Cuốn sổ hộ khẩu lập kỷ lục buồn

Thứ Năm, 15/06/2017, 22:21
Vợ chồng ông Kích và bà Yến được mệnh danh là siêu đẻ, bởi người vợ đã 19 lần mang thai và hiện nay có tất cả 13 đứa con. Cán bộ xã phải dùng hai cuốn sổ hộ khẩu mới ghi hết tên các thành viên trong gia đình này. Đây là một kỷ lục buồn của tỉnh Quảng Ngãi.

Hai vợ chồng ông Hồ Văn Kích (66 tuổi) và bà Hồ Thị Yến (56 tuổi, người dân tộc Cor, ở thôn Cát, xã Trà Thanh, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) gặp nhau ở rừng rồi nên duyên chồng vợ. Từ đó, họ sống nơi rừng sâu núi thẳm, cách xa với cuộc sống thôn làng.

Đôi vợ chồng này được mệnh danh là siêu đẻ, bởi người vợ đã 19 lần mang thai và hiện nay có tất cả 13 đứa con. Cán bộ xã phải dùng hai cuốn sổ hộ khẩu mới ghi hết tên các thành viên trong gia đình này. Đây là một kỷ lục buồn của tỉnh Quảng Ngãi.

Sống biệt lập gần 30 năm

Bà Yến năm nay mới hơn 50 nhưng nhìn tiều tụy và già hơn rất nhiều so với tuổi thực của. Lúc chúng tôi đến, bà đang bón cơm cho con gái út mới 3 tuổi. Ngồi trò chuyện, người đàn bà này bảo, hồi ấy nhà nghèo lắm, nghèo đến nỗi hạt lúa cũng không có mà ăn. Nhà chỉ có cha mẹ già và người em, nhưng rồi cái bệnh ở đâu đổ xuống khiến mọi người trong nhà cứ lần lượt bỏ đi, đến ngay cả bà cũng sợ.

Với 19 lần mang thai, bà Yến hiện còn 13 đứa con.

Nỗi sợ hãi cứ đeo đẳng mãi từng ngày từng tháng. Rồi người làng đặt câu hỏi nhiều mà bà Yến chẳng thể trả lời được. Thấy sống ở làng khó quá, thế là một chiều bà bỏ nhà đi. Đi mải miết về phía núi. Đi đến khi không còn thấy người thì dừng lại nằm bên ven suối mà ngủ. 

Ngày qua ngày, bà hái lá, đào củ, uống nước suối sống qua ngày. Rồi một chiều, có một người đàn ông cũng đến con suối này đào củ sống qua ngày. Vậy là họ gặp nhau, nên duyên vợ chồng và sống tại nơi đây cho đến bây giờ. Thời điểm ấy là năm 1988, cách đây gần 30 năm.

Căn nhà tồi tàn của vợ chồng bà Yến lọt thỏm giữa những cây rừng nhưng yên bình và đầy chim hót. Bà Yến bảo đây là chốn thiên đường của mình. Cứ thế cuộc sống của đại gia đình này dựa chủ yếu vào rừng. Cứ một tháng vài lần, bà Yến đi bộ vượt quãng đường gần 10km đem theo những sản vật của rừng về trung tâm xã bán lấy tiền mua gạo, nhu yếu phẩm cho cả nhà.

"Nhiều người bảo vợ chồng tôi dọn về gần làng sống nhưng chúng tôi đã bỏ đi khỏi làng khá lâu. Điều quan trọng nhất vẫn là ám ảnh chuyện chết chóc ngày xưa của gia đình vợ tôi. Nhiều lần ngẫm nghĩ mãi, rồi chúng tôi quyết định ở lại đây, không về làng nữa", ông Kích bộc bạch.

Sống ở mom rừng già này, xung quanh chẳng có bà con họ hàng thân thích, vợ chồng ông Kích chủ yếu tận dụng đất rừng để trồng cây, tận dụng khoảnh rộng ven con suối để trồng lúa. Nhưng số lúa này so với số miệng ăn đếm không hết trên hai bàn tay thì cũng chẳng thấm vào đâu. Hết mùa, ông lại ra làng đi làm thuê. Mỗi ngày đi làm, ông được người ta trả công là 120 nghìn đồng. Còn bà thì chỉ làm quanh quẩn ở nhà chứ không dám đi làm thuê ở xa vì còn cần thời gian để chăm đàn con lóc nhóc ở nhà.

Trốn cán bộ vì chuyện kế hoạch

Gần 30 năm nên vợ nên chồng, vợ chồng ông Kích đang nuôi tất cả 13 đứa con. Đấy là con số còn sống được sau 19 lần sinh nở của bà. Có đứa không qua khỏi từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, có đứa được vài tháng thì đổ bệnh mà mất. Nay còn lại 13 đứa, ấy cũng là một sự cố gắng đáng kể của đôi vợ chồng không biết một cái chữ này.

