Dấu ấn Triều Tiên trong võ thuật Công an

Thứ Ba, 12/03/2019, 20:34
Trước năm 1968 việc dạy võ cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng đã được triển khai. Tuy nhiên, lúc đó chưa có giáo án nên việc huấn luyện thiếu thống nhất. Đầu xuân 1968, trước yêu cầu nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng công an để bảo vệ miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam, đích thân Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã mời đến Hà Nội 2 vị võ sư nổi tiếng của Triều Tiên để tổ chức khóa huấn luyện đặc biệt về võ thuật cho Công an...

Trong những ngày Chủ tịch cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên Kim Jong-un thăm chính thức Việt Nam, chúng tôi gặp lại Võ sư, Nhà giáo, Thầy thuốc Trần Ngọc Cửu - nhân chứng của câu chuyện 51 năm về trước, khi những võ sư CHDCND Triều Tiên bất chấp mưa bom bão đạn vẫn đến Hà Nội để truyền thụ những kỹ thuật chiến đấu cho lớp võ thuật Công an khóa 1. Để rồi từ nền tảng căn bản đó, kết hợp với tinh diệu võ ta, những bài quyền, thế đánh căn bản của võ thuật Công an nhân dân đã ra đời...

Võ sư, nhà giáo, thầy thuốc Công an nhân dân Trần Ngọc Cửu.

Khổ luyện thành tài

Ở tuổi 75 nhưng võ sư Trần Ngọc Cửu vẫn rất khang kiện, nhanh nhẹn từ ánh mắt đến từng cử chỉ, động tác. Biết chúng tôi đến hỏi chuyện những thầy Triều Tiên đã truyền dạy võ thuật cho các ông trong những năm tháng chiến tranh, ông cười ha hả - nụ cười vượng khí, hào sảng của một vị võ sư đã góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển của võ thuật Công an nhân dân.

Câu chuyện của chúng tôi “mặn” rất nhanh và kéo dài suốt buổi chiều đầu xuân, bởi đều có chung niềm đam mê võ thuật. Giở lại ký ức qua từng bức ảnh đen trắng, những cuốn vở ghi chép đã ố vàng bởi thời gian, ông tâm sự: “Để có được võ thuật Công an nhân dân như ngày nay, chúng ta không thể quên sự giúp đỡ của những vị võ sư đến từ nước CHDCND Triều Tiên anh em. Vượt qua bom đạn chiến tranh, họ đã đem đến cho công an Việt Nam những tinh hoa của nền võ thuật thế giới, tạo nền tảng cho việc hình thành hệ thống giáo án quy củ, có tính ứng dụng cao, góp phần quan trọng nâng cao sức chiến đấu của lực lượng”.

Võ sư Cửu cho biết, trước năm 1968 việc dạy võ cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng đã được triển khai. Tuy nhiên, lúc đó chưa có giáo án nên việc huấn luyện thiếu thống nhất. Đầu xuân 1968, trước yêu cầu nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng công an để bảo vệ miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam, đích thân Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã mời đến Hà Nội 2 vị võ sư nổi tiếng của Triều Tiên để tổ chức khóa huấn luyện đặc biệt về võ thuật cho công an.

Vụ Tổ chức cán bộ ra quyết định thành lập lớp võ thuật khóa 1, gồm 40 học viên lựa chọn từ Cục Cảnh vệ, Cục Ngoại tuyến, Cục Tình báo, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang, Trường C500; Trường Cảnh sát, Trường Cảnh khuyển và công an một số tỉnh, thành phố. Khi đó ông Cửu là giáo viên võ thuật của Trường Sỹ quan An ninh (phiên hiệu C500, nay là Học viện An ninh nhân dân), được triệu tập tham gia khóa huấn luyện này.

Võ sư Trần Ngọc Cửu biểu diễn công phá vật cứng bằng đòn tay.

Thời điểm ấy miền Bắc đang bị Mỹ ném bom, đánh phá ác liệt. Lớp được tổ chức tại trường C500, khi mà toàn bộ giáo viên, học viên đã phải sơ tán về vùng nông thôn. Ông Cửu nhớ lại: “Sau các trận oanh kích, Trường Đại học Thủy lợi, Đại học Kiến trúc, Trường C500... bị trúng bom, đổ nát tan hoang. Chúng tôi tập võ trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Không có dụng cụ tập, anh em khênh 2 cột điện cũ nặng hàng tấn về hội trường lớn của C500 để làm giá chặt gạch, dựng cây làm mộc nhân để luyện tay, chân; chia nhau đi tìm nhặt gạch, ngói vỡ về tập chặt, tập đấm.

Chuyên gia Triều Tiên dạy chúng tôi võ Karatedo, Judo, Boxing. Sau khi thành thục phần căn bản thì bước sang phần thực hành chiến đấu, đánh đối kháng 1-1; 1-2; 1-3; 1-4 bằng kỹ thuật từng môn hoặc tổng hợp cả 3 môn.

