Chuyện “nghề” trông coi tử tù

Thứ Năm, 12/10/2017, 15:08
Tử tù là những phạm nhân bị tuyên án tử hình, đếm ngược thời gian để chờ ngày ra pháp trường. Bản năng sinh tồn đã khiến cho những phận người trong chốn biệt giam này luôn có diễn biến tư tưởng, tâm lý khó đoán định.

Những cán bộ quản giáo làm nhiệm vụ trông coi những người tù mang án tử, không chỉ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, mà họ còn phải thường xuyên chuyện trò, nắm bắt diễn biến tâm lý, tư tưởng của tử tù để có liệu pháp hợp lý.

Áp lực và căng thẳng

Đại úy Nguyễn Việt Hưng, người được giao nhiệm vụ quản giáo canh giữ nhà biệt giam, Trại tạm giam  Công an tỉnh Nghệ An kể: Đã mang cái nghiệp quản giáo thì làm ở bộ phận nào cũng vất vả, song áp lực nhất vẫn là trông coi tử tù. Một ngày của cán bộ quản giáo được tính từ lúc đi từng buồng biệt giam, gọi tử tù thức giấc sau đêm dài ngủ mệt để kiểm tra sự an toàn về con người, buồng giam.

Tiếp đó, đều đặn một ngày 2 lần, các anh làm nhiệm vụ tháo cùm mỗi lần 15 phút cho tử tù tắm rửa, vệ sinh cá nhân và ra ngoài buồng giam để vận động cơ thể. Mỗi ngày, tiếp xúc với tội nhân đang đếm ngược thời gian chờ đợi ngày trả án, cán bộ quản giáo luôn phải hỏi han, động viên về tâm lý, tình hình sức khỏe để nắm bắt tư tưởng, kịp thời báo cho bộ phận y tế khi có diễn biến không tốt về sức khỏe của tử tù.

Cán bộ quản giáo đang kiểm tra sự an toàn của các nhà biệt giam.

Trong số tử tù tại nhà biệt giam mà Đại úy Nguyễn Việt Hưng đang trông coi, thâm niên “ngồi xiềng” nhiều nhất là Trần Đình Phi (SN 1976), trú bản Na Tọc, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An). Phi là “ông trùm” cầm đầu đường dây ma túy từ Lào về, 8 lần tổ chức mua bán 59 bánh heroin. Bị kết án tử từ năm 2006, đến nay tử tù này đã nằm ở chốn biệt giam 11 năm.

Nhiều lần tâm sự với cán bộ quản giáo, Trần Đình Phi bày tỏ tâm nguyện, bản thân muốn có được quyết định sớm, “đi” hay “ở” để an phận, chứ hơn 10 năm nằm chốn biệt giam, tâm lý rất mệt mỏi. Dĩ nhiên, tử tù này cũng không ngần ngại bày tỏ tha thiết được sống, cũng mong mình được là trường hợp may mắn thứ hai sau tử tù Đặng Văn Thế, đã thụ án xong, trở về địa phương cưới vợ, sinh con để dựng xây một cuộc sống mới.

Tử tù Trương Văn Quang (SN 1985), trú tại xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), bị kết án tử vào tháng 9-2016 sau khi gây ra cái chết cho ông Nathusingh Solanki (quốc tịch Ấn Độ), là công nhân của một mỏ đá trên địa bàn huyện Quỳ Hợp để cướp tài sản. Từ khi vào chốn biệt giam, tử tù Quang tư tưởng không ổn định, luôn bi quan vì cùng lúc cõng trên mình 2 án tử: vừa bị HIV giai đoạn cuối, vừa bị án tử hình nên đã nói với cán bộ cho mình được viết đơn xin thi hành án sớm.

Cũng tại khu biệt giam này, có nhiều tử tù số má như Phan Thanh Tòn, Vũ Đức Mạnh, Vũ Thành Trung, Phan Đình Tuấn (Tuấn lay)..., phần lớn trong số này đều phạm tội về ma túy, đã có thời gian “nằm xiềng” tương đối dài nên nhiệm vụ và áp lực của Đại úy Hưng là khá nặng nề. Hằng ngày anh phải gặp gỡ, trò chuyện để nắm bắt tâm lý, tư tưởng, từ đó đưa ra liệu pháp an thần phù hợp với từng tử tù.

Đại úy Nguyễn Thị Liên, cán bộ quản giáo trông coi tử tù tại Trại tạm giam Công an Nghệ An.

Đại úy Nguyễn Thị Liên, người đã có thâm niên trên 30 năm làm nhiệm vụ quản giáo, trong đó nhiều năm canh giữ tử tù ở Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, chia sẻ: Quá trình tiếp xúc với những tử tù, chị nghiệm ra một điều, khi đối diện với cái chết, ai cũng ham sống đến kỳ lạ. Và họ thực sự day dứt, ân hận, hối lỗi về những gì mà mình đã gây ra. Dĩ nhiên, sự ân hận cũng muộn màng, nhưng đó là biến chuyển tâm lý đáng ghi nhận, sau tất cả những gì mà họ đã gây ra cho gia đình, xã hội.

Chính bản thân 3 trong số 4 nữ tử tù hiện Đại úy Liên đang trông coi là chị em dâu với nhau, cùng nằm trong một đường dây ma túy có số lượng mua bán, vận chuyển lên đến 225 bánh heroin. Đó là Nguyễn Hoài Thu, Nông Thị Hân, Nguyễn Thị Châu và Trương Thị Huệ.

