Chuyện những người phục thiện: Vĩnh biệt “cái chết trắng”

Thứ Ba, 25/11/2014, 20:20

Từng là Đảng viên, là Bí thư Đoàn Thanh niên xã, nhưng rồi, không giữ được mình Trần Ngọc Phúc (39 tuổi, trú tại Quang Trung, Vụ Bản, Nam Định) đã phạm tội. Đã có lúc, anh lo sợ rồi khi ra tù sẽ không đủ bản lĩnh lại vi phạm pháp luật và phải rơi vào vòng lao lý một lần nữa. Song rất may Phúc đã được người bạn chí cốt là Bùi Thanh Phong - Trưởng công an xã Quang Trung kéo lại. Bằng nghị lực của mình, cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của người thân, bạn bè Phúc đã hoàn lương, trở thành người có ích cho xã hội.

1. Đã nhiều năm nay bà con nhân dân trong xã Quang Trung (huyện Vụ Bản) cũng như bạn hàng ở các tỉnh thành Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nội… biết tiếng về xưởng rèn của Trần Ngọc Phúc. Xưởng nhỏ thôi, quy mô hộ gia đình, song luôn giữ được uy tín về chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. Nhưng ít người biết được rằng, ông chủ của lò rèn này từng có một thời nghiện ngập, gây án và phải đi cải tạo.

Được đồng chí Trưởng công an xã nhiệt tình chỉ dẫn, chúng tôi có mặt tại xưởng của anh Phúc trong một buổi sáng se lạnh. Không khó để nhận ra người chủ xưởng - cũng đồng thời là nhân viên - nhanh nhẹn hướng dẫn một số công nhân thực hiện thao tác đột dập. Trong tiếng quai búa chí chát Phúc kể cho chúng tôi nghe về một thời lầm lỡ của mình.

Trần Ngọc Phúc sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại thôn Bất Di 1, xã Quang Trung. Nhà đông anh chị em nên từ bé Phúc đã biết lao động giúp đỡ gia đình. Phúc còn hay quanh quẩn bên bễ lò rèn của các nghệ nhân trong làng để học nghề.

Học xong phổ thông trung học, Phúc tình nguyện xin nhập ngũ và đóng quân tại Sơn Tây (Hà Nội). Năm 1996, Phúc  xuất ngũ trở về địa phương, xây dựng gia đình. Tại quê nhà, anh rất tích cực tham gia các phong trào đoàn thể của xã.

Do có năng khiếu ca hát, lại rất năng nổ trong phong trào đoàn đội nên Phúc đã được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, của xã Quang Trung, rồi Ủy viên Hội đồng nhân dân xã. Nhờ có thời gian phấn đấu lâu dài, tích cực Phúc đã vinh dự được kết nạp Đảng.

Phúc trở thành niềm tự hào của gia đình. Nhưng cũng trong lúc tưởng như cuộc đời cứ mãi "xuôi chèo mát mái" đối với anh, thì một sự kiện đã giáng mạnh vào tương lai của Phúc, vào những nỗ lực mà anh từng dày công vun đắp.

Phúc bị đám bạn xấu rủ hít thử ma túy. Lúc đó phần vì say rượu, phần cũng do phút bồng bột của tuổi trẻ mà Phúc đã không từ chối. Chỉ một vài lần, Phúc trở thành con nghiện lúc nào không hay.

Để có tiền hút hít, Phúc đã bán gần hết gia sản mà vợ chồng tích cóp nhiều năm trời mới có được. Đến khi của nả đều đã đội nón ra đi, Phúc tính làm liều đi trộm một chiếc tivi ở xóm bên. Bị bắt, bị kết án 8 tháng tù giam, Phúc gần như sụp đổ. "Tôi không thể nào quên được cái giây phút tòa tuyên án, nhìn ánh mắt nửa thương yêu nửa trách móc của người vợ hiền mà tôi chỉ muốn chết quách cho xong" - Phúc tâm sự.

