Cuộc đột kích trên sông Thương

Thứ Bảy, 21/03/2020, 22:45
Đêm trên sông Thương đặc quánh một màu đen. Thi thoảng mới thấy le lói ánh đèn từ các tàu, thuyền chạy qua. Khoảng 20h, chiếc tàu đẩy theo 4 sà lan chở đầy than neo vào bờ phải của sông Thương. Một lúc sau, một chiếc tàu tự hành xuất hiện, áp sát sà lan chở than.

Những bóng người nhấp nhô xúc than từ sà lan sang tàu tự hành. Nhưng đêm đó, việc trộm than của nhóm đối tượng này đã không thành. Bất ngờ, một chiếc xuồng máy cỡ lớn xé nước lao đến, cùng lúc, các nhóm công tác của lực lượng Công an từ hai bên bờ xuất hiện...

Thượng tá Vũ Thế Huân, Trưởng Phòng 3, Cục Cảnh sát hình sự, đơn vị chủ công của cuộc đột kích, cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục về việc tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm hoạt động trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh, vận chuyển than, qua công tác trinh sát, Phòng 3 phát hiện đường dây trộm cắp than trên sông Thương.

Chủ mưu trong việc này là Nguyễn Văn Lâm (SN 1972, trú tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) thuyền trưởng đoàn tàu, sà lan mang ký hiệu 3TĐ27 thuộc Công ty cổ phần Vận tải thủy số 3. Đoàn phương tiện vận tải của Lâm được giao nhiệm vụ vận chuyển than từ các công ty than ở Quảng Ninh, chở cho Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (thuộc tỉnh Bắc Giang). Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển, Lâm đã cấu kết với các đối tượng mua, bán than để tổ chức trộm cắp than, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất Hà Bắc và gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Vì biết nơi giao và nhận hàng sẽ tính khối lượng vận chuyển theo độ mớn nước (bên nhận không thể cân trọng lượng cụ thể được) nên bọn Lâm đã nghĩ ra trò dối trá rất tinh vi. Trong hầm của sà lan, Lâm thường để một số két nước. Khi nhận hàng, Lâm để các két nước rỗng, không chứa nước. Sau đó, trong quá trình vận chuyển trên sông, Lâm câu kết với nhóm mua, cắt khóa niêm phong, xúc trộm than sang tàu khác. Xong xuôi, Lâm cho đổ đầy nước vào các két dưới hầm, do đó độ mớn nước trở về như lúc ban đầu bên giao hàng ghi biên bản.

Những chiếc sà lan chở than đã bị các đối tượng câu kết "rút ruột".

Ngoài ra, một thủ đoạn khác của các đối tượng là: thông đồng với các đối tượng đầu bán hàng để mua độ ẩm của than, trong quá trình vận chuyển, Lâm thông đồng với các đối tượng mua bán than tổ chức trộm cắp than, sau đó bơm nước trực tiếp vào than để tăng khối lượng, đưa khối lượng than trở về như ban đầu mua tại các công ty than ở Quảng Ninh. Chính vì thế, dù thực hiện trò trộm cắp này trong một thời gian khá dài, đường dây phạm tội của bọn Lâm vẫn không bị phát hiện.

Các cán bộ của Phòng 3 đã bắt đầu những ngày trinh sát, theo dõi hành vi của nhóm trộm cắp này từ tháng 8-2019. Tuy nhiên, các anh đã gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình trinh sát. Các đối tượng thường vận chuyển hàng về đêm và không phải chuyến nào chúng cũng tổ chức trộm cắp.

Lúc đầu, các trinh sát phải theo dõi con tàu và hệ thống sà lan của Lâm suốt hành trình từ Quảng Ninh về Bắc Giang. Nhưng sau đó, trinh sát đã xác định các đối tượng thường thực hiện việc trộm cắp than là đoạn sông Thương thuộc tỉnh Bắc Giang nên công tác trinh sát tập trung ở đoạn sông này. Do lòng sông Thương  hẹp, nơi rộng nhất chỉ khoảng 100 mét nên có nhiều vị trí hai bên bờ có thể theo dõi hoạt động của các đối tượng.

