Chuyện những người đánh án bằng khoa học:

Dấu vết từ lửa và kế hoạch tống tiền mang tên "Lucky"

Thứ Tư, 07/07/2010, 03:45
Vụ hỏa hoạn ITC (Trung tâm Thương mại Quốc tế) tại TP HCM xảy ra vào ngày 29/10/2002 đã thiêu rụi phần lớn tòa nhà đồ sộ và làm hàng chục người thiệt mạng. Khi ấy, Thượng tá Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng Khoa học Kỹ thuật hình sự (KHKTHS), CATP HCM là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường thảm họa.

Biển lửa... ITC

Thượng tá Quang vẫn đượm buồn mỗi khi ai đó gợi lại ký ức vụ cháy ITC năm nào. ITC tọa lạc trên trục đường Lê Thánh Tôn, Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực. Tòa nhà 6 tầng lầu với tổng diện tích 6.500 m² này được xây dựng vào năm 1970, được sử dụng như một trung tâm mua sắm, có 59 văn phòng cho thuê và 172 quầy mua bán vàng bạc đá quý, ngoài ra còn có một vũ trường và nhà hàng, căng tin.

Phòng KTHS nhận thông tin về vụ cháy vào khoảng 13h ngày 29/10. Khi đến hiện trường, các chiến sĩ Phòng KTHS chứng kiến một cảnh tượng thật kinh hoàng. Ngọn lửa phát ra từ tầng 2 và nhanh chóng bao trùm cả tòa nhà. Nhiều người còn kẹt lại bên trong tòa cao ốc này đã cố gắng thoát ra khỏi đám cháy bằng cách trèo xuống theo đường ống nước, thậm chí nhảy từ tầng 3, tầng 4 xuống mặt đường, dẫn đến những thương vong nghiêm trọng. Khung cảnh hoảng loạn bởi khói lửa, tiếng la hét, lời cầu cứu, tiếng còi hụ cứu hỏa, cấp cứu...

14h, cột khói đen bốc lên ngùn ngụt, cao hàng trăm mét. Hơn 50 xe chữa cháy với hàng trăm người tham gia  cứu hỏa. Cả tầng 2-3 rực lửa. Tầng 4, 5, 6 khói mù mịt. Góc tòa nhà bên đường Lê Lợi giáp Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ngọn lửa hoành hành dữ dội, 4 xe cứu hỏa tập trung chĩa vòi rồng vào đây. Lửa, khí nóng và khói bao trùm toàn khu vực. Hơn 4 tiếng, hơn 49 văn phòng các doanh nghiệp đang kinh doanh dần bị thiêu rụi. Đến hơn 20 giờ cùng ngày, đám cháy được khống chế, các toán cứu hộ đã xâm nhập vào hết các tầng bên trong ITC, tìm kiếm thi thể nạn nhân. Vụ hỏa hoạn cướp đi sinh mạng 60 người, làm 70 người khác bị thương nặng...

Khi ấy, trong thành phố xuất hiện tin đồn khiến không ít người dân hoang mang: "khủng bố bằng hóa chất gây cháy”. Ban Giám đốc CA TP HCM giao nhiệm vụ cho Phòng KTHS phải sớm có kết luận nguyên nhân gây cháy, để trấn an người dân thành phố.

Ngay khi có mặt tại hiện trường, khoảng 20 giờ đêm hôm ấy, Thượng tá Nguyễn Hồng Quang cùng 2 cán bộ của Viện KHKTHS - Bộ CA bắt tay ngay vào công việc đi tìm lời giải cho câu hỏi: Vì sao tòa nhà ITC lại có thể cháy dữ dội như thế? Ngọn lửa bắt đầu từ đâu?  4 tầng lầu, tất cả đều không còn nguyên vẹn hình hài trong ngọn lửa cháy ngùn ngụt ấy suốt mấy tiếng liền. Một áp lực vô hình đè nặng lên vai các chiến sĩ KHHS!