Phúc thụ án tại Trại tạm giam tỉnh Nam Định. Thời gian đầu ở trại, Phúc luôn cảm thấy bi quan. Đang là một đảng viên, một cán bộ Đoàn xã tương lai rộng mở với biết bao ước mơ hoài bão bỗng chốc tất cả đóng lại. Có những lúc Phúc muốn buông xuôi, phó mặc cho số phận. Nhiều đêm trong buồng giam Phúc đã khóc. Thương vợ và các con nhỏ không còn người trụ cột gánh vác công việc gia đình, thương bố mẹ vì mình mà chịu bao điều tiếng với xóm giềng…

Được sự động viên của các giám thị trong trại, và đặc biệt là hàng tháng người vợ tảo tần của anh vẫn đưa các con vào thăm, động viên, Phúc quyết tâm cố gắng cải tạo cho tốt để sớm tái hòa nhập cộng đồng. Chị Phạm Thị Hạnh (vợ Phúc) còn thường xuyên viết thư động viên chồng, rồi cắt những bài báo về tấm gương phục thiện gửi cho anh. Rồi chị kể cho anh những câu chuyện về cuộc sống gia đình, về sự khôn lớn trưởng thành của các con để anh yên tâm cải tạo.

Bố của Phúc, vốn là một cựu chiến binh cũng thường xuyên nhắn nhủ, động viên con trai giữ vững bản lĩnh của người lính, quyết tâm dứt hẳn với ma túy.

Phúc nhớ như in thời gian vật vã để cắt cơn nghiện. Ở trong trại  Phúc chủ yếu dùng… nước lã để trị bệnh. Cứ khi nào lên cơn vật, Phúc lại phi đầu vào chum nước. Dứt cơn lại chui ra. Rồi dần dần những cơn thèm thuốc cũng qua đi, Phúc được tham gia lao động cùng các trại viên.

Ban ngày đi lao động thì không sao, nhưng cứ khi đêm xuống Phúc lại không ngủ được. Phúc nhớ da diết những ngày được tự do, những buổi đi tập văn nghệ, những ngày tham gia hoạt động tình nguyện tại các gia đình chính sách mà Phúc là người phụ trách… Rồi những đêm đốt lửa trại tưng bừng.

Khi những ký ức đẹp đẽ ấy tạm qua đi, thì nỗi nhớ vợ con lại cồn lên. Phúc cứ đếm từng ngày, chỉ mong sao thời gian trôi qua thật mau để có thể trở lại với đời thường và sửa chữa lỗi lầm.

Các bác sĩ trong trại đã nhiệt tình giúp đỡ Phúc điều trị. Sau khi cắt cơn, Phúc được các giám thị tạo điều kiện làm những việc nhẹ như trồng rau, nuôi lợn. Do lao động và cải tạo tốt, tháng 2/2011 Phúc được ra trại. Đó quả là một niềm vui vô bờ bến khi Phúc được trở lại với gia đình, vợ con và anh em họ hàng.

Nhưng lúc này mới là thử thách thực sự đối với Phúc.

2. Những ngày tháng đầu ra trại, Phúc luôn trăn trở suy nghĩ sẽ phải làm lại từ đâu. Khi đó kinh tế gia đình còn quá eo hẹp, cộng với sự mặc cảm của bản thân, sự kỳ thị xa lánh của một số người ở địa phương. Đã có lúc bế tắc, Phúc sợ rằng một lúc nào đó không đủ bản lĩnh làm chủ bản thân, rồi lại rơi vào vòng lao lý.

Anh Trần Ngọc Phúc bên Ngôi nhà khang trang; và bên bễ lò rèn.

Rồi có những lần "bạn nghiện" mò đến tận nhà để rủ rê Phúc tiếp tục đi theo "làn khói trắng". Nhưng nghĩ tới trách nhiệm của một người chồng, người cha, nghĩ về tương lai của các con Phúc kiên quyết đoạn tuyệt với những người bạn xấu. Quan trọng hơn bên cạnh anh còn vợ, còn bố mẹ - là những người luôn ở bên động viên, kịp thời xóa đi những mặc cảm một thời lầm lỗi. Thế rồi Phúc cũng ổn định được tâm lý. Sau đó anh lao vào tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm cách thức phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.

Sẵn có nghề làm thợ rèn, lại được sự ủng hộ của gia đình và chính quyền địa phương, Phúc mở xưởng rèn tại gia. Anh tập trung vào sản xuất các dụng cụ dùng để chế tác đồ mỹ nghệ như đục, tràng, dũa… Sau đó mở rộng ra các sản phẩm dùng trong cơ khí, máy móc.

