Chuyện về một giáo viên “ve chai”
- Cô giáo của cậu bé viết bằng chân
- Chuyện tình đẹp như cổ tích của cô giáo khiếm thị
- Cậu học trò dũng cảm cứu cô giáo trong dòng lũ lớn
1. Chúng tôi có mặt tại thôn Cam Lâm (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) vào một buổi trưa ngày thứ bảy. Mặc dù đã hẹn trước, song chúng tôi cũng phải đợi một lúc lâu mới nghe tiếng xe máy lạch xạch đầu ngõ. Chưa kịp chào, chị Thùy đã xin lỗi ríu rít: "Nhẽ ra em đã về từ 10 giờ, nhưng tự nhiên lại có một mối quen gọi đến cho ít bìa các tông… anh chị thông cảm cho em nhé". Rồi chị vội vã mở cửa, rót nước mời chúng tôi.
Thoạt nhìn, ngôi nhà của vợ chồng chị Thùy trông còn khá "mới" nhưng có hình dạng rất… buồn cười. Chiều dài căn nhà chừng 10m, rộng hơn 4m nhưng lại bị chia dọc làm đôi - thành ra nhìn cứ sâu hun hút. Mái nhà lợp tôn dốc, ghếch vào ngôi nhà bên cạnh trông rất tạm bợ. Tường nhà cũng mới chỉ được trát qua. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì nhiều, ngoài bộ giường tủ đã cũ. Đổi lại, mấy bức tranh phong cảnh, tĩnh vật treo trang trọng trên tường đã kéo lại chút hơi ấm cho căn phòng.
Chị Thùy kể ngày mới lấy nhau, anh chị đi vay mượn mua được một mảnh đất ven đường Phù Sa, phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây rồi cất lên ngôi nhà nhỏ ở tạm. Nhưng giờ ngôi nhà đó đã được bán đi để lo thuốc thang cho anh. Còn căn nhà hiện tại vốn trước kia là gian bếp và khu phụ của bố mẹ chồng. Anh chị xin phép cho dựng tạm căn nhà để vợ chồng con cái có chỗ nương náu. "Ngôi nhà này được làm trong đúng một tuần nên trông nó buồn cười thế đấy các anh ạ" - chị Thùy phân trần.
Chị Thùy đi thu mua ve chai. |
Chúng tôi hỏi thăm bệnh tình của anh Mạnh, trên gương mặt người phụ nữ trẻ vẫn còn lấm tấm mồ hôi, nhưng đôi mắt bừng lên những tia hy vọng: "Nhà em vừa kết thúc 12 đợt xạ trị, đi kiểm tra lại thì thấy khối u không phát triển nữa. Cả nhà ai cũng mừng".
"Em chỉ mong giữ anh ấy được lâu lâu, để mấy đứa trẻ được sống có đầy đủ ba mẹ, và em cũng có điểm tựa tinh thần" - chị Thùy nói mà nước mắt ứa ra.
Chị vẫn còn nhớ như in biến cố đã xảy ra đối với chị và gia đình 3 năm về trước. "Nhà em là giáo viên Trường THCS Trung Hưng (thị xã Sơn Tây). Anh vốn là người bình thường, khỏe mạnh. Đột nhiên khoảng tháng 10-2012 thì phát hiện đi ngoài ra máu. Gia đình vội đưa anh lên bệnh viện khám. Các bác sĩ phát hiện một khối u trong bụng ảnh hưởng đến ruột nên phải phẫu thuật cắt bỏ. Thời điểm đó em chỉ nghĩ đó là một khối u lành phẫu thuật xong là không sao. Chẳng ngờ khi mang bệnh phẩm đi sinh thiết, kết quả xét nghiệm anh Mạnh đã bị bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 3".
Từ đây, cuộc sống của gia đình chị dường như chuyển sang một giai đoạn khác…
2. Sinh ra và lớn lên ở một xã nghèo của huyện Ứng Hòa (Hà Nội), Vương Thị Thùy xác định muốn thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn thì phải học cho giỏi. Bằng nỗ lực của mình, Thùy đã thi đỗ vào Trường cao đẳng Sư phạm nghệ thuật Hà Nội, Khoa Mỹ thuật.
Tại đây, Thùy quen với anh Phạm Văn Mạnh, học trên chị một khóa. Tình yêu bắt đầu nảy nở giữa những con người có chung niềm đam mê nhưng mãi đến khi ra trường, anh Mạnh mới dám nói lời yêu. "Lúc ấy tôi đã từ chối. Tôi nói tôi sẽ không yêu ai cả cho đến năm 25 tuổi. Khi ấy có ai yêu và ngỏ lời thì tôi sẽ lấy người đó" - chị Thùy nhớ lại.
