Đằng sau sự "giàu... xổi" ở một miền quê

Thứ Ba, 23/12/2008, 11:30
Nằm ẩn sau những lũy tre là khu tái định cư của xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây đang xuất hiện những "triệu phú" mà chỉ cách đây khoảng 1 năm họ vẫn còn đang phải sống trong cảnh nghèo khó. Song ẩn sâu bên trong cái vẻ bề ngoài sung túc, yên bình đó là những đợt "sóng tệ nạn" đang âm ỉ kéo về làng.

Những nông dân ở đây thoát khỏi cảnh nghèo khó vì những đồng tiền có được từ việc bán đất, bán ruộng cho khu công nghiệp và người dân, đặc biệt là thanh niên ở đây mặc sức ăn chơi, sống một cuộc sống xa hoa, buông thả. Hệ quả là đủ các loại tệ nạn xã hội đang bủa vây, lũ lượt theo chân những con người này kéo về làng!

Những người nông dân và sự kiện đổi đời

Về xã Thiện Kế, tôi được chỉ đến ngôi nhà 3 tầng khang trang, bề thế nhất trong khu tái định cư của xã, đó là nhà ông Đặng Duy Văn - một trong những gia đình được nhận tiền đền bù cao nhất xã. Ông Văn có dáng người tầm thước, nước da sạm nắng, giọng nói sang sảng, ở cái tuổi gần 60 nhưng nhìn ông vẫn rất rắn chắc, khỏe mạnh.

Ngồi trong phòng khách của gia đình ông mà tôi "hoa cả mắt", nền nhà lát đá hoa, tường sơn màu hồng nhạt, chiếc tivi siêu mỏng đời mới to tướng, cùng với dàn máy karaoke mới coóng được sắp xếp gọn gàng trên một chiếc kệ. Ngoài sân, hai chiếc xe máy tay ga đứng chễm chệ. Gian bếp của gia đình ông cũng chẳng thua kém các gia đình giàu có ở thành phố, cũng bếp ga nhiều khoang, tủ lạnh, lò vi sóng...

Ông Văn nói: "Gia đình tôi không thiếu bất kỳ thứ gì cả, nóng thì có điều hòa, lạnh thì đã có máy sưởi, tắm bằng máy nóng lạnh. Sướng lắm!". Ông Văn tủm tỉm cười chỉ về phía chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) trên bàn rồi bảo: "Các con tôi ai cũng có di động cả, chiếc điện thoại này của tôi có đủ mọi chức năng, nghe nhạc hay lắm anh ạ!".

Cuộc sống của gia đình ông Văn thay đổi như vậy bắt đầu từ hơn 1 tỉ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng của Khu công nghiệp (KCN) Bá Thiện, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc trả cho số ruộng, đất của gia đình ông.

Ông vốn sinh ra và lớn lên tại đây. Suốt cuộc đời ông gắn bó với cái nghiệp nhà nông. Ngày ngày gia đình ông phải lao động quần quật ngoài đồng, trời nắng cũng như trời mưa, thậm chí những lúc nông nhàn ông và các con trai còn phải đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập cho gia đình mà cuộc sống vẫn nghèo, vẫn khổ. Thế nhưng cuộc sống gia đình ông giờ đã khác xưa.

Cũng giống như gia đình ông Văn, nhiều gia đình khác trong xã cũng đã đổi đời từ khi có KCN, con cái của những gia đình này cũng lũ lượt kéo nhau về và phần đông trong số đó biến mình thành những "thiếu gia" chỉ biết ăn và chơi.

Họ ở trong những ngôi nhà mái bằng hiện đại, đi trên những chiếc xe máy đời mới, tay cầm chiếc ĐTDĐ thời thượng là chuyện không lạ gì ở miền quê này. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, bộ mặt  làng quê đã thay đổi hoàn toàn! Một cuộc sống "phú ông" đang bao trùm cả khu định cư, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên.

Thanh niên ở đây phần lớn phải đi lao động làm thuê ở nơi khác thì nay chẳng phải làm gì cả... Tôi rất ấn tượng về cái cửa hàng ĐTDĐ giữa làng. Chỉ đứng quan sát một lúc đã thấy người ra người vào tấp nập. Tôi chợt nghĩ chắc chỉ là những chiếc di động có giá vài trăm ngàn mà thôi. Nhưng tôi đã lầm!