Thượng tá Quang hồi tưởng, trong vụ ITC, giám định viên và khám nghiệm hiện trường chia nhau đi tìm lời giải đáp ở các cửa ra vào, nơi các ổ điện của các cửa hàng, quan sát kỹ các vách tường sắp đổ, nám đen. Thượng tá Quang lần theo những vệt lửa táp ra vách tường, giật mình khi để ý thấy vệt cháy ở trần nhà trong vũ trường Blue có màu lạ và cách táp lửa rất khác. Cả tổ khám nghiệm hiện trường đều dừng lại nhìn như thôi miên vào vết lửa táp trên tường có màu lạ ấy. Dưới sàn nhà của khu hiện trường còn trơ lại một que hàn xì cháy cong queo.

Anh Quang đã đứng rất lâu ở vị trí que hàn ấy. Trong đầu anh dựng lại cảnh một người thợ hàn xì, hàn chỗ nào, các tia lửa sẽ bắn ra từ đâu... Khi tất cả dữ kiện đều tập trung về chiếc que hàn xì cháy cong queo ấy, anh Quang mới bỏ chiếc que hàn vào bọc nilon, đánh số và tự tay mình cất giữ.

Khi ấy đã là 5h sáng.

Vụ cháy kinh hoàng toà nhà ITC.

Một nhóm khác được phân công lân la hỏi chuyện những người sống và buôn bán xung quanh tòa nhà ITC, phát hiện một "chi tiết vàng". Một người đàn ông nói trước đó đã xin được một miếng xốp thừa của đám thợ hàn để làm... gối ngồi cho êm. Miếng xốp kia được đưa ngay về trung tâm giám định. Theo thử nghiệm của cán bộ giám định các miếng xốp đó sẽ bắt cháy ở nhiệt độ 3000C. Nhưng khi đốt các miếng xốp ấy ở nhiệt độ 3000C thì ngọn lửa táp có hình thù khác và màu khói táp cũng khác với hiện trường vụ cháy. Những đợt đốt thử các miếng mút kia với nhiệt độ của một máy hàn xì họ đã thấy một phần câu trả lời.

48h đồng hồ sau vụ cháy, căn cứ vào vết ám khói, hạt đồng còn lại, hướng đổ sau đám cháy, Phòng KHKTHS CA TP HCM đưa ra kết luận, khẳng định: "Vùng cháy đầu tiên là khu vực bên phải vũ trường Blue, tốc độ cháy lan khoảng 0,6m/phút truyền theo phương nằm ngang, 1,2m/phút theo phương thẳng đứng, trong điều kiện nhiệt độ cao tốc độ cháy tăng gấp 3-5 lần" và từ kết luận này, Cơ quan điều tra (CQĐT) cũng đã khẳng định: nguồn cháy, điểm cháy đầu tiên là mũi hàn, lõi dây điện và gia đèn đang hàn lẫn trong đống đổ nát, đồng thời sớm làm rõ được nguyên nhân vụ cháy là do các thợ hàn bất cẩn khi hàn sắt để các tia lửa hàn văng ra làm cháy các tấm mút cách âm của vũ trường.

Ngọn lửa hàn màu xanh bùng cháy theo hướng bạt vào các ống dẫn khí của hệ thống làm lạnh cho vũ trường khiến khí trong ống bốc nổ và cháy loang ra xung quanh. Người ta đã cố chữa cháy tại chỗ, nhưng vũ trường Blue vốn kín, được cấu tạo bằng nhiều chất gây cháy, mọi sự chữa cháy tại chỗ đều vô vọng, hàng trăm người tìm cách thoát ra nhưng một số ít nhanh chóng bị ngộp khói, không kịp thoát, đã bị ngọn lửa bao trùm...--PageBreak--

Kế hoạch tống tiền mang tên “Lucky” và chân dung kẻ "khủng bố" không gặp may

Ngày 11/12/2005, Ban Giám đốc siêu thị Coop Mart Cống Quỳnh (Q.1, TP HCM) bất ngờ nhận được một lá thư gửi theo đường chuyển phát nhanh.

