Chuyện ở phòng cấp cứu bệnh viện

Thứ Hai, 26/11/2018, 14:59
Vì nhiều lý do khác nhau, bởi những sự “để ý” có gì đó thái quá, lại chỉ nhìn vào thái độ và hành vi của một bộ phận y, bác sĩ vài năm qua dư luận còn thiếu thiện cảm với ngành y tế, một nghề nghiệp cao quý mà chúng ta vốn luôn coi trọng. Chính những định kiến bị thổi phồng hoặc méo mó bởi truyền thông và mạng xã hội đã và đang làm khó y, bác sĩ, nhân viên y tế trong việc cứu người.

Để thấu hiểu và có sự đồng cảm với người khác luôn là việc khó, tôi đã dành 3 ngày loanh quanh tại phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức để ghi chép lại những công việc của họ tại đây.

1. Phòng cấp cứu, nơi đầu sóng ngọn gió của một bệnh viện, nơi không có khái niệm ngày và đêm. Gọi đây là nơi bận rộn thứ nhì thành phố chắc không có gì là quá đáng, bởi nếu cho là đứng thứ hai đi chăng nữa thì không đâu dám nhận là số một. Trong một khoảng diện tích vừa phải nhưng luôn có sự hiện diện của vài trăm con người, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và kíp trực của vài chục bác sĩ, nhân viên y tế... Họ đôn đáo, hối hả băng ca, chạy xuôi ngược với những gương mặt căng thẳng dưới thứ ánh sáng đèn neon lạnh ngắt, buồn tẻ. Và cứ như vậy, quanh năm ngày tháng không có đến một tích tắc vắng lặng.

15 giờ chiều ngày Thứ năm của tuần, lao xao tiếng người, tiếng loa bảo vệ nhắc nhở người này người nọ, tiếng còi hụ xe cấp cứu, tiếng í ới gọi nhau, tiếng khóc. Phía sau cánh cửa quanh năm không bao giờ khép lại là phòng tiếp nhận bệnh nhân tương đối rộng nhưng đã trở nên chật hẹp bởi sự quá tải dành cho nó. Trong đó xếp ngang dọc tới 14 băng ca, giường bệnh nhân đến từ nhiều địa phương và cả trong nội đô với đủ tình trạng thương tật khác nhau. Mỗi băng ca lại có thêm ít nhất 1 tới 3 người thân của họ đang lo lắng đứng bên cạnh, cầm tay động viên, an ủi khiến không khí căng thẳng đặc quánh.

Một bệnh nhân nam lớn tuổi bị tai nạn giao thông, người bê bết máu vừa được xe cấp cứu đưa vào, ưu tiên kiểm tra ngay. Bác sĩ trẻ đứng phía đầu băng ca khéo léo, tỉ mẩn dùng băng gạc lau sạch từng vết máu trên cơ thể, trên đầu ông cụ để tìm vết thương, vừa lau vừa nhẹ nhàng vỗ về: “Cụ cố gắng nhé, con kiểm tra chỗ này hơi đau một chút”. Ông cụ yếu ớt đồng ý.

Phòng cấp cứu Bệnh viện VIệt Đức, nơi không có khái niệm ngày và đêm.

Trong cái sự hối hả chạy đua với thời gian, những bước chân tất bật, hành động chậm rãi đầy tỉ mẩn này nhìn có gì đó hoàn toàn trái ngược đến sốt ruột. Thật may mắn, vị bệnh nhân lớn tuổi này chỉ có vài vết thương hở nhỏ không quá nguy hiểm, bác sĩ trực hướng dẫn nhóm đồng nghiệp phương án cấp cứu rồi lại lao sang bệnh nhân khác.

Một kíp trực cấp cứu lên tới vài chục người. Họ sẽ ở đây từ 8 giờ sáng hôm trước tới 8 giờ sáng ngày hôm sau. Vậy có nghĩa là mỗi y, bác sĩ đều như nhau, làm việc cứu người đến cật lực trong vòng 24 giờ đồng hồ, luân phiên thay nhau trực ở Khoa Cấp cứu vài lần trong 1 tháng, 4 ngày đi “tua” 1 lần ở các khoa khác luân phiên. Sau ca trực thì ngày kế tiếp họ vẫn làm việc tại khoa bình thường, bất kể đó là ngày nghỉ lễ hay ngày tết. Với quỹ thời gian dành cho công việc như vậy, có thể hiểu bệnh viện như ngôi nhà chính thức của họ.