Khi nghe chúng tôi hỏi sao nghèo mà đẻ nhiều thế, bà Yến thật thà bảo: "Trời sinh voi trời sinh cỏ. Cán bộ đến mấy lần bảo đi đình sản gì đó, không đẻ nữa để tập trung nuôi con. Nhưng đã lỡ đẻ rồi, nên đánh liều đẻ thêm. Mà tôi có muốn thế đâu, nhưng chẳng hiểu sao năm nào cũng tòi ra một đứa". Nói xong câu ấy, bà Yến bụm miệng cười, như muốn giấu đi cái điều tế nhị của vợ chồng mình.

Khi phát hiện ra trường hợp vợ chồng ông Kích âm thầm sinh nhiều con, chính quyền địa phương nhiều lần đến khuyên ngăn nhưng rồi cũng hết cách. Mỗi lần địa phương tổ chức đến vận động chuyện kế hoạch thì vợ chồng ông liền trốn cửa sau. Cũng vì quá nhiều lần đến tận nơi, vận động tại chỗ cặp vợ chồng đẻ nhiều này mà đến giờ cán bộ thôn, xã còn nắm rõ cả tên tuổi của từng đứa con ông bà hơn cả cha mẹ chúng.

Ngôi nhà nằm biệt lập trong rừng của gia đình ông Kích.

Bà Yến bảo, hồi mới sinh được 10 đứa, cán bộ xã biết chuyện đã lặn lội tìm đến tận nơi để vận động. Vợ chồng bà đã gật gù, nhất quyết phải kế hoạch rồi. Cán bộ ưng bụng, đưa cho hẳn một hộp mấy chục cái "áo mưa", dặn dò cách dùng đủ kiểu. Thế nhưng dùng được vài lần, thấy vướng víu và mất công quá nên ông Kích lại bỏ, thế là lại có thêm đứa con.

Đợt sau, có chị cán bộ dân số đến khuyên mua thuốc mà uống. Nhưng từ nhà ra trung tâm xã phải vượt gần 10km đường rừng, nhà lại không có tiền nên không mua được. Chị cán bộ lại mấy lần mấy lượt mua thuốc mang vào cho bà Yến. Nhưng được vài tháng lại thấy cái bụng bà lùm lùm. Chị cán bộ giận, hỏi sao không uống thuốc. Cả vợ lẫn chồng lại gãi đầu gãi tai bảo rằng quên. Cứ thế vợ chồng ông bà cho ra thêm mấy đứa nữa.

Không nhớ hết tên con

Với nhiều người, phụ nữ bình thường ở tuổi 35 trở đi việc sinh nở đã trở nên rất khó khăn. Vậy mà với bà Yến thì tất cả vẫn bình thường. Bà vẫn mang bầu, đẻ xong dăm ba ngày lại lên rẫy làm việc. Món ăn bồi dưỡng chỉ có cháo loãng và nước suối đun sôi, nhưng bà vẫn khỏe như vâm. "Cực nhất là mỗi lần sinh nở, có mỗi mình tôi với chồng nên lo cuống cuồng đủ thứ chuyện vì không đi trạm y tế được. Đứa đầu sinh ra còn lóng ngóng, nhưng từ đứa thứ 2 trở đi thì đã có kinh nghiệm rồi nên chẳng sợ gì nữa", bà Yến thổ lộ.

Mười mấy đứa con, tất cả đều được chính cha của mình đỡ đẻ, rồi sống quanh quẩn giữa lõi rừng sâu từ thuở lọt lòng mẹ. Vì sợ bị chính quyền hỏi han chuyện sinh đẻ, vợ chồng bà Yến đều sinh con tại nhà. Dụng cụ đỡ đẻ chỉ là một cái kéo, một ít bông băng, thuốc kháng sinh. Ông Kích vào vai bà mụ, dùng kéo cắt dây rốn, bôi thuốc kháng sinh rồi dùng dây chỉ rịt lại. Năm 2014, ông Kích vẫn là bà đỡ cho đứa con út tại nhà.

Cán bộ xã phải dùng hai sổ hộ khẩu mới chứa đủ các nhân khẩu trong gia đình.

Từ khi sinh ra đến lúc lớn lên, lũ trẻ không quen hơi người, cứ thấy người lạ là chúng chạy vô nhà núp hết chứ không dám gặp người lạ. Thấy chúng tôi, đám trẻ cứ ở sau lưng mẹ cười bẽn lẽn. Không có cộng đồng, không được học hành, ngôn ngữ của những đứa trẻ này chỉ xoay quanh những câu giao tiếp cơ bản. Hỏi chuyện lũ trẻ, phát âm của các em chỉ bật ra từng tiếng "ậm ừ", "có", "không"… đơn giản, chứ ít khi nói được một câu tròn trịa.

Trong số 13 đứa con của vợ chồng ông Kích thì mới chỉ có 4 đứa được đi học. Nhưng vì nhà nghèo lại đông con nên lũ trẻ vừa học hết lớp 5 đã nghỉ hẳn, theo cha mẹ đi làm nương rẫy, rồi ra làng kiếm tiền mưu sinh. Đứa con gái lớn nay đã 28 tuổi, đứa con trai kế 24 tuổi đã rời rừng đi làm thuê kiếm tiền ở đâu không rõ. Bình thường ở trong làng, cái tuổi ngoài 20 đã dựng vợ gả chồng được rồi, nhưng hai đứa con của ông Kích có quen được ai mà lấy vợ lấy chồng.

