Đạo diễn Đào Bá Sơn: “Những điều gì cần làm thì mình cũng đã cố làm cả rồi…”

Thứ Năm, 04/11/2010, 09:30
Đạo diễn Đào Bá Sơn là một người khác biệt, so với số đông các bạn nghề khác. Ông là người đã dám mạo hiểm chọn nhiều gương mặt không tên tuổi vào những vai diễn nặng đô. Ông cũng là người được coi là dịu dàng nhất trên trường quay, nơi mà chuyện quát mắng xảy ra như cơm bữa.

Trong cuộc trò chuyện dưới đây với đạo diễn Đào Bá Sơn, PV Chuyên đề ANTG đã khám phá và phần nào lý giải được sự khác biệt này.

“Tôi luôn tôn trọng diễn viên và hiểu rằng họ đang gánh vác việc quan trọng”

Phóng viên (PV): Tôi đọc báo và thấy trước khi bộ phim dã sử "Long thành cầm giả ca" được chọn để chiếu ngay tuần lễ đầu tiên kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, xem ra anh có vẻ hết sức căng thẳng vì không biết khán giả đón đợi như thế nào. Còn bây giờ, anh đã có thể thở phào nhẹ nhõm được chưa, khi bộ phim này đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim quốc tế Việt Nam vừa qua?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Những điều gì mình cần làm thì mình cũng đã cố gắng làm cả rồi. Kinh phí không nhiều, 8 tỉ cho một phim truyện nhựa về một câu chuyện tình lãng mạn của đại thi hào Nguyễn Du đã xảy ra cách đây hơn 200 năm. 6h sáng mai chúng tôi khởi hành về thăm mộ cụ ở làng Tiên Điền, Hà Tĩnh, thắp mấy nén nhang cho cụ để lòng thanh thản. Thật ra, trước khi làm phim tôi cũng đến mộ của cụ rồi.

Lần này ra Hà Nội để chiếu phim nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, cho đến giờ  mọi việc cũng đã xong xuôi. Đây là lần đầu tiên trong điện ảnh đưa hình tượng của cụ lên phim, rồi lại đưa nhân vật mà cụ hết sức yêu trong bài thơ của cụ, cô Cầm chắc cụ yêu lắm. Tôi cũng đã làm được việc nho nhỏ đối với cụ là diễn viên thủ vai người cụ yêu thương trong bài thơ của cụ đã đoạt giải thưởng. Tôi nghĩ nếu cụ có linh thiêng chắc cụ sẽ vui lòng lắm, nhân vật của cụ đoạt giải, có nghĩa là các giám khảo thừa nhận nhân vật ấy, do ca sĩ Nhật Kim Anh đảm nhiệm vai diễn...

PV: Trước khi đến với vai diễn nặng đô, vai cô Cầm trong "Long thành cầm giả ca" thì Nhật Kim Anh chỉ là ca sĩ chưa có tiếng tăm gì mấy, lại xuất hiện trong dăm ba bộ phim với toàn những vai phụ. Sự việc này làm tôi nhớ lại, cách đây hơn chục năm, anh cũng là người mở đường và đưa tên tuổi diễn viên Hồng Ánh đến với khán giả trong bộ phim truyền hình "Cầu thang tối"?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Bộ phim đó được làm vào năm 1997, tôi mời Hồng Ánh vào vai chính, đấy là lần đầu tiên Hồng Ánh đóng vai chính, và cũng là lần đầu tiên Hồng Ánh có giải Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP ở Huế năm 1999 trong bộ phim đó, chứ từ những năm trước đó, năm 1996, Hồng Ánh còn đóng những vai rất nhỏ. Tôi nhớ sau bộ phim của tôi, thì đạo diễn Thanh Vân mời Hồng Ánh đóng trong phim "Đời cát". Sau đó thì Hồng Ánh gần như chỉ đóng những vai chính trên phim và xuất hiện khá nhiều ở các phim truyện nhựa...

