Chuyện tình bên hàng rào điện tử McNamara

Thứ Năm, 12/01/2017, 07:10
Mảnh đất Gio Linh (Quảng Trị), từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước là một vành đai trắng, đầy rẫy bom đạn. Quân Mỹ đã lập nên ở đây một hàng rào chiến lược có tên gọi là hàng rào điện tử McNamara nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Với chủ trương của quân Mỹ lúc bất giờ là “đốt sạch, giết sạch, phá sạch”, Gio Linh trở thành một vùng đất chết. Không có dân, không có nhà cửa, ruộng đồng bị thiêu cháy trơ trọi như một bãi tha ma...

Ngày ấy, anh Dương Bá Quy và vợ là chị Nguyễn Thị Thủy đều là những thanh niên quyết bám trụ trên đất quê hương để đánh giặc, cùng đồng đội của mình phá hủy hệ thống hàng rào điện tử McNamara để thông tuyến vào Nam.

Trải qua hàng trăm trận đánh vào sinh ra tử, anh Dương Bá Quy đã 17 lần vinh dự được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ và người vợ, người đồng chí mà anh rất đỗi yêu thương cũng 5 lần được nhận danh hiệu này. Từ trong khói lửa chiến tranh, anh chị đã viết nên một khúc tráng ca tuyệt vời về tình yêu và lẽ sống.  

Vợ chồng dũng sĩ Dương Bá Quy với những kỷ vật thời chiến.

1. Anh Dương Bá Quy sinh năm 1943 tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bố anh là cán bộ kháng chiến qua hai thời kỳ, mẹ cũng tham gia nuôi giấu cán bộ, phục vụ chiến đấu trong thời kỳ địch chiếm đóng.

Năm lên 13 tuổi, quê hương chìm ngập trong khói lửa chiến tranh, miền Nam Việt Nam dưới sự cai trị của Ngô Đình Diệm và quan thầy Mỹ đang ráo riết triển khai chiến lược tố Cộng và diệt Cộng, lùa đẩy dân lành vào các ấp chiến lược để dễ bề quản lý. Được giác ngộ bởi những người đi trước, Dương Bá Quy bắt đầu viết tiếp những trang sử vẻ vang của gia đình và quê hương bằng nhiệm vụ của một đội viên du kích mật trên mặt trận quê nhà.

Lớn lên một chút, anh tham gia vào đội tiễu trừ những tên tay sai, chỉ điểm, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh chống bắt lính, chống chào cờ ba que, rải truyền đơn tố cáo tội ác của giặc...

Năm 1966, do bị chỉ điểm, anh Quy không thể hoạt động ngầm như trước mà phải chuyển sang hoạt động bất hợp pháp trên địa bàn. Thời kỳ này, ban ngày chủ yếu ẩn nấp dưới những căn hầm bí mật để chờ khi đêm xuống mới bắt đầu hoạt động. Anh đã cùng đồng đội của mình luồn lách một cách mưu trí để dẫn đường cho quân ta từ miền Bắc vượt qua hệ thống trạm canh phòng, hàng rào điện tử vào chi viện cho chiến trường miền Nam mà không hề để lại bất cứ một dấu vết nào làm cho địch nghi ngờ.

Năm 1967, anh được tăng cường cho Đoàn 1A - Đặc công Hải quân ở cảng Cửa Việt làm lính trinh sát, anh đã cùng đồng đội tham gia rất nhiều trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt được nhiều tàu thuyền của Mỹ và lính VNCH trên trận tuyến này. Năm 1968, anh được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ làm xã đội phó du kích xã Gio Mỹ, trực tiếp chỉ huy cuộc chống càn của địch vào vùng đông Gio Linh ngày 31-3-1968.

Trận đánh đã diễn ra hơn 40 năm trước, đến bây giờ anh vẫn nhớ như in: “Sau một ngày trời quần nhau với giặc, chúng tôi đã bắn cháy 21 xe tăng, diệt hàng trăm tên địch. Sau trận này Đoàn 1A của chúng tôi được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, riêng cá nhân tôi cũng được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất”.

