Cụ bà nghèo hơn 30 năm nhặt ve chai làm từ thiện

Thứ Năm, 15/12/2016, 07:30
Văn hóa trọng tình, đồng cảm và sẻ chia với khó khăn của người khác vẫn luôn là một dòng chảy mạnh mẽ, bền bỉ trong cuộc sống hiện đại đầy biến động, phức tạp. Hơn 30 năm nay, dù ngày nắng hay ngày mưa, người dân ở phường 3 đều thấy cụ Lê Thị Gái (74 tuổi, ở khu phố Lê Lợi, phường 3, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) lom khom nhặt nhạnh ve chai, dành dụm những đồng bạc lẻ để giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống.

Nhặt ve chai làm từ thiện

Chúng tôi đến nhà cụ Lê Thị Gái khi cụ đang lom khom dọn dẹp lại đống phế liệu. Cụ bảo cả tuần nay thời tiết thay đổi làm cụ ho mãi, cái lưng lại đau nên không đi xa mà chỉ quẩn quanh ở mấy con hẻm gần nhà để nhặt phế liệu. Được biết, dù tuổi cao sức yếu, nhưng hằng ngày cụ Gái đi khắp nơi trong thành phố nhặt nhạnh phế liệu, xin nhôm nhựa, quần áo cũ, sách vở cũ... sau đó đem bán lấy tiền giúp đỡ người nghèo. Quần áo cũ thì cụ cũng gom góp lại rồi khi đã được nhiều, cụ lại chọn lựa, giặt giũ sạch sẽ, sắp xếp cẩn thận để đi trao tặng.

Cụ Gái cho biết: “Mỗi tháng tôi đều chuẩn bị được một thùng quà trị giá gần 1 triệu đồng để tặng cho học sinh nghèo trong chương trình “Đom đóm thắp sáng tương lai” của tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, hằng tháng tôi cũng dành dụm được số tiền khoảng hơn 500 ngàn đồng để giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó trong chương trình “Nhịp cầu nhân ái” của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên. Tuy vất vả nhưng mỗi lần được nhìn thấy niềm vui của những mảnh đời kém may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của mình, tôi thấy như mọi mệt mỏi đều tan biến”.

Nói rồi, cụ Gái chia sẻ: “Chỉ cần ở đâu, người nào cần sự giúp đỡ mà nằm trong khả năng thì tôi đều giúp hết. Tùy vào mỗi hoàn cảnh, tôi có cách giúp đỡ khác nhau, ai đói tôi cho mì cho gạo, ai thiếu mặc tôi cho quần áo, ai hoạn nạn thì tôi giúp đỡ và kêu gọi sự ủng hộ từ xung quanh. Được tôi giúp đỡ, người thì qua cảnh đói khát, người thì qua cơn ốm đau, nhưng quan trọng hơn, tất cả họ đều như được tiếp thêm niềm tin, động lực trong cuộc sống”.

Hằng tháng, cụ Gái đều chuẩn bị những thùng quà để tặng học sinh nghèo.

Quả vậy, trong lời kể của cụ Gái, đọng lại trong chúng tôi rất nhiều những mảnh đời được cụ giúp đỡ. Và có lẽ, để lại ấn tượng sâu đậm nhất là sự việc cụ giúp đỡ vào năm 2008. Năm đó, cụ Gái chứng kiến một số trường hợp túng khổ đến nỗi khi chết đi cũng không có tiền lo hậu sự, cụ đã cùng một nhà sư vận động, hỗ trợ giúp đỡ. Những năm sau đó, mỗi năm, cụ Gái đã giúp đỡ hàng chục cái hòm cho những trường hợp người lang thang, neo đơn hay tứ cố vô thân khi họ mất đi.

Anh Trần Văn Xuân (45 tuổi, ở khu phố Lê Lợi) cho biết: “Tôi bị bệnh từ nhỏ nên không làm được gì, gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Đến giờ tôi vẫn không quên hình ảnh của cụ Gái đội mưa đem đến nhà tôi chục gói mì tôm và 2 cân gạo. Lúc ấy, tôi chỉ biết rơi nước mắt. Rồi những tháng ngày sau đó, một gói mì tôm, một lon gạo cụ Gái cũng mang xuống cho nhà tôi. Tấm lòng của cụ thật bao la. Trong những chương trình từ thiện trên truyền hình, hay trong các chương trình xã hội - từ thiện của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, tôi thường thấy cụ với những số tiền, những món quà ý nghĩa mà cụ dành cho những trẻ em mồ côi vượt khó, những hoàn cảnh khó khăn”.