Lá thư có những đoạn như sau: "Chào ông, chắc hẳn ông rất ngạc nhiên khi nhận được thư này nhưng ông hãy bình tĩnh đọc kỹ những lời tôi muốn nói. Từ hôm nay trở đi, chắc chắn tôi sẽ thực hiện vài vụ nổ không chỉ ở miền Nam này nhưng chính xác ở đâu rồi ông sẽ biết, cốt yếu chỉ để ông tin tôi thôi (các vụ nổ sẽ được đăng trên báo, ông nhớ theo dõi), và nếu ông không muốn chuyện này xảy ra lần nữa ở những cơ sở của mình thì hãy chuẩn bị đủ 100 ngàn USD. Tôi cho ông 3 ngày kể từ ngày nhận thư để chuẩn bị đủ tiền. Tính mạng của chính ông cùng khách hàng và cả tiếng tăm làm ăn của ông là do ông quyết định!... Đúng 12 giờ khuya thứ ba ngày 13-12-2005 ông phôn số 0902xxxxxx cho tôi, tôi sẽ chỉ chỗ giao tiền. Tôi sẽ ra mặt gặp ông nhưng chỉ cần có mùi "cheo" ở chỗ hẹn thì những quả bom sẽ "bùm" ngay tức khắc hoặc nếu quá ngày giờ hẹn ông không fôn cho tôi thì ông hãy để dành từ đây về sau sẽ phải đền mạng cho các khách hàng mua sắm hoặc chính ông, bom tôi còn nhiều nên không tiếc cho ông đâu...”.

Lá thư với những lời lẽ ngô nghê, sai rất nhiều lỗi chính tả, kẻ tống tiền cũng không hề biết rằng Giám đốc Coop Mart vốn là phụ nữ, không phải... đàn ông như suy nghĩ của kẻ tống tiền, cho rằng đây chỉ là một trò đùa, lá thư không gây chú ý cho những người có trách nhiệm tại Coop Mart. Tuy nhiên, họ cũng thử gọi điện thoại vào số máy được cho để thử nhưng không có người nhấc máy.

Nhưng hai ngày sau, ngày 17/12, BGĐ Coop Mart Cống Quỳnh tiếp tục nhận được một thư chuyển phát nhanh từ Bưu điện Q.5, trong thư cho biết họ có "một gói quà" trong ngăn để đồ dùng của khách hàng. Gói quà có đề chữ cảnh báo: "cẩn thận, có thuốc nổ".

Thông tin nhanh chóng được CA TP HCM tiếp nhận, ngay sau đó, cán bộ Phòng KHKTHS cũng có mặt tại hiện trường. Đến lúc này, không ít người cho rằng đây vẫn chỉ là một trò đùa, nhưng Thượng tá Trần Văn Nghiệp - Phó phòng KHKTHS CA TP HCM lại không nghĩ như thế. Gói đồ được chuyển về phòng giám định KHKTHS, anh cẩn thận mở lớp nilon đầu tiên, sau khi chiếu XQ qua bọc nilon thứ 2, phát hiện, bên trong cái đèn ngủ là một... trái bom, được đấu nối dây điện trực tiếp để khi bị cắm vào điện nguồn thì lập tức phát nổ. Khuôn mặt của các cán bộ KHKTHS hiện lên đôi chút căng thẳng.

