“Cơn bão” HIV và những người phụ nữ miền Tây

Thứ Ba, 10/10/2017, 17:40
Dư âm của “cơn bão” HIV tràn đến Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm qua vẫn còn rất nặng nề. Đến thời điểm hiện nay, Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp vẫn là 3 điểm nóng ở khu vực. Hằng năm, các địa phương vẫn phát hiện thêm những người mắc HIV mới. Rất đáng buồn khi trong số những người bị nhiễm HIV ở đây, chiếm một tỉ lệ không nhỏ là phụ nữ...

Có chị em mắc bệnh do hành nghề mại dâm, nhưng đau lòng hơn khi nhiều người chỉ quanh quẩn ở nhà nội trợ, mà khi có thai, thậm chí lúc sinh con, mới bất ngờ biết mình bị HIV từ lúc nào không hay. Nhiều đứa trẻ sinh ra đã phải mang trong mình căn bệnh thế kỷ do lây truyền từ mẹ...

Day dứt nỗi đau

Trong lúc chờ buổi làm việc chính thức ở Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ), chúng tôi tranh thủ thâm nhập khu vực khám bệnh dành riêng cho người HIV/AIDS của bệnh viện. Mới sáng ra nhưng đã khá đông bệnh nhân, chắc họ đến lấy thuốc để còn kịp về đi làm.

Chỉ một lúc đã nhận thấy có rất nhiều người bệnh là nữ. Đây là điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên, bởi ở hầu hết các tỉnh phía Bắc, số bệnh nhân HIV là nam giới luôn chiếm tỉ lệ cao so với nữ giới.

Những người phụ nữ lặng lẽ đến, lặng lẽ ngồi trên dãy ghế ở hành lang, không ai nói chuyện với ai, chờ đến lượt vào khám, nhận tư vấn và lấy thuốc, rồi lại lặng lẽ ra về. Sự mặc cảm in trên dáng vẻ câm nín, cam chịu và cả trang phục của họ. Những chiếc áo chống nắng trùm kín đầu, còn thêm chiếc khẩu trang bưng kín mặt khi đã vào trong phòng. Họ không muốn ai nhận ra mình.

Bác sĩ Mai Trần Đông - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt cho biết, bệnh viện đang điều trị thuốc ARV cho 512 người, trong đó, bệnh nhân là phụ nữ chiếm gần 50%. Đây chỉ là con số của một quận và dĩ nhiên, chưa phải là toàn bộ số người nhiễm HIV ở quận. Mà, Thốt Nốt cũng chỉ là quận đứng thứ ba của thành phố Cần Thơ về  HIV, sau Ninh Kiều và Cái Răng.

Các bệnh nhân nhiễm HIV đến khám và nhận tư vấn ở Bệnh viện Thốt Nốt.

Hầu hết những phụ nữ bị mắc HIV ở miền Tây đều có cuộc sống rất chật vật, nhất là những người đã mắc bệnh nhiều năm. Bệnh tật đeo bám khiến họ không còn sức để lao động kiếm sống. Chị Trần Thị T. (46 tuổi) là một trong những người như thế.

Căn nhà của vợ chồng chị nằm sâu trong một hẻm nhỏ, dựng trên những cây cột như nhà sàn, để tránh nước ngập. Mái lợp và tường bao quanh bằng những tấm tôn. Gia đình chị là hộ nghèo nên địa phương đã làm tặng căn nhà này. Chị bảo, căn nhà cũ của vợ chồng chị dột trước dột sau mỗi khi trời mưa, không còn cả chỗ nằm. Ăn chẳng đủ lấy gì sửa nhà. Giờ, trong nhà cũng chả có gì. Có lẽ đồ vật giá trị nhất là chiếc bếp gas đơn và... 2 con gà được nuôi ngay cạnh chỗ ngủ. Cũng không có cả giường nằm.

