Đặc nhiệm phố núi

Thứ Tư, 11/06/2008, 11:30
Đội Cảnh sát Đặc nhiệm thuộc PC22 Công an tỉnh Gia Lai, dù mới qua 2 năm chiến đấu và trưởng thành, luôn chứng tỏ được vai trò chủ công trong các đợt ra quân truy quét tội phạm nguy hiểm trên địa bàn. Chiến công của Đặc nhiệm phố Núi đã góp phần vào thành tích chung của đơn vị, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước phong tặng tháng 11/2007.

Bữa tiệc lúc nửa đêm

Hơn 20h. Quãng đường băng rừng từ Sur B sang Sur A trên địa bàn xã Ia Ko của huyện Chư Sê lởm chởm gỗ, đá rơi vãi. Tháng 7, Gia Lai vào mùa mưa, đất trời đã xầm xịt lại càng thêm âm u bởi những lô cao su tăm tắp tiếp nối nhau bít kín mọi nguồn sáng xuống khoảng không gian và thảm thực bì bên dưới.

Con đường liên xã lọt thỏm giữa 2 bờ taluy cao tới gần 3 mét như một vết sẹo đen thẫm giữa khu rừng đang tắm mình trong màn sương giăng buổi đầu hôm.

Xa xa, một đám người vừa đi vừa nói chuyện bằng tiếng J'rai, ánh đèn pin quét loang loáng sang hai vệ đường. Họ không hề biết rằng lẫn trong đống đá và cành cây ướt đẫm mưa sương ấy, có 4 con mắt đang chăm chú quan sát mọi diễn biến.

Hôm ấy, Đội Cảnh sát đặc nhiệm của Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) thuộc PC22, Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với các đơn vị đang thực thi nhiệm vụ quan trọng: Bắt sống bằng được Siu Nhăm, đối tượng đặc biệt nguy hiểm về chịu tội trước pháp luật, trước buôn làng!

Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn CSCĐ, phụ trách Đội Cảnh sát đặc nhiệm thuộc PC22 Công an tỉnh Gia Lai, Đại úy Ngô Thanh Sơn chờ cho đám người ồn ã đi qua rồi khẽ ra hiệu cho Ksor Chíu, trinh sát của Phòng Bảo vệ chính trị VI biết nơi thắt lưng sườn phải của anh đang giắt chiếc còng số 8. Như thế để trong trường hợp nếu Sơn bận “chăm sóc” Siu Nhăm, Chíu có thể chủ động áp sát và chi viện cho anh một cách chính xác.

Quá 15 phút. Phía dưới xuất hiện ánh đèn pha và tiếng ì ì của động cơ xe gắn máy. Đường dốc, lại chở hai người nên chiếc xe bò với tốc độ khá chậm. Xác định chính xác kẻ ngồi sau là Siu Nhăm, cả hai trinh sát lập tức vào trạng thái sẵn sàng cao độ.

Khi thân chiếc xe vừa ngang vai, Đại úy Sơn bèn tung người áp sát sườn xe và bằng một động tác võ thuật cực kỳ chính xác, quật văng Siu Nhăm xuống đất. Tên tội phạm chỉ kịp kêu lên một tiếng “hự” thì đã thấy mình nằm úp mặt xuống đường với xung quanh là một rừng “hoa cà hoa cải”...

Có thể nói khi chọn điểm ém quân, ngoài việc lợi dụng đoạn đường dốc làm giảm tốc độ xe, các trinh sát dày dạn kinh nghiệm của đơn vị phối hợp là Phòng Bảo vệ chính trị VI đã lựa chọn điểm xuất phát rất thuận tiện, ngay chỗ hõm trên bờ taluy, cao cách mặt đường gần 1m. Chỗ này vừa khuất bóng, vừa tạo thế từ trên cao đánh xuống.

Bởi thế, mặc dù từ điểm bật xuất kích đến giữa đường, nơi chiếc xe gắn máy đi qua khoảng cách tới gần 3m nhưng chỉ cần một động tác nhẹ nhàng như khúc vặn mình của con báo gấm, Đại úy Sơn đã tiếp cận được mục tiêu.