Giữa tháng 5 năm 1968, Dương Bá Quy lại trực tiếp chỉ huy lực lượng du kích xã Gio Mỹ tập kích một tiểu đoàn bộ binh Mỹ, tiêu diệt 105 tên, bắn cháy 4 xe tăng, một máy bay lên thẳng. Kết thúc trận đánh đó, anh cùng đồng đội thu được toàn bộ vũ khí của đối phương, nhiều vật dụng và một bao tải tiền đô la của Mỹ.

Tháng 6 năm 1968, sau một trận oanh kích trúng mục tiêu của địch, Dương Bá Quy được người dân địa phương và những người bạn cùng chiến hào xem như một người anh hùng khi trong một đêm anh đã vác 31 liệt sĩ qua sông để chôn cất cẩn thận giữa lòng đất mẹ.

Việc làm can trường, thắm đượm tình anh em đồng chí ấy đã được bà Nguyễn Thị Nguyệt (hiện đang sinh sống tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) một trong những dân công cùng tham gia chôn cất liệt sĩ trong đêm đó và là người đã nấu cháo cho anh Quy ăn để cầm hơi sau khi kiệt sức kể lại: “Tôi không thể nào quên cái mùa hè ấy. Lúc đó là tháng 6 năm 1968, quân địch phản kích bất ngờ, các chiến sĩ bộ đội miền Bắc hy sinh nhiều lắm. Bên bờ sông Cánh Vòm (đoạn Cát Lái) có 31 người đã hy sinh.

Trong khi đó, địch vẫn liên tục càn quét và tàn sát nhân dân vô cùng dã man. Du kích và bộ đội còn lo chống càn. Vì ban ngày địch càn dữ dội nên việc chôn cất liệt sĩ phải được tiến hành vào ban đêm. Từ lúc 7 giờ tối đến gần 3 giờ sáng, một mình Dương Bá Quy vác 31 liệt sĩ lội qua đoạn sông cạn, tới một bãi cát bên kia sông để chôn cất các anh. Gần sáng, anh Quy ngất lịm đi bên cạnh ngôi mộ còn đang lấp dở dang. Thấy vậy, tôi đưa anh Quy vào nhà tắm rửa, đầu tóc của anh bị máu kết lại và dính chặt nên kỳ cọ mãi mới hết”.

Còn với Dương Bá Quy, khi được hỏi về hành động phi thường trong cái đêm mùa hè Gio Linh rực lửa ấy, anh nói “Phải cố vác, cố chôn để ngày hôm sau trời sáng, bọn địch sẽ không quay phim, chụp ảnh được, không làm nhục anh em mình được. Vì theo thói thường, sau khi chúng quay phim, chụp ảnh để lu loa thành tích, báo cáo với quan thầy Mỹ xong là chúng đốt xác anh em mình ngay”.

Trên mảnh đất giới tuyến tạm thời những năm 1968-1969, tình hình chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, hàng rào điện tử McNamara ở vĩ tuyến 17 được xem là trở ngại lớn nhất cho những đoàn quân giải phóng từ hậu phương miền Bắc gấp rút chi viện cho chiến trường miền Nam. Hệ thống hàng rào này được thiết kế và xây dựng bởi 12 lớp bùng nhùng dây kẽm gai.

Nhiều chuyên gia quân sự nhận định để phá vỡ phòng tuyến này của địch còn khó khăn hơn cả việc phá hủy một bức tường thành bằng thép. Ấy vậy mà với một lực lượng ít ỏi, vũ khí súng đạn thuộc vào loại bình thường, Dương Bá Quy đã cùng đồng đội đêm ngày điều nghiên, bò vào cắt dây kẽm gai để mang về nghiên cứu, đồng thời gửi lên cấp trên để các chuyên gia nghiên cứu cách phá hủy. Khi đã có phương án tối ưu, các anh đã đêm ngày công phá, cho đến thời điểm năm 1970, toàn bộ hệ thống hàng rào điện tử McNamara, niềm tự hào của liên quân Mỹ - VNCH dường như đã bị vô hiệu hóa.

Năm 1972, anh được cử làm Xã đội trưởng xã Gio Mỹ, sau đó được điều chuyển sang Đoàn 31 Độc lập thuộc Bộ Tư lệnh đặc công 305. Từ năm 1972-1975, vì là người thông thạo địa hình vùng giới tuyến, nên anh luôn chuyển đến các đơn vị chủ lực mới từ miền Bắc hành quân vào Nam, vừa làm trinh sát dẫn đường, vừa chiến đấu cho đến ngày non sông thống nhất.

