Chuyện những bác sĩ “2 ba lô”

Thứ Sáu, 27/03/2020, 08:55
Nhận được lệnh điều động đột xuất về tuyến tỉnh trợ lực cho các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bình Thuận phòng chống dịch COVID-19, “đội phản ứng nhanh” của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy khoác ba lô lên đường ngay trong đêm.

Rạng sáng 12-3, cả đội đã người nào nhiệm vụ nấy. Họ đã trải qua 48 giờ căng mình cùng bác sĩ địa phương chống dịch với tinh thần: Chống dịch như chống giặc!

Những bác sĩ “Đội phản ứng nhanh”

Vừa trở về từ tâm điểm của vùng dịch - BVĐK tỉnh Bình Thuận, chiều tối 19-3, các bác sĩ trong Đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy đã có cuộc họp rút kinh nghiệm. Điều mà họ vui nhất, đó là những bác sĩ tại BV tỉnh đã lĩnh hội nhanh chóng và tự tin áp dụng những kiến thức được chia sẻ từ chuyến công tác của họ. Để có được kết quả như vậy, đội phản ứng nhanh đã trải qua áp lực trong suốt 48 giờ cùng bác sĩ địa phương làm việc, cùng lên đề án khẩn cấp cho mọi việc tại đây.

Tối 11-3, khi Bộ Y tế công bố đồng thời 3 ca mới mắc COVID-19 tại Bình Thuận thì nơi đây đã được ví như “chảo lửa” của cuộc chiến chống lại căn bệnh đã lây lan thành đại dịch toàn cầu. Theo chỉ đạo của lãnh đạo BV Chợ Rẫy, 2 đội phản ứng nhanh của BV đã được thành lập khẩn cấp, sẵn sàng chờ lệnh. Chỉ trong vòng 3 ngày sau đó, Bình Thuận trở thành tâm điểm nóng tại phía Nam về dịch COVID-19 của Việt Nam khi liên tiếp ghi nhận 9 người nhiễm.

Đội phản ứng nhanh do bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức (bìa trái) dẫn đầu đã lên đường ngay trong đêm 22-3 đến với ngành Y tế Tây Ninh.

Đặc biệt, những ca này đều lây virus trực tiếp/gián tiếp từ bệnh nhân số 34 - nữ doanh nhân D.T.L.T. (51 tuổi, ngụ tại TP Phan Thiết). Và tính ra, đã có 8 ca nhiễm mới trong 24 giờ từ tối 10-3 tới 11-3. Riêng vào chiều 11-3, Viện Pasteur Nha Trang cho kết quả 3 người tiếp theo dương tính COVID-19. Họ gồm người giúp việc, nhân viên và con dâu của bệnh nhân số 34. Cả 3 người đang được cách ly và điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận.

Đến chiều 12-3, 5 ca nhiễm mới được công bố, trong đó có 3 người tiếp xúc trực tiếp với nữ doanh nhân (F1). Hai ca còn lại thuộc diện F2, gồm một người tiếp xúc với con dâu của bệnh nhân thứ 34 (ca thứ 38) và một bệnh nhân 13 tuổi tiếp xúc với nhân viên của bà T. (ca thứ 37).

Tình hình bệnh dịch lây lan, việc phải tới một nơi như vậy, thử hỏi ai không khỏi lo lắng. Thế nhưng, như chia sẻ của Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, thì: “Các thành viên trong đội phản ứng nhanh luôn chuẩn bị sẵn 2 ba lô. Một ba lô tư trang cá nhân, một ba lô chứa dụng cụ, trang thiết bị, nước sát khuẩn cá nhân, phòng ngừa bệnh cho bác sĩ... Họ  trong tâm thế sẵn sàng để triển khai nhiệm vụ ngay sau khi nhận lệnh”.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Thơ - Phó Khoa Bệnh nhiệt đới của BV Chợ Rẫy là một trong những y bác sĩ đầu tiên của đội phản ứng nhanh Chợ Rẫy có mặt ở BV Đa khoa Bình Thuận, kể: “Đêm 11-3, khi vừa xong ca trực, đang đưa con đi nhà sách thì tôi nhận được lệnh điều động đi Bình Thuận. Chỉ kịp tạm biệt nhanh cô con gái yêu mới 8 tuổi là xách ba lô lên đường”.

Chỉ sau 30 phút nhận lệnh điều động, với ba lô trên vai, họ lên đường tới “chảo lửa”.

Khi ấy, tâm lý tự nhiên thôi, bác sĩ Thơ và cả đội đều có chung trăn trở trong suốt hành trình là không biết bệnh nhân có bị nặng không, có bị suy hô hấp không...? Trong khi diễn tiến cho thấy, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục phức tạp ở TP. Hồ Chí Minh, do đó, ê-kíp thống nhất sẽ ra Bình Thuận và làm việc nhanh nhất có thể, mục tiêu cao nhất là phải trở về lành lặn cả đội”.