Động tác của người Đội trưởng đặc nhiệm chính xác tới mức tên ngồi sau bị túm cổ lôi khỏi yên mà chiếc xe vẫn loạng choạng dấn thêm tới vài mét nữa thì người cầm lái mới kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Con dao đi rừng bằng thép tốt dài hơn 30 phân, được tuốt vỏ sẵn sàng quắc gác ngang yên xe cũng theo đà văng ra cách đó chừng vài mét... Sau giây phút choáng váng bất ngờ, vốn là một kẻ to khỏe, lại quen sống bản năng như con thú hoang dại trong rừng sâu, Siu Nhăm bắt đầu giãy giụa, quờ tay lần tìm hung khí, hòng chống trả.

Không để cho con ác thú kịp vùng vẫy, Đại úy Ngô Thanh Sơn dùng hai cánh tay và đầu gối cứng như lim gí chặt Siu Nhăm xuống mặt đường đất. Cùng lúc đó, Ksor Chíu cũng áp sát, nhanh chóng còng tay kẻ thủ ác bằng một động tác thuần thục không kém.

Nghe thì có vẻ lâu, nhưng thực tế lúc ấy mọi việc diễn ra chỉ trong tích tắc. Khi người cầm lái chiếc xe gắn máy kịp hiểu ra chuyện gì thì cũng là lúc đồng đội của Sơn và Chíu mai phục trong các cánh rừng hai bên vệ đường tiếp ứng tới nơi... 7 năm lẩn trốn với gần 20 lần lọt lưới truy bắt của Công an, rút cục kẻ thủ ác với dân làng đã phải chịu tội trước pháp luật.

Sau khi hoàn tất mọi thủ tục bắt giữ và dọn dẹp hiện trường, tổ công tác về đến trụ sở Công an huyện Chư Sê là đúng 23h. Trời mưa lớn nhưng lòng người ai nấy đều rạo rực. Hôm ấy là đêm 19/7. Ngày hôm sau, 20/7, là ngày kỷ niệm thành lập Lực lượng Cảnh sát Công an nhân dân Việt Nam.

Một bữa tiệc nho nhỏ với giò lụa, thịt hộp và rượu trắng đã được dọn ra để chúc mừng chiến công tuyệt đẹp của các đơn vị tham gia đánh án ngày hôm ấy... Nhưng có lẽ vui hơn cả là toàn thể cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của Đội Đặc nhiệm phố Núi. Họ đã có một buổi kỷ niệm tròn 1 năm tuổi riêng trong chiến công chung thật xuất sắc.--PageBreak--

Khổ luyện thì mới thành tài

Tháng 8/2006, Ban giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã quyết định thành lập Đội Cảnh sát đặc nhiệm thuộc Phòng CSCĐ, Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp (PC22). Yêu cầu đặt ra là phải có một lực lượng tinh nhuệ, về chiến thuật, võ thuật; sử dụng thành thạo các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ; tấn công, đánh bắt tội phạm trong bất kỳ điều kiện nào để sẵn sàng đáp ứng những nhiệm vụ đặc biệt khó khăn trước tình hình mới.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, Thượng tá Trần Quang Huy, Trưởng phòng PC22 Công an tỉnh Gia Lai không khỏi bồi hồi. Ban đầu, Đội Đặc nhiệm gồm 20 CBCS. Đại úy Ngô Thanh Sơn, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn CSCĐ kiêm luôn Đội trưởng. Tiêu chuẩn lựa binh thật tinh, không cần nhiều nên hầu hết anh em CBCS đều được tuyển chọn kỹ càng từ PC22 và một số phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh.

Có nòng cốt rồi, khâu huấn luyện cũng thật quan trọng. Bởi lính đặc nhiệm thì trước hết phải thật khỏe. Các bài tập thể lực cũng như chạy vũ trang đã trở thành “cơm bữa”. Khỏe thì mới đủ sức chống chọi với sự khắc nghiệt của rừng già và trong các cuộc truy quét bọn tội phạm: Khỏe thì mới giành được thế chủ động trước những đối tượng ranh ma, xảo quyệt mà cũng không kém phần hung tợn. 

Lên đường đi truy bắt tội phạm..