Để có thêm nhiều sự giúp đỡ dành cho học sinh nghèo và những mảnh đời bất hạnh, trong quá trình đi nhặt nhạnh phế liệu, cụ Gái không quên vận động, kêu gọi sự chia sẻ từ những người tốt bụng. “Ban đầu người ta cũng ái ngại, chưa tin tưởng mình lắm. Nhưng rồi sau đó thấy mình thật lòng thật dạ giúp người, họ mới chia sẻ mỗi người một ít. Cứ ai có phế liệu, hay quần áo, sách vở, thậm chí quà bánh gì muốn tặng cho trẻ em nghèo, họ mang đến gửi cho tôi. Nhiều người góp lại thì được số lượng lớn. Của ít lòng nhiều, mọi sự đóng góp mình đều rất quý, những đứa trẻ, bà con nghèo khi nhận được quà họ cũng rất quý”, cụ Gái tâm sự.

Nói rồi, cụ Gái bảo những năm gần đây, tuổi cao sức yếu nên cũng vài lần, cụ nghĩ đến chuyện “nghỉ hưu” trong hoạt động từ thiện; nhưng rồi mỗi lần biết đến một hoàn cảnh khó khăn là cụ không thể nằm nhà được. “Nhiều bữa tôi bị ê nhức, ăn không nổi nửa chén cơm. Vậy nhưng nghe tin có người ủng hộ ve chai, tôi mừng đến mức có thể ăn thêm được nửa chén nữa”, cụ Gái trải lòng.

Cụ Gái kể chuyện làm từ thiện của mình.

Khốn khó vẫn làm việc thiện

Cụ Gái sinh ra tại huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) trong một gia đình đông anh em. Năm 12 tuổi, cô bé Gái mồ côi cả cha lẫn mẹ bởi chiến tranh, phải sống nhờ vào sự cưu mang của anh chị em trong nhà. Năm 1965, sau khi học xong phổ thông, cụ Gái vào TP Tuy Hòa làm việc. Thấu hiểu được thế nào là bất hạnh khi mồ côi cha mẹ, những ngày tháng làm việc tại đây, cụ thường đến cô nhi viện để động viên, thăm hỏi những đứa trẻ mồ côi cha mẹ do chiến tranh.

“Hồi những năm 1965-1966, chiến tranh ác liệt lắm, người chết rất nhiều. Hầu như ngày nào cũng có trẻ mồ côi được đưa đến cô nhi viện. Đó là những đứa trẻ mất cha mẹ trong chiến tranh hay thất lạc gia đình. Có những đứa bé may mắn sống sót nhưng thương tích. Tôi lúc trước cũng mất cha mẹ do chiến tranh, đã khổ rồi, mà lúc đó nhìn mấy đứa trẻ thì thấy còn khổ hơn. Vậy nên mỗi dịp cuối tuần hay lúc nào rảnh rỗi là tôi lại đến cô nhi viện với các cháu”, cụ Gái nhớ lại những ngày tháng đầu tiên mình làm từ thiện.

Những năm sinh sống tại Tuy Hòa, cụ Gái có chồng và sinh được 2 người con. Đến năm 1985, chồng cụ có ý định sang Mỹ định cư, cụ khuyên mãi không được nên để chồng đi. Từ đó, cụ Gái đảm đương vai trò của người cha, người mẹ, chăm lo cho 2 con ăn học nên người. Từ ngày ấy, cụ mưu sinh bằng công việc buôn gánh bán bưng ở chợ nên lúc nào cũng tranh thủ nhặt nhạnh, gom góp phế liệu. Những thứ tưởng chừng chẳng còn giá trị gì lại được cụ tập hợp số lượng lớn rồi mang đi bán lấy tiền, giúp đỡ những mảnh đời khốn khó xung quanh.

Cụ Gái tâm sự: “Chồng bỏ đi, một mình nuôi con trong hoàn cảnh khó khăn nên tôi hiểu được những gì mà một người nghèo, một người bất hạnh đang cần. Bác Hồ đã dạy việc gì có ích cho dân thì làm nên dù bệnh tật tôi vẫn cố gắng. Nói thật, lúc đầu nhiều người bảo với tôi, nếu thấy muốn giúp đỡ ai thì cho người ta vài ba chục là xong, việc gì phải làm vậy cho cực. Nhưng họ nói thì kệ họ, còn việc mình làm có ích cho xã hội thì cứ làm. Nhìn đi nhìn lại, cũng đã hơn 30 năm tôi cặm cụi nhặt ve chai giúp trẻ em, người nghèo rồi”.