Bác sĩ Anh Thơ cũng là một trong những người trực tiếp điều trị cho 2 cha con bệnh nhân người Trung Quốc dương tính COVID-19 thành công trước đó. Nói về gia đình, chị kể: “Mình không sợ, gia đình lại càng không vì đã quá quen với những chuyện thế này khi mình mới vào nghề và công tác ở Khoa Bệnh nhiệt đới. Nhiều lần đối phó với bệnh dịch nguy hiểm từ H5N1, H1N1, dịch SARS, dịch Ebola...”.

Còn bác sỹ trẻ Nguyễn Trọng Phương (29 tuổi) Khoa Cấp cứu của BV Chợ Rẫy cũng chia sẻ: “Tôi nhận được lệnh điều động vào 7 giờ tối 11-3, chỉ kịp nhắn cho vợ qua điện thoại rồi ngay lập tức xách ba lô lên đường”.

Xông vào “chảo lửa”

Chia sẻ tại buổi tập huấn chiều 19-3, các bác sĩ trong đội cho biết, khi xuống địa phương, trước hết phải nắm vững chuyên môn thì mới có thể vừa bảo vệ mình, tạo an tâm cho đồng nghiệp tuyến dưới, vừa chữa trị cho bệnh nhân. Thực tế, khi thấy tổ công tác tuyến trên về hỗ trợ, các bác sĩ tại địa phương mừng chảy nước mắt. Họ vui vì có nguồn trợ lực giúp sức đúng lúc.

Họ được nhận kiến thức thực tế khi trực tiếp trao đổi với những người nắm chuyên môn cao nhất của Khoa Bệnh nhiệt đới - BV Chợ Rẫy. Vì họ tin rằng, tuyến trên đã trải qua nhiều đợt tiếp nhận, điều trị bệnh nhân trong những đợt dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sẽ cho họ những bài giảng tốt nhất.

Chuyến đi công tác cũng rút ra những bài học kinh nghiệm nhất về công tác tổ chức phòng điều trị cách ly ở một BV đa khoa tỉnh. Phòng ốc, nhân lực, trang thiết bị dù thiếu thốn nhưng phải thích nghi. Trong đó, với bệnh dịch nguy hiểm thì trước hết phải tư vấn cho địa phương làm tốt việc cách ly tại chỗ, phòng chống lây lan.

Đội phản ứng nhanh (đội 1) có mặt tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận vào khuya 11-3.

Các bác sĩ trong đội phản ứng nhanh kể, trong ba lô dụng cụ của đội có 14 danh mục gồm các dụng cụ, từ nước sát khuẩn, nước súc họng, quần áo bảo hộ... đáp ứng việc phòng, chống lây nhiễm cho từng cá nhân và cho cả đội. Họ được trang bị 2 thùng tương tự để nếu đội này mang đi thì đội kia còn 1 thùng dự phòng khi nhận được lệnh là xuất phát ngay.

Khuya 11-3, khi ra tới Bình Thuận là khoảng 12h đêm, ngay sáng hôm sau, lịch làm việc của nhóm đã kín. Từng bộ phận chuyên môn phối hợp với bác sĩ địa phương phân luồng bệnh, sàng lọc, bố trí đường đi cách ly trong BV. 7 giờ sáng 12-3, đội đã phải họp nhanh với lãnh đạo BV để triển khai việc tiếp nhận tại chỗ bệnh nhân nghi nhiễm, phân luồng bệnh nhân tại nơi cấp cứu, tại phòng khám, khu cách ly, tiếp nhận và vận chuyển bệnh nhân nghi nhiễm, thống nhất quy trình lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm, kiểm tra xe chuyên dụng...

Bác sĩ Thơ tâm sự, vấn đề phòng, chống lây nhiễm Corona virus là giọt bắn và nguy cơ tiếp xúc bề mặt. Do đó, dù cơ sở vật chất của BV đa khoa tỉnh cũ kỹ thì phòng cách ly cho bệnh nhân dương tính vẫn cần được làm thật kỹ. Họ gấp rút vào trong Khoa Nhiễm của BV Đa khoa Bình Thuận kiểm tra cơ sở vật chất,  điều kiện, phòng ốc, từ chiếc quạt máy tới chiếc điện thoại bàn ra sao để tổ chức phòng cách ly cho những ca dương tính, ca nghi ngờ đạt yêu cầu. Mọi việc phòng ngừa nguy cơ làm lây lan virus đã được soi xét tỉ mỉ tới từng centimet.

48 giờ trong ổ dịch

Điều mà mọi người trong đội phản ứng nhanh đều phải khẩn trương thích nghi. Đó là lịch ăn, uống, nghỉ ngơi bị đảo lộn hết. Hầu như hết ngày mới cảm nhận sự mệt mỏi. Trong 48 giờ ở BV Đa khoa Bình Thuận, họ đã làm luôn tay luôn chân, cùng BV địa phương đưa ra các tình huống để đáp ứng tình hình dịch phù hợp. Có tình huống khẩn cấp được đặt ra như dịch lây lan diện rộng, tình huống bệnh nhân ào ào chạy vào BV, việc phân loại, sàng lọc đối tượng F1, F2 ra sao, không được để rơi vào tình huống bấn loạn.

