Cuộc sống ở mỏ

Thứ Bảy, 10/08/2019, 09:35
Cho đến ngày hôm nay, có lẽ thật khó có thể thống kê được đầy đủ các ngành nghề đang hiện hữu xung quanh chúng ta. Và có một sự thật rằng, mọi công việc lương thiện con người đang bám víu vào nó để sống, để cống hiến đều đáng được trân trọng như nhau.

Nhưng, còn vô số những nghề nghiệp khác cần phải sòng phẳng mà nói, họ quá nhiều thiệt thòi, thậm chí môi trường lao động độc hại lẫn nguy hiểm, dù những điều đó ít nhiều được đền đáp bằng mức lương nhỉnh hơn mặt bằng chung đi chăng nữa. Trong đó có nghề thợ mỏ, cái nghề mà người ta chua chát nói rằng “Ăn cơm dương gian, làm việc địa phủ”.

Gương mặt người thợ sau ca làm việc.

1. Những ngày đỉnh điểm nóng của mùa hè thật không hề dễ chịu tại khu vực khai thác than Vàng Danh, tỉnh Quảng Ninh. Sự sốt ruột muốn xuống lò ngay của tôi không được dễ dãi nuông chiều, nhóm công nhân phụ trách an toàn Công ty Vàng Danh dành nguyên cả buổi chiều cho phóng viên học các quy định, kỹ năng an toàn trên hội trường. Điều này tối quan trọng, mọi sơ sểnh đều có thể gây hại cho bản thân cũng như những công nhân dưới hầm lò.

Tôi được “ký gửi” cho anh công nhân mỏ Ninh Quốc Tần. Anh là thợ mỏ tiêu biểu nhiều năm của cả Tập đoàn Than khoáng sản bởi năng suất lao động cao ở mức đáng nể. Tất nhiên, để anh Tần có được những thành tích đó trong gần 20 năm qua chắc chắn phụ thuộc rất lớn vào cơ thể to lớn với chiều cao hơn 1 mét 80, nặng cũng hơn 90 cân. Sức khỏe là đòi hỏi quan trọng bậc nhất của nghề than đầy gian truân vất vả này. 

Trong bữa tối trước khi bắt tay vào ca 3, anh Tần luôn miệng giục tôi cố ăn thật nhiều cơm mới có sức thức đêm. Nghề mỏ quy định thợ tuyệt đối không được sử dụng bia rượu trước khi xuống lò, vì vậy dù là khách quý nhưng chúng tôi hàn huyên bên mâm cơm với trà đá là nước uống chủ đạo. Chủ nhà loáng cái đã ăn xong 6 bát cơm đầy chặt. Tôi không thể hình dung được sự vất vả của ca 3 ra sao, chỉ nghe thời gian làm việc đã thấy chếnh choáng chóng mặt, họ sẽ làm việc một mạch từ 21 giờ ngày hôm trước đến 9 giờ sáng ngày hôm sau.

“Đời người thợ mỏ chỉ mong làm việc ca 3 trong 10 năm rồi nghỉ hưu là vừa đẹp nhà báo ạ, vất vả quá mà cứ làm cho đủ tuổi sợ không đủ sức mà cầm sổ hưu, mỗi đận lọc phổi, cốc nước từ phổi ra đen như cốc cà phê đấy”, anh Tần nói trong tiếng cười. 10 năm ca 3 có nghĩa là 30 năm làm nghề, bởi các thợ mỏ sẽ chia nhau luân chuyển lần lượt làm ca 1, 2, 3 trong nhiều năm.

2. Tôi biết đến nghề thợ mỏ qua những tấm pano tuyên truyền những năm 1980, bao giờ anh thợ mỏ cũng có một góc hứng ánh sáng vừng đông hình khối màu hồng lên gương mặt trong hàng ngũ những đại diện trong đó. Tôi đã vẽ đi vẽ lại rất nhiều lần hình ảnh này trong những bài tập họa ngày còn ngồi ghế tiểu học. Và hơn 30 năm sau, đây là lần đầu tiên tôi được sống, làm việc cùng họ dưới hầm lò có độ sâu âm cả trăm mét trong 5 ngày để hiểu hơn về công việc đầy mồ hôi, vất vả này. Có nhiều sự lo lắng, hồi hộp đến khó tả và hình như cả một thoáng sợ hãi.

Trong ánh sáng vàng hắt ra từ đèn cao áp thắp sáng cả khu mỏ, từng nhóm thợ túa ra từ từng chiếc xe bus đón họ từ khu nhà lưu trú chung nằm rải rác trong thị trấn đến nơi làm việc. Những gương mặt lặng lẽ, có thể bởi họ quá quen với công việc cũng như những đồng nghiệp để có thể xởi lởi chào hỏi nhau những lời chào khách sáo.

