Chuyện về kỷ vật của người thương binh Công an

Thứ Tư, 27/07/2016, 11:00
Không khí hội trường Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (TNTP) Tổng cục Cảnh sát như lắng lại khi thương binh, Đại tá Lê Trọng Phúc, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu với đối tượng cướp tại Hà Nội.

Những kỷ vật được nâng niu, tiếp thêm sức mạnh trong suốt cuộc đời binh nghiệp đã được anh trân trọng trao lại cho Phòng truyền thống của Cục Cảnh sát TNTP với mong muốn không chỉ làm phong phú thêm các kỷ vật của lực lượng Cảnh sát TNTP, mà còn góp phần giáo dục truyền thống cho những chiến sỹ trên mặt trận "tầm nã".

Thương binh tuổi 23

Trong tâm trí Đại tá Lê Trọng Phúc, rạng sáng ngày 13-3-1983 là đặc biệt, anh luôn nhớ cặn kẽ, rạch ròi đến từng chi tiết. Khi ấy anh đang làm cảnh sát khu vực phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Khoảng 1 giờ 30 ngày hôm đó, anh Phúc nhận được tin Lê Tiến Quyền, một đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm của Công an tỉnh Hà Tây lúc bấy giờ, về tội giết người, xuất hiện tại khu nhà M, phường Tương Mai.

Theo thông tin nắm được thì đối tượng chuẩn bị gây ra một vụ cướp tài sản. Sau khi báo cáo lãnh đạo cấp trên, Công an phường Tương Mai lập tức triển khai lực lượng, bố trí thành hai mũi vây bắt đối tượng này. Đồng chí Lê Trọng Phúc khi ấy mang cấp bậc Thượng sĩ, được lệnh trực tiếp tham gia phá án.

Đại tá Lê Trọng Phúc, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trao kỷ vật cho đại diện Cục cảnh sát truy nã tội phạm.

Khoảng 2 giờ cùng ngày, sau lệnh xuất phát, cẩn thận mang theo khẩu K59, đồng chí Lê Trọng Phúc men theo đường Trương Định, rẽ vào ngõ 36, phường Tương Mai, hướng thẳng tới khu nhà M, nơi được xác định là có “mục tiêu”. Lúc bấy giờ trời Hà Nội có mưa phùn, gió rét dữ dội. Tới dãy nhà M, để tránh sự phát hiện của đối tượng, Thượng sĩ Lê Trọng Phúc như một con sóc, thoăn thoắt, lúc ẩn, lúc hiện, anh men theo các bức tường, ẩn mình vào bóng tối, vừa di chuyển, vừa quan sát.

"Đã tới cuối dãy nhà khu M nhưng vẫn không phát hiện đối tượng nào như nguồn tin báo, tôi rẽ sang một ngõ khác, di chuyển được vài chục mét thì phát hiện tiếng động, ngẩng đầu lên thì thấy một người đàn ông đang đứng phía góc bếp của dãy nhà. Thấy tôi, hắn xả ngay loạt đạn từ trên xuống, viên đạn xuyên từ đầu gối xuống, mắc lại ở mắt cá chân!...” - Đại tá Lê Trọng Phúc kể lại.

Mặc dù bị trúng đạn ở chân, máu chảy nhiều, nén đau, đồng chí Phúc kịp thời né vào góc khuất tầm đạn của hung thủ. Lúc này, bất ngờ đối tượng thứ hai núp trong góc tường dưới tầng 1 nhảy xổ ra dùng loại vam sắt có đầu nhọn tấn công vào người và đầu đồng chí. Choáng váng vì bị tấn công bằng hung khí, để bảo vệ tính mạng cho mình và đồng đội, đồng chí Phúc đã chống trả quyết liệt và buộc phải nổ súng bắn hạ đối tượng Lê Tiến Quyền. Thấy đồng phạm bị bắn hạ, đối tượng còn lại lập tức bỏ chạy.

"Mặc dù vẫn rất đau, mất máu nhiều do trúng đạn ở chân và đầu tê buốt vì bị đập nhiều nhát nhưng với tinh thần kiên quyết chống tội phạm đến cùng, tôi vẫn truy đuổi đối tượng. Đuổi theo khoảng hơn chục mét thì tôi ngã quỵ, không còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong bệnh viện!...” - Đại tá Lê Trọng Phúc nhớ lại.

Ngay sau đó, đồng đội đã kịp thời có mặt, đưa đồng chí tới bệnh viện cấp cứu, tiến hành phẫu thuật gắp viên đạn. Sau đó Công an TP Hà Nội đã chuyển đồng chí Phúc về trạm xá trên đường Lý Thường Kiệt để điều trị, đồng thời cắt cử lực lượng canh gác cẩn mật nhằm ngăn chặn các đối tượng quá khích có thể quay lại trả thù.

Đồng chí Lê Trọng Phúc phải nằm điều trị tại đây ròng rã gần 2 năm trời với tình trạng bị liệt nửa người, vết thương nặng chậm hồi phục. Những ngày tháng đó, anh đã được đùm bọc trong tình thương yêu của đồng đội, sự quan tâm, chia sẻ và động viên của người dân về một tấm gương chiến sĩ Công an dũng cảm, sẵn sàng quên mình vì bình yên của nhân dân.

Cuốn nhật ký của nhân dân, đồng đội

Đại tá Lê Trọng Phúc bồi hồi nhớ lại quãng thời gian bị thương nặng, nằm trên giường bệnh nhưng anh vẫn không dám cho gia đình biết, bởi bố mẹ anh đã phải chịu quá nhiều đau thương, mất mát. Đại tá Lê Trọng Phúc là con út trong gia đình ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nhà có 3 anh em.

