Công an Hà Nội: Đã góp phần làm giảm thiệt hại của thiên tai

Thứ Tư, 19/11/2008, 13:30
Sau trận mưa lớn chưa từng có, còn không ít vùng thuộc thủ đô Hà Nội vẫn úng ngập và người dân vẫn còn phải vật lộn với nước lụt. Họ đang học cách "sống chung với nước" để đối phó với những cơn mưa lớn sắp tới đe dọa cuộc sống của mình. Ở những nơi ấy Công an đã phối hợp với người dân vẫn đang ngày đêm khắc phục những hậu quả do nước gây ra, bình ổn cuộc sống.

Sống trên biển nước

Suốt từ ngày 31/10 đến hôm nay, xã Hợp Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội gần như bị cô lập với các vùng khác bởi nước lụt. Chúng tôi phải gửi xe và lội qua con nước tràn từ hồ Quan Sơn để vào UBND xã. Chủ tịch xã Đặng Ngọc Chuẩn và lực lượng Công an xã đang cùng bà con kè thêm bao tải cát ngăn kè không cho nước đánh vỡ các bờ kè. Ông Chuẩn cho biết nước đã rút được hơn nửa mét so với thời điểm cách đây 2 ngày nhưng có đến 6/7 thôn của của xã Hợp Tiến vẫn còn chìm ngập trong nước.

Xã Hợp Tiến nằm ở phía tây huyện Mỹ Đức, giáp ranh với huyện Kim Bôi, Hòa bình. Mùa mưa năm nào, Hợp Tiến cũng phải chịu ngập úng từ 2 nguồn nước từ Kim Bôi và hồ Tuy Lai dồn xuống hợp lưu tại đập tràn Quan Sơn rồi dồn về. Xã có tổng cộng hơn 10km đê nhưng cũng chỉ là... đê đất, chưa được gia cố, bêtông hóa. UBND xã đã phải huy động nhân lực tại chỗ với 10.000 bao tải cát, cọc tre và hàng trăm mét khối đất đá để gia cố cho các tuyến đê này để cho đê khỏi vỡ.

Để phục vụ cho việc chụp ảnh và đưa thông tin của chúng tôi, UBND xã phải huy động ngay một chiếc thuyền bằng tôn để làm phương tiện đi lại. Đích thân ông Chuẩn cùng công an viên Đỗ Ngọc Lâm chèo thuyền chở chúng tôi xuống các điểm ngập sâu nhất là La Đồng, Phú La, Phú Liễn. Đã hơn 5 ngày nay, mực nước trung bình ở các thôn này là 2m, nhiều chỗ ngập đến 3-4m.

Nhìn những cánh đồng bạt ngàn ngô và đỗ tương đang chuẩn bị thu hoạch bị nước nhấn chìm, ông Chuẩn xót xa: "Năm nay mùa mất là chắc rồi, không biết thời gian tới kiếm đâu ra lương thực cung ứng cho bà con đây. Nhiều gia đình cũng đã kịp dự trữ ngô khoai, thóc lúa trước mùa lụt nhưng năm nay lũ về nhanh quá. Thoắt cái qua một đêm tất cả đã ngập trong nước. Chạy được người là còn may."

Không chỉ chịu tác động bởi cơn mưa lớn và bất ngờ, Hợp Tiến còn phải chịu những dòng nước phân lũ và nước từ phía Kim Bôi dồn về. Vì là vùng trũng nên mực nước ở đây lên rất nhanh.

Lực lượng CSCĐ phối hợp với Sở GT-VT Hà Nội đưa người dân qua đoạn đường bị ngập. Ảnh: Trang Dũng

Mặc dù từ chiều ngày 30/10 đã có loa thông báo nước lên nhưng nhiều bà con chủ quan, đến khi phát hiện nước vào nhà thì chỉ kịp mang theo một số đồ dùng cần thiết nhất nhằm thẳng các trường học, nhà văn hóa mà chạy. Từ ngày 2/11, khi nước rút bớt, nhiều hộ dân đã bắt đầu lục đục về vớt vát đồ đạc và chất lên nóc tủ. Hầu hết các nhu yếu phẩm, chăn màn, gạo thóc, thực phẩm đều bị ướt hoặc bị nước cuốn trôi.

Vừa chèo thuyền, lâu lâu anh Đỗ Ngọc Lâm lại giới thiệu phía dưới vùng nước vừa đi qua là bãi ngô, nghĩa địa, thậm chí là các chuồng nuôi lợn... Theo báo cáo mới nhất của UBND xã Hợp Tiến thì 430,2ha đậu tương, 12ha ngô, khoai tây và hơn 15ha hoa màu khác bị ngập hoàn toàn. Ước tính thiệt hại lên tới 2,7 tỉ đồng.