PV: Tìm những gương mặt mới mẻ, chưa thực sự nổi tiếng, thành danh vào vai diễn nặng đô, tại sao anh lại chọn lựa như thế?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Cũng may mắn cho tôi, khi được giao làm phim không bị áp lực về mặt thị trường, nên không nhất thiết tôi cần phải chọn một gương mặt ăn khách, nhân vật mà giới trẻ nói là "hot" nào đó. Đặc điểm của phim truyện mang tính chất ở câu chuyện mà trong câu chuyện nhân vật hết sức quan trọng và nhân vật trở thành trung tâm của câu chuyện. Nhân vật trung tâm là do diễn viên đảm nhiệm, nếu chọn không đúng, chính xác thì rất khó gặt hái những thành quả nào đó. Tôi quan niệm khó có phim không tốt trong khi nhân vật quá tốt.

Đạo diễn Đào Bá Sơn trong trường quay phim “Long thành cầm giả ca”.

PV: Tôi biết thường thì một số đạo diễn cứ nói là cưng diễn viên, chứ khi ra phim trường thì đa phần họ bẳn gắt, quát mắng ầm lên... ông có thế không?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Không, tôi không bao giờ quát mắng hay la lối họ cả. Tại vì tôi chỉ nghĩ một việc đơn giản, trước khi là diễn viên ở trên trường quay, thì họ là con người, họ là một người nghệ sĩ, vậy thì người đạo diễn lấy tư cách gì để anh có thể mắng mỏ họ. Riêng cá nhân tôi không bao giờ làm như vậy cả. Bởi tôi hiểu một điều buộc tôi phải tôn trọng họ và phải hiểu rằng họ đang gánh vác một việc hết sức quan trọng, đó là những nhân vật trong bộ phim này. Tôi không chỉ tôn trọng nhân vật thứ, nhân vật chính, nhân vật phụ mà ngay cả diễn viên quần chúng. Tôi rất hiểu sự góp mặt của mỗi diễn viên quan trọng đến như thế nào.

“Cho đến tận khi cắt máy, nước mắt tôi vẫn tuôn rơi lã chã”

PV: Nhưng những người làm nghề đạo diễn thường có khí chất nóng nảy. Liệu anh giữ được bình tĩnh mãi mà không cáu bực?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Có những diễn viên làm cho tôi hết sức khổ tâm và đau đầu, nhưng tôi chọn phương án khác thuộc về phương pháp đạo diễn. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp nào la lối hay mắng mỏ chỉ nhận lại hậu quả của sự giả dối mà thôi. Bởi vì họ là con người chứ không phải cỗ máy. Họ không phải là robot mà ta nhấn "enter" thì nó thế này, nhấn nút "stop" thì họ dừng lại. Có những đoạn quay, khi người diễn viên diễn xong, khi cần cắt máy, tôi không thể hô được, bởi vì nước mắt tôi tuôn rơi lã chã. Nhìn họ diễn xuất, tôi cảm động và mãi về sau tôi mới vẫy được tay cho người phó, anh ta hô "cắt máy".

PV: Nếu anh không nói, tôi không hề được biết nghề đạo diễn lại có nhiều nước mắt đến thế. Vì tôi luôn nghĩ rằng họ cần phải tỉnh táo tuyệt đối...?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Có những cảnh quay mà sau tiếng hô cắt máy rồi thì người diễn viên không kìm được cảm xúc, vẫn khóc, thậm chí khóc nức nở, khóc như một đứa trẻ con vậy và tôi đề nghị trường quay hoàn toàn phải im lặng, tôn trọng cảm xúc của họ, và tôi biết đấy là những cảm xúc hết sức thật. Họ đã hóa thân trong khoảnh khắc đó.

