Công an phường ở vùng di sản

Thứ Ba, 09/11/2010, 10:25
Vịnh Hạ Long hiện có 3 khu dân cư tập trung, thuộc ranh giới quản lý hành chính của phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, Quảng Ninh. Không chỉ cách xa về mặt địa lý, tuy sống giữa lòng Di sản văn hóa thế giới, lại thuộc địa bàn trung tâm của tỉnh song với những ngư dân nơi đây "đất liền" vẫn còn là một khoảng cách khá lớn về kinh tế, văn hóa xã hội.

Theo đó, hành trình vượt biển ổn định chỗ ở cho ngư dân, vận động quần chúng tham gia phong trào Bảo vệ An ninh Tổ quốc và thực hiện các biện pháp công tác phòng ngừa tội phạm khác để giữ bình yên các làng chài của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an phường Hùng Thắng cũng thật nhiều thử thách, gian nan.

Vượt biển giúp dân an cư lạc nghiệp

Ngoài các khu dân cư tập trung gồm Ba Hang, Cửa Vạn, Cạp Rè, trên vịnh Hạ Long còn có một số hộ dân sống ở các vụng, vịnh, vùng biển khuất gió thuộc địa phận phường Hùng Thắng. Điểm gần nhất cách trung tâm thành phố 40km, xa nhất là 60km, tương đương từ 2-3 giờ chạy tàu.

Trung tá Nguyễn Văn Nguyên, Phó truởng Công an phường Hùng Thắng, người đã có tới gần 10 năm gắn bó với các khu dân cư trên biển cho biết cách đến các khu làng chài thông dụng và hiệu quả nhất của anh em Công an cũng như cán bộ phường là đi nhờ tàu của Ban Quản lý vịnh Hạ Long.

7h sáng, chúng tôi cùng tổ công tác của Công an phường Hùng Thắng theo hành trình của một tàu vận chuyển nhân viên làm nhiệm vụ tại các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long xuất phát. Sau hơn hai giờ lênh đênh trên biển, tàu đến khu vực Cửa Vạn. Đây là điểm tập trung đông dân cư nhất trong các khu dân trên vịnh Hạ Long, với có 123 hộ, hơn 600 nhân khẩu. Các nhà bè của ngư dân được quy hoạch khá ngăn nắp. Bà con cho biết, những hộ có điều kiện thì sống trên lồng bè, hộ nghèo thì ở trên thuyền và dĩ nhiên phương tiện đi lại chỉ duy nhất bằng tàu đò. Phần nhiều ngư dân trong khu là dân Hùng Thắng, từng có nhà ổn định trên đất liền, do làm nghề đánh bắt, khai thác hải sản nên "định cư" luôn trên biển.

Ông  Nguyễn Văn Hưu, ở tổ 3, khu Cửa Vạn, 80 tuổi, nhớ lại khoảng thời gian bà con định cư tự phát trên biển: "Trước đây bà con thường không có nơi ở cố định, tiện đâu thì cắm thuyền ở đấy, thậm chí có chỗ ở thì cũng chỉ tạm bợ hay coi là nơi lao động chính, đi đánh bắt cá hàng tuần, hàng tháng mới về. Nhiều người không biết quê gốc ở đâu. Hệ lụy là dân không có hộ khẩu, trẻ ra đời không được khai sinh, và dù sống giữa lòng Di sản thế giới song từng có thời điểm các khu trên biển của phường Hùng Thắng còn không chính quyền, không trường, không trạm, không tổ dân, khu phố, không y tế".

Cùng với chính quyền từ phường đến thành phố và các ban, ngành liên quan, Công an phường Hùng Thắng tham mưu thành lập và không ngừng kiện toàn hệ thống chính trị tại các khu dân cư trên biển, tăng cường công tác quản lý hành chính về an ninh trật tự, trong đó, đơn vị là nòng cốt giúp dân xác lập nơi ở ổn định trên biển.