Năm 2007, khi cả hai đã có công ăn việc làm ổn định, chị Thùy mới đồng ý về làm dâu ở Sơn Tây. Rồi lần lượt một bé trai và một bé gái ra đời trong cái tổ ấm bé xíu ở phường Viên Sơn. Dù lương giáo viên chẳng cao, nhưng hai vợ chồng cũng cố gắng tằn tiện, vay mượn mua một mảnh đất nhỏ ở đây. Cuộc sống tưởng như cứ thế êm đềm trôi đi thì chuyện không ai ngờ xảy đến.
Chị Thùy, anh Mạnh và con trai trong một lần đi du lịch. |
"Lúc nghe tin dữ, tôi rất sốc. Nhưng rồi vợ chồng động viên nhau còn nước còn tát". Những ngày sau đó, Thùy phải thường xuyên đưa chồng xuống Bệnh viện K3 (Tân Triều, Thanh Trì) để điều trị. Khi đó cô con gái mới được mấy tháng tuổi, nhưng Thùy cũng đành gửi cho ông bà nội ngoại chăm giúp. Chị kiên trì động viên chồng cố gắng chiến đấu chống lại bệnh tật. Rất dễ nhận thấy nét phúc hậu trên khuôn mặt của người phụ nữ đã phải sớm lam lũ này. Chị Thùy vốn có vóc người nhỏ bé, nhưng ẩn trong đó lại là nghị lực phi thường.
Hành trình điều trị cho anh là cả một quá trình gian nan khó mà kể hết. Ngày 25 Tết âm lịch năm Tân Mão anh Mạnh bắt đầu truyền đợt hóa chất đầu tiên. Sau đó các bác sĩ cho phép vợ chồng về quê ăn tết, đến mùng 6 quay trở lại bệnh viện. Sau khoảng 10 ngày cơ thể hồi phục bắt đầu đợt thứ hai. Nhưng đến đợt 3, 4 thì anh phải nghỉ thêm 15-20 ngày mới có thể tiếp tục hóa trị.
Trong suốt mấy năm ròng rã đó, chị đi đi lại lại như con thoi từ Sơn Tây về Hà Nội. Vì lo lắng, ăn uống thất thường chị đã sụt đi hàng chục kilôgam, gầy rộc đi trông thấy. Nhìn qua ảnh thời kỳ anh chị còn chưa phát hiện ra bệnh, khó mà tưởng tượng được cô gái trắng trẻo, xinh xắn ngày nào.
Nghỉ phép chăm chồng được một thời gian, chị phải tiếp tục lên lớp để còn có đồng lương nuôi con. Ban giám hiệu Trường tiểu học Viên Sơn nơi chị công tác, và Trường THCS Trung Hưng của anh đều tạo điều kiện cho chị dạy ở cả hai trường để vẫn giữ được tiền lương cho hai người. Gia đình, bạn bè đồng nghiệp cũng xúm vào giúp đỡ, song với người bệnh ung thư thì như "muối bỏ biển". Số tiền phải lo cho anh Mạnh lên đến cả tỉ đồng, căn nhà nhỏ ở phường Viên Sơn bán đi cũng chỉ đủ trang trải vài phần. Chị Thùy nghĩ mình phải đi làm thêm gì đó để kiếm thêm.
"Ban đầu mọi người tư vấn là ra chợ bán rau, hoặc bán hoa quả. Nhưng tôi thấy mình chẳng có năng khiếu buôn bán, nhỡ ế hàng thì mang về cũng chẳng ăn hết. Tôi thấy mình phù hợp với việc giữ trẻ hoặc dọn nhà hơn. Nhưng khi nói ra ý định của mình, thì chẳng ai đồng ý".
Giấu mọi người, chị lặng lẽ lên mạng tìm xem có chỗ nào cần người giữ trẻ thì liên hệ. Thời gian ở Hà Nội, chị từng đi dọn nhà theo giờ ở nhiều nơi. Rồi ngày mùa thì chị cũng đi cấy hái, gặt thuê cho người ta. Vốn là chị cả trong một gia đình nông dân, từ bé Thùy cũng theo mẹ ra đồng cày cấy.
Dứt mỗi đợt hóa trị, anh Mạnh lại được các bác sĩ cho về nhà để bồi dưỡng một vài tuần. Về quê chẳng ai nhờ dọn nhà hay giữ trẻ nữa, chị Thùy lại phải tìm một nghề khác. Thấy người ta rao thu mua đồng nát phế liệu, chị nghĩ mình cũng thử bắt chước xem thế nào. Vậy là cứ khi nào rảnh rỗi chị lại xách xe đạp đi nhặt rác, thu mua ve chai. Mỗi buổi chỉ lãi được mươi, mười lăm ngàn đồng, song với chị Thùy như thế cũng quý. "Quan trọng hơn, khi đi làm mình sẽ đỡ nghĩ ngợi lung tung".
