Cuộc săn lùng kho báu Yamashita: Những cái chết bí ẩn

Thứ Năm, 18/08/2011, 18:20

Thời hạn dự định khoan thăm dò kho báu tại núi Tàu vào giữa tháng 8/2011 đã gần kề, nhưng theo quan sát của chúng tôi, công việc dường như vẫn chưa được khởi động. Vì được xem là "lần cuối cùng" nên nhóm săn lùng kho báu Yamashita" tỏ ra rất thận trọng, trong đó đặc biệt tính đến phương án tối ưu để bảo vệ thành quả nếu cửa hầm bất ngờ lộ ra như tính toán và kỳ vọng của họ.

Thận trọng là phải, bởi bất trắc, rủi ro và cả mưu mô…có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Hơn nửa thế kỷ nay, liên quan đến kho báu huyền thoại, hàng loạt bi kịch đã diễn ra, có cả không ít những cái chết  bí ẩn.

Ban đầu chuyện kho báu Yamashita và cái chết bất đắc kỳ tử của viên sĩ quan Nhật Bản trong thương vụ bán bản đồ cho Ngô Đình Nhu, ông Trần Phương Tiệp (trong hầu hết giấy tờ thì lại ghi là Trần Văn Tiệp) hầu như không mấy lưu tâm. Đối với một người kinh doanh như ông, lợi nhuận thực tế của những chuyến buôn gỗ có sức hấp dẫn hơn nhiều. Nhưng những biến cố liên quan đến kho báu cứ liên tục xảy ra bên nách, nạn nhân lại gồm toàn những người từng quen biết, nên muốn hay không, ông Tiệp cũng chẳng thể thờ ơ.

Đầu tiên là chuyện vị già làng Suối Kiết. Sau thời gian dài câm lặng giữ khư khư bí mật chuyện đã từng thoát chết sau khi tham gia chôn kho báu, vị già làng Suối Kiết này đã bị những hành động úy lạo mị dân của tỉnh trưởng Bình Tuy hớp mất lòng tin. Được Lê Văn Bường mời về lị sở ở thị xã La Gi, sau đó đưa vào Sài Gòn và giúp Bường xác định vị trí kho báu Tánh Linh để chụp không ảnh từ máy bay trinh sát L.19, vị già làng đã không hề quay lại với buôn làng, cũng chẳng ai thấy ông ta xuất hiện ở đâu. Một sự mất tích kỳ quặc và phi lý nhưng vĩnh viễn không có lời giải thích.

Nạn nhân tiếp theo không ai khác hơn, chính là viên tỉnh trưởng. Vừa được thăng trung tá tháng 11/1960 thì bất ngờ ngày 10/5/1961, Bường bị Tổng thống Ngô Đình Diệm ký quyết định lột lon, bãi chức, bị ném vào buồng giam trong trại Lê Văn Duyệt chờ ngày ra tòa.

Theo hồ sơ, trong thời gian đương chức, Lê Văn Bường đã phạm 4 tội tày đình. Một, tham nhũng 28 triệu đồng tiền viện trợ cho dân xây dựng khu dinh điền, trong khi theo luật, tham nhũng 1 triệu đồng là đủ lên cọc bắn. Bằng chứng tham ô, gian dối, rủi thay Bường lại tự phơi bày ngay trước mặt Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhà báo Lê Nguyễn, nguyên là viên chức hành chính dưới chế độ VNCH đã cung cấp chi tiết những gì liên quan mà ông là người chứng kiến tận mắt. Vào đầu năm 1960, đọc "phúc trình thành tích" về "thành công vượt bậc" của Bình Tuy trong việc xây dựng các khu dinh điền, Tổng thống Diệm đã rất hồ hởi. Ông quyết định "vi hành" về thăm một khu dinh điền kiểu mẫu ở Tánh Linh. Ông Lê Nguyễn là nhân viên công vụ tháp tùng đoàn.

