Có một trận chiến nơi tuyến đầu chống dịch

Thứ Năm, 14/05/2020, 14:57
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là đơn vị điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 đông nhất cả nước, nơi có nhiều ca bệnh nguy kịch đã được chữa khỏi. Thành tích bước đầu này góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia có số mắc trên 200 trường hợp nhưng chưa có ca nào tử vong, trở thành niềm tự hào của y tế Việt Nam.

Trò chuyện với phóng viên Chuyên đề ANGT về những nỗ lực, vất vả của bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện trong suốt 3 tháng qua, TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ, chưa bao giờ ông điều hành bệnh viện như điều hành một trận chiến như thế.

TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Những tình huống cân não

Khi dịch COVID-19 vào giai đoạn 2, liên tục có bệnh nhân cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17 nhập viện với diễn biến nặng, có biểu hiện lâm sàng rầm rộ, tổn thương tương đối lớn như bệnh nhân Craddock Graham, người Anh, từ Lào Cai chuyển về có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp. Sau đó là bệnh nhân 19 (bác của bệnh nhân số 17), bệnh nhân Dixong John Garth, người Anh bị ung thư máu 10 năm từ Quảng Ninh chuyển lên... Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã dốc sức lực cứu chữa với tinh thần quyết tâm cao nhất. 

TS Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Trong giai đoạn 2 có nhiều bệnh nhân nặng (70-80% có tổn thương tại phổi) nên chúng tôi đều chẩn bị tinh thần sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Trong 5 ca bệnh nặng thì bệnh nhân số 19 khiến chúng tôi phải “cân não” nhiều nhất.

Ngày 7-3, bệnh nhân nhập viện nhưng 9 ngày sau (16-3) bệnh nhân đột ngột tổn thương 80% phổi, gần như trắng hết 2 phổi. Bệnh nhân khó thở, sốt cao, diễn biến nặng tăng lên, điều chỉnh chế độ hô hấp nhưng không ổn được. Chúng tôi phải “cân não” để đi đến quyết định cho bệnh nhân thở máy khẩn cấp ngay trong đêm 16-3.

Bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu hơn, suy thận, phải lọc máu. Hai ngày sau, bệnh nhân tiếp tục nặng lên nhiều, tình trạng hô hấp rất khó khăn, làm tổn thương phổi lớn, lúc đó chúng tôi phải sử dụng hệ thống điều trị bằng ECMO - tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể để điều hành”.

Ngày 4-4 bệnh nhân đã tự thở được, cai được ECMO nhưng 3 ngày sau, trong đêm 7-4, bệnh nhân đột ngột ngừng tuần hoàn. Trước bối cảnh ngừng tim của bệnh nhân COVID, lãnh đạo bệnh viện cùng kíp trực tập trung trí tuệ, nhân lực vào cấp cứu, cả đêm thay nhau theo dõi.

Bệnh viện đã có rất nhiều kinh nghiệm điều trị về virus, điều trị ECMO cho bệnh nhân là công việc thường quy, chuyên nghiệp nên mạnh dạn triển khai các phương án cấp cứu, đặc biệt là khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn lần 3. May mắn, tim bệnh nhân đã đập trở lại, tất cả quá trình cấp cứu diễn ra gần 1 giờ, cả kíp trực như vỡ òa niềm vui.

Bác sĩ Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Mạnh Thắng.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đến nay điều trị cho 145 trường hợp, có 12 bệnh nhân nặng, trong đó có 5 bệnh nhân rất nặng phải thở máy, 1 bệnh nhân điều trị bằng ECMO. Từ giữa tháng 1, khi dịch lây lan mạnh tại Vũ Hán, Trung Quốc, bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo và nghiên cứu tài liệu liên quan đến dịch bệnh này.

Tại buổi kiểm tra công tác chuẩn bị điều trị cho bệnh nhân vào ngày 23-1, báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế, bệnh viện đã sẵn sàng chuẩn bị cho nhiệm vụ rất quan trọng đối với quốc gia lúc đó. Ngày 26-1 (mùng 2 tết) ca dương tính đầu tiên nhập viện là công nhân ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc từ Vũ Hán về nước, kể từ hôm đó bệnh viện đã tập trung toàn bộ trí tuệ, nhân lực để nghiên cứu điều trị dịch.

