Chuyện về “vua” sáng chế ở đất Bình Dương

Thứ Năm, 13/03/2008, 14:00
Trần Văn Tín, người được mệnh danh là ông "vua" sáng chế, Giám đốc Công ty Tư vấn điện tử I.C.E, công ty của gần 100 con người tật nguyền...

Xin bắt đầu câu chuyện về Tín qua lá thư của em Chu Phương Đông, ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa: "Kính gửi anh Tín. Em được biết anh là một người giàu lòng nhân ái, đã giúp đỡ những người tàn tật có việc làm ổn định, đó là điều mà người tàn tật thường mơ ước. Em cũng là một người tàn tật. Cuộc sống hiện tại của gia đình em rất khó khăn, ở quê em không làm được gì để sinh sống... Rất mong anh rộng lòng giúp đỡ, em chờ tin của anh...".

Trần Văn Tín, người được mệnh danh là ông "vua" sáng chế, Giám đốc Công ty Tư vấn điện tử I.C.E, công ty của gần 100 con người tật nguyền...

Thủ khoa nghèo

Hẹn lần nữa, không biết đến cuộc điện thoại thứ bao nhiêu, tôi mới có dịp gặp được Tín, người được mệnh danh là "vua" sáng chế. Nhưng chỉ trò chuyện được mươi phút, có điện thoại, anh bảo công việc, lại khất tôi lần nữa. Và cũng không biết đến lần gặp thứ bao nhiêu, tôi mới có những thông tin tạm gọi là đủ về anh...

Lần đầu tiên gặp Giám đốc Trần Văn Tín ăn mặc giản đơn, quần xoăn gấu, trông bụi bặm, ngồi trên chiếc xe DH cà tàng...

Là người gốc Huế, nhưng những năm tháng tuổi thơ của Tín lại gắn với Đà Nẵng. Nhà chỉ có hai anh em, người em gái của Tín không may nhiễm chất độc da cam, Tín trở thành niềm hy vọng duy nhất của gia đình. Ngay từ nhỏ, Tín đã phải làm lụng vất vả để tự lo cho mình và có thêm tiền lo chữa bệnh cho em gái. Tuổi thơ của Tín chỉ là những ngày trên lưng bò, sách vở, cái lưng còng của mẹ và đứa em nhỏ tật nguyền...

Từ đó, Tín luôn tâm niệm là phải học thật giỏi, học thêm phần của người em để thoát khỏi cái nghèo và kiếm thật nhiều tiền để lo chữa bệnh cho em. Không một năm nào, Tín không là học sinh xuất sắc, rồi Tín thi đậu thủ khoa, được chọn đi du học tại Trường đại học Bách khoa Nga với học bổng vào năm 1986.

Ở xứ người, không có sự hỗ trợ từ gia đình, Tín vừa học vừa làm. Càng vất vả, thiếu thốn, Tín càng nghĩ đến cha mẹ ngày càng già và đứa em tật nguyền, nên càng quyết tâm học...

Năm 1997, Tín về nước với hành trang là tấm bằng kỹ sư và bắt đầu lăn lộn. Những năm tháng này, anh làm thuê với đủ thứ nghề hết công ty này đến công ty khác ở TP HCM.

Một ngày, Tín nhận hung tin mẹ anh bị bệnh ung thư. Tín vội vàng đưa mẹ vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Thời gian này anh vừa nhận việc tại một công ty tin học điện tử của Singapore. Để tiện chăm sóc mẹ và em gái, Tín quyết định đưa cả gia đình vào TP HCM sinh sống.

Thời điện thoại di động mới du nhập vào Việt Nam, gác lại tấm bằng kỹ sư, Tín đã ra đứng ở chợ trời trên đường Hùng Vương, quận 5 sửa chữa, mua bán máy điện thoại di động. Nhưng bao nhiêu tiền kiếm được đều dồn vào chăm sóc mẹ và em...

Thời gian biểu của Tín kín mít trong một ngày; sáng đi làm trong công ty, chiều ra sửa điện thoại, tối về dành thời gian chăm sóc em và mẹ... Không ít đêm, nếu không ngủ gục thì Tín lại thức trắng bên giường bệnh của mẹ. Cuộc sống lấy bệnh viện làm nhà như thế kéo dài 5 năm, cho đến khi mẹ anh qua đời...

Sau ngày mẹ mất, tâm trạng rối bời, Tín đã từ chối rất nhiều lời mời của các công ty lớn. Nghĩ đến người em không còn ai ngoài anh để nương tựa, Tín quyết định cùng người em gái về định cư ở Phú Giáo, Bình Dương.

"vua" sáng chế

Bây giờ khi đã có gia đình và 2 đứa con kháu khỉnh, cuộc sống đầy bận rộn, Tín vẫn không ngừng học tập.

Còn nhớ, khi về Bình Dương, tài sản mà Tín mang theo chỉ là những cuốn sách chuyên ngành vật lí dày cộm và những món đồ “hầm bà lằng” từ tuốcnơvít, ốc vít phục vụ việc sáng chế của mình, và bây giờ anh vẫn thế...

