Chuyện về hai Học sinh miền Nam có màu da đặc biệt
- Kỷ niệm 60 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc
- Kỷ niệm dưới mái trường học sinh miền Nam thân yêu
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ kỷ niệm 60 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Có người phỏng đoán 2 chị em đó là con của Tổng thống Congo Federik Lumumba bị sát hại năm 1961. Hơn 40 năm, những cựu Học sinh Miền Nam luôn nhớ đến 2 cô gái này, nên dò tung tích... Và điều kỳ diệu đã xảy ra.
Ký ức tuổi thơ của những cựu học sinh miền Nam
Hầu hết những học sinh Miền Nam, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đều tứ tán vào các trường đại học rồi theo đuổi các ngành nghề khác nhau, công tác ở các vị trí địa lý khác nhau. Thậm chí có người ra nước ngoài định cư. Tuy vậy họ vẫn thường xuyên gặp gỡ nhau trên mạng chia sẻ những dòng ký ức tuổi thơ đáng tự hào. Trong những chuỗi ký ức đó, họ luôn nhắc đến hình ảnh 2 bạn đồng môn gốc Phi châu.
Hình ảnh 2 chị em Irene (đứng) và Monique trong thời gian là Học sinh Miền Nam. |
Thuở thiếu niên vô tư, họ không xem điều khác biệt đó là vấn đề cần quan tâm tìm hiểu. Những năm tháng trôi qua, cuộc sống đã ổn định, họ mới có thời gian dành cho những cuộc tìm kiếm bè bạn cũ. Họ chợt nhớ đến hai cô gái gốc Phi châu, con nuôi của dì Mười Thập.
Hai cô gái ấy từ quốc gia nào đến? Vì sao hai cô gái ấy lại được Nhà nước Việt Nam nuôi dạy? Chắp vá những mảnh ký ức của từng người, những cựu học sinh Miền Nam dần phát hiện những điều bí ẩn xoay quanh hai cô bạn này.
Họ nhớ ra, hai cô gái đã từng cư trú trong một căn phòng nhỏ tại trụ sở Hội Phụ nữ Việt Nam ở số 39, Hàng Chuối, Hà Nội và được các Mẹ trong Hội Phụ nữ Việt Nam chăm sóc, nuôi dưỡng. Sau đó, hai bạn này được đưa vào trại nhi đồng học sinh miền Nam.
Căn cứ vào màu da và thời điểm hai chị em xuất hiện, mọi người suy luận họ là con của Tổng thống Congo, Federik Lumumba bị sát hại năm 1961.
Nhớ lại ký ức, một cựu học sinh Miền Nam tên Hoàng Thu Hà (được bạn bè gọi là Su Phì) là bạn thân của Irene, kể: "Năm lớp 6, tôi học ở Bình Xuyên, Hương Canh, Vĩnh Phú. Tại đây tôi học chung lớp và thân thiết với Irene. Irene học giỏi các môn tự nhiên, nhất là toán. Tôi nhớ năm lớp bảy, Irene được trường tuyển vào nhóm dự thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh.
Monique là em gái Irene, học giỏi các môn xã hội. Monique có khiếu hài hước. Mỗi lần Monique kể chuyện là tụi tôi, kể cả Irene, đều mắt chữ A, miệng chữ O hết. Irene giỏi may vá, Monique giỏi nấu ăn.
Có lần Irene may cho tôi mấy cái quần nội y.
Trong các kỳ nghỉ hè, tôi hay đến phòng riêng của hai chị em ở số 39 Hàng Chuối (Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam). Mỗi khi tôi tới chơi, cụ Mô (tên thân mật của Monique) hay làm món bánh mì cắt khoanh, tẩm đường, chiên giòn rất ngon, để đãi tôi. Irene hơn tôi một tuổi, nên thường gọi tôi là Su Phì (tên biệt danh của tôi ở trường) và xưng tao. Còn tôi thường gọi Irene bằng tên và xưng em.