Có những đợt anh em phải mật phục cả tháng trời trong rừng để đón lõng các đối tượng. Lúc đi ai nấy đều chuẩn bị cá khô, muối, lạc, đồ hộp và gạo. Nhưng mật phục đâu có đơn giản. Đã mật phục trong rừng thì phải lần theo dấu vết, cứ thế mà đi, tìm theo miết cho đến khi nào bắt được hoặc mất dấu mới thôi. Còn đường mình đi qua thì lại phải xóa dấu vết. Thế nên người ở bên ngoài có muốn vào tiếp tế cũng đành... chịu chết, chẳng biết ở đâu mà tìm.

Vậy là cứ khoảng một tuần anh em lại phải thay phiên nhau cắt cử người ngược trở ra ngoài mang đồ tiếp tế vào. Một balô chật căng gùi được chừng 25kg gạo. Các loại thực phẩm khác như muối, mắm đều phải xách tay hoặc cho vào túi đeo trước ngực. Cộng tất cả lại cũng ngót nghét 40kg trên người chưa kể vũ khí. Rồi lính đặc nhiệm lại về rừng tiếp tục nhiệm vụ...

Tôi đem câu chuyện này về nói với một anh bạn làm ở Phòng Công tác chính trị Công an Gia Lai, anh bạn “úi giời” một tiếng rồi lắc đầu nguây nguẩy mà rằng “đã xin bái phục mấy “bố” đặc nhiệm ấy từ lâu rồi”. Là bởi mấy lần anh cũng phải đi công tác, xách máy theo “đám ấy”. Cái máy quay chỉ cỡ một nửa trọng lượng nói trên mà anh bạn tôi đã có lúc tưởng không thở được rồi, vậy mà mang ngần ấy cân nặng trên người, lính đặc nhiệm cứ đi phăm phăm.

Nhưng Đại úy Sơn còn bảo, có lần lính CSCĐ tỉnh, vốn là nòng cốt của đặc nhiệm bây giờ, đi truy bắt tội phạm ở Chư Prông hồi năm 2005, có chiến sĩ đeo tới gần 70kg trên người cả lương thực lẫn đạn dược mà cuốc bộ đường rừng hẳn hoi. Kinh thật!

Sức khỏe đã đành, nhưng làm lính đặc nhiệm thì còn phải giỏi võ thuật, nhuyễn chiến thuật, sử dụng thành thạo các loại vũ khí và công cụ hỗ trợ thông dụng cũng như đặc chủng nữa. Mới đầu giờ chiều đến trụ sở của Đội nằm trong khuôn viên Tiểu đoàn CSCĐ bên góc phố núi Pleiku, chúng tôi đã nghe tiếng anh em tập võ thuật huỳnh huỵch.

Đội trưởng Sơn bảo anh em nào đi tham gia truy quét thì đã đi cả rồi, những người chưa nhận nhiệm vụ thì lại tiếp tục tập luyện, sẵn sàng cho các nhiệm vụ tiếp theo. Đó là mệnh lệnh.

Nói như thế nhưng đâu phải lính đặc nhiệm lúc nào cũng đồng nghĩa với thành công. Có những bài học các anh đã phải trả bằng mồ hôi và công sức. Trong ký ức của người Đội trưởng dũng mãnh Ngô Thanh Sơn, vụ bắt hụt tên tội phạm Siu Thu trên địa bàn Sur B của xã Ia Ko luôn hiện về như cái giá của sự trưởng thành.

Dạo ấy, cũng vào mùa mưa, khi đơn vị mới thành lập, nhận được tin báo Siu Thu đang có mặt tại địa bàn vào lúc 1 giờ đêm, Đội Đặc nhiệm được lệnh xuất kích. Để đảm bảo bí mật nên không ai được sử dụng bất cứ loại chiếu sáng nào. Anh em đành cứ nhìn sao Bắc Đẩu mà định hướng.

Nguyên tắc hành quân mật phục cũng không ai được nói với nhau một tiếng. Người người cứ thế nối chân nhau mà đi, trời tối, đường rừng, chỉ sảy chân chút thôi là lạc nhau rồi. Vì thế phải mất đến 2 tiếng lội bộ đường rừng, mũi chủ công của đặc nhiệm mới tiếp cận được mục tiêu.

