Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thiện Thành:

Cống hiến cả cuộc đời cho dân tộc

Thứ Bảy, 27/02/2016, 07:35
Cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Nguyễn Thiện Thành – Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Thống Nhất là một quá trình phấn đấu liên tục, cống hiến không mệt mỏi cho sự phát triển của ngành y tế quân đội và y tế nhân dân. Ông là một trong số cán bộ của thế hệ “vàng”, là rường cột của y tế nước nhà, để lại tấm gương sáng về y đức cho biết bao thế hệ.

Tác giả của chế phẩm Filatov

Năm 1925, Nguyễn Thiện Thành được cha mẹ cho ra tỉnh học ở Trường tiểu học Trà Vinh. Năm 1932, ông được gửi lên học tại Trường Collège de Mỹ Tho. Đây là nơi sản sinh ra nhiều nhà khoa học, chính trị, tướng lĩnh như: Trần Đại Nghĩa, Huỳnh Tấn Phát, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Văn Hưởng… Năm 1936, ông được cha mẹ gửi lên học tại Trường Lycée Petrus Ký Sài Gòn. Sau đó, ông khăn gói ra Hà Nội học tại Khoa Y, Trường đại học Đông Dương Hà Nội.

Năm 1945, ông gia nhập Vệ quốc đoàn và sau đó di chuyển vào miền Nam công tác. Năm 1949, ông bị địch bắt và tù đày đến năm 1950 mới được thả. Bác sĩ Thành được về lại Khu 9, làm Trưởng phòng Quân y  Phân Liên khu miền Tây. Thời gian này, sức khỏe thương bệnh binh của chúng ta bị giảm sút do thiếu dinh dưỡng do các bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là dịch sốt rét. Lúc này, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành bắt đầu nghiên cứu ứng dụng phương pháp Filatov vào thực tế khó khăn của chiến trường. Sau thời gian nghiên cứu từ tháng 4 đến tháng 11-1951, ông đã tìm ra phương pháp để sử dụng nhau bà đẻ và đem lại kết quả.

Từ phải sang: Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân (con trai), bác sĩ Dương Thị Minh (phu nhân Giáo sư Nguyễn Thiện Thành) và bác sĩ Nguyễn Đức Công trong lễ ra mắt sách về Giáo sư Nguyễn Thiện Thành.

Ngày 27-11-1951, ca cấy nhau đầu tiên theo phương pháp Filatov được thực hiện ở một bệnh binh suy kiệt do bị sốt rét kéo dài đã thành công. Đó là sự cổ vũ lớn lao đối với cán bộ, nhân viên quân y ở Nam Bộ. Từ thành công này, ông được Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ khen thưởng, bầu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc (1952), được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba (1953). Năm 1953, ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Một ngày cuối tháng 10, con tàu Kilinski của Ba Lan giúp ta chở quân tập kết ra Bắc xuất phát từ bến Năm Căn (Cà Mau), mang theo ông và vợ là bác sĩ Dương Thị Minh cùng con trai mới hơn 1 tuổi và các đồng đội, đồng nghiệp của ông ra miền Bắc. Trên vùng đất mới, trong vai trò là phái viên của Cục trưởng Cục Quân y, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành trực tiếp làm việc với ban lãnh đạo Viện Quân y 108 để nắm bắt khó khăn, báo cáo Cục Quân y giải quyết.

“Đời tôi là một luận án lớn”

Tháng 7-1955, Hồ Chủ tịch đến thăm Viện Quân y 108. Bác dặn: “Trong kháng chiến, quân y Nam Bộ đã làm được thuốc Filatov phục vụ bộ đội, mặc dù chiến trường Nam Bộ lúc đó rất khó khăn”. Thấy Bác nhắc đến tên loại chế phẩm có tính sáng tạo tuyệt vời ấy, đồng chí Cục trưởng Cục Quân y lúc bấy giờ là Vũ Văn Cẩn nói ngay: “Thưa Bác, đó là bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đấy ạ!”. Bác quay sang người bác sĩ trẻ và nói: “Chính phủ và Bác đã được quân y báo cáo về việc chú làm. Bây giờ miền Bắc đã được hòa bình, Bác mong chú làm được nhiều việc hay hơn, tốt hơn nữa”.