Có lần, hai đứa rủ nhau ra Tràng Tiền ăn kem. Vì là người ngoại quốc nên Irene được ưu tiên mua mà không phải xếp hàng. Irene mua một lúc 20 cây kem. Hai đứa ra vườn hoa con cóc ngồi thưởng thức. Tuy nhiên, ăn đến cây kem thứ năm thì … lè lưỡi, không thể ăn nổi nữa. Chúng tôi ngồi cười, nhìn kem chảy thành nước.
Lần khác, Irene nhờ các chú bộ đội đóng quân (ở Phủ Lý, Nam Hà) đóng dùm một cái tủ gương. Bạn rủ tôi đi xem các chú đóng tủ. Chúng tôi mua hai vé xe khách rồi gởi hai chiếc xe đạp lên nóc xe. Irene đi xe cuốc của Liên Xô, tôi mượn được chiếc xe Phượng Hoàng của má. Lúc đi thì dễ, lúc về không mua được vé xe khách. Hai đứa quyết định đạp xe về nhà. Đêm đó là 20 âm lịch, trăng lên trễ. Lúc đầu chúng tôi đạp xe hăng lắm. Trời tối dần mà trăng thì chưa lên. Chúng tôi sợ lắm. Lúc đó đang là mùa gặt, người dân phơi thóc đầy trên đường lộ. Chúng tôi cứ vấp các thảm thóc té lên té xuống.
Lúc đó Irene bảo: "Tao to con, lại đen nữa, để tao đi trước dẹp đường. Su Phì đi đằng sau theo tao". Vậy là, bạn đi trước luôn miệng la lên, Xe đây! Xe đây! Hai đứa đạp xe tới gần nửa đêm trăng mới lên. Trăng lên thì hai đứa đã về tới nhà".
Những cựu học sinh miền Nam còn nhớ mùa hè năm 1971, bất ngờ Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức một buỗi lễ truy điệu cho bố của 2 chị em Irene và Monique. Trong buổi lễ, hai chị em đeo băng tang. Tuy nhiên, những cựu học sinh miền Nam thuở ấy còn quá vô tư nên không tìm hiểu bố của 2 chị em là ai.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (thời đó, lớp 10 là lớp cuối cấp phổ thông trung học), Irene vào học trường Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1978, hai chị em được đưa sang Cuba học tiếp chương trình đại học. Từ đó mất liên lạc.
Hơn chục năm nay, nhớ đến thuở hoa niên đầy ký ức bom đạn, những cựu học sinh miền Nam bắt đầu truy tìm tông tích hai chị Irene.
Mặc dù những cựu học sinh miền Nam đều có thân nhân ở rải rác khắp thế giới nhưng để tìm 2 nhân vật không rõ quốc tịch, không rõ nhân thân là điều gần như không tưởng.
Một anh hùng bị lãng quên
Bằng các các mối quan hệ của mình, những cựu học sinh miền Nam lục tung hồ sơ ngoại giao của chính phủ thuở trước nhưng vô ích.
Ernest Quandie đi một mình ra đầu hàng chính phủ Ahmadou Ahidjo để cứu đồng đội. |
Cuối cùng, bà Hoàng Thu Hà tìm lại trong đống kỷ vật cá nhân một lá thư của cha Irene gởi cho Irene cách nay nửa thế kỷ. Lá thư viết bằng tiếng Pháp, ký tên là Ernest Quandie. Cái tên đó trùng với tên một vị anh hùng dân tộc Cameroon. Thế nhưng thông tin về vị anh hùng này quá ít ỏi.
Bằng các mối quan hệ cá nhân, những cựu học sinh miền Nam nhờ Đài Truyền hình Việt Nam, đài BBC, văn phòng Đại sứ Việt Nam khu vực Trung Phi tìm thông tin cụ thể của Ernest Quandie.
Cuối cùng họ cũng phác họa được tiểu sử vị anh hùng Cameroon này. Ernest Quandie, sinh năm 1924 tại Ndumba (quận Bana) ở vùng bán tự trị Upper Nkam, Cameroon.
