Kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020)

Công an Hòa Bình trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ Năm, 07/05/2020, 09:08
Hòa Bình là tỉnh miền núi, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là địa bàn chiến lược về an ninh - quốc phòng. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để lên được Điện Biên Phủ phải đi qua tỉnh Hòa Bình, vì vậy ta quyết bảo vệ vững chắc tuyến đường này, còn địch ra sức phá hoại nhằm chặt đứt, ngăn cản con đường hành quân, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm và các các loại hàng hóa, phương tiện khác phục vụ chiến dịch của ta.

Một số nơi trên địa bàn, bọn phản động cho là thời cơ đến, đã ngóc đầu dậy chống lại chính quyền địa phương, tăng cường hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lý, rải truyền đơn tung tin thất thiệt, xuyên tạc cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đe dọa sẽ tiến công đánh chiếm Hòa Bình lần thứ ba nhằm gây hoang mang cho quần chúng nhân dân và yên lòng thực dân Pháp. Ngoài ra, chúng còn rải chất độc giết hại trâu, bò, thả côn trùng phá hoại hoa màu của nhân dân...

Trong khi đó, Hòa Bình là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (người Mường chiếm 80% dân số toàn tỉnh), trình độ dân trí thấp; tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, người dân sống trong chế độ lang đạo hà khắc và cực kỳ bảo thủ.

Quân và dân đánh thắng giặc Pháp trên trận địa tại tỉnh Hòa Bình.

Với tư tưởng của tầng lớp lang đạo muốn duy trì chế độ bóc lột như trước nhưng cải cách dân chủ của ta là mang quyền lợi cho nông dân, do đó sức phản kháng của giai cấp bóc lột ngày càng gia tăng, bọn chúng được địch nắm và điều khiển kích động, những bọn lang đạo phản động đang ráo riết dựa vào địch để tổ chức âm mưu phá hoại.

Ở Nật Sơn (Kim Bôi) một số lang đạo đã tụ tập lập ra tổ chức “Lang đạo phục hồi” do các tên Bạch Công Long, Bạch Công Ky cầm đầu. Chúng móc nối với một số tên ở Mường Cời, Tú Sơn, Vĩnh Đồng nhằm thực hiện âm mưu đón Pháp ở đường 21 và lập tề, khôi phục lại “Xứ Mường tự trị” để chống lại kháng chiến...

Với những âm mưu và thủ đoạn phá hoại kể trên, thực dân Pháp và bọn tay sai phản động đã làm cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Hòa Bình sau những ngày giải phóng hết sức phức tạp.

Vào cuối năm 1952, đầu năm 1953, quân và dân ta liên tiếp mở các đợt phản công địch trên toàn bộ chiến trường. Thực dân Pháp phải co cụm lại để đối phó, chúng tăng cường tung gián điệp, biệt kích vào Hòa Bình điều tra nắm tình hình nơi đóng quân của ta, nhằm phá hoại kho tàng, giao thông vận tải... phục vụ cho kế hoạch bao vây tấn công của địch.

Tháng 1-1953, hội nghị Tỉnh ủy đã chỉ rõ phải đẩy mạnh công tác phòng gian, trừ gian, giữ gìn bí mật, bảo vệ tốt các tuyến giao thông vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ cho chiến dịch, kiên quyết làm trong sạch địa bàn, đập tan âm mưu phá hoại của các toán gián điệp, biệt kích do thám, phản động. Chủ trương của Tỉnh ủy đã tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân địa phương, nêu cao ý thức cảnh giác, hiểu rõ âm mưu phá hoại của kẻ thù. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, giao cho lực lượng Công an tỉnh có trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ; tỉnh Hòa Bình với nhiệm vụ khẩn trương chuẩn bị phục vụ tại chiến trường. Tỉnh ủy đã cụ thể hóa nhiệm vụ trước mắt: Bảo vệ giao thông vận chuyển thông suốt, huy động lực lượng, phương tiện để phục vụ chiến dịch, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược ra tiền tuyến, bảo vệ các đoàn dân công Khu III, Khu IV lên phục vụ chiến dịch.

Ty Công an Hòa Bình đã thành lập Ban Công an tiền phương trực tiếp làm nhiệm vụ chỉ đạo công tác bảo vệ chiến dịch. Nhiệm vụ cụ thể của Ban Công an tiền phương là trực tiếp bảo vệ hoạt động của các lực lượng, các ngành tham gia chiến dịch; bảo vệ dân công; bảo vệ kho tàng; bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ độị.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ty Công an Hòa Bình đã làm tốt công tác nắm tình hình địch, phát động phong trào “phòng gian, bảo mật” rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Do đó, đã chủ động phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ hàng vạn dân công ngày đêm chuyển đến Hòa Bình; bảo vệ an toàn những nơi hành quân, đóng quân của bộ đội, nơi tập kết vũ khí khí tài, đạn dược để vận chuyển ra tiền tuyến.