Chị T. kể, chị bị “dính” HIV từ hơn chục năm trước. Những người bạn cùng bị với chị hồi đó giờ chả còn ai, chỉ còn chị sống được đến nay là nhờ được điều trị ARV miễn phí. Mỗi tháng một lần, chị đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của quận khám bệnh và lĩnh thuốc. Nhưng bệnh tật vẫn ăn mòn sức khỏe, lại thêm những bệnh khác phát sinh nên chị rất yếu, không làm được gì, hoàn toàn sống nhờ vào chồng. Chồng chị làm phụ hồ, mỗi ngày được khoảng 100.000 đồng, nguồn thu duy nhất để 2 vợ chồng đắp đổi qua ngày.

Đang lúc chúng tôi hỏi chuyện chị thì bà mẹ chồng ngó vào! Chị vội vã xua tay nhắc chúng tôi ngừng chuyện. Hóa ra, chị sợ bà biết mình bị HIV. Chúng tôi kinh ngạc khi lấy chồng đã 8 năm nay rồi mà chị vẫn giấu việc mình bị HIV không chỉ với gia đình chồng, mà còn giấu cả chồng.

Chị phải nói với chồng và mọi người mình bị bệnh khác để giải thích việc hằng tháng đi lĩnh thuốc, khám bệnh và hằng ngày dùng thuốc ARV. Theo yêu cầu của chị, các nhân viên y tế của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS quận cũng bảo mật thông tin của chị.

“Chị giấu thế thì anh sẽ bị lây bệnh chứ?”. Ban đầu chị còn nói là chồng chị đồng ý dùng bao cao su nên không lây nhiễm, nhưng cuối cùng cũng thú nhận là anh đã lây bệnh từ chị mà anh vẫn không hề biết. Nhưng chị không dám nói vì sợ chồng đánh nếu biết đã bị lây bệnh và lại lây từ vợ.

Tức là đến nay, dù mang trong mình căn bệnh thế kỷ, nhưng chồng chị vẫn không được điều trị cũng như tư vấn để biết cách bảo vệ sức khỏe. Tình trạng này kéo dài, nguy cơ cho tính mạng của anh là điều dễ thấy. Chưa kể anh có thể sẽ vô tình lây truyền cho người khác. Chúng tôi phân tích và thuyết phục chị đưa anh đến bệnh viện xét nghiệm để được điều trị ARV như chị. Song, vấn đề là chị có vượt qua được mặc cảm cùng nỗi lo sợ của bản thân hay không.

Việc không công khai bệnh tật do mặc cảm, do sợ bị kỳ thị chính là một nguyên nhân lây nhiễm HIV không chỉ ở Cần Thơ. Chị Lê Thị Th. (43 tuổi, ở An Ngải Trung, huyện Ba Tri, Bến Tre) không biết mình bị lây HIV khi nào trong thời gian đi buôn bán. Mắc bệnh rồi sức khỏe yếu hẳn, ban đầu chị còn đi lau nhà thuê mỗi buổi 70.000 đồng, nhưng giờ thì chỉ còn biết sống dựa vào chồng.

Anh Nguyễn Văn P. (36 tuổi) chồng chị, cũng là nạn nhân của người vợ trước. Khi biết chồng đã bị lây HIV từ mình, vợ anh bỏ đi với người tình. Anh P. đành cạp vá với chị Th. để nương tựa vào nhau. Hằng ngày anh đi chăn vịt chạy đồng thuê, lúc không có việc thì câu cá đồng để bán, mỗi tháng được chừng 3-4 triệu đồng. 2 người không sinh con vì sợ bị lây bệnh và nhất là, vì cuộc sống khốn khó nuôi mình còn không nổi, lấy gì nuôi con.

Tiếp xúc với nhóm đồng đẳng ở Bến Tre, chúng tôi được chị Nguyễn Kim Ng. (40 tuổi, tiếp viên ở quán Sân Vườn, thành phố Bến Tre) cho biết, các chị cũng ý thức về việc sợ lây bệnh từ khách, hoặc lây bệnh cho khách, nên thường yêu cầu khách phải sử dụng bao cao su, nhưng nhiều khách không chịu. Có khách còn đánh tiếp viên khi bị gợi ý sử dụng bao cao su.