Phần lớn các ĐTDĐ được bày bán có giá cao ngất ngưởng từ vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng một chiếc. Khách hàng ở đây chủ yếu là thanh niên, người nào đến cũng đi trên những chiếc xe máy đời mới, ăn mặc sành điệu và nói bằng thứ giọng của kẻ "lắm tiền nhiều của".

Không chỉ vẻ bề ngoài sang trọng, giàu có mà cứ nhìn cách họ chơi và tiêu tiền mới thấy con "sóng ngầm" ở đây thật sự đáng báo động. Trời chạng vạng tối, tôi đi theo chân một nhóm thanh niên khoảng 10 người sành điệu vào một quán nhậu trên đường Kim Ngọc - đây là một quán nhậu khá nổi tiếng ở thành phố Vĩnh Yên và là địa chỉ quen thuộc của nhiều "cậu ấm cô chiêu" trong vùng.

Họ gọi khá nhiều món, cùng một két bia. Ngồi trong quán được khoảng 1 giờ câu chuyện của họ chẳng có gì đặc biệt ngoài chuyện ăn chơi. Và khi đã đủ độ thì một người trong nhóm gợi ý đi đến một địa điểm "giải trí" mà anh ta mới phát hiện ra từ tối hôm trước. Chẳng phải bàn bạc gì, cả nhóm nhất trí đứng dậy và đi luôn. Bữa nhậu chóng vánh của họ hết 480 ngàn đồng. Sau đó, cả nhóm kéo nhau đến một địa điểm khác cách đó không xa. Đó là một quán cà phê trên đường Lý Bôn - thành phố Vĩnh Yên.

“Bão táp” đã nổi

Phải rất vất vả, qua nhiều lần nói chuyện tôi mới thuyết phục được Nguyễn Văn D. (nhân vật yêu cầu giấu tên) - một người đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ, nói về nguyên nhân nhiễm bệnh của mình.

Bước chân vào khuôn viên gia đình của D. tôi thoáng chút rùng mình. Một ngôi nhà mái bằng nằm lưng chừng đồi trên một khoảng đất rộng chừng 600m2. Xung quanh ngôi nhà là cả một mớ hỗn độn, dở dang, hoang tàn. Chiếc cổng sắt vẫn còn trong tình trạng thô, chưa sơn màu, hai trụ cổng như 2 chồng gạch xếp lên nhau thô cứng nối liền với tường bao, trong sân thì gạch ngói, vôi vữa lởm chởm, vườn rau nhìn tiêu điều không có sự sống.

Được biết D. trước đây vốn là một thanh niên cần cù chịu khó, được mọi người trong làng, trong xã hết lời khen ngợi. Bố mất sớm, gia đình chỉ có hai mẹ con và D. là lao động chính. Nhưng từ khi gia đình D. nhận được hơn 400 triệu tiền đền bù thì D. nhanh chóng lột bỏ cái tính cần cù trở thành nhân vật nổi tiếng trong giới ăn chơi. Vì là nhà con một nên mẹ D. rất cưng chiều.

D. không nghiện ngập, hút chích mà chỉ có thói quen "ham của lạ". Đến giờ, D. không nhớ nổi mình đã từng "mây mưa" với bao nhiêu cô gái làng chơi. Cứ tan cuộc nhậu là D. và một vài người bạn rủ nhau đi "giải trí". Hầu như tất cả những chỗ "giải trí mát mẻ" trong vùng D. đều không lạ. Có lần gặp người ưng ý, D. sẵn sàng bao trọn gói mấy ngày liền, mà mỗi lần như thế hết đến vài triệu đồng. Thậm chí có lần, anh cùng 3 người bạn còn kéo nhau xuống tận Đồ Sơn, Hải Phòng chơi vì nghe nói ở đó "hay lắm".

D. biết mình bị nhiễm HIV/AIDS một cách tình cờ. Do bị tai nạn, D. phải tiến hành một vài xét nghiệm thì biết mình bị nhiễm HIV. Cái cảm giác lúc đó đến giờ D. vẫn không thể nào quên được. Mẹ D. như chết lặng, bà không hiểu vì sao con trai của bà lại mắc phải căn bệnh quái ác này. Thế nhưng D. thì quá rõ...

Giờ đây, hàng ngày D. phải chống chọi với căn bệnh thế kỷ. Từ một thanh niên cao to, khỏe mạnh giờ D. trở nên thân tàn ma dại. Tôi thoáng thấy mắt của mẹ D. ướt lệ, bởi đứa con trai duy nhất của bà đang chờ chết!