Theo chỉ huy Công an phường Hùng Thắng, với đất liền thì đây là việc rất đỗi bình thường song dưới biển không hề đơn giản bởi những rào cản từ đời sống kinh tế và tập quán sinh hoạt của ngư dân. Trước thời điểm phường có chủ trương cấp hộ khẩu cho ngư dân trên biển, bà con có thói quen neo đậu nhà bè, tàu thuyền không cố định và thường thay đổi. Quanh năm lênh đênh cùng sóng nước, có người khi thì khai sinh họ Nguyễn, khi thì khai sinh họ Phạm, trên bờ sử dụng một tên, dưới nước lại một tên khác. Có ngư dân lên ông, lên bà vẫn chưa làm giấy khai sinh, không đăng ký kết hôn.

Trung tá Mai Văn Huy, Trưởng Công an phường kể: “Không phải chuyện của những thập niên trước mà chỉ mới đây thôi, vào đầu năm 2010, có trường hợp gần 70 tuổi mới đến phường đăng ký kết hôn để làm hộ khẩu, xin cấp chứng minh nhân dân”.

Anh Lê Văn Lành, Chủ tịch Hội Nông dân phường kiêm Trưởng thôn Cửa Vạn, trước khi Hùng Thắng chuyển từ xã lên phường, từng có 7 năm tham gia công tác Công an, trong đó có 5 năm giữ cương vị phó Công an xã, còn nhớ như in dạo lặn lội cùng lực lượng Công an chính quy cấp hộ khẩu cho ngư dân: "Thường các hộ chỉ về nơi ở vào ngày rằm và mùng một hàng tháng để cúng tổ tiên, thần linh. Nhiều hộ, phải mất 2-3 tuần rằm anh em mới gặp được để xác nhận, hướng dẫn kê khai và làm các thủ tục cần thiết khác. Liên tục hai năm dùng thuyền mủng "đi công tác", mới cơ bản "quy hoạch" được dân Hùng Thắng trên biển".

Năm 2009, phát hiện vẫn còn một số hộ dân trước đây chưa có nhà bè, nơi ở biến động nên không kê khai đề nghị cấp hộ khẩu, nhiều người do đi lại tốn kém nên khi cưới không đăng ký kết hôn, không khai sinh cho con.

Đầu năm 2010, Công an phường Hùng Thắng và các ngành liên quan tham mưu cho UBND phường chỉ đạo 3 khu trên biển khảo sát thực tế, mỗi tháng tổ chức 3 chuyến công tác vào các ngày 4, 15 và 25 đến các khu trên biển giải quyết thủ tục hành chính và củng cố cơ sở chính trị. Phường thành lập Hội đồng xét duyệt cấp khai sinh và đăng ký kết hôn, nhập hộ khẩu cho ngư dân với thành phần gồm Công an, Tư pháp, khu phố, tổ dân, lãnh đạo UBND phường. Tại các buổi họp kết hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương đồng thời nắm và xét giải quyết kịp thời các khó khăn, đề xuất của bà con.

Một góc làng chài Cửa Vạn.

Theo thống kê của Công an phường Hùng Thắng, các khu dân cư trên biển của phường hiện có 420 nhà bè, thuyền đánh cá, với trên 1.600 nhân khẩu, trong đó có 381 hộ đăng ký thường trú. Đến thời điểm này, Hùng Thắng chính là địa phương duy nhất ở tỉnh Quảng Ninh người dân được cấp hộ khẩu thường trú trên mặt nước. Cơ sở chính trị các khu trên biển của phường đã tương đối hoàn thiện với 3 khu có chi bộ và các khu đều có khu trưởng, khu phố, lực lượng bảo vệ dân phố, các ban công tác xã hội. Đây là nỗ lực rất lớn của chính quyền, các ngành từ thành phố đến phường và của CBCS Công an phường Hùng Thắng.