Giữa biển nước mênh mông thi thoảng trồi lên một vài nóc nhà, ngọn cây. Phải chèo thuyền gần 30 phút chúng tôi mới đến được khu vực thôn La Đồng, nơi bị ngập úng nặng nhất.

197 ao nuôi cá của Hợp Tiến đã hoàn toàn bị hòa vào biển nước, ước tính thiệt hại lên đến 3 tỉ đồng. Như ao cá rộng 28 mẫu của ông Nguyễn Văn Thông: ông vừa trúng thầu thả cá tại ao lớn nhất xã, chỉ mới thả lứa cá đầu tiên chưa thu hoạch được lứa nào đã chịu mất trắng gần 600 triệu đồng. Mặc dù ông đã chuẩn bị đón lũ khá chu đáo như thuê người đắp bờ ao cao lên, mua lưới về giăng cao nhưng nước lên quá nhanh và cao khiến cho những nỗ lực của ông trở nên vô ích.

Không chỉ có ông Thông, gần 200 ao cá của các hộ dân khác cũng đành mất trắng. Bởi vậy mà bà con cả xã chuyển từ nghề trồng đậu tương, ngô sang nghề... đánh bắt cá. Nhiều người dân sắm thuyền đóng bằng tôn để vừa đi lại vừa thả lưới bắt cá. Giá thuyền ở đây cũng tăng từ 600 nghìn lên đến 1 triệu đồng/chiếc mà các hộ gò hàn vẫn không đủ hàng để bán.

Anh Nguyễn Văn Bình vừa thả lưới bắt cá vừa nói: "Những ngày mới ngập, có ngày tôi đánh được cả tạ cá. Giờ thì cả làng cả xã đi đánh cá. Phục vụ ăn là chính chứ giờ bán cũng chả ai mua. Trong khi đó, các nhu yếu phẩm khác đang thiếu trầm trọng, người dân La Đồng phải chèo thuyền ra vùng không bị ngập mua từng can nước sạch về sinh hoạt.

Trong dòng nước lềnh bềnh nhiều xác súc vật chết, gà, vịt, thậm chí có cả chó, mèo. Nước ngập khắp nơi nên ốc sên, chuột, côn trùng leo lên các chòm cây nổi trên mặt nước. Ông Chuẩn phải mang theo gậy để phòng vướng phải rắn.

Vào đến thôn Phú La, khi chúng tôi đang chăm chú chụp ảnh thì từ trên cành cây vướng vào thành thuyền, một con rắn hổ trâu to gần bằng cổ tay rơi xuống thuyền. Con thuyền suýt lật vì cánh phóng viên nhao nhao hoảng sợ, rất may, anh Đỗ Ngọc Lâm rút vội tay chèo đánh ngay vào đuôi con rắn rồi hất xuống nước.

Chủ tịch xã Đặng Ngọc Chuẩn kể: "Như hôm nay còn ít rắn rết chứ mấy hôm đầu thanh niên xã ban đêm thậm chí còn chèo thuyền mang đèn pin và gậy đi bắt rắn về làm thịt".

Trạm y tế xã là nơi chăm sóc sức khỏe cho người dân chống lại dịch bệnh trong mùa lụt thì lại đang ở tình trạng ngập nước sâu 1,5m. Các giường bệnh đều phải sơ tán hoặc chuyển lên cao. Nhiều trường trên địa bàn Hợp Tiến cũng ở tình cảnh tương tự, hàng trăm mét tường rào, sân trường bị ngập, bàn ghế học sinh lềnh bềnh trong nước.

Ước tính sơ bộ của UBND xã Hợp Tiến, sẽ phải mất khoảng 30 triệu đồng mới khắc phục được thiệt hại để các em học sinh có thể đến trường. Những dãy trường lớp cao tầng đều được tận dụng tối đa để làm nơi ở cho các gia đình bị ngập lụt, không có chỗ trú.

CSGT, CSCĐ Công an Hà Nội giúp dân di chuyển qua vùng bị ngập.

Gia đình anh Nguyễn Tuấn Hiểu, chị Đỗ Thị Tuyến và 3 đứa con phải chạy đến ở tạm trong trường học từ sáng thứ Bảy, ngày 1/11. Chị kể lại: "Mặc dù từ chiều ngày 31/10 gia đình tôi đã nghe thông báo của xã nhưng không ai nghĩ là nước lên nhanh đến vậy. Vợ chồng tôi chỉ kịp ôm con chạy ra đây trú". Toàn bộ xe cộ, bàn ghế, tivi, quạt điện và các đồ dùng khác gia đình chị đành phải bỏ lại trong ngôi nhà nước đã ngập gần quá nửa.