Những ánh sáng hiếm hoi cuối đường hầm

Trong 4 nữ tử tù này, Nguyễn Hoài Thu bị kết án tử vì buôn tới 70 bánh heroin. Từ Hà Tĩnh lên dạy học tại trường THCS Tiền Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An), mờ mắt vì tiền, Thu bị lôi kéo vào đường dây ma túy xuyên Việt, thậm chí còn kéo theo cả hai chị em dâu của mình vào cửa tử.

Đại úy Nguyễn Thị Liên hỏi han, quan tâm can phạm nhân đang bị tạm giam, tạm giữ.

Từ trong chốn biệt giam, Thu đã trích tiền lưu ký để đặt mua một số tờ báo và qua phương tiện này, nữ tử tù biết và cảm thương với những hoàn cảnh khó khăn ở ngoài xã  hội. Với tấm lòng yêu trẻ của một cô giáo còn sót lại, Thu đã 3 lần trích tiền lưu ký để giúp đỡ 2 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong đó, em Nguyễn Đăng Hùng (8 tuổi), mồ côi cha mẹ ở xóm 8 xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương được Thu gửi giúp đỡ 2 lần, mỗi lần 1 triệu đồng và mới đây nhất, cũng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, Nguyễn Hoài Thu đã gửi tiền giúp đỡ em Lô Thị Kim Oanh (10 tuổi), mồ côi cả cha lẫn mẹ ở xóm Giang, xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Theo Đại úy Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Hoài Thu ngày mới vào xiềng cũng suy sụp rất nhiều, xác định trước sau gì cũng chết nên Thu đã tuyệt thực suốt một tuần lễ, động viên, phân tích mãi, nữ tử tù này mới cân bằng được tâm lý.

Một trường hợp khác là tử tù Lữ Thị Minh, quê ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương (Nghệ An). Đang là cán bộ công tác ở huyện, được cử đi học tại chức tại Đại học Vinh, Lữ Thị Minh bập vào mối tình già nhân ngãi, non vợ chồng với một ông trùm ma túy từ TP Hồ Chí Minh thường xuyên ra Nghệ An lấy hàng. Mụ mị vì tình, Minh bị lợi dụng, trở thành kẻ vận chuyển ma túy. Đau xót hơn khi Minh kéo theo em trai, lúc bấy giờ cũng đang là sinh viên vào con đường phạm tội.

Cái kết đắng là Minh bị kết án tử hình, em trai án tù 20 năm. May mắn đã mỉm cười với số phận của tử tù Lữ Thị Minh sau hơn 2 năm nằm xiềng, bởi từ lá đơn xin tha tội chết gửi đến Chủ tịch nước, khi xét gia cảnh là gia đình cách mạng, bố đẻ của Minh là thương binh nặng, cựu tù Phú Quốc nên Minh đã được ân giảm xuống chung thân, hiện đang thụ án tại Trại giam Đồng Sơn (Quảng Bình).

Quản giáo trông coi tử tù, vất vả nhất có lẽ là với những trường hợp bị đau ốm, bệnh tật. Mang trên mình án tử, bản thân lại thường xuyên bị bệnh tật hành hạ nên không còn tha thiết sống, luôn chống đối. Đối với những trường hợp này, vừa làm thế nào để bảo đảm sức khỏe cho tử tù, vừa đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình chữa bệnh luôn là điều khiến cán bộ quản giáo “đau đầu” nhất.

Tử tù Nguyễn Trọng Tuấn (SN 1975), trú xã Khánh Sơn 2, huyện Nam Đàn (Nghệ An), kẻ cầm đầu đường dây mua bán trái phép 208 bánh heroin từ Lào về Việt Nam, bị tuyên án tử vào năm 2013, bị nhiễm HIV. Mới đây, Tuấn bị kích động tinh thần, chửi bới, ném đồ vật, hò hét cả ngày lẫn đêm nên phải chuyển đến giam giữ và điều trị tại bệnh xá của Trại tạm giam, từ tháng 5-2017 đến nay.

Đại úy Trần Trọng Phú, người được giao nhiệm vụ canh giữ Tuấn, thay vì làm nhiệm vụ ở chốn biệt giam, anh đã phải dọn đến bệnh xá của đơn vị để giám sát, theo dõi và canh giữ tử tù này. Hằng ngày, dù chỉ một tử tù nhưng Đại úy Phú vẫn phải thực hiện đầy đủ quy trình của một quản giáo canh giữ tử tù, từ hỗ trợ các sinh hoạt thường ngày đến thăm hỏi, động viên để nắm bắt tâm lý, sức khỏe.

Trường hợp của tử tù Phan Đình Tuấn, tức Tuấn “lay” cũng khiến cán bộ quản giáo đau đầu. Là “ông trùm” cầm đầu đường dây mua bán trái phép chất ma túy, Tuấn “lay” đã điều hành đàn em mua bán, vận chuyển trót lọt 294 bánh heroin ngay cả khi đang thụ án trong Trại giam Bình Điền (Thừa Thiên - Huế).

Tuấn lần thứ hai bị kết án tử, vào chốn biệt giam với căn bệnh tiểu đường và rò hậu môn. Với mối quan hệ xã hội cực kì phức tạp của Tuấn, mỗi lần áp giải tử tù này từ nhà biệt giam đến bệnh xá để thăm khám, chữa bệnh là một lần cán bộ quản giáo cực kỳ vất vả, dù tử tù này không hề có thái độ chống đối.

Thiếu tá Nguyễn Công Dung, Phó giám thị Trại tạm giam Công an Nghệ An cho biết: mặc dù công việc đầy áp lực, căng thẳng nhưng những người làm nhiệm vụ canh giữ tử tù ở đây vẫn làm tròn trách nhiệm của mình, vừa ổn định tâm lý cho tử tù, vừa đảm bảo tuyệt đối an toàn môi trường giam giữ trong trại tạm giam.

Thiện Thành
.
.