Bài học gần dân

Phường Hùng Thắng giáp với một trong những trung tâm du lịch của cả nước là khu du lịch Bãi Cháy, TP Hạ Long. Trụ sở Công an phường khá khang trang, nằm cuối đường trung tâm của xã và không tấp nập như chúng tôi hình dung về một đơn vị Công an cấp phường ở thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Ninh. Chỉ huy Công an phường nói vui: "Dù đã được nâng cấp từ xã lên phường từ năm 2003 song Hùng Thắng vẫn còn mang đậm tính... làng quê". Nhiều năm liền, đơn vị chỉ có 5 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 2 chỉ huy và 3 cảnh sát khu vực, đầu tháng 10 vừa qua, được tăng cường thêm một chiến sĩ  trẻ, hiện đang học việc.

Đại úy Đỗ Văn Bốn là cảnh sát khu vực được giao đặc trách các khu dân cư trên biển, dù vậy, trừ thời gian đi biển, thường ngày anh vẫn tham gia các phần việc khác tại phường như trực ban tiếp dân, phối hợp giải quyết cả việc trên bờ, dưới biển, nếu không đi biển thì trực chiến đấu mỗi tuần 3 buổi. Đại úy Đỗ Văn Bốn cho biết, ở các khu dân cư trên biển, phần nhiều các gia đình làm nghề khai thác hải sản, trình độ hạn chế. Từng có thời gian xảy ra một số hành vi ảnh hưởng đến văn hóa du lịch như đeo bám khách để dẫn dắt, bán giá cao, cân thiếu. Có một số vụ mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau. Ngoài ra, tiềm ẩn tình trạng tranh giành khách giữa các điểm chèo đò đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long nếu không được quản lý tốt.

Hơn 6 năm gắn bó với các khu dân cư trên biển phường Hùng Thắng, theo Đại úy Đỗ Văn Bốn thì công tác trên biển khó khăn nhất chính là phương tiện đi lại bị phụ thuộc. Đi nhờ tàu của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thì phải theo giờ cố định nên không kịp thời. Các ngày đi công tác định kỳ, anh em đi nhờ tàu dân đánh cá, bà con không thu tiền nhưng hiếm khi trùng với điểm cần đến nên phải mất nhiều chặng, tốn thời gian.

Trong điều kiện biên chế mỏng, công việc lại nhiều nên mục tiêu của Công an phường là củng cố lực lượng an ninh cơ sở và đẩy mạnh tuyên truyền vận động quần chúng tích cực tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc để tự giải quyết tại chỗ các vấn đề về an ninh trật tự. Và một trong những biện pháp để đơn vị phát huy sức mạnh của nhân dân chính là phải gần dân, làm nhiều việc tốt vì dân để được dân tin, dân yêu.

Trước thời điểm đến các khu dân cư trên biển của phường Hùng Thắng, chúng tôi từng có dịp cùng Trung tá Nguyễn Văn Nguyên, Phó trưởng Công an phường Hùng Thắng và Đại úy Đỗ Văn Bốn cùng tổ công tác của Công an TP Hạ Long ra làng chài Cửa Vạn và Ba Hang cấp chứng minh thư cho ngư dân. Không chỉ được đón tiếp chu đáo, giải thích tận tình, nhiều người đến làm chứng minh còn được cán bộ của phường Hùng Thắng và Công an thành phố viết hộ tờ khai.

Quá 12 giờ trưa, vẫn còn nhiều ngư dân tìm đến đề nghị được cấp chứng minh thư. Từng cán bộ của Công an phường Hùng Thắng và tổ công tác của Công an TP Hạ Long vẫn miệt mài với phần việc của mình, người thì kê khai, người hướng dẫn, lăn tay, chụp ảnh. Đến gần 13 giờ, chỉ huy tổ xin phép bà con cho anh em nghỉ ít phút để ăn trưa. Sau bữa cơm được nấu vội vàng trên tàu, với những món ăn sẵn có trên biển, đoàn công tác lại tiếp tục làm việc để kịp theo tàu của Ban Quản lý vịnh Hạ Long quay về đất liền.

