tuyến đường 05, 06 để dân chạy về sơ tán tại pháo đài Đồng Đăng (xây dựng từ thời Pháp thuộc). Tiếng súng phản kích của bộ đội đã nổ ran. Bất chợt nghe tiếng gọi: “Hỏa lực lên đây!” Triệu Quang Điện lập tức xách khẩu RPD chạy theo đồng chí Nông Văn Tập là bộ đội chỉ huy tuyến này. Theo hướng tay đồng chí Tập chỉ, Triệu Quang Điện đã nhìn thấy rõ kẻ địch. Từng loạt trung liên RPD của anh bắn rất gọn, rất chuẩn xác, địch hàng hàng lớp lớp bị quật ngã.

Tôi hỏi cắt ngang: “Lúc đó vẫn là một chiến sĩ trẻ, cảm xúc của ông thế nào? Có sợ không?”. AHLLVT Triệu Quang Điện trả lời bình thản: “Tôi thấy địch đã bao vây tròn xung quanh rồi, nghĩ rằng thế nào cũng phải chết. Vậy phải chết cho xứng đáng. Không chỉ có vậy, hai người đồng đội của tôi là Thái và Cao hi sinh nên tất cả nỗi sợ hãi đã biến thành căm thù!”. Tôi tìm thấy bài viết về chiến công của Triệu Quang Điện đăng trên báo “Quân đội nhân dân” ngay sau sự kiện đó mấy ngày. Với chiến công đó, năm 1980, Triệu Quang Điện đã được phong tặng danh hiệu AHLLVT.

“Anh hùng tuổi 20” là cụm từ mà bà con Lạng Sơn vẫn trìu mến gọi Triệu Quang Điện; còn đối với bọn giang hồ, côn đồ, tội phạm, ông là “mãnh hổ vùng biên ải”. Từng có tên tội phạm rất ngông cuồng, gửi thư đe dọa đại ý sẽ ám sát, trả thù.

Rất bình tĩnh và đĩnh đạc, Triệu Quang Điện gửi thư phúc đáp: “Bây sẽ bị tiêu diệt trước khi làm được việc đó”. Câu chuyện diễn ra vào năm Tết Kỷ Tỵ 1989. Đó là năm đầu tiên ra trường, tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân, Triệu Quang Điện về nhận công tác tại Công an tỉnh Lạng Sơn. Chuyên án này kéo suốt Tết, kí ức của người anh hùng về cái Tết năm đó là những đêm trắng. Cuối cùng tên cướp đã bị tiêu diệt vào những ngày xuân chưa tàn. Cuộc sống của nhân dân một lần nữa được bảo vệ, bình an.

Suốt thời gian quân ngũ, AHLLVT Triệu Quang Điện đã phá thành công nhiều vụ án, phần lớn là những tên cướp hung hãn, xảo quyệt. Công an tỉnh Lạng Sơn từng đề nghị phong danh hiệu AHLLVT lần thứ 2 nhưng anh từ chối.

Hậu phương lớn của người anh hùng

Trong suốt buổi trò chuyện với AHLLVT Triệu Quang Điện, chúng tôi từng nhiều lần thắc mắc về sự an nguy của gia đình anh. Phải thấy rõ rằng tội phạm nhiều tên rất lỳ lợm hung hiểm. Có tên ra tay giết người trước khi trấn lột, cướp bóc; nghĩa là sự cuồng bạo đã lên tới đỉnh điểm và sẵn âm mưu trả thù.

Vợ chồng Anh hùng lực lượng vũ trang Triệu Quang Điện và Phùng Thị Hoa.

Chị Phùng Thị Hoa, vợ của AHLLVT Triệu Quang Điện, nói: “Trước năm 1996 mẹ con tôi vẫn sống ở quê, ở thành phố chỉ có anh Điện và người con lớn, cũng ở trong khu tập thể của Công an tỉnh, được bảo vệ nên gia đình yên tâm. Tất nhiên là nói thì nói vậy thôi chứ trong lòng vẫn lo”. Chúng tôi ngắm nhìn chị. Hình ảnh bà “nội tướng” của người anh hùng té ra giản dị và nhỏ nhắn đến bất ngờ. Chị có tài uống rượu tiếp khách, bao nhiêu bè bạn của anh đến nhà dùng bữa nếu không say thì cũng đến độ lắc lư mới được về. Anh thì ngược lại, suốt bữa không uống hết một chén rượu mà môi chạm rượu là mặt đã đỏ phừng phừng. Kể cũng kì lạ. Có người nói ấy là do cái đám cưới của hai người năm xưa nên ông bà tổ tiên ban nhầm cả khả năng ấy sang nhau.