Phát hiện và giải quyết 2 vụ dân công đào ngũ với số lượng lớn (một đoàn hơn một nghìn người của huyện Nghi Lộc (Nghệ An) do bị bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa kích động trên đường đi từ km46 về Suối Rút, vụ thứ hai gồm hơn hai trăm người ở Mãn Đức, Hòa Bình). Trong dòng người đang chia cắt, phân tán, lực lượng Công an đã nắm được tình hình, tiến hành bắt những tên chủ mưu, kích động. Đồng thời, tích cực động viên, tuyên truyền, giải thích, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống quê hương, từ đó đã vận động được họ quay trở lại phục vụ chiến dịch.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh phong trào thi đua “Ái quốc” với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến để đánh thắng giặc Pháp xâm lược”, khắp các địa bàn trong tỉnh, từ dọc các trục đường giao thông số 6, 12, 24 đến các vùng cao, vùng sâu sôi động một khí thế “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Nhân dân các dân tộc hăng hái đi dân công, xây dựng kho tàng, dựng lán trại, đón tiếp giúp đỡ các đoàn dân công, các đơn vị hành quân ra mặt trận, sẵn sàng ủng hộ bộ đội, dân công lương thực, thực phẩm, giúp đỡ vượt qua sông, qua suối...

Đứng trước những nhiệm vụ và yêu cầu cấp bách đặt ra, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ty Công an Hòa Bình khẩn trương triển khai phương án bảo vệ các tuyến đường 6, 12, 21, 24; thành lập các trạm kiểm soát ở bến phà, Vụ Bản, sông Bôi, thị xã Hòa Bình, chợ Bờ; cử các đội công tác cùng các đoàn của tỉnh xuống huyện, tổ chức hướng dẫn quần chúng nhân dân học tập những nội dung, biện pháp phòng trừ gian, giữ bí mật, tập trung ở những địa bàn trọng điểm nơi có kho tàng, lực lượng bộ đội hành quân, đóng quân, nơi tập kết.

Ty Công an Hòa Bình đã thành lập các trạm kiểm soát cửa khẩu ra vào vùng địch, vùng giáp ranh bị địch uy hiếp. Đồng thời, tiến hành kiểm tra hành chính phát hiện kẻ gian, người lạ mặt, quản lý chặt chẽ hàng cơm, quán trọ hai bên đường.

Trong công tác bảo vệ kho tàng, trạm trung chuyển, lực lượng công an trong tỉnh đã phối hợp bộ phận quân nhu, hậu cần quân đội kiểm tra, lựa chọn những người giữ kho có lý lịch trong sạch, rõ ràng, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Các đồn, trạm công an phối hợp bộ đội, dân quân du kích thiết lập vành đai, thường xuyên tuần tra canh gác xung quanh khu vực kho, kịp thời phát hiện bọn phá hoại và chống cháy nổ.

Ty Công an Hòa Bình đã phát động phong trào phòng gian, bảo mật, tuyên truyền vận động nhân dân giữ gìn bí mật, tham gia bảo vệ kho tàng, tuần tra canh gác bảo vệ tài sản Nhà nước, tham gia dập lửa cứu hàng hóa, đạn dược... để phục vụ chiến dịch.

Bảo vệ đoàn vận tải lương thực lên Điện Biên Phủ.

Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo làm tốt công tác bảo vệ lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch; Ty Công an Hòa Bình phối hợp với Cục Bảo vệ quân đội tiến hành thuần khiết nội bộ, đảm bảo nguyên tắc “Vũ khí nằm trong tay người tin cậy”. Các đợt chỉnh huấn cán bộ, đảng viên đã kết hợp nội dung nhiệm vụ bảo mật phòng gian trong việc liên hệ vận dụng vào cá nhân để kiểm điểm làm trong sạch nội bộ.

Những người có liên quan đến vấn đề chính trị thì chuyển đổi không để làm việc ở những bộ phận thiết yếu, cơ mật. Lực lượng Ty Công an còn vận động quần chúng nhân dân thực hiện khẩu hiệu “3 không”, giữ bí mật, che phòng cho bộ đội, tổ chức tuần tra canh gác phát hiện do thám, gián điệp.

Thực dân Pháp trên chiến trường Bắc Bộ ngày càng lún sâu vào thế bị động phòng ngự, đối phó, chúng tăng cường các hoạt động phá hoại hậu phương của ta. Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng và sự ủng hộ tích cực của nhân dân, Ty Công an Hòa Bình đã tiêu diệt và bắt hầu hết các toán gián điệp biệt kích do địch tung xuống điều tra phá hoại cầu cống, bến phà, trục đường, phương tiện giao thộng vận chuyển; khám phá thành công nhiều vụ gián điệp ẩn nấp hoạt động điều tra về giao thông, chỉ điểm cho máy bay địch ném bom bắn phá.