Gần 20 năm tham gia chiến đấu, dũng sĩ Dương Bá Quy đã tiêu diệt được 18 xe tăng, 4 xe GMC, 2 xe Jeep, 2 xe TRC 10, bắn rơi 2 máy bay trực thăng. Ngoài ra, anh đã tổ chức được 5 tổ du kích, xây dựng được hàng chục cơ sở cách mạng. Điều làm anh nuối tiếc nhất là trong những năm tháng chiến tranh anh chưa thực hiện được việc bắt sống bọn Dơi - Nhện (một lực lượng thiện chiến đặc biệt của Mỹ).

Nhiều năm sau ngày hòa bình, mỗi khi nhắc lại ký ức trong chiến tranh, người chiến sĩ gan lì Dương Bá Quy vẫn còn ấm ức: “Tui chỉ cay nhất là không bắt sống được một thằng Dơi - Nhện nào, tụi lính tinh nhuệ nhất của Mỹ, chuyên đi ban đêm, làm ta tổn thất rất nhiều. Chỉ huy yêu cầu bằng mọi giá phải bắt sống được bọn Dơi - Nhện để xem chúng được trang bị tối tân như thế nào mà tài thế, nhưng không thể".

Với những đóng góp đáng khâm phục đó, anh đã 17 lần được phong Dũng sĩ, được tặng nhiều huân chương, huy chương các loại. Nhưng mãi đến sau này, khi có ai đó nhắc đến chiến công, bao giờ anh cũng dùng cụm từ "chúng tôi" vì theo anh “Chiến công không bao giờ là của một mình tôi, đó là công lao, là sự góp sức của anh em, của đồng đội, của biết bao nhiêu con người kiên trung, bất khuất đã ngã xuống trên từng bước tiến công để dành lại nền độc lập của nước nhà...”.

Vợ chồng anh Quy - chị Thủy trước căn nhà của mình.

2. Năm 1971, Dũng sĩ Dương Bá Quy cưới vợ, vợ anh là chị Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1950, quê ở làng Nhĩ Trung, xã Gio Thành cũng là một người tham gia cách mạng từ rất sớm. Gia đình chị Thủy trong chiến tranh là một cơ sở nuôi giấu cán bộ, vì vậy mới hơn 10 tuổi chị đã được các cô, các chú giao nhiệm vụ chuyển thư từ, liên lạc giữa các thôn, xóm trong xã Gio Thành, nghe ngóng tình hình địch để báo cáo lại cho những cán bộ hoạt động bí mật.

Chị kể: Hồi đó, mới 13-14 tuổi, chị thường cùng đám bạn được giác ngộ trong làng lân la đến gần lính VNCH chơi đùa, rồi lợi dụng sự sơ hở của địch để bỏ đất, cát vào trong nòng súng, đến lúc du kích tấn công, địch cầm súng chống trả thì không bắn được. Có lúc chị lại cài kíp nổ vào túi áo, vào ba lô hay đặt ngay dưới những manh chiếu mà bọn lính vẫn thường tụ tập để đánh bài và ăn nhậu trong làng...

Năm 16 tuổi chị Thủy tham gia vào lực lượng du kích xã và được kết nạp vào Đoàn thanh niên trong niềm vui khôn xiết. Giai đoạn này chị chủ yếu hoạt động trong công tác binh vận, đêm đêm cùng đồng đội đi rải truyền đơn, liên lạc, dẫn đường cho cán bộ, đặt mìn bẫy xe tăng của địch... Với nhiều thành tích trong chiến đấu, năm 18 tuổi, chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và được cấp trên tin tưởng giao trọng trách làm xã đội phó.

Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất trên đất lửa Gio Linh, chị Thủy cùng đồng đội của mình tham gia nhiều trận đánh, chỉ huy du kích xã tiêu diệt nhiều tên địch, bắn cháy 3 xe tăng... và 5 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ.