Số là thuở trước, gia đình Triệu Quang Điện rất nghèo, nhà đông anh em. Duyên phận mách bảo cụ thân sinh của anh tìm đến nhà ông Phùng Hoa Minh. Cụ Minh là đại úy Quân đội nghỉ hưu, trước từng làm Huyện đội trưởng Huyện đội Bình Gia, nhà chỉ có 3 cô con gái, cuộc sống như vậy có thể gọi là “sang” hơn dân bản. Bên này, cụ thân sinh anh Điện là xã đội dân quân, gia cảnh khó khăn. Nhưng vì tình đồng chí, cụ Minh động viên con gái thế này: “Người ta nghèo thì mình càng phải trân trọng. Vì sau này tất cả các thứ sẽ do bàn tay các con làm nên”. Lời nói của cụ Minh đã theo hai vợ chồng trẻ đến mãi sau này, đến giờ họ vẫn tự hào là tất cả đều do chính sức lao động của mình làm nên, không hổ thẹn với cha.

Ngày cưới của hai người được ấn định sát Tết Kỷ Mùi, lúc đó thì Triệu Quang Điện đã lên đường nhập ngũ. Đám cưới vẫn diễn ra nhưng không có… chú rể. Khó có thể mô tả cho hết tâm trạng của một cô gái lần đầu tiên về nhà chồng mà không có chồng ở bên. Rồi tân nương được gia đình động viên rằng anh đi làm nghĩa vụ với đất nước. Nỗi tủi thân vơi bớt, tình yêu dần lớn lên. Kết thúc khóa huấn luyện tại Thạch An, Cao Bằng, Triệu Quang Điện được đơn vị cho về thăm nhà 5 ngày. Đường xa, phương tiện không có, anh đi bộ mất 4 ngày (cả đi lẫn về đơn vị) vậy là chỉ còn lại một đêm bên người vợ trẻ. Ngay sau đó anh bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới rồi bẵng đi hơn một năm sau, khi con đầu lòng được 2 tháng tuổi anh mới được trở về ngắm nhìn, bế ẵm.

Vợ anh hùng bản lĩnh cũng thực anh hùng! Những đêm tróc nã tội phạm, ba mẹ con nằm ôm nhau hồi hộp, lo lắng cho chồng, cho cha. Có những chuyến công tác dài ngày, không thông tin, không lời nhắn, nỗi phấp phỏng lo âu lại nhân lên gấp bội.  Mỗi lần như thế chị lại tự động viên mình công việc của người cán bộ Công an là phải thế, nếu không có sự hi sinh, lòng dũng cảm của anh thì cuộc sống của người dân sẽ không còn bình an.

Chúng tôi chợt như thấu cảm tất cả từ ánh nhìn trìu mến của chị hướng tới chồng; từ những chăm sóc rất tỉ mỉ chu đáo chén rượu, ấm trà… tất cả như toát lên một nghị lực phi thường của một người giữ vai trò hậu phương vững chắc cho người lính. Tôi tin rằng nếu không có sự động viên vô cùng lớn lao của chị, chắc hẳn nhiệm vụ của anh khó có thể hoàn thành.

AHLLVT Triệu Quang Điện nghỉ hưu năm ngoái, cuộc sống thanh thản bên người vợ hiền, ngày ngày đón 3 đứa cháu cả nội, lẫn ngoại đi nhà trẻ. Ông còn có “nghề phụ” là bốc thuốc nam chữa bỏng. Từ dạo nghỉ hưu ông chữa được cho ngót một trăm bệnh nhân, trong đó có cả những em bé chưa đầy tuổi. Hỏi ông học được từ đâu cái nghề quý hóa ấy, ông nói là thuốc ấy ở quê đã biết rồi nhưng không ngờ hiệu nghiệm đến thế. Thuốc toàn lá cây rừng mà phải người biết lắm mới nhận được, vậy nên đến thăm người anh hùng này, nếu có nghe ông vào rừng tìm thuốc thì mọi người cũng đừng coi đó là chuyện lạ.

Đông Lê
.
.