Chuyện tình đẹp ở làng phong Quy Hòa

Thứ Sáu, 25/11/2016, 09:00
Chỉ cách trung tâm TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) vài cây số nhưng làng phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) như một “ốc đảo” dành cho những người cùi vốn bị người đời hắt hủi. Từ xưa đến nay, thung lũng được gọi là “ngủ quên” này đã cưu mang không biết bao mảnh đời bất hạnh mắc phải “tứ chứng nan y”, trong số đó có không ít người dân tộc ít người ở khắp mọi nơi.

“Sỏi đá cũng cần có nhau”, tình người và sự cảm thông đã giúp họ vượt lên nhiều rào cản, định kiến xã hội để vun đắp hạnh phúc.

Nên duyên từ đôi nhẫn nhôm giá... 1.000 đồng

Chúng tôi đến thăm nhà vợ chồng anh A Nức (45 tuổi) vào một buổi chiều đứng bóng, cũng là lúc anh Nức đi làm về. Ngồi trò chuyện, anh bảo mình là con trai cả trong một gia đình nghèo ở xã Kon Thụp (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai).

Năm 15 tuổi, anh mắc phải bệnh lạ. Đôi bàn chân ban đầu nổi những đốt trắng, dần dần mất cảm giác, véo không đau, gai đâm không hay biết. Chưa từng thấy ai bị như thế, người nhà A Nức hoảng hốt tìm cây rừng để chữa bệnh. Bệnh không giảm mà càng nặng hơn, đôi chân như nhôm như sắt, chẳng biết đau đớn gì.

Gia đình hạnh phúc của vợ chồng anh A Nức.

Lên 16 tuổi, các ngón chân của A Nức bị sưng lên rồi lở loét. Bàn chân phải của anh bị co quắp, đi lại vô cùng khó khăn. Năm 18 tuổi, một hôm, đi chăn bò về, A Nức nhìn xuống chân phải thì thấy đã mất hai ngón út từ lúc nào. Người mẹ chỉ biết đau đớn ôm con khóc. Một năm sau, cha A Nức mời thầy về cúng. Cúng bái đủ đường mà căn bệnh của con trai vẫn không hết, ông muộn phiền đổ bệnh rồi qua đời.

Sau ngày cha mất, anh Nức bị dân làng đuổi lên rừng ở vì sợ lây bệnh. Sau những tháng ngày sống chui sống nhủi, anh được một cô giáo tốt bụng đưa xuống làng phong Quy Hòa vào một ngày cuối năm 1995. Bị bệnh thời gian dài không chữa trị nên khi đến Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, chân phải của anh đã bị lở loét, dòi ăn, phải cắt bỏ. Từ đó đến năm 2006, anh còn phải chịu thêm 2 lần cắt chân.

Không chỉ được chữa bệnh, ở làng phong Quy Hòa, anh Nức còn tìm được bến đỗ của đời mình. Năm 2005, anh gặp chị M Lơi, nhỏ hơn mình 13 tuổi, cũng ở huyện Mang Yang. Cô gái trẻ người Ba Na cũng mắc bệnh phong, nhưng được phát hiện sớm nên điều trị chừng 1 tháng thì xuất viện với bàn chân trái thiếu ngón, yếu ớt.

Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, anh Nức chủ động làm quen rồi hai người thân thiết. Một ngày kia, anh gặp người làm những chiếc nhẫn giả bằng nhôm đi bán dạo ở làng. Anh mua 2 chiếc nhẫn với giá 1.000 đồng, mang đến tặng chị Lơi 1 chiếc với lí do để sau này gặp lại sẽ nhận ra nhau.

Chị Lơi về quê. 3 tháng sau, anh Nức không chịu nổi nên đánh liều tìm về thăm người yêu thương. Anh nhờ già làng đến nhà chị Lơi làm mai mối. Sau đám cưới ở quê, vợ chồng anh chuyển xuống sống trong căn nhà tập thể của làng phong Quy Hòa.

Chẳng bao lâu sau chị Lơi sinh đứa con trai kháu khỉnh - A Phước năm nay đang học lớp 6. Tiếp đó là con gái M Phương, năm nay 2 tuổi, hạnh phúc nhân đôi nhưng cơ cực cũng bội phần. Mỗi tháng, 2 vợ chồng được nhận khoản tiền hỗ trợ 400 ngàn đồng cho người khuyết tật.

Anh được giao công việc tưới cây, nhổ cỏ cho vườn hoa của bệnh viện, tiền công mới được nâng lên 1 triệu đồng/tháng. Trong làng ai thuê gì thì làm nấy, không ai thuê thì lên núi kiếm củi về bán, đắp đổi, vá víu qua ngày, để nuôi tiếp ước mơ cho 2 con ăn học nên người.