Tự lập: đấy là điều đã thôi thúc anh bỏ nhiều lời mời để về Bình Dương. Tín biết rằng, ý tưởng và sự đam mê sáng tạo mới là tài sản lớn nhất mà anh có...

Trên đất Bình Dương, Tín đã mày mò nghiên cứu bộ sạc pin điện thoại dành cho người đi xe máy. Tín kể rằng, hồi đó, Tín nghĩ ở nước ngoài người ta đi xe hơi nhiều,  trên nhiều xe hơi đều có bộ phận sạc điện thoại. Dân mình đi xe gắn máy nhiều thì cũng cần một bộ sạc theo xe cho tiện...

Sau khi báo chí rầm rộ nói về chuyện sóng điện thoại có ảnh hưởng đến não người, Tín đã mất nhiều đêm để nghiên cứu màng bảo vệ tai, đây là sản phẩm thứ 2 mà Tín nghiên cứu liên quan đến điện thoại, một sản phẩm bắt đầu thông dụng thời gian này.

Sản phẩm của Tín có giá thành rất thấp so với hàng của nước ngoài. Tín đã gửi đăng ký bản quyền tại Nga. Không có tiền để sản xuất, ray rứt lắm, Tín mới đồng ý bán lại cho một công ty của Malaysia với giá 24.000 USD. Khi ấy, Tín rất muốn bán bản quyền cho một công ty của Việt Nam, nhưng chờ mãi không có người hỏi mua...

Trẻ, nhiệt huyết và một đam mê sáng tạo không ngừng nhưng cái nghèo đã khiến nhiều ước mơ và tâm nguyện của Tín dang dở, vì không có vốn và phải lo chuyện cơm áo cho gia đình nên hầu như tất cả các ý tưởng Tín đều phải bán... nóng cho các công ty có tiềm lực. Đôi khi Tín trở thành người làm gia công cho công ty mua những phát minh của mình và đau đớn nhất là người đứng tên sản phẩm không phải là anh. 

Từ 24.000 USD, năm 2004, Tín đã thành lập Công ty TNHH Tư vấn công nghệ điện tử I.C.E.

5 năm vật lộn với máy móc, ý tưởng, nghiên cứu, kỹ sư Trần Văn Tín đã cho ra đời các sản phẩm thiết bị tiết kiệm điện, giảm đến 20% điện năng cho các thiết bị có động cơ, thiết bị tiết kiệm gas. Ngày làm việc liên tục, đêm vùi đầu trong đống tài liệu... Cứ vậy, sáng chế lại nối tiếp sáng chế. Trong thời điểm Nhà nước kêu gọi tiết kiệm điện, xăng thì tăng giá từng ngày, những sản phẩm sáng tạo của Tín tạo ra đã thực sự hữu ích với cuộc sống...

Tín là “tín đồ” của nghiên cứu, nhân viên của anh kể rằng, khi anh đã bước vào phòng thí nghiệm rồi thì mọi sự liên lạc với bên ngoài đều được chấm dứt, có khi anh ở trong đó cả ngày mà không bước ra ngoài...

Giữa năm 2006, Tín lại sáng chế thành công sản phẩm đèn phát quang dùng để kiểm tra tiền giả. Đèn có hình trái tim, nhỏ, thoạt nhìn chỉ như một vật trang sức bình thường. Theo kết quả kiểm nghiệm chất lượng của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), đây là loại đèn phát quang đặc biệt, khi soi làm hiện rất rõ con số tiềm ẩn, nằm giữa sóng ngang tờ polymer hoặc dấu chìm của một số giấy phép lái xe... có sử dụng mực phát quang không màu mà mắt thường không thể nhìn thấy được, nhiều loại đèn khác cũng khó phát hiện. Đây là dòng sản phẩm đã được Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu, Ngân hàng BIDV đặt hàng với một số lượng lớn.

Khi chiếc đèn mini soi tiền giả của Tín ra đời, với giá thành chỉ hơn 10.000 đồng, rất nhiều tiểu thương đổ xô đi mua loại đèn này...

Theo lời kể của anh Đỗ Ngọc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Bình Dương, khi đề cử I.C.E tham gia “Sao vàng Đất Việt” năm 2006, anh em doanh nghiệp Bình Dương kỳ vọng rất nhiều vào những sản phẩm của doanh nghiệp trẻ Trần Văn Tín.

Năm ấy, 3 sản phẩm của Tín đều đoạt giải, điều không dễ với một doanh nghiệp trẻ và thiếu tiềm lực như I.C.E. Ban tổ chức đã đánh giá rất cao về khả năng sáng tạo của Tín. Những sản phẩm của Tín đều được đánh giá là đã góp phần tiết kiệm điện, tiết kiệm xăng, tiết kiệm gas, rất hữu ích đối với cộng đồng mà giá thành lại rẻ so với những sản phẩm ngoại nhập...