Tôi đặt câu hỏi về cái sự có phần vô lý này với tiến sĩ, bác sĩ Khoa Phẫu thuật cột sống Đỗ Mạnh Hùng. Vị bác sĩ trẻ, cao lớn, đầy năng lượng, mang gương mặt sáng này đã công tác vừa học vừa làm tại Bệnh viện Việt Đức từ năm 2006 (trong đó 3 năm dành cho học bác sĩ nội trú) cho biết: “Điều này thì chúng tôi phải tự xoay xở và thích nghi thôi. Trên mạng Internet có rất nhiều hình ảnh bác sĩ ngủ vạ vật dưới gầm bàn, góc phòng..., đó không phải là chế giễu đâu mà chính là sự thật. Chúng tôi nhiều lúc mệt mỏi đến kiệt sức và thèm ngủ kinh khủng.

Nhiều lúc nhìn người nhà bệnh nhân ngủ lại trong bệnh viện bên hành lang hay đâu đó, lúc ấy bỗng trong đầu chợt xuất hiện suy nghĩ ao ước được lăn kềnh ra, chui vào cái chăn đó ngủ một giấc cho đã. Thật tiếc lại không được. Ở khía cạnh khác, đối với chúng tôi, kỳ nghỉ phải dùng từ là xa xỉ, đặc biệt là những bệnh viện tuyến cuối, cường độ làm việc rất là cao. Áp lực số lượng bệnh nhân rất đông. Nếu chỉ thiếu một bác sĩ sẽ làm ảnh hưởng tới những người còn lại”.

Phòng cấp cứu là thế giới thu nhỏ với những gương mặt u buồn đầy lo lắng. Phía góc cửa ra vào, có một người phụ nữ dáng khắc khổ đang ngồi khóc, thi thoảng đưa tay lên lau nước mắt. Người thân của bà đang nằm trong phòng hồi sức cấp cứu 1, căn phòng của những bệnh nhân nặng đang được tiếp tục điều trị trước khi phân loại đưa về khoa khác.

Và chắc chắn, để ngăn lại những giọt nước mắt như vậy, thay bằng nụ cười khi bệnh nhân ra viện, cần những sự cống hiến đầy tình người đến từng giây của những bác sĩ, nhân viên y tế luôn mang cảm giác “thèm một giấc ngủ” vạ vật như lời kể của bác sĩ Hùng. Và thực phẩm chính của họ là những hộp sữa tươi để đủ năng lượng tiếp tục làm việc, uống nhanh, gọn gàng.

Y, bác sĩ phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức luôn nỗ lực tối đa cấp cứu bệnh nhân.

“Bệnh nhân đã đẩy vào phòng mổ thì bác sĩ không thể dềnh dang đi ăn đi uống được. Uống tạm cầm hơi cái đã. Ca mổ theo dự định có thể một vài tiếng hoặc có thể diễn tiến đến tận chiều tối. Điều đầu tiên là phải làm được việc, điều thứ hai là phải tự biết lo sức khỏe cho mình. Ốm chả ai lo cho cả, trong guồng máy như vậy chỉ cảm thông được thôi. Anh không biết làm việc thì anh tự đào thải”. Lời tâm sự đắng ngắt từ bác sĩ trực cấp cứu.

Khi thế giới bên ngoài cánh cổng bệnh viện tràn đầy niềm vui trong kỳ nghỉ dài, ngày cuối tuần hay ngày tết, thì cũng thời điểm ấy bệnh nhân cấp cứu lại tăng vọt. Những chiếc xe cấp cứu, xe máy chở người bệnh hối hả lao vào viện. Theo một chu kỳ mặc định, vào những dịp như vậy con số bệnh nhân cấp cứu tăng gấp 3 tới 4 lần ngày bình thường. Lẫn lộn trong đó là người nông dân, nhân viên văn phòng, công chức gặp nạn và cả những gã giang hồ mang đầy thương tích sau một trận tỷ thí đẫm máu.

2. 1 giờ sáng Thứ bảy, khu cấp cứu bỗng ồn ào bởi nhóm thanh niên mang trên cơ thể nhiều hình xăm lẫn vết thương do hung khí gây nên đưa nhau vào cấp cứu. Nhiều ánh mắt e ngại nhìn họ bởi những ngôn ngữ tục tĩu đang được tuôn ra xối xả với bảo vệ bệnh viện, với những bác sĩ, y tá đang im lặng đến căng thẳng để xoay xở cầm máu và khâu vết chém cho bệnh nhân.

Đây là một dạng biểu hiện tâm lý thấp kém của nhóm “giang hồ vặt”, thường xuyên trút xuống y, bác sĩ trong hoàn cảnh thật trớ trêu và trái khoáy. Họ nghĩ rằng sự hung hăng, đe dọa kia có thể khiến người ta sợ hãi mà biết điều hơn chăng?

