Có một người giám thị như thế (tiếp theo và hết)

Thứ Năm, 18/06/2009, 09:30
Gần cả sự nghiệp đều gắn bó với trại, Đại tá Hồ Thanh Đình cho rằng trại giam không chỉ là nơi giam giữ, cải tạo phạm nhân mà còn thật sự là một đơn vị nghiệp vụ của lực lượng Công an. Vì vậy, ông đặc biệt chú trọng đến việc "tăng cường tai mắt" bằng cách tạo quan hệ rất tốt với chính quyền và nhân dân nơi đơn vị trại trú đóng.
>> Có một người giám thị như thế! (kỳ 1)

Đối với nhiều thế hệ cán bộ quản giáo, đối tượng cải tạo khó thuyết phục nhất chính là lớp sĩ quan, công chức chế độ cũ. Họ đều là những người có trình độ nhưng hầu như đều xa lạ hoàn toàn với việc lao động chân tay. Đã vậy, thường trực trong ý thức của họ là sự dị ứng, chống đối với chế độ mới và môi trường cải tạo. Làm “thầy” họ là điều không dễ.

Những ngày đầu, là Đội trưởng Đội sản xuất tăng gia, Hồ Thanh Đình gần như bất lực không thể nào hướng họ theo ý niệm "có sức người sỏi đá cũng thành cơm" như chính nhiệt huyết và đức tin của bản thân và đồng đội. Đậu bắp trồng tỉa qua loa trên mảnh đất cỗi cằn cứ héo rũ rồi chết, không cho thu hoạch.

Bao nhiêu kiến thức, kinh nghiệm trồng tỉa từ vùng quê Tuyên Hóa, Quảng Bình, Hồ Thanh Đình đều phải lục lọi, vận dụng bằng hết. Ngoài ra, ông còn chịu khó tìm hiểu, học hỏi thêm và làm trước để hướng dẫn trại viên. Mất rất nhiều thời gian lao tâm khổ tứ chọn giống phù hợp, nghiên cứu chất đất, nguồn nước, Đình quyết định cho trồng loại bắp lai răng ngựa.

Để bón cây, ông cho phạm nhân đào hố, ủ phân. Phạm nhân chê bẩn thỉu, nhất định không chịu làm. Tự tay người quản giáo phải làm trước, làm thật sự và cật lực. Cán bộ làm được thì không lý do gì trại viên lại từ chối. Những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, rẫy bắp trong trại khi nào cũng tốt vụt và năng suất cao hơn nhiều so với rẫy của người dân khu vực xung quanh.

Khi bắp đã đợi già để thu hoạch, ông lại cho tỉa lá, cắt cờ và trồng xen đậu xanh vào giữa luống. Cây đậu xanh vượt lên sum suê và cho năng suất rất cao. Màu xanh không chỉ hồi sinh cho vùng đất cằn sỏi đá mà còn làm tươi lại những tâm hồn. Thành quả lao động hiện ra trước mắt trở thành niềm vui đối với những người tù. Năm tháng cải tạo trở nên đỡ ngột ngạt, tù túng hơn, người tù trở nên yên tâm, ít chống đối và tìm cách bỏ trốn hơn.

Còn Hồ Thanh Đình, ông lại vắt óc nghiên cứu để tìm cách lắp đặt một lò sấy bắp, bảo đảm giữ sản phẩm được lâu mà không hỏng ở một vùng đất mà nắng mưa, thời tiết luôn hết sức thất thường. Cho đến nay, đó vẫn là lò sấy duy nhất được biết đến trên mảnh đất Hàm Tân.

Phạm nhân nữ trại Z30D lao động trong mùa thu hoạch.

Ông Nguyễn Hữu Có, cựu Trung tướng, Tổng trưởng Bộ Quốc phòng chế độ Sài Gòn vẫn thường nhắc đến cán bộ Trịnh Nhu, Hồ Thanh Đình, Nguyễn Sĩ Binh... và những cán bộ quản giáo ở Trại Z30D ngày đó, với một sự trân trọng.

Ông gọi họ là những "ông thầy", dù vào thời cựu tướng Có ở trại thì những người thầy ấy đều còn rất trẻ, đều chỉ là những sĩ quan cấp úy, có người vẫn đang là hạ sĩ quan. Sau khi ra trại, ông Có vẫn nhiều lần quay lại chốn xưa để thăm những cán bộ đã từng quản lý cải tạo mình. Còn ngay khi đang ở trại, ông Có bảo rằng ông cũng hoàn toàn yên tâm, đến mức đã đồng ý cho con gái mình tự nguyện đến Trại Z30D làm một cô giáo dạy văn hóa cho những phạm nhân trong suốt quãng thời gian ông ở trong trại.