Thời điểm này, đã có 2 ca thở máy lọc máu ngoài Hà Nội nên đội phản ứng nhanh cũng chuẩn bị tinh thần đón nhận bệnh nhân phải hồi sức tích cực. Kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình tại đây từ chỉnh máy thở, lọc huyết tương, chăm sóc cho bệnh nhân có nhiều bệnh nền...

Có quá nhiều việc phải làm trong 48 giờ bên các đồng nghiệp nên hầu như các thành viên không ngủ được mấy. Khi mà số ca tiếp nhận tại BV Đa khoa Bình Thuận lên tới 9 ca có kết quả dương tính khiến họ chỉ còn biết động viên nhau tranh thủ chợp mắt. Tỉnh dậy, vào việc lại luôn tự nhủ lòng, bình tĩnh, cẩn trọng trong từng việc nhỏ từ việc cởi chiếc áo ra khỏi người, mở cánh cửa, rửa đôi tay... Tất cả đều phải bảo đảm an toàn.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Thơ khám bệnh cho bệnh nhân dương tính tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.

Bác sĩ Thơ chia sẻ: “Một trong 3 điều ưu tiên đó là phải điều trị tốt cho bệnh nhân, nhất là trường hợp dương tính. Kiểm soát không tốt, bệnh nhân nặng sẽ là đối tượng mang nguy cơ lây lan cao nhất. Nhưng, cũng thật nan giải khi chăm sóc cho những bệnh nhân này. Mỗi người trong 24 giờ/ngày có biết bao nhu cầu sinh hoạt cho cuộc sống, giờ bị “bó” gọn trong 4 bức tường. Vì vậy, bệnh nhân sẽ vô cùng bứt rứt, khó chịu, làm sao để họ an tâm hợp tác.

Phải phục vụ “tới tận chân răng” cũng phải chịu. Họ sốt, nhu cầu thèm nước, thèm ăn món này món kia. Chính vì vậy, chỉ 9 ca cách ly thôi nhưng người trong cuộc mới hiểu. Bệnh nhân tuân thủ, hợp tác thì đỡ, nếu không thực là “khổ trăm bề”.

Mỗi lần vào phòng tiếp xúc với người bệnh không đơn giản. Thay bộ đồ bảo hộ cá nhân vào đã mất nửa tiếng. Xong việc, phải đi tắm, mất nửa tiếng nữa. Thế mà tần suất khám không cố định, có ngày 5 lần, ngày 10 lần, thậm chí hơn. Khám 5 lần thì tắm 5 lần, khám 10 lần thì tắm 10 lần. Chưa kể, mỗi lần sau khi thay bộ đồ bảo hộ ra, nhu cầu của cơ thể khiến muốn uống nước ngay lập tức.

Do bộ đồ cấu tạo rất kín. Khẩu trang trong khu cách ly phải làm đúng thao tác “fit test mask”. Tức là hít một hơi, tạo khoảng không an toàn và chỉ thở “nhín” trong khoảng không này. “Nó khiến mình khó thở, tưởng tượng như đang bị úp chiếc tô vào mặt vậy!”, bác sĩ Thơ nói.

Ghi nhận những nỗ lực của các y, bác sĩ trong đội phản ứng nhanh, ngày 13-3 vừa qua, Liên đoàn Lao động thành phố đã trao tặng Bằng khen và số tiền thưởng 20 triệu đồng cho đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 BV Chợ Rẫy.

Thế mà, đến sáng 23-3, chúng tôi lại nhận được thông tin, đó là vào 9 giờ 44 phút tối hôm trước, ngày 22-3, sau khi BV Chợ Rẫy nhận sự chỉ đạo trực tiếp của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, chỉ 30 phút sau khi nhận lệnh, đội phản ứng nhanh do Thầy thuốc ưu tú - bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy làm trưởng đoàn lại tức tốc lên đường đi Tây Ninh. Đây là nơi có nhiều cửa khẩu, nhiều người qua lại, diễn ra nhiều hoạt động giao thương, các kế hoạch phản ứng nhanh tiếp tục thực hiện nằm trong chiến lược phòng, chống COVID-19 của Việt Nam.

Họ đã làm việc hối hả đến 3 giờ sáng cùng ngày với hàng loạt công tác: hội chẩn liên viện, triển khai quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, sàng lọc bệnh... với các bác sĩ tại Tây Ninh. Họ lại là điểm tựa vững chắc cho những bác sĩ tại địa phương đang phải gồng mình trong cuộc chiến chung của cả nước phòng, chống cơn đại dịch COVID-19.

Huyền Nga
.
.