Từ năm 1944 - 1948 ông dạy học ở Edea và là thành viên tích cực của Liên hiệp các Công đoàn Thương mại Cameroon (USCC).
Thời điểm này, Cameroon bị thực dân chia thành 2 phần lãnh thổ. 1 phần thuộc thực dân Pháp có tên gọi là Cameroun. Phần còn lại thuộc thực dân Anh, gọi là Cameroons.
Để đấu tranh giành quyền độc lập tự trị thoát khỏi chế độ thực dân, những nhà cách mạng thành lập một tổ chức gọi là phong trào Liên Minh Nhân Dân Cameroon (UPC). Giai đoạn từ 1948 đến ngày 15 tháng 1 năm 1971 Ernest Quandie là một trong những vị lãnh đạo của phong trào này.
Liên tục nhiều năm, ông đại diện cho phong trào UPC tham dự Đại hội Thanh niên Dân chủ Thế giới.
Kể từ ngày 3-6-1957, nhận thấy phong trào đấu tranh của UPC phát triển mạnh mẽ, chính quyền thuộc Pháp ra lệnh cấm hoạt động tại các vùng lãnh thổ thuộc địa của Pháp bao gồm Cameroun, Khartoum, Cairo, Conakry và Accra. Thế là UPC rút vào hoạt động bí mật.
Năm 1960, Pháp giao quyền độc lập cho nhân dân Cameroun thuộc Pháp và sang năm 1961 thì hợp nhất với phần phía nam là Cameroons thuộc Anh để hình thành nước Cộng hòa Liên bang Cameroon (Năm 1972 quốc gia hợp nhất này đổi tên thành Cộng hòa Cameroon Thống nhất. Năm 1984 lại đổi tên thành Cộng hòa Cameroon.
Thời điểm nhận quyền độc lập năm 1960, ông Ahmadou Ahidjo là Tổng thống Cộng hòa Liên bang Cameroon. Ông Ahmadou Ahidjo vốn là một thành viên chủ chốt của tổ chức chính trị Liên Minh Dân Tộc Cameroun (CNU) đối lập với UPC trong suốt thời gian Cameroon đấu tranh đòi quyền độc lập. Vì vậy, sau khi làm Tổng thống, ông Ahmadou Ahidjo tiếp tục đặt tổ chức UPC ra ngoài vòng pháp luật.
Ngày 3 tháng 11 năm 1960, Ernest Quandie trở thành chủ tịch UPC sau khi người tiền nhiệm lâm bệnh và qua đời. Ngày 21 tháng 7 năm 1961, ông trở về Cameroon để bí mật chỉ đạo cuộc đấu tranh.
Suốt 9 năm, ông và lực lượng kháng chiến liên tục bị quân đội hùng hậu của Tổng thống Ahmadou Ahidjo truy đuổi, bao vây. Đến ngày 19-08-1970, để cứu sinh mạng những đồng chí bị bao vây, ông đã đi một mình đến đồn cảnh sát Mbanga đầu hàng. Ngay sau đó, ông bị chính quyền đương nhiệm biệt giam 6 tháng.
Ngày 21-12-1970, ông bị đưa ra tòa án binh tại Yaoundé với lời tuyên bố của chính quyền "phiên tòa xét xử kẻ phản loạn".
Phiên tòa kéo dài đến ngày 5-1-1971 mới kết thúc bằng bản án tử hình dành cho Ernest Quandie. Phiên tòa này được mô tả: "Đứng trong vành móng ngựa Ernest Quandie im lặng lắng nghe phán quyết của tòa án bằng thái độ kiêu hãnh đúng với hình tượng của một nhà cách mạng can đảm và cứng rắn".
