Công an thực hiện lời dạy của Bác trong việc tiếp dân

Thứ Sáu, 18/05/2007, 17:48
Các đơn vị thuộc lực lượng cảnh sát trong các hoạt động hàng ngày đều giao tiếp với nhân dân, bằng lời ăn tiếng nói. Những từ như: thưa bác, thưa cô, xin mời bác, mời cô, mời anh, mời chị... tạo ra ấn tượng cho sự giao tiếp đó, kể cả sự giao tiếp để thực hiện một sự áp đặt, một mệnh lệnh hành chính.

Thể hiện bằng ngôn ngữ

Một mệnh lệnh nói trong tình cảm kính trọng yêu thương là một mệnh lệnh có sức cảm hóa hơn cả.

Xin nêu tình huống: Một đồng chí cảnh sát bảo vệ trật tự ở sân bóng đá yêu cầu kiểm tra cái túi xách của một bác đứng tuổi, đã nói: “Chào bác ạ, xin phép bác cho cháu được làm nhiệm vụ. Xin bác cho cháu xem cái túi”.

Ông già vui vẻ đưa cái túi cho anh xem, sau đó anh nói: “Cám ơn bác, đã xong, xin mời bác vào ạ!”. Một tình huống khác, ông K đến thăm con tại trại giam trong tình trạng đã uống rượu, không làm chủ được bản thân, nói năng bừa bãi, tỏ thái độ bất cần.

Đồng chí cảnh sát trại giam đáng lẽ quở trách, đã vui vẻ mời ông uống nước, và bố trí nơi nghỉ tạm, sau đó mời ông gặp con. Người dân chứng kiến việc làm của cán bộ trại giam cảm thấy tin tưởng ở Lực lượng Công an. Lời nói và cử chỉ của đồng chí cảnh sát thật là đẹp.

Có người nói: Lời nói cửa miệng, lễ phép “hình thức”. Xin trả lời: Lời nói đẹp kết hợp với cái tâm thì tốt. Nhưng nếu cái tâm chưa thực sự tốt thì cũng cứ nói lễ phép đã.

Các nhà giáo dục từ xưa đã có câu: “Tập nhiễm tính thành” tức là cứ tập đi, rồi dần sẽ hình thành cái tính, tức là cái tâm bên trong. Đó là ý nghĩa của việc giáo dục bằng các hành động lặp lại. Bắt buộc hàng ngày giữ vệ sinh, về sau sẽ dần hình thành “ý thức” vệ sinh.

Ông cha ta đã dạy phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Học làm người đầu tiên là học phép tắc, lễ nghi, học ăn, học nói. Trong nhà trường phải “Tiên học lễ, hậu học văn”. Trong Lực lượng Công an thì theo tôi trước tiên học nói lễ phép, sau đó thực hiện nhiệm vụ sau.

Một lời nói có thể làm đẹp lòng người, gây thiện cảm với mọi người, nhưng cũng có thể làm cho mọi người bức xúc, căm phẫn không muốn hợp tác. Phải thận trọng khi nói, khi phát ngôn, để dành cho nhau những tình cảm chân tình, những lời hay ý đẹp. Ông cha ta xưa có câu:

- Lời nói “gói vàng”

- Sẩy chân thì còn đỡ được nhưng sẩy miệng thì khó mà đỡ được.

Một lời nói có thể dẫn đến hậu quả xấu.

Qua ngôn ngữ nói, con người bộc lộ bản chất, nhân cách và đạo đức cũng như tri thức, trí tuệ của mình.

Thể hiện bằng ứng xử bình tĩnh, kiên trì giải thích

Xin đặt tình huống sau đây:

Trong lúc đang cùng đoàn công tác liên ngành thực hiện việc giải phóng mặt bằng, thì một số đối tượng xấu đã kích động bà con kéo đến chửi bới ngăn cản, không cho đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ.

Đồng chí Trưởng Công an phường đã cố giải thích để bà con hiểu về chủ trương chung, nhưng dân chúng vẫn kéo đến ngày một đông, một số đối tượng đã dùng gạch đá ném vào đoàn công tác, làm một đồng chí dân phòng bị thương.

Thấy tình hình phức tạp, một số đồng chí trong đoàn đã đề nghị tăng cường lực lượng và có biện pháp “mạnh” với những kẻ quá khích. Nhưng đồng chí Trưởng Công an phường không đồng tình và tiếp tục đứng ra kiên trì giải thích chủ trương của UBND, đồng thời cảnh báo với mọi người rằng hành động gây rối, chống người thi hành công vụ là vi phạm pháp luật. Cuối cùng, lòng kiên nhẫn của đồng chí Trưởng Công an phường đã được bà con đền đáp, họ đã tự nhận ra đúng sai và bảo nhau giải tán.

Thể hiện bằng tư thế nghiêm chỉnh, trân trọng

Tư thế và hình dáng của đầu, cổ, thân mình, của hai tay và hai chân, theo khoa học giao tiếp là sơ đồ thân thể.

