Cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong lòng dân

Thứ Tư, 21/03/2018, 15:00
Trong ngày cuối cùng linh cữu còn quàn tại tư gia trước khi di quan đến Hội trường Thống Nhất để thực hiện nghi thức Quốc tang cho cố Thủ tướng vào sáng 20-3, nhiều người dân mến mộ ông đã về Củ Chi để tiễn đưa.

Theo mong muốn của gia đình cố Thủ tướng Phan Văn Khải, linh cữu của ông quàn tại tư gia trong 3 ngày để bà con chòm xóm viếng thăm ông lần cuối. Cũng như con người ông, tính cách của ông lúc sinh thời, tang lễ được tổ chức hết sức đơn sơ, giản dị và gần gũi. 

Trong ngày cuối cùng linh cữu còn quàn tại tư gia trước khi di quan đến Hội trường Thống Nhất để thực hiện nghi thức Quốc tang cho cố Thủ tướng vào sáng 20-3, nhiều người dân mến mộ ông đã về Củ Chi để tiễn đưa.

Người đi vào cõi tiếc thương

Nắng như đổ lửa nhưng dọc tuyến đường vào khu vực tang lễ cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nhiều điểm chốt an ninh được thiết lập để hướng dẫn hướng đi và bảo vệ an ninh trật tự cho người đến viếng. 

Trung tá Lê Văn Tuấn - Trưởng Công an xã Tân Thông Hội - đang túc trực tại một điểm chốt cho biết, suốt 3 ngày qua tình hình an ninh trật tự trong khu vực rất ổn định. Rất nhiều bà con nông dân ở các tỉnh xa đến thắp hương trong trật tự và thành kính.

Làm Trưởng Công an xã Tân Thông Hội suốt 9 năm qua, Trung tá Lê Văn Tuấn có nhiều cơ hội được bác Hai Khải gặp gỡ trò chuyện thân mật. Anh rất tâm đắc lời của Thủ tướng Phan Văn Khải dành cho đơn vị Công an xã Tân Thông Hội: "Muốn địa phương giàu đẹp, tốt hơn thì an ninh trật tự phải được giữ vững".

Nhiều người dân đến thắp nén nhang tiễn đưa cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Trong số những quan khách đến viếng tang, có không ít những người nông dân chất phác, vai đeo túi hành lý. Họ đã bắt xe đò vượt hàng trăm cây số từ các tỉnh xa, tìm đến lễ tang chỉ để ngậm ngùi đứng trước di ảnh của ông thắp nén nhang tưởng niệm rồi tất tả lên xe trở về. Họ không quan tâm đến mọi thứ nghi lễ. Họ ước nguyện đến lễ tang để chia tay ông lần cuối. Có người chưa từng có dịp gặp trực tiếp ông ngoài đời mà chỉ gặp trên truyền hình. Cũng có người hàm ơn gián tiếp từ quyết sách của ông.

Chúng tôi tiếp cận một người đàn ông mang dáng vẻ doanh nhân đứng bên ngoài hướng gương mặt đượm buồn về thi hài cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Doanh nhân này không muốn nêu tên, cho biết: "Tôi là Việt kiều Mỹ. Hồi trước năm 1995, tôi sinh sống ở Texas với mức thu nhập nhàng nhàng. Năm 1995, hai nước bình thường hóa quan hệ, tôi vẫn chưa dám đầu tư về quê hương vì chuyện làm ăn thất bại. Đến năm 2005, ông đến Mỹ hội đàm với Tổng thống Mỹ Bush. Ngay sau đó, ông gặp gỡ một số bà con Việt kiều, trong đó có tôi. Ông đã bắt tay tôi nói gọn: về làm giàu quê hương mình đi. Nhờ cuộc gặp đó tôi quyết định về quê hương kinh doanh. Khi về, tôi gặp một số khó khăn. Tôi gặp ông và được tháo gỡ nhanh chóng. Khi kinh doanh thành công, tôi có tìm gặp ông để cảm ơn. Ông chỉ nói: anh phải cảm ơn quê hương mới đúng. Ông không giúp tôi trực tiếp nhưng nhờ quyết sách của ông, tôi được thụ hưởng sự thành công ngày hôm nay".

Năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đến Washington D.C. được đánh giá là sự kiện lịch sử đối với quan hệ song phương Việt - Mỹ. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Việt Nam từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975. 

Trong chuyến ngoại giao đó, Thủ tướng Phan Văn Khải có tổ chức tiệc chiêu đãi các nhân sỹ, trí thức doanh nhân Mỹ và Việt kiều. Trong bữa tiệc đó, những Việt kiều ở Mỹ rất xúc động khi nghe một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam nhắc đến việc gác lại quá khứ để hướng tới tương lai của quê hương. Thủ tướng đã nói chuyện rất chân thành, mộc mạc và rất khảng khái kiểu Nam bộ nên thu hút được thiện cảm của nhiều doanh nhân gốc Việt.

Bức ảnh của người thợ cắt tóc

Những người láng giềng đều nhận xét nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một người cởi mở, thẳng thắn, vui tính và sẵn sàng lắng nghe. Những người dân đã từng gặp ông đều khẳng định ông gần gũi, chân thành và giàu lòng nhân ái.

Anh thợ cắt tóc Nguyễn Thanh Phong cùng bức ảnh chụp chung với cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Trong dòng người đến viếng “bác Hai Khải” - cái tên thân mật mà chòm xóm thường gọi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - có một người đàn ông đứng chờ đến lượt vào viếng. Đó là anh Nguyễn Thanh Phong người đã nhiều lần cắt tóc cho "bác Hai Khải". 

Nhớ lại lần đầu tiên cắt tóc cho nguyên Thủ tướng vào một buổi sáng năm 2014, anh Khải thốt: "Trời! Bữa đó run lắm! Dù được người nhà bác Hai Khải báo trước nhưng anh Phong vẫn cứ sợ khi lia kéo trên mái đầu bạc lấm tấm tóc đen của "Lãnh đạo Trung ương". 

Anh Phong buồn bã kể: "Thấy tui run, bác Hai cười hiền rồi ôn tồn bảo, con cứ cắt như người bình thường, cắt theo kiểu cũ ngắn lên chút là được. Trời! Thấy nụ cười ổng, tự dưng hết run hồi nào không hay biết luôn. Suốt 4 năm nay, bác Hai là khách mối của tui. Cuối năm 2017, bác Hai còn ghé tiệm cho tui cắt tóc. Vậy mà... Hôm bữa mới sáng sớm ba tôi về báo bác Hai mất, tôi bần thần một hồi. Ổng là Thủ tướng mà thân thiện lắm".

Có lần, anh Phong đánh bạo xin phép chụp ảnh chung với bác Hai nhưng trong bụng nghĩ bị từ chối. Không ngờ, bác Hai đồng ý. Khi chụp, bác Hai còn chỉ cách đứng cho đẹp. Anh Phong lồng khung kính bức ảnh rồi treo trang trọng trong tiệm cắt tóc nhỏ của mình.

Đứng bần thần trước di ảnh cố Thủ tướng, ông Dương Văn Bạo - cựu chiến binh xã Tân Thông Hội - bùi ngùi: "Từng là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, thế nhưng khi trở lại quê hương, bác luôn giữ tính cách bình dị, gần gũi, thân thiện. Tôi nhớ có lần anh em cựu chiến binh đến thăm bác vừa đến phòng khách, bác đã hỏi ngay anh em cần giúp đỡ gì, nói luôn, tao lo cho. Lúc đầu chỉ định ghé thăm bác thôi. Ổng hỏi bất ngờ như vậy, anh em tụi tôi đâu biết gì mà nói. Ổng liếc nhìn thấy trang phục anh em tụi tôi cũ, sờn. Vậy là ổng gọi điện thoại cho địa phương đề nghị cấp phát trang phục mới".