Tuy nhiên, bóng đêm trên sông dường như đặc quánh hơn, nhất là những đêm trời lạnh buốt, có sương mù, đôi khi các trinh sát cũng không thể triển khai được các biện pháp nghiệp vụ để theo dõi. Thi thoảng, các trinh sát cũng phải thuê thuyền đánh cá chạy dọc sông Thương, ngang qua sà lan của đối tượng để xác định số lượng, cũng như phương thức hoạt động của bọn chúng...

Khi tài liệu trinh sát đã đầy đủ, lãnh đạo Phòng 3 báo cáo lãnh đạo Cục xin lập chuyên án đấu tranh. Chuyên án được lập vào ngày 7-1-2020 do Thiếu tướng Hoàng Văn Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, làm trưởng ban; Thượng tá Vũ Thế Huân làm phó trưởng ban... Nhiều đêm, hai đồng chí lãnh đạo ban chuyên án đã lênh đênh trên sông với các trinh sát để khảo sát địa bàn, từ đó lập ra kế hoạch phá án rất chi tiết, vừa đảm bảo hiệu quả đánh án, vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng phá án cũng như các đối tượng phạm tội trên địa hình sông nước vào ban đêm.

Theo tin tức trinh sát, ban chuyên án quyết định đột kích, bắt quả tang đường dây trộm cắp than của nhóm đối tượng này vào tối 17-1. Ban chuyên án đã báo cáo lãnh đạo Bộ cho phép lực lượng cảnh sát cơ động thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tham gia phối hợp phá án, đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, từng mũi tấn công.

Theo đó, có 2 tổ công tác chính, một tổ ẩn trong những chiếc ca nô, xuồng máy của Thanh tra giao thông đường thủy, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đỗ cách địa điểm xác định sẽ diễn ra hành vi phạm tội khoảng 3 cây số; tổ công tác thứ hai núp ngay trong những rặng tre ở bờ bên phải, nơi xác định các đối tượng sẽ neo tàu để thực hiện việc trộm cắp. Trong đó xác định rõ ràng, lực lượng đặc nhiệm của cảnh sát cơ động ngoài việc bắt giữ các đối tượng còn có nhiệm vụ soi, giám sát, kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi phát hiện đối tượng nhảy xuống sông tẩu thoát.

Ở phía bờ trái, cũng có một tổ công tác ém quân, phòng trường hợp các đối tượng nhảy xuống sông bơi về bờ. Ngoài ra, còn có một tổ công tác của Viện Khoa học hình sự có nhiệm vụ dùng thiết bị giám sát hoạt động trộm cắp than của các đối tượng, khi xác định số lượng than các đối tượng xúc trộm đã nhiều trên tàu mua trộm, báo cáo ban chuyên án để ra quyết định “tấn công!”. Một số xuồng máy của Công an tỉnh Bắc Giang có nhiệm vụ khi có lệnh tấn công thì áp sát, phát hiện đối tượng nào nhảy xuống sông sẽ lập tức cứu hộ, đảm bảo an toàn cho các đối tượng...

Từ 18h30 ngày 17-1, theo đúng kế hoạch, các tổ công tác đã vào vị trí ém quân. Theo tin tức báo về, lúc 17h30 ngày 14-1, tàu và sà lan của Lâm nhận hàng tại cảng rót hàng Km6, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, Lâm điều khiển tàu đẩy 3TĐ27 lai đẩy 4 sà lan chở than đi theo đường thủy từ km 6 thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đến Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất Hà Bắc.

Từ trái qua: Đối tượng Dương Đức Phương, Nguyễn Văn Lâm, Phạm Khắc Tiềm và Từ Văn Nhất.

Khi đoàn tàu, sà lan do Lâm điều khiển về đến Kinh Môn (Hải Dương), Lâm gọi điện cho Nguyễn Văn Vị (SN 1972, trú tại xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), thông báo về khối lượng, thời gian và địa điểm tổ chức trộm cắp than. Khi tàu và sà lan của Lâm về đến sông Thương, cách cầu Bến Đám khoảng 500m thuộc thôn Xuân Trung, xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), là địa điểm mà Lâm đã thỏa thuận với Vị, Lâm điều khiển cho tàu áp vào bên phải, cách bờ khoảng 20m, rồi thả neo.