Mặc dù một nhóm tổ chức quốc tế do giáo sư Jacques Monod khởi xướng kháng nghị tính công minh của phiên tòa nhưng ngày 15-1-1971, ông vẫn bị giải bằng máy bay quân sự tới một quảng trường công cộng thuộc tỉnh Falma để thi hành án tử. Việc hành quyết vội vã này khiến chính quyền của Ahmadou Ahidjo nhận nhiều tai tiếng.
Trong buổi hành quyết, còn có 2 nhà hoạt động chính trị là Gabriel Tabeu và Raphael Fotsing. Tại pháp trường, ông nhất quyết không chịu bịt mắt và liên tục kêu gọi những người Cameroon hãy tiếp tục cuộc đấu tranh của ông đến khi giành được độc lập tự trị.
21 năm sau, vào ngày 27-6-1991 Quốc hội Cameroon nhìn nhận lại giá trị đấu tranh của Ernest Quandie và quyết định phục hồi danh dự cho ông.
Ngày 16-12-1991, Quốc hội ban hành Đạo luật số 91/022 truy phong ông là Anh hùng Dân tộc Cameroon.
Trở về quê hương thứ hai
Điều đặc biệt là, các cựu Học sinh Miền Nam đã tìm thấy trong dòng tiểu sử của Ernest Quandie danh sách 5 người con của ông gồm: Philippe Quandié, Mireille, Irene, Monique, Ruben Um Quandié.
Sau gần nửa thế kỷ xa cách, Monique trở về trong vòng tay bạn bè Học sinh Miền Nam. |
Có lẽ trước khi trở về Cameroon hoạt động bí mật vào tháng 7-1961, Ernest Quandie đã xác định mình đang dấn thân vào cuộc chiến đấu nguy hiểm nên gởi 2 cô con gái Irene và Monique cho Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam chăm sóc (Thời điểm này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là thành viên của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Thế giới).
Do còn quá nhỏ nên chính 2 chị em Irene cũng không hiểu hết nhân thân của gia đình mình.
Sau khi có được nguồn thông tin trên, ông Phạm Quốc Tâm đã tìm được Irene trong danh sách bác sĩ đăng ký hành nghề tại Hội đồng Y khoa Guyana, kể cả số điện thoại và địa chỉ.
Đến ngày 27-2-2016, bà Trần Minh Việt - Một cựu học sinh miền Nam giỏi tiếng Pháp - đã bắt liên lạc được với Monique.
Qua những dòng trao đổi qua mạng, Irene cho biết, năm 1978, hai chị em được chính phủ Việt Nam gởi sang Cu Ba tiếp tục học đại học y khoa, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.
Năm 1982, Irene tốt nghiệp bác sĩ khoa Sản - Nhi, rồi 1982 tốt nghiệp Bác sĩ Sản/ Nhi. Năm 1987, Irene đã đạt Bác sĩ cấp I về Sản và Phụ khoa. Năm 1990, Irene hành nghề Y ở Guyana.
Còn Monique thì hành nghề bác sỹ nhi khoa ở Guadeloupe, đã lập gia đình và 2 con đã trưởng thành.
Điều đáng xúc động là, tuy rời xa quê hương thứ 2 Việt Nam suốt 42 năm nhưng Monique và Irene vẫn còn nhớ tiếng Việt.
Một ngày đầu tháng 2 - 2017, một nhóm cựu Học sinh Miền Nam đã tổ chức 1 buổi họp mặt kỷ niệm 50 năm "các thế hệ Học sinh Miền Nam" tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ ở TP Hồ Chí Minh.
Monique đã có mặt trong ngày vui đó giữa vòng tay bạn bè. Suốt nửa tháng trở về quê hương Việt Nam, Monique được các bạn cũ đưa đi thăm lại những nơi đã từng nuôi dưỡng mình suốt thuở thiếu niên. Bà luôn khẳng định, hai chị em bà luôn khắc cố ghi tâm Việt Nam là quê hương thứ hai. Nhờ vòng tay đùm bọc yêu thương của Nhân dân Việt Nam, hai bà có được cơ hội trưởng thành vững chãi.