Hậu quả từ việc ô nhiễm sông Thị Vải:

Đại dịch muỗi và căn bệnh viêm xoang mãn tính ở xóm Lưới

Thứ Bảy, 27/09/2008, 10:15
Khi mưa xuống, Công ty Vedan "nương" mưa xả nước thải ra sông. Nước thải vừa trút ra, thì lập tức một mùi khó chịu như mùi axít bao quanh xóm. Đó cũng là lúc anh Viên muốn "sống cũng không được, chết cũng không xong". Không khí đặc quánh mùi axít, khiến người mắc bệnh viêm xoang khi hít mùi này vào cơ thể thì có cảm giác như hàng trăm mũi kim nhọn đâm vào vùng vách ngăn mũi.

Trưa ngày 18/9/2008, lần thứ hai chúng tôi tìm đến xóm Lưới, thuộc ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai để tiếp tục tìm hiểu hậu quả của việc Công ty Vedan xả nước thải trực tiếp gây nên sự ô nhiễm sông Thị Vải mà mọi hậu quả về sự biến đổi môi trường người dân trong khu vực xóm Lưới phải gánh chịu.

Anh Lê Văn Viên (ở số 108, xóm Lưới), Trưởng Công an ấp 1C cho biết đợt ô nhiễm nhất ở sông Thị Vải là vào năm 1997. Khi mà người dân đi ghe, từng đợt bọt hóa chất trào lên phía trước mũi ghe cản cả tầm nhìn của người điều khiển. Còn không khí, thì không ai đi lại trên tuyến sông này mà có thể hít thở bằng mũi được. Thủy sinh những năm đó không còn, kéo theo một đại dịch về muỗi cho đến tận ngày nay.

Anh Lê Văn Viên và Chị Nguyễn Thị Thảo.

Anh Viên nói mùa mưa như tháng này còn đỡ, chứ vào mùa khô cứ chạng vạng tối là muỗi bay đặc nhà. Chỉ cần đưa bàn tay ra khỏi màn chừng vài phút, vuốt nhẹ một cái là muỗi vãi ra như trấu. Chỉ vào bức tường trắng, anh kể rằng mùa nắng, tối đến muỗi bám đen cả vách tường. Còn gia súc nuôi trong nhà, mặc dù đã được hun trấu hoặc đốt củi tạo khói để chống muỗi, nhưng muỗi vẫn bám dày đặc trên mình gia súc.

Về phía cuối xóm, nơi bến đò sông Thị Vải, muỗi còn khủng khiếp hơn, vạch nhẹ một lá cây đước nơi bến đò, muỗi bị động ổ lập tức bay rào rào từng đàn. "Có thể là do thủy sinh đã bị hóa chất tiêu diệt hết, nên muỗi mới có cơ hội hoành hành như vậy", anh Viên đúc kết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài muỗi là bằng chứng cho thấy việc môi trường sống bị hủy hoại, thì thêm một bằng chứng không thể chối cãi được do sự ô nhiễm mang lại chính là căn bệnh viêm xoang mãn tính mà nhiều người dân tại nơi này mắc phải. Hầu hết các hộ dân trong xóm Lưới đều có người mắc bệnh viêm xoang mãn tính, nhẹ hơn thì cũng là viêm mũi dị ứng.

Bản thân anh Viên cũng là "con bệnh" của loại bệnh phổ biến tại khu vực này. Anh Viên nói anh bị viêm xoang đã hơn 10 năm nay, đến thời điểm này thì đã bị rất nặng. Mỗi sáng thức dậy, gần như cả vùng sau cổ anh các dây thần kinh đều căng cứng, phía vùng trán trước thì nhức không thể chịu nổi. 

Đặc biệt là khi mưa xuống, Công ty Vedan "nương" mưa  xả nước thải ra sông. Nước thải vừa trút ra, thì lập tức một mùi khó chịu như mùi axít bao quanh xóm. Đó cũng là lúc anh Viên muốn "sống cũng không được, chết cũng không xong". Không khí đặc quánh mùi axít, khiến người mắc bệnh viêm xoang khi hít mùi này vào cơ thể thì có cảm giác như hàng trăm mũi kim nhọn đâm vào vùng vách ngăn mũi.