PV: Trong những bộ phim của anh từ phim tài liệu cho đến phim truyền hình, phim truyện nhựa, đề cập đến rất nhiều thân phận phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt, với số phận éo le, bi thương. Ngay kể cả phim tài liệu anh cũng chọn đề tài phụ nữ bị bạo hành gia đình. Tại sao anh lại hay tìm đến những mảng đề tài này?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Tôi cũng không biết tại sao nữa, nhưng những người đàn bà mà tôi chứng kiến sự khổ đầu tiên trong cuộc đời của tôi đó là mẹ tôi, rồi người kế tiếp tôi chứng kiến đó là chị tôi. Đến khi lớn lên tôi cảm nhận được xung quanh tôi rất nhiều nỗi đau của những phụ nữ và kể cả những nỗi khổ đau của chính mình gây ra cho những người đàn bà thân yêu của mình nữa. Khi nhận được kịch bản hay đề tài thì tôi thường có khuynh hướng khai thác sâu về nỗi khổ đau, bất hạnh của họ. Bên cạnh đấy bao giờ tôi cũng thể hiện khát vọng sống, khát vọng yêu thương, một khát vọng với tất cả những gì tốt đẹp nhất, trong trẻo nhất. Thông thường những nhân vật phụ nữ của tôi thì ít nhân vật nào được trọn vẹn.

Đào Bá Sơn nhận giải Đạo diễn xuất sắc phim tài liệu nhựa “Đám mây không dừng lại” tại sân khấu Lễ trao giải 2008 từ tay diễn viên, người mẫu Thanh Hằng.


PV:
Ở ngoài cuộc sống thực có còn những cảnh ngộ bất hạnh, những cảnh đời éo le, oan trái hơn trong tác phẩm điện ảnh của anh không truyền tải hết được không?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Có chứ, thí dụ mẹ tôi. Tôi không thể kể hết nỗi khổ đau của mẹ. Trong một cuốn sách tôi đọc lâu rồi, một ông cụ 80 tuổi hỏi Đức Phật: "Người ta đi đường thì nên đi như thế nào?". Đức Phật nói rằng: "Đi đường nhìn phía trước mà đi". Một câu thật là giản dị mà mãi sau này tôi mới hiểu, chân lý là đi đường hãy nhìn phía trước, chứ đừng có ngoái lại phía sau. Ngoái lại phía sau, anh thấy sự đau khổ thì biết bao giờ anh mới dứt được nó. Còn đấy là niềm vui, là hạnh phúc thì rồi biết bao giờ anh mới thoát khỏi nó bởi sự tự phụ, sự ngạo mạn những thành quả đạt được. Phải biết quên những điều đã qua và tập trung cho phía trước. Cuộc đời phải nhìn phía trước mà đi cho bớt vấp ngã. Mẹ tôi là người như thế đấy. Mẹ tôi lạc quan lắm.

Đạo diễn Đào Bá Sơn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. 30 tuổi vào lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông có 7 năm làm phó cho đạo diễn Hồng Sến. Năm 1988, bộ phim đầu tay của ông "Người tìm vàng" dự Liên hoan phim lần thứ 12 ở Nha Trang, được 2 giải đặc biệt của Ban giám khảo, giải cho đạo diễn làm phim đầu tay xuất sắc và giải cho diễn viên chính. Từ ngày đó đến nay ông đạo diễn khoảng 20 phim ở nhiều thể loại: phim truyền hình, phim truyện nhựa và một số phim tài liệu được giải quốc gia.

Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất, bộ phim dã sử "Long thành cầm giả ca" của ông là một trong 2 phim truyện nhựa của Việt Nam tham dự. Và trong phim này, Nhật Kim Anh đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Nhưng ít ai ngờ được, trước đấy, khi chọn lựa diễn viên cho vai chính nặng đô này, ông đã vấp phải nhiều phản ứng khi quyết tâm chọn cô ca sĩ không mấy tên tuổi và chưa một lần vào vai chính trên phim trường.