Hàng trăm người thợ tất bật, đan xen lẫn với nhóm thợ mỏ tan ca trước đen trũi bụi than và ướt đẫm mồ hôi đi ngược lại trong hành lang khu vực thay quần áo, nhận đồ bảo hộ là đèn đeo đầu, bình tự cứu. Mỗi người thợ tan ca sẽ trả lại quần áo bảo hộ đã được định danh bằng đánh số, chúng sẽ được giặt là sạch sẽ, hấp sấy ở nhiệt độ cao và quay về với người thợ mỏ vào ca làm việc tiếp theo.

Bình tự cứu vỏ kim loại, lạnh ngắt, dây đeo chéo vai, nặng xấp xỉ 1 kg, là vật bất ly thân khi tác nghiệp dưới hầm. Thao tác để “khởi động” nó mất khoảng 15 giây khi gặp sự cố về không khí. Bình tự cứu có thể lọc được một số khí độc khó lường để người thợ có khoảng thời gian ngắn tìm được lối thoát hoặc nơi an toàn.

Bảng hướng dẫn trong hầm lò.

Cho đến hôm nay, những công nghệ, máy móc tối ưu bổ trợ cho việc khai thác than đã hiện đại hơn rất nhiều thế nhưng điều đó không có nghĩa sẽ mang lại an toàn tuyệt đối cho con người. Hàng trăm sự bất trắc có thể xảy ra trong lòng đất, mọi sự cẩn trọng dù là nhỏ nhất cũng không bao giờ là thừa.

Trước khi xuống hầm, tôi ngồi lọt thỏm giữa phòng giao ban với vài chục người thợ ca 3. Nhóm thợ vẫn còn chưa kịp tắm rửa của ca trước bàn giao lại sổ sách, công việc cho ca sau. Trước khi “xuất kích”, cả phòng đứng dậy nghiêm trang hô to đầy hào khí “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn... An toàn, an toàn, an toàn”.

Cho đến khi thực sự bước từng bước dò dẫm dưới công trường khai thác than sâu dưới đất, tôi mới hiểu tại sao tiêu chí an toàn lại quan trọng đến vậy. Bởi mọi sơ sểnh của một cá nhân đều có thể dẫn đến thảm họa.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi được đi xe “song loan”, một loại xe goòng chạy trên ray sắt có thể chạy hai chiều lên và xuống, được thiết kế để chở người xuống làm việc trong hầm lò. Chật hẹp, cứng ngắc và ầm ĩ lẫn với vô số âm thanh khô khốc của công cụ lao động, búa, mũi khoan, thước đo, đơn vị đo độ nặng đều trên chục cân mà các anh thợ xách như không. Tiếng còi cất lên ngắn gọn, tiếng kim loại va vào nhau khô khốc, đoàn xe chui tọt vào bóng tối của hầm. Mỗi khi đi qua chỗ có bóng đèn, lấp loáng những ánh mắt, gương mặt bình thản, hình như chỉ có mỗi tôi lo lắng.

Bàn giao công việc tại buổi giao ca.

3. Trong bóng tối, hàng trăm ánh đèn trên đầu trong hầm như những vì sao đêm. Những người thợ tất bật tỏa ra những ngóc ngách trong hầm. Nhiệm vụ nhóm thợ mỏ tôi đi cùng hôm nay là tiếp tục đào sâu đường hầm chính, tất cả đều là đá cứng. Đường hầm sẽ đi sâu thêm vào lòng đất để dẫn tới các vỉa than hai bên. Đi bộ từ bến “song loan” tới chỗ thi công dài hơn 1km, trắc trở, nhầy nhụa than lẫn với nước ngập sâu qua đôi ủng cao su dưới chân.

Càng vào sâu, không khí như đặc quánh dù có ống dẫn khí làm bằng vải bạt kêu phần phật trên đầu. Thứ không khí mùi hăng khét, khó thở. Công trường dưới ánh sáng leo lét hắt ra từ bóng đèn đặc chủng và những tia sáng thành vệt từ đèn đeo đầu, ngổn ngang đá hộc, chặn sững trước mặt là “gương đá” như bức tường, óng ánh lạnh ngắt. Cong theo mái vòm hầm đã được chống bằng “vì lò” là những thanh kim loại to như đường ray tàu hỏa uốn cong theo mái lò mà ca trước vừa làm xong.