Đó là nhà của Siu Thu. Lại mất tới gần tiếng đồng hồ mới xác định được nhà đối tượng nằm quay lưng ra bìa rừng với 3 mặt còn lại là các cánh rừng cà phê của đồng bào.

Khi tổ chức mai phục thì trời đã tờ mờ sáng và sáng rất nhanh. Ém quân từ 5h đến 8h thì toàn đơn vị được lệnh rút quân vì có tin báo về, cuộc bao vây mật phục đã không còn gì là... bí mật nữa. Về sau, tìm hiểu lại nguyên nhân, các anh mới hay do chưa thành thạo việc đi đêm theo tốp trong rừng nên đã để lại quá nhiều dấu vết...

Chỉ khổ anh em phải nằm cứng đơ suốt 3 tiếng đồng hồ. Người nằm sấp, người nằm ngửa tùy tư thế thuận tiện nhưng bắt buộc toàn thân bất động, có ngứa ngáy lắm thì cũng chỉ dám cựa mình khe khẽ vì sợ rung cây lá ngụy trang...

Hay cũng như đợt bắt hụt Siu Nhăm dưới chân núi Chư Gỗ trên địa bàn giáp ranh Ia Ko và Ia Hlá của huyện Chư Sê. Lần ấy cũng vào mùa mưa, anh em phải hành quân mật phục mất hơn một tháng ở trong rừng. Núi Chư Gỗ không cao nhưng rộng. Chỉ riêng đi quanh chân núi cũng mất tới 3 ngày đường.

Đi mật phục không những phải tránh hướng có nhà đồng bào sinh sống mà thậm chí còn không được đi đường mòn, phải cắt rừng mà đi. Nhiều hôm đang nấu cơm, trời mưa xuống thế là bếp tắt ngóm, không tài nào thổi cho lên được mà đốt củi ướt thì lại sợ khói. Không ít lần anh em phải chấp nhận nhai cơm sống hoặc bỏ nồi cơm đang nấu dở để chuyển sang ăn... mỳ tôm sống.

Rừng dạng khộp với hai mùa mưa, khô ở Tây Nguyên không có vắt, song muỗi rừng thì to bự và nhiều vô kể. Hồi đầu có thuốc tẩm tăng, võng chống muỗi, nhưng thuốc chỉ được vài ngày. Về sau, chiến sĩ Ksor Tuyên mới bày cho anh em bài thuốc của đồng bào, lấy lá cây xát lên những chỗ da thịt hở, mới giảm bớt “thương vong” do muỗi gây ra...

Đội trưởng Sơn tâm sự rằng, anh em lính đặc nhiệm chẳng ngại khó khăn vất vả, nhưng đúng là kinh nghiệm thì phải học, không còn cách nào khác.

Lính đặc nhiệm phố Núi lại kể chuyện với chúng tôi rằng, trong lần vây bắt thành công Siu Nhăm hồi tháng 7 năm ngoái, vừa hay có 3 giáo viên của Trường Cảnh sát Đặc nhiệm ở Xuân Mai, Hòa Bình vào đi thực tế. Lãnh đạo phòng quyết định mời các giáo viên đi cùng để chứng kiến luôn.

Sau khi bắt được đối tượng về, các giáo viên cứ tấm tắc khen mãi và rồi còn hẹn lần sau sẽ vào “kiến tập” tiếp, ở lâu hơn, đi rừng lâu hơn với lính để xem lính đặc nhiệm đã chiến thắng như thế nào...

Rèn luyện nỗ lực như thế nên mỗi khi chuyên án thành công có sự đóng góp của mình, anh em lính đặc nhiệm lại càng cảm thấy những vất vả của mình thật ý nghĩa. Như vụ bắt giữ đối tượng Brông cầm đầu bọn tội phạm ở Chư Sê; vụ bắt Ngắt, cũng là đối tượng cầm đầu bọn tội phạm ở Ia Grai... và nhiều tên tội phạm cộm cán, xảo quyệt khác, trong đó có cả chục lần bắt hụt Siu Nhăm đã thể hiện rõ lòng trung thành và ý chí quyết tâm truy quét phản động đến cùng của Đặc nhiệm phố Núi nói riêng và toàn thể CBCS Công an tỉnh Gia Lai nói chung để đem lại bình yên cho đồng bào

Việt Anh
.
.