Và, cũng vì nhiều con quá nên việc nhớ mặt đám con mình cũng là điều khá khó khăn đối với vợ chồng ông Kích. Bà Yến cười hồn nhiên kể lại những chuyện oái oăm khi gọi tên con. Nhiều lúc bà định gọi đứa này lại thành ra tên đứa khác. Hỏi tên mấy đứa con đang ăn cơm và cãi nhau chí chóe ở góc nhà, bà Yến ngắc ngứ một lúc mà vẫn chưa định hình tên từng đứa, rồi bà cười xuề xòa: "Thôi biết nó là con mình thì được rồi. Lo làm ăn nuôi chúng chứ còn thời gian đâu mà nhớ tên cho xuể".

Có lần cán bộ xã đến chứng thực số con của vợ chồng ông bà để cấp nhu yếu phẩm. Họ yêu cầu phải có mặt đầy đủ cả gia đình. Ngoài 2 đứa đi làm ở các nơi không về kịp, còn lại đều ở quanh quẩn trong nương rẫy của gia đình, thế nhưng ông bà phải mất cả buổi sáng mới tập hợp đủ đội quân lóc nhóc này. Chúng xếp hàng ngang trước sân, rồi hai vợ chồng đọc tên từng đứa. Thế mà vẫn quên. Thế nên mất cả một ngày, cán bộ xã mới làm xong được danh sách gọi là tàm tạm chuẩn để cấp gạo, quần áo, bánh kẹo cho gia đình này.

Cuốn sổ hộ khẩu đặc biệt

Nhưng đó mới chỉ là một lần địa phương đến nhà chứng thực để cấp nhu yếu phẩm. Việc làm giấy khai sinh và sổ hộ khẩu mới lắm chuyện bi hài. Với hơn chục đứa con, vì trốn cán bộ mỗi lần đi tìm, nên khi sinh con ra vợ chồng ông Kích cũng trốn luôn việc khai sinh. Chỉ 2 đứa đầu là được khai sinh đàng hoàng, còn những đứa sau thì ông bà quên luôn việc ấy. Một phần vì ngại, một phần cũng sợ bị phạt nên họ cứ để thế.

Biết gia đình ông bà khó khăn, lại không làm giấy tờ cho lũ trẻ nên cán bộ tư pháp xã phải vận động đưa con lên ủy ban xã làm giấy khai sinh. Và, vì không nhớ rõ ngày tháng năm sinh nên họ cứ khai đại đứa này sinh ngày ấy, tháng ấy, năm ấy. Hết đứa này rồi đến đứa khác. Cán bộ xã ghi vào theo lời khai, thế nhưng sau đó lại tá hỏa vì sai nhiều quá. Đứa này khai sinh tháng 10 năm trước, đứa tiếp lại khai sinh tháng 6 năm sau, chỉ cách nhau chưa đầy 9 tháng. Thế là với hơn chục đứa con, đôi vợ chồng này cũng phải khai đi khai lại mười mấy lần mới tạm gọi là hoàn chỉnh.

Khai sinh rồi thì cần phải có sổ sách, mà cái cuốn sổ hộ khẩu chỉ có mấy trang, chẳng thể ghi đủ hết từng ấy tên các con. Cán bộ xã phải làm hai cuốn sổ mới đủ chỗ ghi tên từng người trong gia đình. Tất nhiên vẫn chừa một số trang còn lại để sau này con ghi thêm tên cháu của vợ chồng ông Kích nữa. Thế nên cuốn sổ hộ khẩu của gia đình cũng là cuốn sổ hộ khẩu đặc biệt ở xã Trà Thanh.

Ở nơi rừng thẳm núi cao biệt lập này, cái thế giới mở duy nhất với lũ trẻ có chăng chỉ là những lần không may đau ốm được cha mẹ cõng về làng chữa trị. Bà Yến bảo, có không ít lần con đổ bệnh, cả hai vợ chồng phải thay phiên nhau cõng con vượt rừng ngay trong đêm về trạm y tế xã để kịp cứu chữa. Có đêm cõng con đi về làng chữa bệnh, ông Kích trượt chân ngã lăn lóc mấy vòng. Thế rồi đến khi lần mò về được trạm y tế thì người cha được cấp cứu trước, đứa con cấp cứu sau vì ông Kích mất quá nhiều máu.

Nói về cặp vợ chồng siêu đẻ này, ông Hồ Xuân Bạn - Phó chủ tịch UBND xã Trà Thanh lắc đầu ngán ngẩm: "Không phải cán bộ không quan tâm mà bởi vợ chồng ông Kích thích đẻ thế. Cán bộ y tế thôn bản đã đi mòn đường, nói suốt mà rồi họ vẫn như nước đổ lá khoai. Chúng tôi phải cấp hai cuốn sổ hộ khẩu mới có thể chứa đủ các nhân khẩu trong gia đình. Đây có lẽ là kỷ lục không muốn của xã, của huyện và của tỉnh Quảng Ngãi".

Phan Nhuận Phin
.
.