Chủ tịch Hội khuyến học xã

Suốt mấy ngày nay, cứ xong công việc ở cơ quan, chị Phan Thị Cẩm Nhung - Phó Chủ tịch HĐND xã Tân Thông Hội - tranh thủ đến lo tang sự như một người con trong gia đình. Chị khóc nấc nghẹn: "Bác Hai Khải coi tôi như một đứa con trong gia đình. Giờ bác Hai đã đi xa".

Người dân Củ Chi treo cờ tang để bày tỏ niềm thương tiếc.

Sau khi nghỉ hưu một thời gian, năm 2007 nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải mới chính thức về quê hương sống bình dị cùng gia đình. Lúc đó chị Cẩm Nhung là Phó Chủ tịch UBND xã. Lần đầu chị đi theo lãnh đạo xã đến thăm bác, chị lo lắng, nép vào góc nhà. Biết chị e ngại, bác Hai chủ động bắt chuyện. 

Tưởng bác Hai bắt chuyện theo phép xã giao của nguyên thủ quốc gia chứ không lưu tâm đến những trăn trở chị giãi bày. Thế nhưng, một thời gian sau, khi gặp lại trong buổi lễ cúng đình, bác Hai lại chủ động gợi vấn đề mà chị giãi bày trong lần gặp đầu tiên. 

Điều trăn trở của chị là địa phương còn nghèo, con em nhiều nông dân bỏ học vì không có tiền. Chị giãi bày dự định lập quỹ khuyến học khoảng vài chục triệu để trợ giúp trẻ em nghèo đến trường. Khi gặp ở lễ cúng đình, bác Hai nhắc lại chuyện đó rồi bảo đã có cách.

Khoảng 3 ngày sau, bất ngờ chị nhận được điện thoại của bác. Bác chỉ nói gọn: "Cháu rủ Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã ghé nhà bác bàn công việc".

Chị rưng rưng: "Tôi không biết, bác Hai gọi chuyện gì nên cứ lo lo. Hai anh em vừa đi vừa hỏi nhau, không biết tụi mình có làm điều gì sai với dân khiến bác giận. Hỏi nhau hoài vẫn không biết đã làm điều gì sai, hai anh em đánh liều đi. Không ngờ, khi vào, bác pha trà mời uống rồi đưa ra một cọc tiền 400 triệu nói về lên kế hoạch ra quyết định thành lập hội khuyến học đi. Ông trực tiếp làm chủ tịch hội khuyến học còn Nhung làm phó chủ tịch. Lần đầu tiên trong đời, hai anh em mới cầm số tiền lớn nên trên đường về cứ sợ bị cướp".

Hai ngày sau bác Hai lại kêu chị Cẩm Nhung vào để đưa thêm 470 triệu đồng. Rồi những lần kế tiếp, số tiền mà các “Mạnh Thường Quân” đóng góp theo sự vận động của bác đưa quỹ khuyến học lên đến 1,5 tỷ đồng. Có nguồn tiền quỹ, nhiều trẻ em địa phương đã thôi học lại được tiếp tục đến trường.

Năm 2013, chị Nhung được tín nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, quỹ khuyến học trao lại cho người khác theo đúng thẩm quyền. Đến nay, hằng năm, quỹ khuyến học đã hỗ trợ cho gần 200 em học sinh trong xã đến trường.

Chị Nhung khóc: "Hôm 24-12 là sinh nhật bác Hai. Khi tôi ghé thăm thì bác còn khỏe, cười nói vui vẻ. Vậy mà sau đó vài ngày tôi đã nghe tin bác nhập viện".

Ông đã về cõi vĩnh hằng, yên giấc thiên thu nhưng nhân cách, tính cách và lòng nhân ái của ông vẫn còn ở lại trong tiếc thương của người dân, bạn bè và đồng chí. Những ai đã từng gặp ông, chắc chắn sẽ ghi tạc niềm thương nhớ.

Nông Huyền Sơn
.
.