Khi biết chúng tôi đang tiến hành thu thập bằng chứng về sự ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong vùng, anh rất sốt sắng hướng dẫn đến nhà những người đang mắc căn bệnh viêm xoang mãn tính như mình.

Chị Nguyễn Thị Thảo (ngụ số nhà 082, xóm Lưới) cũng mắc phải căn bệnh viêm xoang gần 10 năm nay. Cùng một triệu chứng như anh Viên, chị Thảo đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh cứ ngưng tạm thời rồi lại tái phát.

Chị nói: "Đi xông mũi mấy bữa về bớt bớt, chỉ cần một cơn mưa, Vedan xả nước thải lại y như rằng tưởng mình chết còn dễ chịu hơn do bị đau khi hít thở không khí đầy mùi hóa chất". Chị cho biết thêm là những năm Công ty Vedan chưa đi vào hoạt động, dân trong vùng chẳng có ai bị viêm xoang hay viêm mũi gì cả. Nhưng giờ đây, hầu hết người dân trong xóm đều mắc phải.

Tương tự như chị Thảo, hai vợ chồng chị Mai Thị Mai (số nhà 107, xóm Lưới) đều có vấn đề về đường hô hấp. Chị Mai bị viêm xoang đã hơn 4 năm nay, năm 2002 chị đi điều trị suốt một năm ròng nhưng cũng không dứt bệnh. Khi nào trong nhà chị cũng phải có thuốc. Hai bên vách mũi của chị luôn nhức bất kể ngày lẫn đêm. Còn chồng chị là anh Trần Duy Thiện lại bị viêm mũi dị ứng đã 3 năm nay, anh vừa ngưng thuốc là lập tức đổ nước mũi.

Cũng như chị Mai, chị Hoàng Thị Minh (số nhà 090, xóm Lưới) gần 5 năm nay cũng mắc phải căn bệnh viêm xoang. Trước đây, chị Minh theo chồng đi lưới trên sông Thị Vải, nhưng nguồn nước ô nhiễm, cá tôm đều cạn kiệt, chị ở nhà chăn nuôi. Chị nói mắc bệnh gì cũng khổ, nhưng mắc bệnh viêm xoang mà ở ngay khu vực này càng khổ hơn. Nhiều khi, muốn thở nhưng thở cũng không được... Lâu dần, người dân ở xóm Lưới đâm ra sợ những cơn mưa. Hễ mưa xuống, là không khí ngập mùi như mùi axít khiến những người mắc phải căn bệnh này đau đến trào nước mắt.

Cô Linh Như, Quản lý Phòng Y học cổ truyền từ thiện Thiền viện Linh Chiếu (xã Phước Thái, Long Thành) khi trao đổi với chúng tôi về hiện tượng người dân trong khu vực mắc phải căn bệnh viêm xoang mãn tính đã xác nhận rằng, hầu như tất cả những người trong khu vực mỗi sáng đến khám bệnh miễn phí tại đây đều mắc phải căn bệnh này. Tại phòng bệnh từ thiện của Thiền viện, người bệnh được cho rửa xoang bằng nước muối nhằm rửa bớt độc tố tích tụ trong các hốc mũi.

Trước khi chia tay với chúng tôi, anh Lê Văn Viên nói rằng: "Nhờ nhà báo nói giúp là bà con vùng xóm Lưới này rất mong có đoàn kiểm tra y tế nào về nghiên cứu coi chứng viêm xoang mà rất nhiều người dân tại nơi này mắc phải là do đâu mà ra, phương thức điều trị như thế nào?. Chứ không lẽ, tự nhiên đang yên đang lành mà người dân bị viêm hết sao?". Chúng tôi xin chuyển nguyện vọng của các hộ dân trong khu vực này tới các cơ quan chức năng xem xét

Kinh Hữu
.
.