Các  dãy nhà ở của dân lợp tôn nhôm mới keng được rào giậu cẩn thận. Đồng bào dân tộc mặc quần áo mới đứng trước nhà liên tục vỗ tay chào đón Tổng thống. Xung quanh dãy nhà hành chính của khu, cây cối tươi tốt, không một ngọn cỏ dại, gốc được tưới đẫm nước. Hồ hởi, Tổng thống đã vịn tay vào một gốc cây lay thử. Ai dè, cây…bật gốc vì mới được cắm xuống, không có rễ! Cú lay nhẹ khiến cây đổ nhào, đất nhão bắn tung lên quần áo Tổng thống, lấm be bét. Nổi giận, Tổng thống Diệm không thèm nghe hướng dẫn nữa, xăm xăm đẩy cổng tiến thẳng vào một nhà dân và tự tay mở toang cửa. Căn hộ trong "khu gia cư kiểu mẫu" trống toang hoác, chỉ có mặt tiền là coi được, còn mặt hậu thì ngổn ngang, không có vách. Tổng thống nắm cột lay thử, nhà rung rinh muốn sập, vì thực ra chỉ mới được… gá tạm tối hôm trước. Giận run lên, ông Diệm quát: "Tỉnh trưởng đâu!". Mặt xanh như đít nhái, Lê Văn Bường run như cầy sấy, đi không vững vội lập cập xuất hiện.

Giật phắt chiếc mũ trắng đội trên đầu, Tổng thống lia thẳng vào mặt tỉnh trưởng. Sợ quá, Lê Văn Bường vội nhoài người bay theo để chụp lại chiếc nón và lao thẳng xuống đám đất nhão quanh một gốc cây. Bộ lễ phục trắng tinh trở thành mớ giẻ lau nhuộm đầy đất đỏ. Hóa ra, tiền xây dựng khu dinh điền, Bường và thuộc hạ các cấp tham ô gần hết. Nghe Tổng thống đến thăm, Bường vội vàng điều nhân công khắp nơi đổ xô về dựng vội dựng vàng "khu kiểu mẫu" cho Tổng thống tham quan. Lòng tham không đáy đẩy Bường vào đại vạ.

Thứ hai, Bường ăn của đút lót khét tiếng, tiếp tay cho tư nhân chặt trụi rừng ở hai quận Tánh Linh và Hoài Đức. Chức vụ quận trưởng hai quận "hốt bạc" này, Bường tự ý thay đổi luôn xoành xoạch để "làm giá", trong vòng 3 năm nhảy vọt từ 7 triệu lên 15 triệu đồng, chưa kể 5 triệu "lót tay" cho viên tướng Tư lệnh vùng III chiến thuật để mua một cái  gật đầu.

Thứ ba, là Tỉnh trưởng kiêm trung tá Tiểu khu trưởng (về quân sự) nhưng Bường nổi tiếng ăn chơi không lo gì đến phận sự, khiến 3 cứ điểm quân sự ở hai quận Tánh Linh, Hoài Đức lọt vào tay Việt Cộng.

Trọng tội thứ tư là mất cảnh giác, để cho Việt Cộng cài người vào bộ máy. Kỹ sư Nguyễn Nhẫn, Trưởng ty Giao thông công chánh Bình Tuy, người thiết kế tỉnh lộ 3 đi từ Quốc lộ 1 tại Căn cứ 6 Hàm Tân vòng qua hai quận Tánh Linh và Hoài Đức đổ ra ngã ba ông Đồn (thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai ngày nay) là một điệp viên Cộng sản. Sau giải phóng, ông Nguyễn Nhẫn là Bí thư Huyện ủy huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Thuận Hải! Con đường chiến lược do viên kỹ sư này thiết kế đã hóa thành "tử lộ" vì luôn ôm cua ngoặt khúc rất khó hiểu khi chạy qua khu vực do "Việt Cộng  kiểm soát", mục đích là để làm giảm tốc độ xe cơ giới. Liên tục ba đại đội Biệt động quân đã bị xóa sổ trên tỉnh lộ này trong vòng chưa đầy 1 năm giữa hai mùa khô 1960-1961.