Thành vợ chồng từ... cục sạc điện thoại

Dọc theo con đường bê tông nhỏ chạy giữa những dãy nhà cũ kỹ, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông cắm cúi vá xe đạp với đôi tay bị tật. “Xe bị thủng ruột, tôi phải vá lại ngay để chiều bà ấy còn đi làm”, anh giải thích. Anh là Phạm Văn Sung (43 tuổi), người H’re, quê ở Quảng Ngãi; còn vợ là Ka Wẹ, hơn anh đến 9 tuổi, người dân tộc Châu Mạ, quê ở Lâm Đồng.

Mở đầu câu chuyện, anh Sung cười hiền: “Ngày xuống Quy Hòa, bà ấy quên mang theo cục sạc điện thoại. Đến khi máy hết pin, bà ấy đi hỏi mượn nhiều người nhưng chỉ có tôi dùng cùng loại. Ban đầu, bà ấy ái ngại nên phải nhờ mọi người mượn giúp. Sau, thấy tôi tốt bụng nên bà ấy mới ngỏ lời làm quen, hai người xin số điện thoại trò chuyện”.

Nhắc lại chuyện cũ, chị Wẹ ngượng ngùng kể: “Lúc đó tôi hỏi ông ấy có gia đình chưa, ông ấy bảo chưa. Tôi bảo ông ấy nói láo, ông ấy bảo nói thiệt. Nhìn ông ấy rất tội nghiệp, mà tôi cũng chẳng hơn gì. Rồi một hai ngày sau, không hiểu có tình cảm hay gì nhưng ngày nào tôi cũng cố để được gặp ông ấy. Tôi nghĩ mình đã từng có chồng con, còn ông ấy thì độc thân nên không dám nói”.

Vợ chồng anh Phạm Văn Sung.

Đang kể nửa chừng, chị Wẹ dừng lại, hồi tưởng về cuộc đời mình. Chị bảo, trước đây đã có chồng và 4 người con, chẳng may mắc bệnh phong từ năm 30 tuổi, thuốc thang chẳng bớt. Đến năm 40 tuổi, chị bị người chồng xua đuổi ra khỏi nhà. Sau đó, chị lủi thủi khắp rừng kia núi nọ một thời gian dài rồi trôi dạt xuống Quy Hòa vào giữa năm 2011 và gặp anh Sung.

Tại đây, sau một tháng chữa trị, chị Wẹ được xuất viện, trở về Lâm Đồng. Khi đã cách xa hàng trăm cây số, hai người mới nhận ra tình cảm dành cho nhau. “Bà ấy gọi điện xuống bảo là nhớ tôi quá. Lúc ấy, tôi bảo nhớ thì xuống lại Quy Hòa đi. Rồi bà xuống thật. Thế là rổ rá cạp lại, thành vợ thành chồng”, anh Sung vừa kể vừa nhìn vợ tươi cười.

Cuộc đời của anh Sung cũng bất hạnh chẳng kém vợ mình. Năm lên 10 tuổi, anh đã bị căn bệnh phong hoành hành. Sau đó, gia đình phải cất một cái chòi riêng ở ngoài rẫy cho anh ở. Đến một ngày cuối năm 2000, anh lên cơn sốt, phải nhóm lửa để sưởi ấm. Lúc ngủ quên, tay phải vô tình thò vào bếp lửa nhưng vì mất hết cảm giác nên không hề hay biết. Đến khi nghe nóng bật dậy thì đã bị cháy hết mấy ngón tay, bàn tay thành trụi lủi. Cuối năm 2003, anh được một bác sĩ đưa đến nơi này điều trị. Từ đó đến nay, chân phải anh bị cắt bỏ 2 lần.

Hiện vợ chồng anh Sung đang sống trong căn nhà tập thể của làng. Cuộc sống dù vất vả khó khăn nhưng 2 vợ chồng đều mãn nguyện. Chị từng một lần trắc trở tình duyên nên trân trọng hạnh phúc hiện tại. Anh thì bước qua con dốc cuộc đời mới có được mái ấm nên cũng không mong gì hơn.

Nguyện bầu bạn với những... linh hồn cùi

Cũng giống như anh Nức, anh Sung, anh Đinh Jit (38 tuổi, quê ở huyện Mang Yang) cũng từng một thời bị dân làng kỳ thị vì căn bệnh phong. Đó là một ngày cuối đông cách đây chừng 15 năm, đang trong lúc làm nương rẫy, anh Jit cảm thấy trong người nóng bừng, da bắt đầu nứt nẻ, tê nhức khôn cùng. Mọi người trong gia đình hết sức hoảng hốt đưa anh về nhà để thuốc thang nhưng bệnh không thuyên giảm, mà da thịt ngày càng thối rữa, các đốt ngón tay cứ rụng dần.

Khoảng một tháng sau đó, người làng cho rằng anh Jit đã bị “ma rừng” làm cho mang bệnh, mà “con ma rừng” đó ở trong người anh thì sẽ lây sang những người khác, làm nguy hại đến dân làng. Mặc dù gia đình đã cố nài nỉ để anh được gia đình chăm sóc, nhưng lệ làng không cho phép nên cuối cùng anh bị đuổi ra khỏi làng.