Chị Thùy thời sinh viên. |
3. Mặc dù giấu gia đình, nhưng việc chị Thùy đi thu mua đồng nát rồi mọi người đều biết cả. Bạn bè, đồng nghiệp đa phần đều ủng hộ, song cũng có những người nói ra nói vào. Rằng cô giáo sao lại đi làm cái việc hèn kém thế… "Nhưng em nghĩ chẳng có việc nào kém hơn việc nào cả, miễn là mình bỏ công sức lao động chân chính ra" - Thùy tâm sự.
"Nghề này tưởng dễ nhưng cũng không phải đơn giản đâu anh ạ. Có những hôm em chẳng thu mua nổi 1kg đồng nát nào. Rồi lắm khi đang gom mấy tấm bìa người ta vứt ra vệ đường, có đứa còn lao vào cướp của mình, bị người ta xua đuổi, nghĩ mà nhiều khi ứa nước mắt. Khi biết em đi làm nghề này, anh Mạnh cũng khóc nhiều. Nhưng em bảo anh ấy là em đi làm để tăng cường sức khỏe, vả lại mình lao động chính đáng chứ có phải đi vào chỗ chết đâu mà sợ".
Thấy vợ vất vả quá, nhiều lần anh Mạnh bảo thôi cho anh về nhà nằm chờ chết, đằng nào cũng không cứu được. Chị Thùy gạt nước mắt mà rằng: "Vợ trẻ, con ngoan thế này mà anh đi đâu. Có người không ốm đau tự nhiên tai nạn ra đi. Có người bệnh tật nhưng sống vài chục năm. Anh mà đi có người lấy em đấy". Anh Mạnh nắm tay vợ, nhìn âu yếm mà đáp rằng: "Thôi, tùy em".
Trong suốt buổi nói chuyện với chúng tôi chị Thùy lúc nào cũng tỏ ra rất lạc quan. "Tiền nong điều trị cho anh quả có tốn kém thật. Em bán hết nhà cửa của nả rồi mà vẫn phải vay mượn nhiều, không biết đến bao giờ mới có thể trả hết. Nhưng chỉ cần nghe tin anh ấy khỏe hơn là em chịu được. Sau những đợt hóa trị, giờ anh được về nhà, lại túc tắc đi dạy được rồi…".
Nhưng cũng có thời điểm chị Thùy cảm thấy tuyệt vọng. Đó là biến chứng sau mỗi đợt truyền hóa chất. "Đợt hóa trị thứ 5, vừa truyền xong thì anh bị tụt huyết áp, phải cấp cứu. Em cứ lo cuống lên, sợ rằng khó giữ được tính mạng anh ấy. May mắn là anh chỉ bị áp-xe gan, nghỉ ngơi một thời gian rồi mới tiếp tục hóa trị".
Bức chân dung do chồng vẽ luôn được chị Thùy coi như một vật báu. |
Thời điểm lần truyền thứ 11, anh yếu quá tưởng như "đi" đến nơi. Lúc đó hai vợ chồng ôm nhau ngồi khóc. Nhưng chị vẫn gạt nước mắt bảo:
- Anh phải cố gắng sống thêm chừng 20 năm nữa, làm lụng trả hết nợ thì hãy đi đâu thì đi.
- Thế anh muốn sống thêm nữa có được không? - anh Mạnh hỏi lại.
- Đến lúc đó rồi hãy tính!
Ở bệnh viện lâu, chị Thùy quen nhiều bệnh nhân và người nhà của họ. Cứ dăm bữa nửa tháng chị lại thấy vắng đi một người. Hóa ra họ đã "đi rồi", già có trẻ có. Mỗi lần nghe người nhà của bệnh nhân báo tin, chị Thùy lại rùng mình sợ hãi.
May mắn cho vợ chồng chị là hai con đều ngoan ngoãn, biết thương yêu bố mẹ. Con trai lớn của chị, cháu Phạm Trường Thành đang học lớp 4 nhưng đã sớm có ý thức tự lập. Từ năm lớp 1 đến năm lớp 3, cháu luôn đạt học sinh giỏi. Thừa hưởng năng khiếu của cả bố và mẹ, cháu rất yêu thích môn mỹ thuật và vẽ rất đẹp. Nhiều lần Thành đoạt giải trong cuộc thi viết chữ đẹp, vẽ tranh của thị xã.
Trong những ngày bệnh trọng, anh Mạnh có thể cảm nhận được tất cả tình cảm của vợ đối với mình. Anh lặng lẽ ngồi phác họa một bức chân dung, gửi gắm tình cảm sâu nặng, tha thiết để tặng chị. Bức hình ấy chị Thùy vẫn giữ như một vật báu.