Nói về mối tình với Dũng sĩ Dương Bá Quy và chuyện anh chị thành vợ thành chồng ngay trên hàng rào điện tử Mc amara của vùng giới tuyến, chị Thủy vui vẻ kể: Ngày trước, nhà tui là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng, anh Quy là du kích nên thường xuyên qua lại để lấy lương thực và nắm tình hình địch báo cho quân giải phóng. Đi qua đi lại mãi, tui thấy con người ông ấy nhỏ thó mà lanh lợi, trọng lượng cơ thể chưa đầy 50kg vậy mà khi mô bên mình cũng kè kè 16 quả lựu đạn cùng 1 quả thủ pháo lủng lẳng bên hông, trong chiến đấu với địch thì gan dạ vô cùng, rứa là tui ưng cái bụng.

Chị Thủy bảo, tui với ông ấy yêu nhau hơn một năm trời tổ chức mới biết, chứ hồi đó mỗi lúc họp hành, tui với ông ấy cũng phê bình nhau ghê lắm. Tui phê phán ông ấy là đồng chí xem thường địch quá; ông ấy phê bình tui là chủ quan, dễ bị địch phát hiện. Du kích ngày đó thường quy ước với nhau mật khẩu, để những lúc đụng nhau, bên này nói "Sông - Sông - Sông" thì bên kia nói "Đà - Đà - Đà", hôm khác lại "Hiền - Hiền - Hiền" với "Lương - Lương - Lương"... Mật khẩu đổi hằng ngày.

Có lần, trước khi cùng vượt hàng rào McNamara, ông ấy nói với tui: "Thủy ơi! Nếu em có gì thì cứ hét lên rằng: Quy ơi, em bị thương. Đừng hô mật khẩu nữa mà lâu lắm! Nghe thấy anh sẽ xông vào ngay, một là được cùng chết với nhau, hai là anh sẽ cứu em ra"... trong đạn lửa mà ông ấy cũng yêu tui dữ dội lắm”.

Năm 1972, quê hương Gio Linh được giải phóng, chị Thủy vẫn bám trụ ở quê nhà với những nhiệm vụ mới của cấp trên giao, từ Bí thư Xã đoàn đến Bí thư Hội Phụ nữ xã. Năm 1975, tại Đại hội Đảng bộ huyện Gio Linh, chị được bầu là huyện ủy viên, giữ chức Phó ban Tổ chức Huyện ủy, Sau đó được cấp trên cử đi học, trở về làm cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy huyện Bến Hải cho đến ngày nghỉ hưu. Anh Quy được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy, quyền Chủ tịch UBND xã, từ năm 1981-1983 là Bí thư Đảng ủy. Sau đó được cử đi học, năm 1985 được điều về làm Phó Giám đốc Nông trường 74, đến năm 1991 thì về hưu.

Khi cả anh chị đều không còn công tác, cuộc sống càng chật vật hơn, anh chị có 6 người con. Gia đình đông người nhưng không có đất để sản xuất. Trước tình cảnh đó, năm 1996 anh chị quyết định đưa cả gia đình vào sinh sống ở thị trấn Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk với hy vọng cuộc sống ở vùng quê mới sẽ dễ chịu hơn.

Thế nhưng, cái nghèo, cái cực vẫn cứ đeo đẳng với gia đình. Chị Thủy do ảnh hưởng từ những lần bị thương trong chiến tranh nên thường xuyên bị đau ốm. Một đàn con dại đang tuổi ăn, tuổi lớn chưa giúp được gì cho bố mẹ, chỉ có anh còn chút sức lực, đành đi làm thuê, làm mướn cho người ta kiếm sống qua ngày. Làm lụng mãi nhưng hoàn cảnh nghèo túng vẫn không hề được cải thiện, sau hơn 7 năm ở Đắk Lắk, anh chị lại dắt díu 6 đứa con của mình khăn gói trở về quê với hai bàn tay trắng.

Với 2 sào ruộng lúa nước được chính quyền địa phương cấp, anh chị lại đấu thêm 5 sào đất công, rồi vay vốn xóa đói giảm nghèo từ quỹ Hội Cựu chiến binh để mua bò chăn nuôi sản xuất để xoay xở nuôi con. Những đứa con của anh chị lần lượt là Dương Trung Dũng, Dương Trung Kiên, Dương Trung Thành, Dương Trung Sơn... đều được lớn lên trong sự chật vật của kinh tế gia đình.

Quốc Anh
.
.