Tháng 9-1955, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành được Bộ Quốc phòng cho đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Nhận thấy Phó tiến sĩ này có khả năng tư duy tốt, giới khoa học Xôviết đã đề nghị Chính phủ Việt Nam cho phép ông tiếp tục nghiên cứu, để hoàn thành luận án Tiến sĩ y học nhưng ông trả lời rằng: “Đời tôi còn là một luận án lớn, đó là sức khỏe của thương bệnh binh, đồng bào, đồng chí ở miền Nam ruột thịt còn đang chìm trong khói lửa chiến tranh”. Thế là tháng 9-1960, Phó tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành lên tàu về nước. Sau khi ở Liên Xô về, ông tiếp tục công tác tại Cục Quân y, rồi được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa Sinh lý học Trường sĩ quan Quân y, kiêm Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh Viện Quân y 103. Khi nâng cấp trường sĩ quan quân y thành viện nghiên cứu y học quân sự, ông được bổ nhiệm làm Viện phó.

Giáo sư Nguyễn Thiện Thành (giữa, người mặc comple) trong một lần thăm lại chiến trường Trà Vinh xưa (ảnh do BV Thống Nhất cung cấp).

Năm 1964, ông nhận nhiệm vụ vào chiến trường B2 trên đoàn tàu không số. Sau khi vào miền Nam, ông được bổ nhiệm làm Phó phòng Quân y Miền (thuộc Cục Hậu cần Miền), sau đó kinh qua các chức vụ Phó phòng Quân y B2, kiêm Viện trưởng Viện Quân y K71. Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông và đồng đội tham gia tiếp quản Bệnh viện Vì Dân, là bước đầu tiên thành lập Bệnh viện Thống Nhất hiện nay.

Ngày 1-11-1975, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên và ngày này trở thành Ngày truyền thống của Bệnh viện. Thời gian này, ông cũng được Đảng và Nhà nước tín nhiệm giao trọng trách là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – kỹ thuật của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương.

Năm 1980, Phó tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư, ngay trong đợt phong học hàm đầu tiên của nước ta. Năm 1985, Giáo sư được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1989, Giáo sư tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân.

Với nhãn quan và tư duy của người thầy thuốc được đào tạo bài bản, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành sớm nhận thấy tầm quan trọng của chuyên ngành lão khoa. Ông đã đề xuất và sáng lập ra bộ môn lão khoa tại Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, cũng là bộ môn lão khoa đầu tiên trong cả nước.

Ký ức về một người thầy

Trong lần kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống của Bệnh viện Thống Nhất, chúng tôi đã gặp lại Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Chuyên khoa 2 Dương Thị Lệ, nguyên Trưởng khoa Vi sinh của Bệnh viện Thống Nhất. Với bác sĩ Lệ, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành luôn là người thầy lớn, uyên thâm về kiến thức, liêm khiết trong cuộc sống, nghiêm túc trong nghề nghiệp.

“Hơn 30 năm làm nghề thầy thuốc, trong đó có 20 năm tôi được làm việc dưới sự dìu dắt của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành. Năm 1998, khi tôi nhận quyết định nghỉ hưu thì Giáo sư không còn làm Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất nữa mà chuyển sang làm Trưởng bộ môn Lão khoa của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Ông đưa cho bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Thư ký giúp việc Ban giám đốc một gói quà của ông nhờ mang tới giao cho tôi. Về nhà mở ra xem, đó là một tấm hình đen trắng chụp tôi đứng nghiêng, tay phải cầm que đang chỉ vào bảng minh họa trong một bản báo cáo khoa học của bệnh viện. Trong đó, có phiếu trả lời kết quả cấy phân cho bệnh nhân Liên Xô năm 1980, khi lần đầu tiên tôi tìm ra vi khuẩn dịch tả chủng vibrio cholera ogawa. Tôi ôm món quà vào lòng, mắt rưng rưng” – Bác sĩ Lệ nhớ lại. 