Với Z30D, "dấu ấn Hồ Thanh Đình" không ít. Vùng đất nơi Trại Z30D trú đóng tuy rộng nhưng là vùng bán hoang mạc, đất đai cằn cỗi, khí hậu thất thường và khắc nghiệt, không tìm đâu ra một nguồn nước. Ông Đình là người đề xuất sáng kiến đắp đập, ngăn, nắn  dòng những con suối cạn trong khu vực để làm hồ chứa nước. Cũng chính ông, từ năm 1983, lúc đó đang là Phó bí thư Đảng ủy trại đã được Ban giám thị trại giao chỉ huy thực hiện công trình này.

Với hàng vạn ngày công của nhiều đợt phạm nhân, hàng loạt hồ nước lớn nhỏ đã hình thành trong trại, tích nước trong mùa mưa đủ để tưới tiêu cho hơn 600ha đất trồng rau, màu, thuốc lá trong mùa khô. Rau trồng, cá nuôi dưới hồ được dùng để cải thiện thêm cho bữa ăn của phạm nhân, những người trực tiếp lao động hình thành nên công trình.

Thời chưa có điện lưới phải chạy máy dầu, nước hồ được điều tiết, lắp tuabin, đủ điện cung cấp cho nhu cầu của 2/8 phân trại của toàn trại. Ngày nay, ở Phân trại K.4 và 4 phân trại lân cận, chỉ cần vặn robinet là có nước bơm từ hồ dùng thoải mái, trong khi ngày trước phải tổ chức cho phạm đi hàng kilômét chở từng phuy một.

Trong hai thập niên đầu xây dựng, phủ xanh và cải tạo đất, Trại Z30D chủ yếu trồng bạch đàn, sau đó thay bằng keo lá tràm. Diện tích đất được cây rừng che phủ tuy cao nhưng hiệu quả kinh tế thì rất thấp. Từ năm 1996, lúc còn là Phó giám thị, Hồ Thanh Đình đã trăn trở nhiều trong việc tìm giống cây thích hợp để phủ lên đất trại, tạo cơ sở cho bước phát triển lâu dài.

Đích thân ông đã vào tận các lâm trường ở huyện Đức Linh, Bình Thuận tìm giống cao su, thuê cán bộ kỹ thuật về trồng thử nghiệm. Hai năm sau, khi đã thành giám thị trại, ông lại tiếp tục tổ chức gây dựng rừng xà cừ lấy gỗ. Cả hai thứ cây trồng này đều phát triển rất tốt, từ  đầu năm 2003 đến nay đã trở thành nguồn thu chính của trại. Riêng diện tích cao su hiện nay đã lên đến gần 800 ha, 2/3 trong đó đã cho thu hoạch.

Gần cả sự nghiệp đều gắn bó với trại, Đại tá Hồ Thanh Đình cho rằng trại giam không chỉ là nơi giam giữ, cải tạo phạm nhân mà còn thật sự là một đơn vị nghiệp vụ của lực lượng Công an. Vì vậy, ông đặc biệt chú trọng đến việc "tăng cường tai mắt" bằng cách tạo quan hệ rất tốt với chính quyền và nhân dân nơi đơn vị  trại trú đóng. Được giáo dục, quản lý quy củ, tính kỷ luật và trình độ nghiệp vụ cao, CBCS của Trại Z30D tham gia với địa phương việc gì cũng đạt hiệu quả.

Khu vực rừng Núi Le, Núi Đất giáp giới 3 tỉnh Bình Thuận - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi khu vực rừng giáp giữa hai huyện Hàm Tân - Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đều nổi tiếng về nạn phá rừng. Khi công tác này được chuyển giao cho Z30D, nạn chảy máu rừng được ngăn chặn, rừng lại xanh trở lại. --PageBreak--

Năm 2003, tại Hàm Tân xảy ra  một vụ gây mất trật tự nghiêm trọng. Hai thanh niên ở khu vực cầu Căn cứ 8 trên Quốc lộ (QL) 1, vì khai thác gỗ lậu đã xảy ra xô xát với lực lượng bảo vệ rừng. Trong lúc xô xát, cả 2 đều dính đạn và thiệt mạng. Một số kẻ đã lợi dụng chuyện này, kích động gia đình mang xác 2 nạn nhân đi khiếu kiện.