Nhóm anh em bắt tay vào việc dọn đống đá khổng lồ bằng xe xúc chạy điện. Từng gàu xúc đá nặng hàng trăm kg đổ vào xe goòng phía sau. Tiếng ồn đinh tai nhức óc lại như được nhân gấp bội trong đường hầm này. Chỉ trong gần 2 giờ đồng hồ, tất thảy bắt đầu lấm lem bụi đá, mồ hôi đổ như tắm bởi sự nóng bức. Anh Ninh Quốc Tần rủ tôi đi lấy đất để chốc nặn “bu mìn”.

Bu mìn là đất thịt trộn lẫn đá vụn sẽ được nặn như nắm xôi, nhồi vào những lỗ khoan đã có mìn bên trong để tăng sức công phá. Bãi tập kết đất cách đó hơn 200 mét, mỗi bao đất nặng chẵn 20 kg. Tôi giúp một tay bằng việc bê một bao. Thức đêm bào mòn sức khỏe con người thật kinh khủng, bao đất như muốn đè sụp cơ thể tôi dù lúc đó kim đồng hồ mới chỉ 1 giờ sáng. Tôi nhìn anh Tần lững thững đi phía trước, vắt hai bao đất lên vai nhẹ như người ta vắt chiếc áo.

Tai nạn lao động luôn rình rập dưới hầm lò.

Thợ mìn đã bắt đầu khoan đá để nhồi thuốc nổ. Bụi đá lẫn vòi phun nước chống bụi tung tóe dưới ánh đèn trắng xóa, âm thanh chói tai gấp nhiều lần chiếc máy xúc trước đó. Họ phải khoan tới vài chục lỗ sâu hơn 1 mét vào gương đá. Mỗi ca đêm như thế này, với kíp thợ gần 10 người sẽ mở sâu thêm đường hầm khoảng 140cm và họ đã đào được tới hơn 700km đường hầm chính trong thời gian qua.

5 giờ sáng, thợ mìn đã nhồi xong vài chục cân thuốc nổ, kíp nổ vào các lỗ mìn. Chúng tôi phải di chuyển cách công trường vài trăm mét để đảm bảo an toàn, sau tiếng còi, tiếng nổ trầm cất lên ở cuối đường hầm. Luồng không khí bởi sức ép thổi hắt ra ngoài như ấn đầu tôi chúi xuống đất. Khói, bụi đá mù mịt hơn cả sương mù ngày đông trên miền núi. Tiếng mìn tiếp rục rì rầm để mở rộng đường hầm.

Tôi lần ngược ra phía ngoài khi ca làm chuẩn bị xong, một phần không thể chịu nổi mật độ khói bụi đến vậy. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được vị ngọt của không khí tràn vào phổi khi đi đến đường hầm phía ngoài bởi nó được dẫn “khí tươi” từ mặt đất xuống. Bỏ khẩu trang, hít thật căng phổi thứ không khí mà ai cũng cho rằng nó hiện diện khắp nơi trên trái đất, miễn phí, trong lành.

Nhóm thợ mỏ đi cùng ca 3 ra đón tôi trở về bến “song loan”, quay lên mặt đất. Bến đợi đầy chặt người, họ đều đen đúa vì than giống hệt nhau, chỉ để lộ ánh mắt và hàm răng trắng. Chúng tôi ngồi nằm la liệt đợi xe dưới hầm, tôi đã kịp thấu hiểu thế nào khi cơ thể bị vắt kiệt sức trong đêm dù chỉ đóng vai khán giả. Những người thợ mỏ lao động liên tục, không bỏ phí từng phút để khai thác “vàng đen” xây dựng đất nước thật đáng để trân trọng, nể phục. Ở những khu vực vỉa than, hay thuật ngữ gọi là “lò chợ” vất vả gấp bội phần bởi sự chật hẹp, nóng nực, thiếu không khí hơn nhiều khu vực mở hầm lò mà tôi vừa được trải nghiệm.

Đoàn xe “song loan” túc tắc bò lên mặt đất. Ánh mặt trời chiếu lên những con người từ dưới lòng đất trở về, lấp lánh ánh than đen bóng trên từng gương mặt. Trước đây tôi đã từng đọc trên báo tâm sự của một người thợ mỏ rằng: “Mỗi người sinh ra đều có một vị trí, khi đặt đúng vị trí họ sẽ tỏa sáng”. Sự đóng góp cho xã hội của những người thợ mỏ thật đáng nể, bởi trong đó lẩn khuất cả những hi sinh thật khó để so sánh.

Minh Trí
.
.