Gần 90% lây qua đường tình dục

Ý thức của nhiều “đấng mày râu” trong việc phòng chống HIV như vậy đã phần nào lý giải vì sao ở Bến Tre, tỉ lệ phụ nữ mắc HIV chiếm tới khoảng 30%, mà đa phần là những người ở nhà nội trợ, ở các vùng nông thôn xa xôi, ít va chạm và không phải hành nghề mại dâm. Nhiều người đến khi mang thai, thậm chí sinh con, được xét nghiệm máu mới biết mình bị HIV. Vì thế, đã có những em bé sinh ra bị lây nhiễm HIV do mẹ không được dự phòng.

Theo một cán bộ y tế ở Trung tâm Phòng chống HIV tỉnh Bến Tre, nhiều khả năng những người phụ nữ này bị lây bệnh qua chồng.

Tổng số tích lũy ở toàn tỉnh Bến Tre đến nay đã phát hiện 155 ca phụ nữ mang thai nhiễm HIV, tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành 34 ca, Mỏ Cày Bắc 22 ca, Bình Đại 21 ca, TP Bến Tre 17 ca v.v... Nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV còn rất trẻ: tới hơn 7% ở độ tuổi từ 15-19; 20-29 tuổi chiếm 64%. Năm 2013, trong số 19 bà mẹ sinh con thì có 3 trẻ bị nhiễm HIV, năm 2013 có 17 phụ nữ sinh con thì có 4 trẻ bị nhiễm HIV.

Các đồng đẳng viên và tiếp viên trao đổi về phòng chống HIV.

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre, việc lây truyền HIV chủ yếu ở Bến Tre cũng qua đường tình dục, chiếm tới 85%.

Điều đáng quan tâm là hầu hết những người bị HIV, nhất là phụ nữ, đều không dám công khai danh tính. Vì sợ bị kỳ thị nên mặc dù người bệnh có thể lấy thuốc hoặc đăng ký bảo hiểm y tế tại trạm y tế phường, xã, rất thuận lợi nhưng hầu hết đều đăng ký bảo hiểm y tế hoặc đăng ký nhận thuốc ARV ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến quận, để không bị lộ thông tin và tránh bị người xung quanh biết.

Nhiều người khi sinh con bị nhiễm HIV còn đem trẻ lên TP HCM điều trị, chứ không điều trị tại địa phương, để họ hàng làng xóm không biết được bệnh tình của họ.

Việc người nhiễm HIV giấu giếm bệnh cũng là một nguy cơ làm lây truyền bệnh, nhất là còn có thể khiến người bị lây không biết mình mắc bệnh để được tư vấn và điều trị kịp thời. Ở Bến Tre còn một tỉ lệ không nhỏ người bị HIV không rõ đường lây.

Theo bác sĩ Nguyễn Danh Lam - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, 100% phường, xã, thị trấn ở Cần Thơ có người nhiễm HIV/AIDS. Khác với đa số các tỉnh ở phía Bắc là đường lây chính qua đường máu, thì cũng giống như Bến Tre, đường lây truyền chính của dịch HIV ở Cần Thơ là qua đường tình dục. Số người nhiễm HIV phát hiện năm 2016 lây qua quan hệ tình dục chiếm 87,5% tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Những người nhiễm HIV/AIDS phát hiện được có xu hướng tăng ở nhóm trẻ tuổi, năm 2016 trong số người nhiễm HIV phát hiện có 24,3% người trong nhóm từ 16 đến 25 tuổi, cao hơn 2,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Mà đây chỉ là số người mà ngành y tế địa phương quản lý được để điều trị, tư vấn, còn số người nhiễm HIV/AIDS sống ngoài cộng đồng chưa đến các cơ sở điều trị, hoặc số đã được các cán bộ y tế tiếp cận nhưng chưa đưa vào điều trị được, thì chưa rõ là bao nhiêu.