Lâm yêu cầu các thành viên trên tàu gồm: thuyền phó Từ Văn Nhất, thuyền viên Dương Đức Phương, Phạm Khắc Tiềm cắt kẹp chì sà lan, kéo bạt về một phía để chờ tàu tự hành HD-0717 do Nguyễn Văn Vị điều khiển đến mua than. Chỉ một lúc sau, tàu của Vị đã áp sát.

4 người được Vị thuê là Phạm Đức Hưng, Nguyễn Văn Tiệp, Vũ Hữu Chí, Vũ Hữu Quế đã nhảy sang xúc than từ các sà lan sang tàu tự hành của Vị. Khi các đối tượng đang thực hiện hành vi trộm cắp than thì Thiếu tướng Hoàng Văn Vĩnh ra hiệu lệnh tấn công. Lúc đó khoảng 20h ngày 17-1.

Chiếc xuồng máy chở tổ công tác số 1 xé nước lao đến. Rất nhanh, các trinh sát từ trên tàu quăng mình sang sà lan và những con tàu đang có hành vi phạm tội. Tổ công tác thứ 2 từ bên bờ phải cũng lao ra bến sông, ào xuống bơi khoảng 20m để ra đến tàu của các đối tượng. Trời rét, nước cắt da cắt thịt nhưng khí thế tấn công khiến các trinh sát không ai thấy lạnh. Tất cả ào ào làm nhiệm vụ.

Các đối tượng trên tàu bị bất ngờ, không kịp kháng cự. Chỉ một đối tượng nhảy xuống sông, định đào thoát. Nhưng các trinh sát đặc nhiệm của lực lượng cảnh sát cơ động đã nhảy theo, bằng vài sải bơi chuyên nghiệp đã tóm gọn được đối tượng đưa lên bờ.

Sau khi bắt quả tang hành vi trộm cắp của các đối tượng, cơ quan điều tra đã trưng dụng Công ty cổ phần Đo đạc bản đồ và Môi trường Việt Nam kiểm đếm, xác định số lượng than đã trộm cắp được có trên tàu tự hành HD-0717 của Nguyễn Văn Vị là 129 tấn. Theo hóa đơn giá trị gia tăng của lô hàng, khối lượng than thanh toán có giá 1.815.000 đồng/tấn, tuy nhiên Lâm trộm cắp, bán cho Vị giá 1 triệu đồng/tấn. Nếu hoàn thành việc trộm cắp số than trên, các đối tượng chiếm đoạt được khoảng 129 triệu đồng.

Khai thác sơ bộ, các đối tượng khai nhận, từ tháng 5-2019 đến nay, các đối tượng đã tổ chức trộm cắp than tổng cộng 8 lần, trung bình mỗi lần trộm cắp được khoảng từ 90 đến 160 tấn than. Như vậy, các đối tượng đã trộm cắp và tiêu thụ trót lọt gần 1.000 tấn than, trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng.

Ban chuyên án đã bàn giao đối tượng và tang vật vụ án cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang thụ lý điều tra theo thẩm quyền. Ngày 16-3, theo thông tin chúng tôi mới nhận được, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng là Nguyễn Văn Lâm, Từ Văn Nhất, Dương Đức Phương, Phạm Khắc Tiềm và Nguyễn Văn Vị về tội “Trộm cắp tài sản”.

4 đối tượng còn lại là Phạm Đức Hưng, Nguyễn Văn Tiệp, Vũ Hữu Chí, Vũ Hữu Quế chỉ là người làm thuê và không nhận thức được số than trên là trộm cắp nên Cơ quan cảnh sát điều tra đã yêu cầu viết bản cam kết, khi có yêu cầu của Cơ quan cảnh sát điều tra thì phải có mặt để phục vụ công tác điều tra.

Để kịp thời động viên các đơn vị có thành tích đấu tranh, triệt phá đường dây trộm cắp than với số lượng lớn nói trên, mới đây, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định khen thưởng 8 đơn vị có thành tích trong đấu tranh chuyên án. Đó là các đơn vị: Phòng 3, Phòng 8 - Cục Cảnh sát hình sự; Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Phòng 5 - Cục Kỹ thuật nghiệp vụ; Phòng 7, Phòng 8 - Viện Khoa học hình sự; Phòng Cảnh sát giao thông và Công an huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
T.Hòa
.
.