Tỉnh trưởng Bình Tuy Lê Văn Bường thị sát khu dinh điền Tánh Linh.

Hồ sơ một đường, thực tế một phách. Ông Năm Thuận khẳng định: từ sủng thần trở thành tội nhân, nguyên nhân chính là vì Bường tham lam, dám cả gan giấu những tấm không ảnh làm của riêng không nộp chúng cho Ngô Đình Nhu. Rất có thể, lời giải thích này đáng tin cậy hơn cả. Bường xuất thân là đảng viên Đại Việt, lại vốn là túc hạ của Ngô Đình Cẩn chứ không hề là cật ruột tâm phúc của ông Nhu. Cũng chính vì điểm này, việc Ngô Đình Nhu muốn đưa Bường  ra tòa để trị cũng không phải là chuyện đơn giản, bởi chắc chắn Cẩn sẽ làm to chuyện. Thế là, đùng một cái, chẳng có phiên tòa nào cả, Lê Văn Bường đột nhiên "bốc hơi" khỏi buồng giam ở trại Lê Văn Duyệt, nơi thường xuyên được một tiểu đoàn cảnh sát dã chiến canh giữ cẩn mật!

Tại Hàm Tân, Bình Tuy, cùng thời điểm, cô vợ bé của Bường là Vũ Thị Thanh Xuân và ông chủ xưởng gỗ - cựu trung úy thông ngôn Năm Thuận cũng đột ngột biến mất. Sau ngày anh em  Diệm - Nhu bị lật đổ và giết chết (1/11/1963), phe  tướng lĩnh đảo chính đã tầm nã Lê Văn Bường rất gắt  gao. Cuộc truy lùng được tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy, kéo dài nhiều năm nhưng vẫn không phát hiện được dấu tích của viên cựu tỉnh trưởng.

Riêng về ông Năm Thuận, mãi đến năm 2001, ba năm sau khi báo ANTG có loạt bài viết về các kho báu Nhật Bản tại Bình Thuận và Bình Tuy, thân nhân của ông này đã tìm tới tận tòa soạn, mang theo khá nhiều hồ sơ tài liệu nhờ chúng tôi… tìm giúp tung tích. Năm 1961, ông Năm Thuận biến mất, toàn bộ cơ ngơi, tài sản, xưởng gỗ…ông vẫn để lại nguyên vẹn mà không hề tẩu tán hay ủy thác, gửi gắm cho ai. Người thân cho rằng ông Năm Thuận đã trở thành một nạn nhân oan khuất, nhiều khả năng là bị bí mật thủ tiêu để bịt manh mối dẫn đến những kho báu.

Bất ngờ, đầu năm 1971, vợ chồng Bường - Xuân lại xuất hiện công khai tại Bình Tuy. Bường cho biết, trong 10 năm qua, ông ta được một nhóm người Hoa họ Trương cưu mang, sống trốn tránh trong một căn nhà trên đường Võ Tánh, Gia Định. Căn cước mới của viên cựu tỉnh trưởng mang tên Tôn Thất Bình. Ông ta chủ động rủ rê ông Trần Phương Tiệp hùn hạp chọn đất lập trang trại để che mắt tìm kho báu ở Hàm Tân và Tánh Linh. Trang trại này nằm ở km 58 (tính từ thị xã Phan thiết, tỉnh Bình Thuận), dân địa phương quen gọi là căn cứ 6.

Ông Trần Phương Tiệp và cộng sự trên miệng hố khai quật tại núi Tàu, năm 2003.