Thời điểm anh Phúc học trường Công an, người anh trai đầu nhập ngũ vào chiến trường miền Nam đã 10 năm nhưng không nhận được thông tin gì, cả nhà coi như người anh cả đã tử trận và lập bàn thờ nhang khói. Người anh thứ hai nhập ngũ được 2 năm thì nhận được giấy báo tử ở chiến trường Hương Hóa (Quảng Trị).

Đại tá Nguyễn Trọng Phúc luôn nâng niu, gìn giữ quyển nhật ký đã theo anh suốt 33 năm qua.

Dù hoàn cảnh gia đình như vậy nhưng ngay từ hồi còn học phổ thông, Đại tá Lê Trọng Phúc đã mê Lực lượng Công an từ chuyên mục “Câu chuyện cảnh giác” phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào tối Thứ bảy hằng tuần. Ở chuyên mục này, nhà đài miêu tả chi tiết các tình tiết thực hiện phạm tội của bọn tội phạm, quá trình phá án, truy bắt của Lực lượng Công an khiến chàng thư sinh Lê Trọng Phúc mê vào ngành từ hồi đó.

Vậy là học hết cấp ba, năm 1977, chàng trai quê nghèo Kỳ Anh một mình khăn gói ra Hà Nội thi vào Trường Trung cấp Công an Hà Nội. Chính vì vậy, dù bị thương rất nặng, đồng chí Lê Trọng Phúc vẫn âm thầm chịu đựng và hai năm sau, khi vết thương gần bình phục thì gia đình mới hay tin.

Đại tá Lê Trọng Phúc rưng rưng nhớ lại: "Lúc ấy, tôi mới 23 tuổi, chưa có gia đình, nằm điều trị gần hai năm trên giường bệnh, tất cả là nhờ vào tình thương của nhân dân, sự chăm sóc của đồng đội bởi người nhà không có ai. Anh em lên thay quần, tắm giặt cho tôi tại bệnh viện, cơm nước, không một ai ngoài đồng đội mình. Tình đồng chí, đồng đội rất chân thành, thực sự nhất mà tôi cảm nhận được cho đến bây giờ. Thậm chí nhiều hôm mê sảng ướt cả quần, các đồng chí ấy còn tắm rửa cho tôi!...”.

Khi đồng chí Lê Trọng Phúc bị thương nặng nằm ở bệnh viện, cảm động trước tinh thần quên mình để đấu tranh trấn áp tội phạm của người chiến sỹ Công an trẻ, quần chúng nhân dân đến thăm anh rất đông. Các trường cũng tổ chức cho học sinh đến thăm hỏi, nhiều người ghi lại những cảm xúc về anh vào từng mảnh giấy để lại trên bàn buồng tiếp khách của bệnh viện. Đến bây giờ anh cũng không biết là ngày đó, khi anh nằm trên giường bệnh, ai là người đã mua quyển sổ để sẵn trên bàn để sau này những người đến thăm có thể lưu bút những lời động viên, những dòng văn, bài thơ cho anh.

Trong tâm trí mình, Đại tá Lê Trọng Phúc không bao giờ quên hình ảnh một cụ già gần 60 tuổi lên thăm, khi ấy anh đang bị liệt nửa người, cụ ôm, nắm tay anh khóc, động viên anh mau khỏe. Rồi chuyện một cháu học sinh cấp hai ôm hoa lên chúc mừng khi anh đã tỉnh, nói trong dòng nước mắt: “Chúng cháu thương chú lắm!...".

Quyển nhật ký đã theo Đại tá Nguyễn Trọng Phúc suốt 33 năm qua.

Sau khi dự cuộc gặp mặt thương binh, thân nhân liệt sỹ do Tổng cục Cảnh sát, Cục Cảnh sát TNTP tổ chức ngày 14/1/2016 tại Đà Lạt, Lâm Đồng, với chủ đề "Vinh quang và tự hào", tôi và 68 thương binh cùng 17 thân nhân liệt sỹ đã được chia sẻ những ký ức, những kinh nghiệm trong hành trình bảo vệ, giữ gìn sự bình yên trên mọi miền Tổ quốc, tôi rất xúc động. Trong cuộc gặp mặt này, nhiều lần chúng tôi đã rơi nước mắt bởi những hoàn cảnh éo le, những con người vượt lên số phận, thử thách, tôi quyết định trao tặng những kỷ vật đã theo mình suốt cuộc đời binh nghiệp với mong muốn sẽ góp ích cho công tác tuyên truyền, gìn giữ kỷ vật, giáo dục truyền thống của Lực lượng CAND nói chung, Tổng cục Cảnh sát, Cục Cảnh sát TNTP nói riêng... - Đại tá Phúc chia sẻ.

Ngoài cuốn nhật ký, những kỷ vật mà Đại tá Lê Trọng Phúc luôn mang theo mình là chiếc quần loe rách anh mặc khi phá án cũng được anh nâng niu gìn giữ và trao tặng cho Phòng truyền thống của Cục Cảnh sát TNTP lần này kèm theo một lá thư đầy tâm huyết. Bây giờ, với cương vị là Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, dấu chân anh đã in trên khắp mọi miền Tổ quốc để cùng đồng đội xây dựng thế trận an ninh từ cơ sở, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, giúp Lực lượng Công an phá án, giữ bình yên tại cơ sở.

Với anh, những kỷ niệm trong thời gian chiến đấu với bệnh tật, vượt qua khó khăn và làm thương binh khi còn quá trẻ vẫn là quãng thời gian đẹp nhất, không thể nào quên, chứa đựng tình quân dân thắm thiết, giúp anh có thêm nghị lực để tiếp bước trên con đường đầy chông gai, thử thách, hiểm nguy nhưng rất vinh quang mà anh và rất nhiều người lính trẻ đã lựa chọn.

Anh Hiếu - Kim Ngân
.
.