Trong số những phụ nữ bị nhiễm HIV/AIDS ở Cần Thơ, đa phần là hành nghề mại dâm. Điều này có liên quan đến số người nhiễm HIV mặc dù tổng số phát hiện hằng năm giảm, nhưng lại gia tăng ở nhóm người trẻ tuổi.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Danh Lam, trong nhóm phụ nữ mại dâm, tỷ lệ sử dụng bao cao su thường xuyên trong quan hệ tình dục với khách lạ và khách quen giảm mạnh từ 91,7% năm 2015 xuống 81,3% năm 2016, tỷ lệ được tư vấn xét nghiệm HIV và biết kết quả xét nghiệm tiếp tục có xu hướng giảm so với năm 2015.

Những nguy cơ còn hiện hữu

Trong bối cảnh trên, việc các tổ chức quốc tế không hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống HIV/AIDS từ 2018 thực sự là một thách thức rất lớn với các địa phương, nhất là các điểm nóng về HIV/AIDS. Bởi khi những người bị nhiễm HIV/AIDS không được tiếp tục điều trị ARV, thì mọi nỗ lực ngăn chặn dịch những năm qua sẽ “đổ xuống sông xuống bể”.

Chắc chắn dịch bệnh sẽ hoành hành và chắc chắn, lan nhanh với tốc độ chóng mặt. Điều này sẽ tác động xấu đến tình hình an ninh - xã hội khi số người mắc HIV chủ yếu tập trung ở độ tuổi lao động, từ 15-49 tuổi, chiếm 97,08% như ở Bến Tre. Dịch càng gia tăng, chắc chắn số người tử vong do HIV/AIDS cũng sẽ tăng theo. Hiện tổng số người tử vong do HIV/AIDS ở Cần Thơ đã là 2.306 người và ở Bến Tre là hơn 900 người.

Để không tạo khoảng trống trong  công tác phòng chống HIV, vấn đề quan trọng nhất lúc này phải là tìm nguồn tài chính thay thế. Chính phủ xác định bảo hiểm y tế sẽ là nguồn lực bền vững cho người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị không chỉ căn bệnh thế kỷ mà còn khi mắc các bệnh khác. Song, hầu hết những người bệnh đều có hoàn cảnh khó khăn, dân trí chưa cao, cùng với tâm lý sợ lộ thông tin khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện, thay vì ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS như cũ, nên việc mua thẻ bảo hiểm y tế không dễ dàng gì.

Đứng trước thách thức này, để ngăn chặn dịch bùng nổ trên địa bàn nhất là trong bối cảnh Cần Thơ đang là điểm nóng về HIV, chính quyền TP Cần Thơ  đã chủ động cấp kinh phí hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người bị nhiễm HIV có hộ khẩu ở Cần Thơ. Vì thế hiện đã có 93% số người nhiễm HIV/AIDS ở đây có thẻ bảo hiểm y tế nên có thể yên tâm tiếp tục được điều trị ARV. Số còn lại do không có giấy tờ tùy thân nên không thể mua được thẻ bảo hiểm y tế.

Tỉnh Bến Tre cũng đã phê duyệt kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế cho 100% bệnh nhân HIV từ năm 2018, đồng thời, tạo mọi điều kiện về thủ tục để bệnh nhân HIV được mua thẻ bảo hiểm y tế. Việc các địa phương tự lực để chủ động phòng chống HIV/AIDS thực sự là những tín hiệu vui.

Bên cạnh đó, qua đường tình dục vẫn là xu hướng lây truyền dịch HIV và là con đường chủ yếu lây dịch này tại Cần Thơ nên ở đây vẫn phát miễn phí bao cao su cho người sử dụng. Nhưng ở Bến Tre do không còn nguồn lực hỗ trợ nên hiện không thể duy trì phát miễn phí bao cao su và điều này cũng là những rào cản trong phòng chống HIV/AIDS ở địa phương.

Theo chúng tôi, một vấn đề rất quan trọng còn là công tác truyền thông. Vì nhiều người hành nghề mại dâm, cả những người đã nhiễm HIV mà chúng tôi tiếp xúc ở Cần Thơ và Bến Tre, đều chưa có những hiểu biết cơ bản về căn bệnh này. Vì thế, nguy cơ lây truyền vẫn còn hiện hữu...

Thanh Hằng
.
.