Theo Công an tỉnh Nam Định, trong 2 năm qua, lực lượng chức năng Công an tỉnh Nam Định đã làm thủ tục đăng ký hộ khẩu cho 782 người, cấp CMND cho 680 người đã chấp hành xong án phạt tù; hướng dẫn làm thủ tục xóa án tích cho 81 người, cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 453 người; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn tín dụng và giới thiệu việc làm, tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm trong các doanh nghiệp, đến nay 1.086 người có việc làm; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các cấp, các ngành tạo điều kiện giúp đỡ 626 người chấp hành xong án phạt tù phát triển nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả cao.

Ngoài ra, các mô hình điểm tái hòa nhập cộng đồng đã tham gia giúp đỡ thành công 113 người chấp hành xong án phạt tù, tạo việc làm cho 42 người; tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù tái phạm chỉ có 3,7%...

Tiếp đó là những ngày dài Phúc phải tự mình đi "tiếp thị" sản phẩm. Rất nhiều người lắc đầu từ chối khi biết về quá khứ nghiện ngập của anh. Có người tốt bụng thì chỉ bảo Phúc phải hoàn thiện sản phẩm sao cho tốt hơn những thứ đã có trên thị trường thì họ mới đồng ý mua hàng cho anh.

Sau một thời gian dài suy nghĩ, cải tiến Phúc lại kiên trì gõ cửa các cơ sở chế tác đồ gỗ để giới thiệu sản phẩm. Mãi rồi thấy hàng của Phúc tốt, giá cả phù hợp nên sản phẩm của anh đã được nhiều nơi biết đến. Một "cú hích" quan trọng không kém là chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho Phúc vay 50 triệu đồng, và giới thiệu sản phẩm của anh cho nhiều địa chỉ khác. Từ đó, Phúc đầu tư thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng. Rồi uy tín về sản phẩm được tăng lên, khách hàng đã đến nhiều hơn. Cơ sở của Phúc đã vượt qua những khó khăn ban đầu và bắt đầu làm ăn có lãi.

Chưa dừng lại ở đó, Phúc tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng cơ sở sản xuất, mua máy móc trang thiết bị như máy đột, máy dập tự động. Hiện sản phẩm của anh đã cung cấp cho nhiều cơ sở chế tác đồ gỗ mỹ nghệ tại làng La Xuyên (Nam Định), Phú Xuyên (Hà Nội), Đồng Kỵ (Bắc Ninh) và nhiều cơ sở ở TP HCM.

Sau ba năm xây dựng kinh tế gia đình, hiện nay Phúc đã có cơ sở sản xuất với diện tích 300m2, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục công nhân. Đặc biệt, năm 2013 Phúc đã xây được căn nhà 3 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi.

Có thể nói những thành công của Trần Ngọc Phúc luôn có dấu ấn của anh Bùi Thanh Phong - Trưởng công an xã Quang Trung. Phúc bảo: "Trong những thời điểm khó khăn nhất, anh Phong đã luôn có mặt kịp thời để động viên tôi vượt qua những mặc cảm. Đặc biệt trong quá trình xây dựng kinh tế, tôi luôn nhớ như in lời anh Phong dặn: "Nếu người ta cố một thì chú phải cố mười". Vì thế mà xưởng rèn của anh Phúc, từ sáng sớm đến tối mịt vẫn thấy chí chát, thấy lửa hồng rực.

Cá nhân anh Phong nhận xét, qua mấy năm phấn đấu, Phúc đã dần lấy lại được lòng tin của người thân, bà con hàng xóm và chính quyền địa phương. Phúc còn giữ được cuộc sống gia đình đầm ấm, con cái luôn chăm ngoan và học giỏi.

Ngoài ra, Trần Ngọc Phúc đã tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương, nhắc nhở con cháu trong gia đình chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt công tác giữ gìn an ninh tại địa phương. Phúc cũng vận động những bạn bè từng một thời lầm lỗi, người có hoàn cảnh khó khăn về làm việc cùng để tránh xa các tệ nạn xã hội

Minh Tiến
.
.