QL1 bị nghẽn đường từ 5h sáng đến chiều, xe cộ ùn tắc hàng chục kilômét. Giải quyết, thuyết phục mãi không ăn thua, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã nhờ đến lực lượng của Z30D. Đại tá Hồ Thanh Đình nhận định: không thể để vụ việc kéo dài đến đêm, những kẻ xấu sẽ lợi dụng đêm tối đốt lửa gây náo loạn thêm.

Ông cho 300 CBCS của trại không mang theo bất kỳ thứ vũ khí hay công cụ hỗ trợ nào giàn hàng ngang hai bên QL. Một mặt, ông trực tiếp gặp gia đình  2 nạn nhân thuyết phục, mặt khác tuyên bố: "Bất kỳ ai cố tình gây náo loạn cũng sẽ bị xử lý bằng luật pháp". Cương quyết nhưng mềm mỏng, lại nhờ vào quân số đủ mạnh để trấn áp ý đồ của những kẻ manh động, Đại tá Đình và lực lượng của Z30D đã vãn hồi được trật tự và thông xe trên QL1 trước khi ánh nắng cuối ngày tắt hẳn.

Năm 2005, Đại tá Hồ Thanh Đình được giao trọng trách Cục phó Cục Cảnh sát trại giam, phụ trách các trại khu vực phía Nam. Ông đã  hoàn tất sự nghiệp ở Trại Z30D, góp công rất lớn trong việc đưa Z30D thành đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân  vào năm 1995. Trên cương vị mới, ông đang cố tận tâm để giúp tất cả các trại giam trong khu vực mà mình quản lý, trại nào cũng phát triển như Z30D, như "ngọn cờ đầu". Vì thế, ông đi cơ sở liên tục, như ông nói là để "cầm tay chỉ việc".

Tôi đã  nhiều lần "tình cờ" gặp ông trong những chuyến công tác ở nhiều trại giam khác nhau.  Đến Trại Z30D ở Hàm Tân,  Bình Thuận, lần nào cán bộ văn phòng trại cũng phải lấy xe máy chở tôi đi tìm ông. Khi thì ông ở  ngoài rừng cao su mới trồng để kiểm tra việc bón phân, làm cỏ. Lúc khác, ông lại đang ở dưới xưởng mộc, không chỉ để chỉ đạo, kiểm tra mà còn tự tay thị phạm kỹ thuật cho phạm nhân cách bôi keo, ép gỗ trong quy trình sản xuất ván từ gỗ vụn tận dụng từ đai các kiện hàng.

Có lần ở Trại giam Cây Cầy, Tây Ninh, là cán bộ lãnh đạo Cục về kiểm tra, làm việc với cơ sở, nhưng xuống xe, ông không vào Văn phòng Ban chỉ huy mà đi thẳng xuống dãy buồng giam. Vào tận từng buồng, tụt giày trèo lên tận dãy giường nằm trên tầng 2 của phạm, xong ông lại đi kiểm tra tận buồng vệ sinh, chỗ đổ rác, hỏi han từng phạm nhân trực buồng về đủ thứ chuyện. Nơi nào hơi thiếu ngăn nắp hay thoáng có chút mùi lưu cữu, ông cho gọi cán bộ quản giáo lại phê bình ngay.

Ông bảo: "Đêm nằm bằng năm ở, mình chỉ ghé vào một chút mà còn thấy chưa thoải mái thì phạm nhân ở ngày này qua tháng khác họ chịu thế nào? Không yên tâm với chỗ ăn chỗ ở thì dễ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, phạm dễ tìm cách trốn".

Ông cho rằng, phòng ốc, điều kiện sinh hoạt trong buồng giam tốt hay không không phải do đánh giá chủ quan của cán bộ quản giáo mà phải do chính những người tù nhận xét. Người tù thấy bằng lòng, yên tâm tức là đạt yêu cầu. Ngược lại thì phải thay đổi ê kíp trực buồng tự giác khác, do chính những người tù bầu lên. Làm được như vậy thì phạm nhân chẳng có lý do để kêu ca, dư luận về chuyện tiêu cực để tìm được suất làm phạm nhân tự giác, không phải đi lao động mà được ở nhà trực buồng, dọn vệ sinh (có vẻ như nhẹ nhàng hơn) cũng chẳng có cơ hội để tồn tại.

Cách làm này, Đại tá Hồ Thanh Đình gọi là "thổi không khí dân chủ vào tận buồng giam". Người được hưởng lợi đầu tiên, dĩ nhiên là chính những người tù.

Đến trưa, Ban giám thị trại báo cáo là đã chuẩn bị cơm cho đoàn công tác ở nhà ăn. Đại tá Đình không nói gì, cứ thế phăm phăm đi xuống bếp ăn của phạm nhân. Tự tay ông lấy chén, xúc một ít cơm, chan mấy thìa canh và đứng ăn chậm rãi. Hài lòng thì ông nói ngắn gọn một chữ "được", chưa vừa ý là cầm chắc cán bộ quản giáo bị phê bình.