“Giai đoạn 1 bệnh viện điều trị cho 5 bệnh nhân nhưng vì đây là bệnh mới nên ban lãnh đạo bệnh viện cùng các chuyên gia rất khó khăn trong việc định hướng phác đồ điều trị, trong khi thông tin từ Trung Quốc không có nhiều. Nhưng qua nghiên cứu kinh nghiệm từ chống SARS năm 2003 và các kinh nghiệm chống dịch cúm H1N1, H5N1 tại bệnh viện, chúng tôi đã áp dụng vào điều trị cho các bệnh nhân. Cả 5 bệnh nhân đều có triệu chứng nhẹ, do vậy chúng tôi chỉ điều trị bằng phác đồ nền, thuốc kháng sinh và hạ sốt thông thường” - TS Phạm Ngọc Thạch chia sẻ những khó khăn trong thời gian điều trị ban đầu.

Khi bác sĩ bước vào trận đánh

Đầu tháng 2, Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Y tế chỉ định bác sĩ Phạm Ngọc Thạch phụ trách nghiên cứu phác đồ thuốc kháng virus, tức là thuốc bậc 2 của HIV. Bệnh viện bắt đầu nghiên cứu phương án dùng thuốc kháng virus bậc 2 của HIV để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, đây là công cụ duy nhất lúc đó. Trong quá trình đó, kết hợp kinh nghiệm trong chống SARS, kinh nghiệm điều trị các mặt bệnh truyền nhiễm khác cùng với sự sáng tạo trong hoàn cảnh mới, họ đã áp dụng thành công vào điều trị.

Ngày 6-3, ca bệnh đầu tiên của giai đoạn 2 xuất hiện là bệnh nhân 17, cũng từ lúc đó, bệnh nhân đến viện với tốc độ cao, mỗi ngày có một vài trăm người đến sàng lọc liên quan đến bệnh nhân 17. Khi đó, cơ sở 2 của bệnh viện ở Đông Anh đang điều trị cho các bệnh nhân khác phải giải tỏa từng phần, tiếp đón từng phần, một ngày vài trăm người đến sàng lọc, cách ly, xét nghiệm. Bệnh viện chuyển sang giai đoạn thời chiến, từng khoa, phòng bố trí các khu vực khác nhau để đảm bảo cho điều trị.

TS Phạm Ngọc Thạch cùng các thầy thuốc chúc mừng bệnh nhân ra viện.

Diễn biến của bệnh nhân COVID-19 rất bất thường, nhanh, gây tổn thương rất nhiều cơ quan như: não, thận, hệ tiêu hóa, tim, rối loạn hệ thống miễn dịch của cơ thể, có thể gây ngừng tim. Do vậy, trong quá trình chăm sóc cho bệnh nhân nặng, đội ngũ theo dõi chia làm 3 ca, thường xuyên bám sát 24/24h, cả hệ thống camera theo dõi rất sát. Kíp theo dõi cho bệnh nhân 19 có gần 10 người.

Lúc nào cũng có 30 bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên theo dõi cho 5 bệnh nhân nặng, chưa kể có các chuyên gia về tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, kể cả chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân... Trong trận chiến này, bệnh viện huy động khoảng 350 người, chia làm 3 vòng vừa điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân, vừa làm công tác hậu cần...  

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lần đầu tâm sự: “Thực sự đây là một cuộc chiến vất vả nhưng để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong điều hành mà chúng tôi gọi đây là điều hành một “trận đánh” và công tác bố trí nhân lực. Thủ tướng Chính phủ đã nói “Chống dịch như chống giặc”, chúng tôi cũng xác định khi vào “cuộc chiến” thứ nhất còn có thể êm đềm nhưng đến “cuộc chiến” thứ 2 giống như một cơn bão, bệnh nhân đến dồn dập, bệnh nặng diễn biến bất thường nên cuộc chiến này căng thẳng và khó khăn hơn rất nhiều”.

Ấn tượng nhất là những tình huống các chiến sĩ áo trắng “thót tim” khi điều trị cho 5 ca bệnh nặng. Bệnh nhân 19 ba lần ngừng tuần hoàn trong một đêm mà vẫn vượt qua được, đây là một điều kỳ diệu. Bệnh nhân COVID-19 phải thở máy đã là rất nặng nhưng bệnh nhân này còn phải chạy ECMO. Sau khi được cấp cứu từ cõi chết trở về, bệnh nhân dần cai được thở máy, tới ngày 4-5 bệnh nhân đã gần ngồi được dậy và tự ăn.

Tới hôm nay sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt, tiếp xúc được, ăn uống được, tỉnh táo và sắp được công bố khỏi bệnh. Các bệnh nhân thở máy khác như 2 bệnh nhân người Anh đều cùng vợ sang Việt Nam du lịch. Khi mắc COVID-19 và rơi vào tình trạng nguy kịch, họ tưởng mình sẽ chết nhưng tất cả đã bình phục xuất viện về nước. Điều trị cho bệnh nhân từ khi họ không biết gì tới khi họ tỉnh lại, nói được chuyện, khỏi bệnh, đây là điều mà các thầy thuốc hạnh phúc nhất.