Bìa cuốn sách về GS Nguyễn Thiện Thành.

Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Ngọc Quế, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất thì luôn bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tâm đắc về người thầy kính yêu. Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt. Trong bối cảnh đó, Viện trưởng Viện Quân y K71 Nguyễn Thiện Thành đã có niềm tin chắc chắn rằng: Cuộc kháng chiến của nhân dân ta nhất định thắng lợi. Bác sĩ Quế nhớ lại Giáo sư Nguyễn Thiện Thành viết rất nhiều sách về y khoa. Có lần sách của ông bị đạo văn.

Nhiều đồng nghiệp nói Giáo sư nên kiện, nhưng ông chỉ bình thản trả lời: “Kiện để làm gì? Nếu mình thắng kiện, thì cũng làm xấu hổ ngành y. Quan trọng là kiến thức của mình vẫn nguyên giá trị đến mọi người dân là điều mà tôi thấy cần thiết”. Đối với bác sĩ Nguyễn Ngọc Quế, đó là một triết lý, một nhân cách lớn và một tấm lòng vị tha và rộng lượng của một nhà khoa học chân chính. Mỗi năm đến ngày 30-9, là sinh nhật của mình nhưng ông chỉ tổ chức sinh nhật bằng bánh kẹo và nước trà, không cho phép ăn uống linh đình.

Cũng nhân dịp kỷ niệm này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nghèn nghẹn khi phát biểu về Giáo sư Nguyễn Thiện Thành trong phần ra mắt cuốn sách “Giáo sư Nguyễn Thiện Thành – Người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng”. Vị Tư lệnh ngành y đã đề nghị đại biểu trong hội trường dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ về một bác sĩ đầu ngành của Y khoa Việt Nam, một người sống trọn tình với nhân dân và bệnh nhân.

Với tấm lòng cảm kích về người Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Thống Nhất và thực hiện di nguyện về việc xây dựng bệnh viện ngày một hiện đại, Bộ trưởng hứa sẽ triển khai tại bệnh viện chuyên đảm trách việc chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo phía Nam thêm nhiều khoa, phòng mới, sắp tới là Khoa Ung bướu và đặc biệt là phát triển ngành lão khoa. Ngày hôm đó, ngoài Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đến dự còn có nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của TP Hồ Chí Minh cùng lớp lớp học trò của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành.

Luôn học tập người thầy, người tiền nhiệm, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Đức Công – Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã thực hiện cuốn sách về Giáo sư Nguyễn Thiện Thành. Qua hàng trăm trang viết, gặp gỡ hàng trăm nhân chứng, nhân vật, ông đã cho người đọc toàn cảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành một cách giản dị, rõ nét. Đây là sách do Nhà xuất bản Quân đội, chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh xuất bản và phát hành.

“Là một người lính “blouse trắng”, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành có mặt trong những giai đoạn khốc liệt nhất của hai cuộc kháng chiến. Sau ngày giải phóng, ông đã đóng góp xây dựng Bệnh viện Thống Nhất là một trong những trung tâm y khoa hàng đầu của nước ta ở phía Nam” (trích từ sách “Giáo sư Nguyễn Thiện Thành - Người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng” - tác giả bác sĩ Nguyễn Đức Công).

* Bài có sử dụng một số tư liệu trong sách viết về GS. Nguyễn Thiện Thành của GS.TS. Nguyễn Đức Công – Giám đốc BV Thống Nhất.

Hà Tiên
.
.