Tiêu biểu như: Tháng 1-1953, Pháp tung nhiều toán biệt kích nhảy dù xuống Cao Phong (Kỳ Sơn), Ty Công an Hòa Bình phối hợp với quân đội truy quét bắt gọn những tên biệt kích; trấn áp những tên phản động hoạt động chống phá chính quyền địa phương.

Ngày 17-3-1953, địch bất ngờ đưa một trung đoàn từ Xuân Mai tiến công lên thị xã Hòa Bình, cuộc hành quân này như một cuộc tập kích. Do nắm được tình hình và âm mưu của địch, trước tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu của ta, khi quân địch tập kích vào thị xã Hòa Bình, các lực lượng vũ trang địa phương, quân đội, công an, dân quân du kích phối hợp bao vây chặn đánh quân địch quyết liệt, sau mấy giờ đồng hồ, quân địch đã phải rút chạy.

Từ đây phong trào bảo mật phòng gian được đẩy mạnh trong quần chúng nhân dân. Thông qua công tác nắm tình hình, quần chúng cung cấp nhiều tin tức có giá trị, giúp Cơ quan công an điều tra khám phá các tổ chức phản dộng như ở Quỳnh Lâm (thị xã Hòa Bình), Nật Sơn (Kim Bôi), Yên Quan, Tiến Xuân (Lương Sơn), An Bình, Khoan Dụ (Lạc Thủy); bắt gọn toán biệt kích ở Yên Mông, Phú Cường, Thạch Yên (Kỳ Sơn), Bãi Khoai, Thanh Nông (Kim Bôi). Trong đợt này, Ty Công an Hòa Bình đã bắt hàng trăm tên tội phạm hình sự, phá ổ nhóm Bùi Văn Giới cầm đầu giết người cướp của ở Phố Sấu (Yên Thủy). Kịp thời trấn áp bắt một số tên khác, ổn định tình hình quần chúng nhân dân. Trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với chủ trương phát huy hơn nữa công tác phòng chống biệt kích, phản động, giữ vững an ninh trật tự, Tỉnh ủy ra chỉ thị phát động phong trào “Một tháng toàn dân tham gia diệt biệt kích phản động”. Tòa án đã mở các phiên tòa xét xử những tên phản động, biệt kích, gián điệp ở Cao Phong, Thạch Yên, Khoan Dụ... để răn đe những tên khác. Cũng trong thời gian này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo mở hội nghị bảo vệ cơ quan, kho tàng, những mục tiêu địa bàn trọng điểm.

Qua hội nghị, đã rút ra được nhiều kinh nghiệm về công tác bảo vệ cơ quan. Từ đó, thành lập các đội bảo vệ ở tuyến huyện và các cơ quan để làm nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ chiến dịch. Ty Công an Hòa Bình tăng cường nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát bảo vệ các tuyến đường giao thông quan trọng, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, đưa đón hành vạn dân công từ Khu III, Khu IV qua tỉnh Hòa Bình lên Tây Bắc phục vụ chiến dịch; phối hợp với ty công an các tỉnh bạn mở hội nghị liên tỉnh bàn về các biện pháp bảo vệ an ninh chính trị trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tấn công cứ điểm Him Lam, mở đầu cuộc công kích vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, yêu cầu phục vụ mặt trận lúc này càng khẩn trương, với khối lượng công việc ngày càng nhiều. Trong khi đó, địch cũng ra sức dùng không quân đánh phá Hòa Bình nhằm chặt đứt con đường tiến công ra mặt trận của ta, đỡ đòn cho quân lính địch tại Điện Biên Phủ. Trên bầu trời Hòa Bình, máy bay địch ngày càng quần đảo, thả bom, bắn phá các kho tàng, cầu phà dọc đường 12, 24, đường 6... là mục tiêu bắn phá hằng ngày của máy bay địch; bến phà chợ Bờ, Suối Rút là những trọng điểm bị đánh phá ác liệt.

Để đảm bảo cho giao thông thông suốt, Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp phòng chống máy bay địch, chỉ đạo lực lượng Công an cùng các lực lượng công binh, thanh niên xung phong ngày đêm thường trực tổ chức tốt công tác bảo vệ giao thông vận chuyển, sẵn sàng gỡ phá bom nổ chậm, sửa chữa cầu, phà, cung đường bị địch phá hỏng...

Tại các xã Hòa Bình, Thịnh Lang, Yên Mông thành lập một đơn vị làm nhiệm vụ dự bị bảo vệ sửa chữa cầu đường, khi cần thiết sẽ huy động nhằm bảo đảm giao thông thông suốt trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí đầy gian khổ, hy sinh, chiều ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Trong chiến thắng vĩ đại ấy có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hòa Bình.

Như Hùng
.
.