Hay như gia đình ông Nguyễn Văn Tiểu, có tới 15 người. Do đông quá nên nhà ông phải di tản mỗi người một nơi, ông, bà và 2 đứa cháu thì ra ở nhờ phòng học Trường tiểu học Hợp Tiến B còn những người khác thì phải đến ở nhờ nhà họ hàng ở những vùng cao hơn. Oái oăm thay, trong những ngày chạy lụt, con dâu cả của ông lại trở dạ, cả gia đình ông lại được một phen tất bật đi tìm nơi cho chị nằm nhờ.

Hiện các trường vẫn còn ngập khoảng 1m nước và theo như tính toán của Chủ tịch xã Đặng Ngọc Chuẩn thì phải nửa tháng nữa nước mới rút hết: "Nhưng mà nước ở trường rút nhưng ở các vùng khác chưa rút thì cũng không thể để các em học sinh mạo hiểm đến trường được. Chúng tôi sẽ làm việc với lãnh đạo các trường bố trí lại cơ sở vật chất để các em học bù đủ số giờ quy định". Tính sơ sơ chỉ qua đợt lũ lụt này, học sinh trên toàn xã Hợp Tiến phải nghỉ học gần 1 tháng.

Ngay từ khi có thông báo khẩn cấp của UBND huyện Mỹ Đức, chính quyền xã Hợp Tiến ứng trực 100% quân số đã kịp thời thông báo cho bà con nhân dân trong xã để tiến hành di tản lên những chỗ đất cao và các công trình kiên cố để tránh lụt. Tuy vậy, vụ đậu tương sắp thu hoạch  đành phải để ngập chìm trong nước.

Ngay trong đêm 31/10, khi nước đe dọa đoạn đê xung yếu, chính quyền Hợp Tiến đã huy động hơn 100 thanh niên trai tráng tiến hành phá một đoạn đường để nắn dòng nước và cũng trong đêm đó huy động đủ hàng trăm cọc tre, ván gỗ để dựng một chiếc cầu cho nhân dân qua lại.

Vật lộn với các con đê

Cũng trong ngày 5/11, chúng tôi cũng có mặt tại các địa phương khác của huyện Mỹ Đức như Nam Hưng, Thanh Hà, An Phú... khi hàng trăm người dân ở những nơi này đang ra sức gia cố đê. Con đê này ngăn khu dân cư với khu vực ngập nước rộng tới 700 mẫu. Gần 200m tuyến đê đang bị sạt lở và sụt lún nghiêm trọng với những vết nứt rộng gần 10cm. Mặc dù hàng nghìn cọc tre, bao tải cát đã được huy động để gia cố thân đê nhưng hiện tượng nứt trên thân đê vẫn xảy ra.

Được xác định là một trong những đoạn đê xung yếu nhất bao quanh Hà Nội, Kè Liên Trì ở huyện Đan Phượng được các cơ quan chức năng tập trung gia cố nhiều nhất. Kè Liên Trì là nơi xung yếu ngăn cách giữa địa phận xã Tiền Phong, huyện Mê Linh và huyện Đan Phượng. Đây cũng là con đập lớn ngăn nước từ phía sông Hồng chảy vào cửa ngõ phía tây thủ đô.

Nằm ở vị trí xung yếu, nền đất yếu, lòng sông sâu, nơi hội tụ dòng xoáy của sông Hồng nên ngoài việc xây dựng kè Liên Trì còn có 3 km đê bao (còn gọi là đê quai chảo). Từ cuối năm 2006, do sông Hồng có sự thay đổi dòng chảy (bên lở đổi hướng về phía kè Liên Trì) nên đã xảy ra hiện tượng sạt lở kè.

Trước đó, từ ngày 23/10 và nhất là sau khi hứng chịu trận mưa kỷ lục vừa qua, khu vực kè Liên Trì từ mốc K46+500 đến K46+800  đã xuất hiện các vết sụt, lún ở chân và mái kè với chiều dài cung sạt lở khoảng 75m, chiều rộng vào bờ khoảng 25m, cách chân đê 18m.

Sáng ngày 5/11, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác gia cố, bảo vệ kè Liên Trì.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại điểm chân kè bị sạt lở, hàng chục sà lan chở đá với máy xúc bên trên đang thả các khối đá tảng lớn xuống để gia cố chân kè. 20 chiếc sà lan nối đuôi nhau chở đá từ địa điểm cách kè Liên Trì hơn 10 km về bảo vệ kè.

Ứng trực tại chỗ, lực lượng chức năng gồm công an, quân đội, dân phòng, chính quyền huyện Đan Phượng, xã Liên Trung đang dùng máy ủi, máy gạt phá dỡ, giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đê. Các công trình này đều nằm sát mép nước, có thể bị cuốn trôi nếu nước dâng cao trên mức báo động số 3

Hoàng Thắng - Mỹ Hiền
.
.