Tháng 2/1973, sau ngày ký Hiệp định Paris độ một tuần, sau một chầu nhậu, Lê Văn Bường về đến nhà thì lên cơn đau bụng dữ dội. Cô vợ bé Vũ Thị Thanh Xuân vội gọi xe đưa chồng vào Bệnh viện Nguyễn Văn Học (nay là Bệnh viện Nhân dân Gia Định) cấp cứu và điện thoại báo cho ông Tiệp biết. Quá trễ, khi ông Tiệp chạy đến thì Bường đã chết không kịp trối, máu đen vẫn trào ra khóe miệng. Bệnh án kết luận: Bường chết vì bị trúng độc. Vũ Thị Thanh Xuân khẳng  định: thủ phạm chính là nhóm người Tàu đã bỏ tiền ra "nuôi" Lê Văn Bường suốt gần chục năm qua nhằm chiếm đoạt những tấm không ảnh và tài liệu kho báu. Nhưng không có bằng chứng, Vũ Thị Thanh Xuân không thể tố cáo với cảnh sát.

Quả nhiên, chỉ mấy hôm sau, vợ bé của viên cựu tỉnh trưởng vừa quá cố đã bị nhóm người Tàu đuổi khỏi căn nhà đang tá túc ở Gia Định, phải về lại Bình Tuy.

Lê Văn Bường chưa phải là nạn nhân cuối cùng. Năm 1986, sau khi nghe về nhiệt tâm theo đuổi kho báu Yamashita hàng nhiều thập kỷ của ông Trần Phương Tiệp, ông Huỳnh Xuân Há, cán bộ Phòng Công nghiệp Thuận Hải đã chủ động gặp ông Tiệp "góp thêm tư liệu". Ông Há có một người bạn là Lê Bửu, trước giải phóng là một nhà tư sản giàu thuộc hàng nhất nhì tỉnh Bình Thuận. Cha ông Lê Bửu là một trong những người tham gia đôn đốc việc chôn giấu kho báu vào một hang đá tự nhiên trên núi Tàu, sau đó lèn đá lấp lại, nghi trang thành sườn núi tự nhiên. Trước ngày giải phóng, cha ông Lê Bửu từng nhiều lần dẫn con trai lên núi Tàu chỉ vị trí kho báu và dặn đi dặn lại: "Sau này đất nước độc lập, thống nhất, con phải báo cho Cách mạng khai quật, đừng để kho báu lọt vào tay kẻ xấu".

Sau này, bị liệt vào dạng đối tượng cải tạo tư sản, ông Lê Bửu đâm thành kiến với chính quyền Cách mạng nên giải phóng đã hơn 10 năm nhưng ông vẫn ngậm tăm. Cuối cùng, không  chịu  nổi dằn vặt vì không thực hiện lời cha dặn, ông đã kể hết cho ông Há, bạn của mình đang làm cán bộ của chính quyền Cách mạng nghe và cũng đưa ông Há lên tận đỉnh núi xác định vị trí chi tiết. Sau đó, ông Bửu đã cùng với  một công ty của Nhật đấu thầu cánh đồng muối ngay dưới chân núi Tàu, không ngoài mục đích tạo cơ hội "canh giữ" động tĩnh kho báu. Nhưng, chỉ một tuần sau khi đấu thầu (năm 1986), một tai nạn giao thông bất ngờ đã đưa ông Lê Bửu và bí mật kho báu về chín suối!.

Rất bất ngờ, vị trí mà ông Lê Bửu chỉ cho ông Há trùng khớp với vị trí thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy đổ bê tông định vị năm 1971, cũng trùng với vị trí đánh dấu trong bản đồ mà ông Tiệp - bằng con đường riêng - đã có trong tay. Tin chắc bàn tay mình đã cách cánh cửa hầm kho báu  Yamashita chỉ một gang, ông Trần Phương Tiệp  đã quyết định sẽ đặt tên cho chiến dịch truy tìm sau này của mình là "Kế hoạch LB" - tức viết tắt của hai từ Lê Bửu!...

(Còn nữa)

N.H.L.
.
.