Những môn phái như Karatedo, Boxing có tính chất cương công, đòn thế rất cương mãnh, vận dụng tối đa sức mạnh cơ bắp trong chiến đấu nên việc tập luyện đến mức thành thục rất vất vả. Trái lại, võ Judo trên tinh thần “dĩ nhu chế cương", sử dụng sự khéo léo là chính, đòn tấn công chủ yếu là các miếng đánh quăng quật, đè, siết cổ và khóa tay, chân. Chúng tôi tập luyện với cường độ rất cao, ngày 2 buổi, tập liên tục từ sáng đến tối khuya vì chương trình huấn luyện rất nặng.

Mỗi buổi tập, học viên phải quăng, ném, quật nhau xuống sàn từ 2.000- 3.000 lần; đấm đá vào gốc cây, bao cát hay chặt gạch, đập ngói bằng tay, đầu... hàng nghìn lần. Chưa hết, nội dung huấn luyện có rất nhiều động tác khó, nguy hiểm, ví như kỹ thuật nhào lộn từ trên cao, từ xa, đòi hỏi phải nhanh, mạnh và tuyệt đối chính xác. Vì chỉ cần sai sót, hậu quả sẽ khôn lường”.

Từng nhiều năm luyện võ, chúng tôi thấu cảm điều ông nói. Để ra đòn nhanh, mạnh, chính xác, không có cách gì khác ngoài tập luyện, tập luyện và tập luyện. Công phu là thời gian cộng với mồ hôi, nước mắt. Có những kỹ thuật phức tạp, phải tập nhiều nghìn lần mới thành. Chuyện phải tập đi tập lại một đòn, một miếng đánh đến rã rời, đến bật khóc... là đương nhiên trong võ thuật.

Trong “Tâm pháp” của môn phái Nhất Nam mà chúng tôi theo tập, có câu “Giác đầu thành tay, thành chân” - nghĩa là phải tập luyện sao cho võ thuật trở thành phản xạ có điều kiện, tay chân bung ra trong bất cứ điều kiện nào, cũng đã bao hàm ý nghĩa công - thủ.

Võ sư Cửu kể tiếp: “Cứ thế, chúng tôi toàn tâm toàn ý, dành mọi năng lượng cho một nhiệm vụ duy nhất - làm chủ các kỹ thuật chiến đấu. Mùa đông cũng như mùa hè, anh em quần nhau tới độ tấm đệm lót sàn gần như lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi.

Quá trình huấn luyện, chuyện tai nạn, chấn thương xảy ra “như cơm bữa”. Nhẹ thì tay chân bầm giập, cơ thể thâm tím, vỡ mao mạch, bong gân, nặng thì sai khớp, gãy tay do công phá hay vận động quá mạnh, tiểu tiện ra máu, chưa kể bị đánh trúng huyệt điểm trong quá trình giao đấu, hóa giải đòn thế. Võ sư Triều Tiên đều là các đại cao thủ, họ rất giỏi chuyên môn và vô cùng nghiêm khắc, duy trì kỷ luật sắt trong huấn luyện.

Đến mức mồ hôi chảy từ trên đầu xuống mặt, chúng tôi cũng chỉ dám lắc lắc cho rơi xuống sàn chứ không được phép lấy tay quệt. Chuyên gia sẽ nhắc nhở nếu dùng tay lau mồ hôi, vì lúc chiến đấu việc làm đó sẽ gây mất tập trung. Mà trong đối kháng thì chỉ một giây thiếu kiểm soát, phân tán tư tưởng là dính đòn ngay”.

Các màn biểu diễn võ thuật Công an nhân dân.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng lớp học vẫn duy trì liên tục, không ngưng nghỉ ngày nào. Võ sư Cửu kể, mặc dù tập tành gian khổ như vậy nhưng chế độ chẳng có là bao. Cơm nhiều hôm phải độn ngô, thức ăn thì quanh năm lạc rang, cá khô. Cả tuần may ra được 1-2 bữa thịt, đường Hoa Mai 1 cân, sữa bột 5 lạng nhưng chảy nước, vón cục là chuyện bình thường...

Ân tình bên sàn tập 

Võ sư Cửu cho biết trong suốt quá trình huấn luyện, lớp võ luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ Công an. Hằng tuần, vào Thứ bảy, các đồng chí Thứ trưởng Hoàng Thao, Lê Quốc Thân, Trần Quyết... thay nhau vào C500 kiểm tra tình hình lớp học. Đặc biệt, dù bận việc nhưng vào Chủ nhật, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn duy trì đều đặn việc thăm lớp.

Trong những lần trò chuyện, Bộ trưởng chỉ rõ những yêu cầu cấp bách và lâu dài của võ thuật Công an nhân dân, theo phương châm: “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, luôn chủ động tấn công”. Với tầm nhìn chiến lược, Bộ trưởng muốn lớp học này sẽ đặt nền tảng cơ bản để xây dựng võ thuật Công an đặc biệt tinh nhuệ, có sức chiến đấu cao. Để đạt mục tiêu đó, Bộ trưởng quán triệt cho mỗi học viên cố gắng tiếp thu trọn vẹn kiến thức của các chuyên gia Triều Tiên, phải “văn ôn võ luyện” thường xuyên.