Không giống như D, Trịnh - "thiếu gia" một thời nổi tiếng bậc nhất trong khu vực. Từng  tham gia những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, Trịnh hiểu hơn ai hết những gì mà thanh niên ở miền quê này đang làm. Trịnh cho biết, những cuộc vui như thế thường kéo dài đến nửa đêm, mỗi tối như vậy các “thiếu gia” này cũng phải tiêu tốn đến vài trăm ngàn đồng - một số tiền không nhỏ ở quê. Chính vì những ngày tháng ăn chơi, không chịu làm việc, cùng với thói ham mê cờ bạc mà giờ gia đình anh lại phải trở về cuộc sống khó khăn, bần hàn trước kia, đi làm thuê, làm mướn khắp trong vùng.

Ông Nguyễn Văn Tuất - người thôn Đồng Nhạn thuộc xã Thiện Kế cho biết: "Vài tháng trở lại đây, thanh niên đi làm thuê ở khắp mọi nơi kéo nhau về làng. Những thanh niên này mang về làng đủ thứ "văn hóa" mà từ trước đến nay người dân nơi đây không có điều kiện để mà "tìm hiểu". Chiều chiều chúng tụ tập nhau ở đầu làng rồi bàn tán chuyện lô đề, cá độ bóng đá, chúng nói cho nhau những địa chỉ "giải trí" mới khám phá...".

Đáng báo động là thứ “văn hóa” đó đang được những thanh niên này tiêm nhiễm vào đầu những đứa trẻ ở đây. Có đứa mới học lớp 9 đã đòi bố mẹ mua ĐTĐDĐ, xe máy, thậm chí còn nói thẳng với bố mẹ là "con không muốn học nữa!". Ông Tuất cũng cho biết thêm: “Nhiều đêm đang ngủ giật mình tỉnh dậy vì tiếng gầm rú của những chiếc xe máy, cùng tiếng gào thét của một nhóm thanh niên đi chơi về vẫn còn trong cơn hưng phấn”.

Theo đồng chí Lê Văn Thế - Phó trưởng Công an xã Thiện Kế thì việc sử dụng lao động tại xã sau khi chuyển đổi đất có thể thấy: Trước khi chuyển đổi đất thì có tới 70% thanh niên trong vùng đi làm thuê ở khắp mọi nơi trong cả nước, có 10% thanh niên lao động tại địa phương và 20% còn lại thì sống cuộc sống lang thang, chơi bời. Nhưng sau khi chuyển đổi đất thì mọi thứ đã đảo ngược khi mà có tới 52% thanh niên chỉ biết ăn chơi, lười lao động, chỉ có 38% thanh niên là đi học nghề hoặc làm việc ở địa phương và 10% còn lại vẫn tiếp tục đi làm thuê ở địa phương khác.

Đó là một thực tế đáng báo động ở miền quê này. Có thể người dân ở đây cũng nghĩ như gia đình ông Văn, việc xây nhà, mua xe... như thế nhằm bù đắp cho những ngày khổ cực đã qua mà thôi. Nhưng nếu lấy lý do đó để mà ăn chơi thì không thể hiểu nổi. Cờ bạc, rượu chè, mại dâm... là nguyên nhân khiến biết bao nhiêu gia đình đổ vỡ.

Nguyễn Văn D. chỉ vì thói "ham của lạ" nên đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ hiện đang nằm chờ chết. Và cũng không biết liệu còn bao nhiêu thanh niên khác đã nhiễm căn bệnh quái ác trên nữa? Còn Trịnh thì vì thói ăn chơi, mê cờ bạc mà bao nhiêu tiền của của gia đình cũng cạn. Nếu cứ tiếp tục sống một cuộc sống như vậy chỉ e rằng vài năm nữa thôi, miền quê giàu có này chẳng mấy chốc sẽ tiêu điều, khi mà những nông dân này chỉ biết tiêu tiền mà không nghĩ đến kiếm tiền.

Ông Đặng Văn Khanh - Trưởng Công an xã Thiện Kế bày tỏ sự lo lắng của mình trước nguy cơ tệ nạn xã hội trong vùng. Viễn cảnh của D và Trịnh sẽ là hệ quả tất yếu mà người dân nơi đây phải gánh chịu.

Tục ngữ có câu "miệng ăn núi lở", và nếu cứ theo cái đà này không biết cuộc sống của người dân nơi đây sẽ đi đến đâu?

Thanh Ngọc
.
.