Nhìn tư thế ta có thể đoán biết là con người nghiêm chỉnh, trân trọng hoặc là con người kiêu căng, hống hách, cửa quyền, ra oai... với người dân như: vênh mặt, ngoẹo cổ, ngồi tréo chân, oải người.

Thể hiện bằng trang phục chỉnh tề

Khi đến một cuộc giao tiếp với dân, trang phục của người cảnh sát như thế nào ít nhiều thể hiện thái độ của ta đối với người ta giao tiếp. Ăn mặc chỉnh tề là tôn trọng người giao tiếp.

Ăn mặc nhếch nhác, người được giao tiếp sẽ cho là thiếu tôn trọng họ. Một nhà giao tiếp học đã nói: "Cái áo không làm nên thầy tu nhưng không có cái áo, thầy tu không phải là thầy tu".

Im lặng khi cần thiết

Im lặng là một thái độ ứng xử đôi khi cần thiết, không phải là thua.

Người xưa nói: “Bách nhẫn thái hòa” (Trăm nhịn thì rất hòa thuận).

“Nhịn một lần gió yên sóng lặng

Lùi một bước nhìn biển rộng trời cao”.

"Nhẫn" là bí quyết của thành công. Mỗi người trong cộng đồng đều "nhẫn" thì sẽ giữ được tình đoàn kết, thân ái.

Ông cha ta xưa đã nhờ "nhẫn" mà góp phần giữ được nước. Đánh cho kẻ thù bại trận, nhưng lại cấp lương thực, cấp tàu thuyền để hàng binh về nước.

Các nhà giao tiếp  học nói: lời nói là bạc, im lặng là vàng.

"Không lấy cái kim, sợi chỉ của dân"

Xin đặt tình huống: Hai chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đang làm nhiệm vụ chữa cháy tại nhà dân, bỗng phát hiện kim loại quý (vàng) lộ ra trong tủ gỗ bị cháy xém.

Lúc đó, gia đình bị nạn hoảng loạn chạy ra ngoài, chỉ huy chữa cháy đứng ở chỗ khác không nhìn thấy, nhưng hai chiến sĩ đã nhặt số kim loại quý, gói lại và chuyển cho chỉ huy đang có mặt tại hiện trường để trả cho gia đình bị nạn.

Lương tâm trong sáng, ứng xử cao đẹp đã làm cho dân phục, dân tin. Hai chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã  nêu gương liêm khiết, xứng đáng được toàn lực lượng học tập.

Thể hiện bằng cử chỉ

Thắp nén hương cho người đã khuất. Cử chỉ đó đôi khi có tác dụng gấp nhiều lần lời nói. Trường hợp sau đây là một ví dụ:

Qua bao tháng ngày vất vả truy tìm nhưng những thông tin về Lã Văn Sơ (tức Sơ "mốc"), đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt vẫn bặt vô âm tín, trong lúc tưởng chừng như mọi cố gắng của trinh sát hình sự Cao Văn đều trở nên vô vọng thì bất ngờ có tin báo đối tượng xuất hiện ở nhà riêng.

Anh tức tốc lên đường với chiếc xe máy cà tàng vượt mấy chục cây số đường rừng mới đến được địa điểm. Anh nôn nóng muốn “vồ” ngay đối tượng nguy hiểm này.

Nhưng Cao Văn đã chững lại, khi phát hiện Sơ "mốc" đang mặc đồ tang đứng bên quan tài mẹ. Lương tâm mách bảo anh rằng, chưa nên hành động. Cao Văn tìm một địa điểm thuận lợi lặng lẽ đứng quan sát.

Sơ "mốc" giật mình khi nhìn thấy anh và định tìm đường tháo chạy, nhưng Cao Văn đưa mắt, khẽ gật, rồi anh cầm 3 nén nhang thắp lên bàn thờ người đã khuất. Lã Văn Sơ hiểu ý và thầm cảm ơn người cảnh sát có tấm lòng khoan dụng, độ lượng, phút chốc cái bản tính côn đồ, manh động trong con người Sơ "mốc" đã thay đổi. Y đã hiểu được mình phải làm gì. Khi đám tang kết thúc, Lã Văn Sơ đến trước bàn thờ mẹ đứng lặng hồi lâu, rồi ngoan ngoãn theo Cao Văn về quy án.

Như vậy, kính trọng, lễ phép với nhân dân có nhiều cách. Theo khoa học giao tiếp, kính trọng hay không kính trọng, lễ phép hay vô lễ có ít nhất 20 cách thể hiện thành lời ăn tiếng nói, có ít nhất 13 cách thể hiện thành cử chỉ, tư thế, tác phong.

Có tâm kính trọng nhân dân, mỗi chiến sĩ cảnh sát thông minh, trí tuệ sẽ tìm ra các ứng xử thích hợp để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu

PGS.TS Nguyên Văn Lê
.
.