Nhu cầu cấp chứng minh thư của ngư dân trên biển thường khá cao bởi ngoài số đủ độ tuổi (từ 14 tuổi trở lên), nhiều người để rách hoặc mất do thường xuyên trên biển. Để việc làm thủ tục nhanh, thuận tiện, sau khi thống nhất với Công an thành phố, Công an phường Hùng Thắng đến tận nơi thông báo cho dân. Ngoài lực lượng Công an, đơn vị còn tham mưu cho phường huy động cả các ban ngành, đoàn thể khác như nông dân, quân dân phối hợp.

Trung tá Nguyễn Đức Sáng, Đội phó Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hạ Long nhẩm tính với chúng tôi: “Mỗi lượt đi về từ Cửa Vạn vào Công an thành phố làm chứng minh, bà con phải mất từ 4 đến 5 trăm nghìn đồng, đó là chưa kể đến việc mất thời gian đi lại và những rủi ro, phát sinh khác. Công an phường và thành phố đến tận nơi cấp cho bà con, theo quy định nếu cấp mới thì không thu tiền, còn cấp đổi, cấp lại thì thu mỗi trường hợp 16 nghìn đồng. Chỉ trong một ngày với gần 100 trường hợp tại thôn Cửa Vạn được cấp mới, cấp đổi CMND thì lợi ích đem lại cho bà con rõ ràng là rất lớn.

Công an phường Hùng Thắng phối hợp làm thủ tục cấp CMND cho bà con ngư dân thôn Cửa Vạn.

Những năm gần đây, Công an phường Hùng Thắng đã phối hợp làm thủ tục cấp gần 1.600 CMND cho ngư dân các khu vực trên biển, trong đó việc cấp đổi, cấp lại 1.200 trường hợp. Từ việc kiến nghị để dân được cấp hộ khẩu trên mặt nước, ổn định nơi làm ăn, bảo vệ di sản, đến việc ra tận làng chài cấp chứng minh thư giúp ngư dân giải quyết các thủ tục giao dịch, phục vụ kinh doanh hay phối hợp giải quyết các phần việc khác liên quan như đăng ký kết hôn, cấp giấy khai sinh giúp cho mỗi CBCS Công an phường ngày càng chiếm được nhiều hơn niềm tin yêu của bà con. Không chỉ phản ánh kịp thời các vấn đề về an ninh trật tự, bà con còn tích cực tham gia và phối hợp giải quyết hiệu quả nhiều phần việc của lực lượng Công an như tình trạng đeo bám khách để bán hàng rong, không phá hoại cảnh quan môi trường Vịnh Hạ Long, vận động một số hộ dân trước đây ăn xin trên Vịnh chuyển lên bờ kiếm việc làm.

Từ các chỉ huy đến cảnh sát khu vực của Công an phường Hùng Thắng thuộc nằm lòng tình hình trên biển và "điểm danh" chi tiết, cụ thể từng diện đối tượng trên biển và khẳng định với chúng tôi "đối tượng quản lý trên biển không phức tạp" song các anh cũng không khỏi trăn trở bởi hiện phần nhiều bà con ngư dân đời sống kinh tế còn khó khăn và không bền vững. Nghề nuôi cá lồng bè thức ăn ngày càng đắt đỏ nên lãi xuất thấp, lại ô nhiễm môi trường, phường đang có kế hoạch khảo sát để chuyển nuôi tu hài và hàu, vừa bảo vệ môi trường do không mất thức ăn, thu nhập lại cao. Công tác quản lý phương tiện, nhất là vào mùa mưa bão còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao do không có nơi neo đậu nên nguy cơ xảy ra đắm tàu, đò thường trực. Dịch vụ tàu thuyền nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long đang bị buông lỏng vì thuộc chức năng của cấp tỉnh, hiện chỉ quản lý được ở đầu bến...

Minh Châu
.
.