Hiện nay, các sản phẩm, phụ kiện do Tín sáng chế đã được sản xuất quy mô với hai nhà máy đặt tại khu công nghiệp Phú Giáo (Bình Dương) và quận 12 (TP HCM) vẫn không đủ cung cấp theo những hợp đồng về ngày một nhiều...

Tín đã cho ra đời thêm đèn pin vĩnh cửu dùng từ trường, kích cỡ như một đèn pin mini, một bộ sạc điện thoại đa năng sử dụng, nghe nhạc Mp3 và sạc được pin cho nhiều loại điện thoại hiện có, máy chống say tàu xe, mèo điện tử đuổi chuột, giá thành những sản phẩm này đều chưa đến 100.000 đồng...

Một lần, có người bạn thân chạy xe trên đường làng, do đèn xe không đủ sáng nên đã lọt xuống hố, chấn thương sọ não và sau đó đã qua đời. Sau khi đi đưa tang bạn về, Tín trở nên lặng lẽ và lại vùi đầu trong phòng thí nghiệm.

Ngày sau, người nhà thấy anh đi mua một chiếc xe cũ, suốt ngày tháo tháo lắp lắp. Hết 3 chiếc xe máy thì bộ tăng sáng cho đèn xe ra đời. Chỉ cần gắn thiết bị vào đèn pha, đèn sẽ giữ độ sáng ban đầu mà không tùy thuộc vận tốc của xe, và bộ tăng sáng cho đèn xe này chỉ có giá hơn 20.000 đồng...

Nhà máy của lòng nhân ái

Nếu chỉ đơn giản là một doanh nhân, nếu chỉ đơn giản là một “vua" sáng chế, Tín đã không được những người xung quanh, những người biết về anh kính trọng và khâm phục như hiện nay.

Tín tâm sự rằng, sản phẩm của anh luôn lấy ý tưởng từ cuộc sống, làm sao chỉ với một ít tiền nhưng người tiêu dùng có được sản phẩm tốt để sử dụng.

Bây giờ, mong ước lớn nhất của anh là có thêm nhiều vốn để mở rộng nhà máy, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, nhất là đối với những người khuyết tật, những thân phận mà anh đặc biệt quan tâm.

Người ta nói rằng, anh đã đến với người khuyết tật hoàn toàn tự nhiên bằng sự đồng cảm. Sự đồng cảm ấy cũng bắt nguồn từ tình thương của anh dành cho cô em gái tật nguyền. Một ngày, Tín thấy em gái loay hoay với những sản phẩm mà anh làm ra với sự say mê kỳ lạ. Thế là một công ty dành cho người khuyết tật ra đời...

Tín đã thành lập Trung tâm Bảo trợ tàn tật I.C.E TP HCM. Anh nói rằng, trong chúng ta ai cũng có ý chí muốn vươn lên, có nhu cầu khẳng định và đặc biệt là ý thức tồn tại, sống dựa vào chính bản thân mình. Nhưng những điều đó sẽ là không dễ dàng đối với các trẻ khuyết tật và trẻ mồ côi, khi mà số phận của họ không được may mắn như chúng ta.

Dẫu vậy, bên trong những cơ thể không lành lặn, những mảnh đời ngang trái ấy vẫn có một sức sống mãnh liệt, muốn vươn lên, không đầu hàng số phận và ai cũng muốn tự mình nuôi sống được bản thân để không trở thành gánh nặng của gia đình. Trung tâm I.C.E ra đời cũng là để hỗ trợ các em thực hiện mong ước đó...

 Đầu năm 2007, Tín đã thành lập 2 lớp dạy nghề cho gần 100 trẻ khuyết tật. Tín đang ấp ủ dự án mở một trường cao đẳng dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật với các nhóm điện gia dụng, điện công nghiệp, điện tử, viễn thông... Tất cả học viên sẽ được học miễn phí...

Mỗi em có những dị tật khác nhau, Tín phải tìm và sắp xếp công việc phù hợp với khả năng của từng em...

Khi tôi hỏi về khả năng của người khuyết tật và bài toán kinh tế, Tín cười hồn hậu, trả lời rằng: “Nếu quan trọng chỉ là bài toán kinh tế tôi đã không dám nhận các em vào làm, bởi tay nghề nhiều em rất yếu, nhưng tôi nghĩ các em đã học được rất nhiều từ cơ sở sản xuất này”...

Để kết thúc bài viết này, người viết xin kể câu chuyện về chàng trai Nguyễn Minh Thắng, sinh năm 1984, quê Tây Ninh, một trong những công nhân của Tín: “Em bị tật do hồi nhỏ bị sốt bại liệt. Em cố gắng học hết lớp 12. Không thi đậu đại học, em đăng ký học tại trường dạy nghề trẻ khuyết tật và mồ côi huyện Hóc Môn. Học cho biết vậy thôi, em cũng không bao giờ dám mơ đến một ngày được làm việc, cho đến khi chú Tín đến tận trung tâm tuyển tụi em. Khi đến trung tâm lại gặp nhiều người như mình, em không còn mặc cảm. Điều này đối với tụi em như là một giấc mơ”...

Thuận Thiên
.
.