Ông Đình cho rằng, chỉ có sự khác biệt đó là cán bộ quản giáo không ngồi ăn cơm cùng bàn với phạm nhân. Ngoài ra, cơm nào mà chẳng nấu từ gạo, làm gì có chuyện khác nhau giữa cơm tù với cơm cán bộ. Chỉ đơn giản là  không thể bắt người tù ăn thứ cơm canh mà cán bộ cảm thấy khó nuốt.

Đã có lần, trong câu chuyện thân mật, ông tỏ ra không đồng tình với cánh báo chí chúng tôi: "Công an thì làm cật lực, đã đi đến đâu là phải sâu sát, phải rà soát, chỉnh sửa từng ly từng tí. Làm gì có chuyện quan dạng "thăm và làm việc" như báo chí viết đâu".

Dáng người đậm, đi nhanh, nói lớn, không chỉ cán bộ mà ngay cả phạm nhân ở nhiều trại cũng rất ấn tượng về Đại tá Hồ Thanh Đình. Cán bộ các trại giam thì vừa "ớn" (vì rất dễ bị ông khiển trách, nhắc nhở) lại vừa thầm cảm ơn và phục sự sâu sắc trong sự nhận xét, góp ý của ông.

Họ biết, trong công tác quản lý trại giam, khó điều gì có thể lọt nổi mắt Đại tá Hồ Thanh Đình. Không chỉ là người chỉ đạo bằng chủ trương, đường lối, ông còn sở hữu cả một kho kinh nghiệm thực tiễn. Hầu như kiểu khó khăn nào ông cũng đều đã trải qua, đều có những giải pháp bất ngờ và hiệu quả. Nói chung, CBCS ngành trại giam đều xem Thủ trưởng Hồ Thanh Đình như một người anh  đi trước, hoặc như một người thầy.

Bản thân ông thì bảo: "Cảnh sát trại giam là một cái nghiệp,  không phải là nghề. Không có tâm, không vì hai chữ tình người là không gắn bó được. Nó không phải nghề, bởi chẳng có trường nào đào tạo đầy đủ được". Có lẽ sẽ không ai phản đối điều đó. Bản thân ông, rất thành công nhưng đó là thành công của cái tâm.

Thật sự, đường đến với nghiệp cải tạo người tù của ông rất tình cờ. Năm 1977, sau 2 năm tốt nghiệp phổ thông, ông vẫn ở nhà tham gia sản xuất tại Tuyên Hóa, Quảng Bình. Tình cờ, có ông Mai Kiều, Trưởng Công an huyện Tuyên Hóa đến nhà chơi, gợi ý "hay cháu đi Công an đi". Ông Mai Kiều từng hoạt động trong lực lượng an ninh ở chiến trường miền Nam, từng bị địch bắt, bị tù đày, được trao trả ở sông Thạch Hãn năm 1973. Vì kính trọng người bạn của bố từng vào sinh ra tử, Đình không phản đối, dù anh chẳng hiểu gì về lực lượng Công an, về công việc một cán bộ quản giáo.

Ngoảnh lại, đã vừa chẵn 1/3 thế kỷ. Sau này, nhiều lần được cử đi học, nhiều cơ hội để có thể chuyển ngành, chuyển nghề hoặc đổi đi nơi khác, nhưng cuối cùng Hồ Thanh Đình vẫn quay lại với Trại Z30D và nghề quản giáo. Ở đó, ông đã có sự nghiệp của mình, có 26 năm liên tục là Chiến sĩ Thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng. Ở đó, trong vai trò một cán bộ quản giáo đã trải qua hầu hết các cương vị, ông đã được thưởng 13 huân huy chương các loại và năm 2005 được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Ông bảo, sự trưởng thành của bản thân ông luôn gắn liền với sự nghiệp cải tạo con người ở trại giam. Nhưng với ông, quan trọng hơn hết, chính môi trường trại giam, chính là nơi ông gắn bó và hoàn thiện triết lý sống của mình, cũng là quan niệm chung của bao nhiêu anh em đồng đội khác. Triết lý đó là gì, tuy  ông không nói nhưng tôi cũng đọc được. Đó chính là câu khẩu hiệu bằng tiếng Anh được đắp cao cả thước ngay trước cổng Phân trại K.I, Trại Z30D. “Không có gì cao cả hơn tình người”

N.H.L.
.
.