Điểm danh quân số hằng đêm

Trong khi đang nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng thì ở nhiều nước trên thế giới đã có những bác sĩ tử vong trong quá trình điều trị. Đó là áp lực vô cùng lớn đè nặng lên chính các bác sĩ và người nhà của họ. Không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, họ phải làm công tác tư tưởng cho gia đình, bạn bè khi nhận các cuộc điện thoại hỏi thăm dồn dập.

TS Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: “Bệnh viện có 2 bác sĩ vào đặt nội khí quản cho bệnh nhân Craddock Graham - ca đầu tiên suy hô hấp. Khi đó điều kiện của chúng tôi chưa có camera đặt nội khí quản, mà đặt trực tiếp thông thường nên trong quá trình đó 2 bác sĩ đã bị lây nhiễm. Cả bệnh viện lúc đó hoang mang, một là sợ lây lan trong bệnh viện, hai là trên thế giới nhân viên y tế nhiễm COVID và hy sinh rất nhiều. Tại bệnh viện, chúng tôi cả đêm phải điểm danh quân số, phải huy động tất cả cán bộ nhân viên y tế ở lại bệnh viện để cách ly, phòng ngừa, giãn cách, ăn uống tại chỗ... Giai đoạn đó cực kỳ căng thẳng.

Bệnh nhân số 19 sức khỏe đã phục hồi.

Càng những lúc như thế thì chúng tôi càng phải bình tĩnh để tổ chức cách ly từng khu vực, từng bộ phận và từng chỗ. Khu vực vòng 1 nằm sát bệnh nhân thì cách ly vòng trong; khu vực 2 là các bác sĩ chủ chốt và vòng 3 là hậu cần, chi viện bên ngoài. Trong vòng 1 chia thành 2 tốp, một tốp nghỉ và 1 tốp trực để thay phiên nhau. Tốp ở vòng 2 được gọi là các F2 giám sát điều hành các công việc. Mục tiêu của chúng tôi là bằng mọi cách không để lây lan dịch trong bệnh viện.

Sau này, bệnh viện được các nhà tài trợ trang bị camera đặt nội khí quản, khi ca bệnh thứ 3 chúng tôi đã thực hiện đặt nội khí quản bằng camera, nguy cơ lây nhiễm giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, dù chuẩn bị kỹ lưỡng và cẩn thận đến mấy nhưng cũng không ai đảm bảo an toàn tuyệt đối 100% vì virus ở khắp mọi nơi trong khi nhân viên y tế phải mặc quần áo phòng hộ. Rất may mắn, đến nay bệnh viện chỉ có 2 bác sĩ bị lây nhiễm và đã điều trị khỏi”.

Xác định “trận đánh” nào cũng gian nan, nhiều bác sĩ có con nhỏ phải đưa về cho ông bà trông. Có người cả 2 vợ chồng đều làm việc ở đây, giống như như đi bộ đội mấy tháng không về nhà. Hiện, còn 14 bệnh nhân dương tính đang nằm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, vẫn còn tiếp đón các bệnh nhân từ nước ngoài về, nên các bác sĩ ở đây xác định “cuộc chiến” vẫn còn dài.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm và quyết tâm trong lần chống dịch giai đoạn 2 cơ bản thành công này, tinh thần của các bác sĩ đã nâng lên một bước, họ đều nỗ lực, hy sinh hạnh phúc riêng tư để thực hiện trách nhiệm của người thầy thuốc. Họ luôn xác định, khi nào hết bệnh nhân, thì bệnh viện mới an toàn. Nếu còn bệnh nhân, bệnh viện vẫn phải duy trì các khu cách ly, ngay cả tiếp xúc trong bệnh viện vẫn phải hạn chế như thời chiến.

Bác sĩ Thạch cho biết thêm, bệnh truyền nhiễm ở nước ta vẫn còn cao. Tình trạng lạm dụng kháng sinh, cơ sở y tế còn lạc hậu, dẫn tới nhiễm khuẩn bệnh viện rất lớn. Trên thế giới, các bệnh virus mới nổi, tái nổi xuất hiện như Ebola, MERS-CoV hiện nay biến chủng của các loại virus.

“Chúng tôi mong muốn qua đây đợt dịch này, chúng ta sẽ xây dựng lại và đầu tư cho cấp tỉnh, đặc biệt là cấp huyện về bệnh truyền nhiễm, nhằm phát hiện sớm thì điều trị bệnh mới hiệu quả” - TS Phạm Ngọc Thạch cho biết.

Trần Hằng
.
.