Cụ Gái dọn dẹp lại đống phế liệu trước thềm nhà.

Bà Phạm Thị Thu (52 tuổi, ở khu phố Lê Lợi) cho biết: “Tôi buôn bán ở đây đã mấy chục năm nay nên thường thấy cụ Gái đến đây nhặt ve chai. Lúc đầu, cứ tưởng cụ ấy kiếm sống cho mình chứ đâu ngờ cụ ấy làm việc đó là để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Bây giờ, dù sức khỏe đã yếu nhưng cụ vẫn miệt mài với những việc thầm lặng có ích cho cộng đồng. Tôi rất khâm phục tấm lòng cao cả của cụ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 2 người con của cụ Gái nay đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định, nhưng cụ vẫn giữ lối sống giản dị như bao năm qua. Nhìn cụ suốt mấy chục năm làm từ thiện, ít ai biết rằng đó cũng là bấy nhiêu năm gia đình cụ thuộc diện hộ nghèo. Nhiều lúc muốn mua cái áo, may cái quần hay những vật dụng cá nhân, cụ đều tằn tiện hoặc con cái giúp. Còn những đồng tiền kiếm được cụ dành hết cho công việc từ thiện.

Tuy nhiên, với cụ điều đó không quan trọng, cái cụ luôn đau đáu đó là được sống, được giúp đỡ mọi người, thực hiện tâm nguyện của bản thân trước đây, đó là ở lại để gắn bó với quê hương.

Sống là để cho

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Gái bảo mỗi lần gặp gỡ các cháu mồ côi, các cháu có hoàn cảnh khó khăn và được các cháu gọi “bà” một cách trìu mến, cụ thấy cuộc đời ý nghĩa lắm. Những lúc như thế, cụ đến vuốt tóc từng cháu và nói chuyện, tâm sự, động viên các cháu phải cố gắng học tập để sau này thành người có ích cho xã hội, không nên nhìn về bản thân mà có những tư tưởng bất mãn rồi sinh ra tệ nạn.

“Có gặp mới thấy các cháu đáng thương lắm, phần lớn đều có hoàn cảnh đặc biệt, đáng thương. Nhìn thấy những cháu bé khôi ngô, tuấn tú, xinh xắn dễ thương, lòng tôi lại không cầm được cảm xúc. Đời đã để cho các cháu thiệt thòi, nên tôi thầm nghĩ làm được gì đó hữu ích, hỗ trợ cho các cháu thì nên làm, vì đó là trách nhiệm của mình chứ không của riêng ai”, cụ Gái chia sẻ.

Cụ Gái bảo, bây giờ sức khỏe cụ yếu, bản thân không có nhiều khả năng giúp đỡ những mảnh đời khó khăn nên tâm nguyện lớn nhất của cụ là có những nhà hảo tâm sẽ rộng tay giúp đỡ các cháu nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa, để các cháu có điều kiện đến trường đi học như bao đứa bạn cùng trang lứa; giúp các cụ già neo đơn, không ai nuôi dưỡng có được sự chăm sóc khi đau ốm, bệnh tật, để lòng họ có được chút ấm áp.

Những bộ quần áo cũ dùng để tặng người nghèo được cụ Gái sắp xếp gọn gàng ở góc nhà.

Tiễn chúng tôi ra về, cụ Gái bảo: “Đâu đó trong cuộc sống này vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh khốn khổ, bất hạnh. Đó có thể là những gia đình cùng quẫn vì bệnh tật, tai nạn, những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, những cụ già không nơi nương tựa... mình giúp họ được gì thì giúp, chứ đời người rồi cũng về cát bụi thôi. Sống là để cho mà”. Thật vậy, tình thương của cụ Gái đã khơi dậy trong bao người những tình cảm tốt đẹp, biết yêu thương và cho đi yêu thương.

Ông Trần Văn Hân - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 3, cho biết: “Mấy chục năm âm thầm làm từ thiện, đến nay tuổi cao, sức yếu, nhưng cụ Gái vẫn miệt mài với những việc làm thầm lặng có ích cho cộng đồng. Những khoản tiền dành dụm từ việc bán ve chai, những đôi giày, bộ quần áo cũ, áo mưa... tuy không nhiều về vật chất nhưng đó là cả tấm lòng của cụ. Với những việc làm giàu ý nghĩa, cụ Gái là tấm gương tiêu biểu về công tác xã hội - từ thiện tại địa phương, đã được UBND phường 3 và TP Tuy Hòa nhiều lần tuyên dương”.

Phan Nhuận Phin
.
.