Khi mẹ tôi mất, mẹ để cho tôi một pho tượng Phật Di Lặc. Mãi cho đến lúc đấy tôi mới hiểu, mẹ tôi tìm được ở nơi đấy có 4 chữ "Từ, bi, hỉ, xả". Và tôi biết mẹ tôi cười vào tất cả, mẹ cũng đã xả đi tất cả khổ đau và bất hạnh của bà.

PV: Tôi có cảm giác rằng, mẹ anh quá đỗi thiêng liêng đối với anh, và anh ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ.

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Mẹ là một người phụ nữ rất đặc biệt, trong những lần mẹ nói chuyện với dì tôi, với các bác tôi, thì mẹ tôi tự hào về con của mình và luôn có một niềm tin...

Tôi nhớ cái thủa ngày xưa đó, chị tôi nói với mẹ tôi: "Mẹ ơi! Mẹ chiều thằng Sơn quá  rồi nó hư hỏng". Mẹ tôi bảo: "Cám ơn chị, nhưng tôi đẻ con tôi ra tôi biết, nó có thể hư chứ hỏng thì không bao giờ". Và tôi lớn lên bằng niềm tin của mẹ. Niềm tin ghê gớm lắm.

Nghệ sĩ nhiều khi như thằng bé con đầy nhạy cảm

PV: Nói chuyện với anh tôi cảm nhận rằng anh hay đọc sách về đạo Phật. Khi người ta tìm đến những cuốn sách đó thì tâm hồn  người ta lắng lại, làm cho bản thân trầm tĩnh hơn với cuộc đời...

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Ngày xưa có bao giờ tôi đọc giáo lý nhà Phật đâu, nhưng có một lần bất hạnh ập xuống khi con gái tôi mất, Sau khi con gái mất  gia đình tôi để cháu lên chùa thì từ bấy giờ tôi đọc sách Phật, và tôi phát hiện ra nhiều vấn đề, rất nhiều điều mình tìm trong đấy cẩm nang cho mình. Đặc biệt nhờ có những trang khai trí mà mở ra một nhãn quan giúp mình sống tốt hơn, sống có thiện căn hơn và trang bị cho mình khi nhìn một vấn đề với nhận thức khác. Anh nhân ái, hiểu biết cuộc sống hơn, độ lượng hơn, và bớt hằn học, bớt ác độc, bớt ích kỷ với cuộc sống. Khi cuộc sống sự độc ác bớt đi, tính nghiệt ngã bớt đi thì nhân ái sẽ tồn tại...

PV: Đã lỡ dở một chuyến đò, giờ anh vẫn độc thân sao?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Một lần chia tay rồi, nhưng cuộc sống hiện tại tôi hoàn toàn cảm thấy hài lòng. Bây giờ lấy thì chưa nhưng tôi có những người bạn gái rất tốt.

PV: Nghệ sĩ vốn là khác người thường, để mà yêu được, dung nạp được thì không phải đơn giản đâu...

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Tôi nghĩ trong cuộc đời người phụ nữ mà yêu được người nghệ sĩ mà chịu đựng, chấp nhận được người nghệ sĩ để sống được với họ tôi cho là phi thường. Nghệ sĩ nhiều khi như thằng bé con, như đứa trẻ hiếu động, đầy nhạy cảm. Sự nhạy cảm quá thì giống như cái đàn căng, rung rất tốt cho phần cảm nhận, có thể tốt trong văn chương, nhạc, kịch.. Nhưng cái độ rung trong thực tại của họ, người nghệ sĩ rất mẫn cảm, nhạy cảm với những bất hạnh và khổ đau...

Ánh mắt xa xăm và nỗi buồn vơ vẩn trên khuôn mặt của ông, ông khẽ nói chả hiểu là cho tôi hay cho chính ông: "Trên chùa còn cốt của mẹ tôi, con gái tôi, nên tôi cũng hay lên chùa. Ở đâu có những ngôi chùa đẹp, mang dáng dấp cổ kính, rêu phong, thì tôi thích lắm, tôi đều đến và thắp nhang thành kính"...

Trần Mỹ Hiền
.
.