“Bộ trưởng yêu cầu chúng tôi phải luôn tự rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của người công an cách mạng, không được dùng võ sai mục đích, phải luyện rèn để tăng cường thể lực, kỹ chiến thuật cho thật điêu luyện, thành thục. Khi chiến đấu phải mưu trí, dũng cảm, đánh trúng huyệt điểm, hạ đối phương nhanh nhất, bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo, bảo vệ nhân dân. Bộ trưởng yêu cầu lớp học phải linh hoạt trong tiếp thu, cần đi sâu nắm bắt những kỹ thuật mang tính ứng dụng cao, vì võ công an không phải là biểu diễn, múa may cho đẹp mà phải có năng lực chiến đấu thực sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trấn áp tội phạm.

Với tình hình thời chiến lúc bấy giờ đã đánh là phải quyết liệt, hạ gục thật nhanh. Karate không đánh đòn kép thì phải kết hợp thêm Boxing, Judo kết hợp với đòn hiểm của võ cổ truyền để địch nhanh mất sức chiến đấu, giành thế chủ động về mình...” - võ sư Cửu kể.

Không chỉ quan tâm đến công tác huấn luyện, Bộ trưởng còn chăm chút cho học viên từ những điều nhỏ nhất. Ông Cửu xúc động nhớ lại: “Có lần các chuyên gia Triều Tiên bất ngờ ghé qua nhà ăn, kiểm tra mâm cơm thấy chúng tôi ăn uống đạm bạc quá, họ liền phản ánh lên Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn.

Ngay sau đó, Bộ trưởng đã chỉ đạo Văn phòng Bộ tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng lúc đó để tăng cường dinh dưỡng cho anh em. Từ đó chúng tôi có thêm đường sữa, bữa ăn có thêm thịt. Cuối tuần, anh em cắt cử nhau ra ngoại thành mua rau xanh, thực phẩm về cải thiện bữa ăn để có thêm dưỡng chất phục vụ tập luyện”.  

Khai sinh “dòng” võ Công an

Sau gần 2 năm miệt mài luyện tập, đến ngày kết thúc khóa huấn luyện, lớp học đã tổ chức biểu diễn báo công trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, các thứ trưởng cùng các chuyên gia, khách mời Trung ương. Trong suốt 4 giờ đồng hồ, ông Cửu cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc các khoa mục. Việc vận dụng kỹ - chiến thuật trong thực hành chiến đấu được đánh giá rất cao.

Kết thúc biểu diễn, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn xuống bắt tay, biểu dương khen ngợi từng người. Giờ chia tay, cả lớp đã công kênh 2 vị chuyên gia Triều Tiên ra tận cổng trường, trong niềm xúc động của cả thầy và trò. Ông Cửu nói: “Sau khóa học đặc biệt đó, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo chúng tôi tiếp tục tập trung thêm chừng nửa năm nữa, để cùng nhau nghiên cứu xây dựng hệ thống giáo án, bài võ thống nhất, đưa vào huấn luyện cho toàn lực lượng công an. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng là trên nền tảng kiến thức do các võ sư Triều Tiên truyền thụ, phải kết hợp nhuần nhuyễn với những tinh hoa của võ thuật cổ truyền Việt Nam, để xây dựng võ thuật Công an thật sự hiệu quả, có tính ứng dụng cao nhất trong chiến đấu”.

Được biết, thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng, 40 võ sĩ ưu tú của ngành Công an lại miệt mài nghiên cứu từng vấn đề, để từng bước chuyển hóa các kỹ thuật tổng hợp của nhiều môn phái vào những bài quyền. Đặc điểm của võ Karatedo; Boxing; Judo không có kỹ thuật đánh vào các huyệt điểm trên cơ thể người, trong khi đây là điểm mạnh của “võ ta”.

Phương pháp đánh điểm huyệt có hiệu quả rất lớn trong chiến đấu, lại không mất sức, tuy nhiên rất lắt léo, phức tạp, không dễ thực hiện. Ông Cửu cùng đồng đội lại chụm đầu bàn bạc, phân tích điểm mạnh, yếu của từng động tác, đòn thế đặt trong quan hệ ứng dụng.

Sau rất nhiều nỗ lực, các ông đã cho ra bài quyền 44 và 38 động tác của võ thuật Công an nhân dân. Bài quyền chứa đựng những chiêu thức, thế miếng võ độc đáo, là sự kết hợp khoa học theo hướng ứng dụng cao những kỹ thuật của nhiều môn phái. Từ đây, võ thuật công an chính thức được khai sinh, với hệ thống giáo án, bài tập quyền cước và thực hành chiến đấu thực sự khoa học, bài bản và quy củ, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao sức chiến đấu của toàn lực lượng.

Đào Trung Hiếu
.
.