Trong khoảng vài năm trở lại đây, hành vi hành hung, lăng mạ bác sĩ, nhân viên y tế không còn là chuyện lạ, thậm chí người ta còn dửng dưng với việc đó. Và cũng như chuyện thiếu ngủ, trong phòng cấp cứu này, các bác sĩ cũng phải tự thích nghi với điều đó để không bị tổn thương.

Tôi chợt nhớ ra khi ngồi trò chuyện cùng bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng trong căn phòng nghỉ ngơi dành cho bác sĩ phòng cấp cứu, có một chi tiết hài hước, đó chính là ô cửa sổ. Những căn phòng nhỏ này đều có khóa cửa kiên cố phía trước thế nhưng cửa sổ thì không.

“Tất cả các cửa này đều thông sang các phòng khác nhau”, vừa nói, bác sĩ Hùng chứng minh bằng cách đẩy nó trượt sang ngang, không hề khóa. Đây chính là nơi để bác sĩ chạy thoát thân nếu bị hành hung, một nụ cười cay đắng từ vị bác sĩ trẻ. Đã có nhiều lần họ bị tấn công, bằng nhiều hình thức khác nhau bởi sự hung hãn của người nhà bệnh nhân.

“Có rất nhiều típ người khác nhau, lịch sự, nhẹ nhàng, văn minh... Chuyện phản ứng với thầy thuốc, bác sĩ rất nhiều. Trong lúc cấp bách, lo lắng, hoảng loạn dẫn đến cái gì đó không hiểu nhau, họ rất dễ phản ứng phóng đại rất nhiều. Ngay từ lúc bắt đầu với ngành y, tôi đã phải làm quen với việc đó rồi.

Để ngăn được những giọt nước mắt đau thương, cần đôi bàn tay bác sĩ.

Đặt địa vị vào người ta, quan sát, đánh giá tính chất nhóm người này như thế nào. Vừa vào, không cần biết đúng sai, lăng mạ, đòi hỏi. Không thể phản ứng được, đầu tiên đúng mực, không cứng quá, không nhũn quá. Nhanh chóng, đúng quy trình, chuyên môn, thậm chí đôi lúc phải hạ nhiệt, phải hiểu và thông cảm, lặng lẽ làm những gì mình cho là đúng với ngành nghề, với những gì học được”.

3. Trong hơn 10 năm kinh nghiệm, kỹ năng thoát thân hay ứng xử phù hợp trong những tình huống trớ trêu kiểu như vậy không có trường lớp nào đào tạo. Họ phải tự đúc kết từ những kinh nghiệm trong mỗi ca trực. Thậm chí, đã có lúc các bác sĩ phải cởi tấm áo blouse để lẫn vào đám đông thoát thân khi bị tấn công.

Dãy hành lang khu vực cấp cứu Bệnh viện Việt Đức là nơi những số phận xa lạ bỗng gặp nhau trong một hoàn cảnh trớ trêu, đau đớn. Lực lượng bảo vệ được thuê ngoài, họ cũng có những kỹ năng vừa phải với chiếc loa cầm tay nhắc nhở người nhà bệnh nhân đứng gọn khu vực xe ra vào, không được ngồi xổm hay nằm xuống sàn. Với một giọng nói khá căng thẳng nhưng khi gặp tình huống có khả năng xảy ra va chạm thì hiển nhiên những kỹ năng đó không còn tác dụng. Bác sĩ cấp cứu phải tự lo cho mình trước khi cầu viện được sự hỗ trợ cần thiết.

Để thấu hiểu nỗi đau của một con người không phải là việc dễ dàng gì. Tôi bỗng nhớ tới một đoạn lời thề Hippocrates cho ngành y các nước trên thế giới dành cho những sinh viên y khoa trước khi ra trường “Tôi xin hứa và thề nhất luật tuân theo ước lệ của tính thanh cao và lòng chính trực trong khi hành nghề, tôi sẽ chữa bệnh cho người nghèo khó và không bao giờ đòi hỏi thù lao quá với công sức của mình. Tôi chỉ mong mọi người dành cho lòng quý mến, nếu tôi làm đúng lời thề”.

Đó là một mong muốn nhất mực trong sáng, thanh tao của những bác sĩ cứu người. Để thấu hiểu và biết yêu thương, cảm thông với những người làm ngành y, có lẽ cần nhiều thời gian hơn nữa ngồi ở phòng cấp cứu xem họ thực hiện công việc của mình.

Minh Trí
.
.