Sau những tháng ngày đau đớn vì căn bệnh hành hạ, anh được một người đàn ông đốn củi tốt bụng thương tình và đưa xuống làng phong Quy Hòa vào một ngày cuối năm 2010. Khi về đây, anh được mọi người cưu mang như anh em trong nhà và điều này đã tiếp thêm nguồn sống mới trong anh.

Trong những tháng ngày sống ở làng phong Quy Hòa, anh Jit gặp và quen chị Kson Hơ Veo (30 tuổi, quê ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai). Cuộc đời chị Veo cũng bất hạnh không kém anh Jit. Năm mới lên 5 tuổi, các ngón tay của Veo bỗng dưng lở loét rồi thối rữa. Trước căn bệnh lạ của con gái, cha mẹ chị Veo vô cùng sợ hãi. Rồi, trước sức ép từ buôn làng, cha mẹ chị đành phải đem con gái bỏ vào rừng để tránh bị liên lụy đến gia đình, buôn làng. Sau đó, chị được một nhóm người tốt bụng đưa xuống nơi này điều trị.

Niềm vui lớn nhất của vợ chồng anh Đinh Jit là đứa con trai kháu khỉnh.

Những tháng ngày điều trị nơi đây, hai con người đồng cảnh ngộ thường xuyên tâm tình với nhau. Đến năm 2012, cả hai đã tự nguyện góp gạo thổi cơm chung dưới một mái nhà nhỏ nhưng vô cùng ấm áp. “Tôi vào đây ở lâu hơn anh ấy nên ngày đầu gặp anh ấy, tôi thấy thương lắm. Nhìn anh ấy đau đớn và khổ sở về bệnh tật lắm. Khi biết được hoàn cảnh của anh ấy, tôi thấy thương vì anh ấy cũng bị buôn làng hắt hủi như mình. Rồi sau những ngày tháng tiếp xúc nói chuyện, tình cảm chúng tôi phát sinh khi nào không biết. Sau kết hôn, chúng tôi được hội đồng bệnh nhân nơi đây cho một căn nhà tập thể ở đến bây giờ”, chị Veo bộc bạch.

Phần quà lớn nhất mà ông trời đã ban cho vợ chồng chị Veo là đứa con trai bụ bẫm, lành lặn. Đó là tài sản lớn nhất của anh chị. Và, để tạo điều kiện cho vợ chồng chị có tiền trang trải cuộc sống, những người quản lý ở đây giao cho anh Jit trông coi nghĩa địa của những linh hồn xấu số chết vì căn bệnh cùi hủi. Công việc của anh là mỗi ngày đều đến thăm nom, quét dọn và trồng cây xanh quanh khu nghĩa địa.

“Ngày xưa nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng một thời sống ở nơi đây, với những vần thơ tình độc đáo. Giờ tôi may mắn được là người bạn vong niên với linh hồn của anh ấy và những người khác, âu đó cũng là cái duyên chứ không phải dễ gì được đâu”, anh Jit cho biết.

Yêu thương lấp đầy khiếm khuyết

Theo ông Trần Công Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân làng phong Quy Hòa, hiện làng có khoảng 250 hộ gia đình với khoảng 1.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 430 bệnh nhân. Làng phong hình thành đã hơn nửa thế kỷ, tập trung không biết bao nhiêu bệnh nhân tới đây điều trị, sinh sống. Đã có thời điểm ngôi làng nhỏ bé này có tới cả nghìn bệnh nhân. Ngoài số lượng người Kinh, những người dân tộc thiểu số từ khắp nơi cũng được đưa về đây.

Ông Nghĩa cho biết: “Điều đáng mừng là dù cha mẹ mắc bệnh nhưng các thế hệ con cháu sinh ra chưa có một ai bị lây bệnh. Tất cả trẻ em đều được bình đẳng đến trường, được Nhà nước miễn học phí, hỗ trợ tạo điều kiện đến trường. Nếu ngày xưa trẻ em chỉ học hết cấp 1 là nghỉ thì nay trong làng đã có hàng chục cử nhân, thạc sĩ. Mỗi năm, số lượng người con đem vinh quang về cho làng mỗi ngày một nhiều. Trong số đó không ít người đã làm công tác, gắn bó với mảnh đất chôn nhau cắt rốn”.

Làng phong Quy Hòa hiện có khoảng 10 dân tộc cùng sinh sống. Mọi người ở đây sống gắn bó nghĩa tình, không hề phân biệt vùng miền, dân tộc. Sau khi chữa bớt bệnh, họ nguyện tìm đến nhau để bù đắp khiếm khuyết, dìu nhau vượt lên nghịch cảnh. Căn bệnh quái ác có thể cướp đi cánh tay hay đôi chân nhưng không thể ngăn cản những trái tim cùng nhịp đập.

Phan Nhuận Phin
.
.