Ra hiệu cho mọi người tránh xa, thượng tá Nghiệp trực tiếp tiến đến thực hiện việc gỡ trái bom và tháo ngòi nổ, vô hiệu hóa trái bom. Vài phút gỡ bom trôi qua trong căng thẳng tột độ. Sau khi giám định, kết quả làm nhiều người toát mồ hôi hột, quả bom do đối tượng tạo ra khi được nối với nguồn điện 2 đầu dây điện bên trong quả bom sẽ tạo ra tia lửa điện và làm bom nổ, với thành phần gần 500 gram thuốc nổ là chất Nitroxenlulô (dùng làm thuốc phóng cho các loại đầu đạn như M30, M50 hay Shotgun...) khi nổ sẽ gây ra một áp suất lớn có sức công phá lên đến hàng nghìn KG/cm2. Ngoài ra, nó còn có khả năng gây cháy do lượng thuốc phóng còn dư khi bung ra sẽ tiếp tục gây cháy bên ngoài.

Theo nhận định của thượng tá Nghiệp, trái bom "nhỏ" này dư sức đánh sập cả phòng gửi đồ của Coop Mart. Thật may mắn, vì đã không ai ở Coop Mart tò mò mở gói đồ vì ý nghĩ đây chỉ là trò đùa. Nhưng kẻ nào đã chế tạo bom và tống tiền? Nếu không phải là một chuyên gia về hóa học, hẳn không thể chế tạo nên một quả bom, có thể gây sát thương như thế.

Sự việc được báo lên CA TP HCM, một chuyên án được thành lập ngay sau đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội CA TP HCM đảm nhận nhiệm vụ phá án và những manh mối từ gói đồ được tận dụng triệt để. Cán bộ Phòng KHKTHS làm nhiều giám định, từ 2 dấu vết để lại như: chữ viết trên bì thư, dấu vân tay trên gói đồ, bóng đèn. Dấu vân tay trên gói đồ phần nhiều đã bị nhiễu loạn sau khi qua tay nhiều người, cuối cùng, dấu vân tay trên bóng đèn rất có thể của hung thủ.

Cùng thời gian này, CQĐT cũng tiến hành điều tra theo nhiều hướng khác nhau. Chỉ một thời gian ngắn, với nỗ lực của các phòng ban CA TP HCM, đến đêm 22/12/2005, CQĐT CA, TP HCM đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Phạm Duy Cường (sinh năm 1987, trú tại P.4, Q.3, TP HCM) và Nguyễn Ngọc Phượng (sinh năm 1983, trú tại P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP HCM) về hành vi viết thư đe dọa đặt bom để tống tiền. Khám xét chỗ ở của Cường, công an còn thu giữ được 8 cục pin, 2 bình ắc-quy và một số thuốc nổ được dùng cho việc chuẩn bị chế tạo bom.

Cường, một kẻ chưa học hết lớp 8, khai nhận đã nảy sinh ý định tự chế tạo một quả nổ đe dọa tống tiền Giám đốc siêu thị Coop Mart, nhằm lấy 100.000USD. Hai vợ chồng Cường đã soạn thảo một bản kế hoạch lấy tên là "Kế hoạch Lucky" khá tỉ mỉ, kế hoạch được vạch ra gồm 4 bước và được đánh máy kỹ càng, trong đó nêu rõ các bước hành động, chuẩn bị phương tiện, vật liệu để chế tạo bom và soạn thảo 2 bức thư đe dọa rồi cả lời đối đáp giữa kẻ tống tiền và người bị tống tiền.

Sau đó Cường đến cửa hàng bán súng săn mua 400 nghìn đồng thuốc súng và các dụng cụ để chế tạo quả nổ đem về nhà cất giữ. Sau khi đã làm sạch, quả bom này sau đó được nhét vào trong chiếc đèn ngủ để ngụy trang. Chắc chắn rằng, sự thiếu hiểu biết về vật liệu nổ khiến Cường chưa bao giờ dám cho... nổ thử.

Khi ra trước tòa, Cường thú nhận:  Việc không dùng lon bia hay lon sữa bò để làm vỏ bom mà phải mất công chế tạo ống sắt ra làm vỏ bom theo Cường là để cho giống quả bom thật và như vậy hiệu quả hơn trong việc buộc siêu thị Coop Mart đưa tiền. Tất cả lời khai của Cường đều đã trùng khớp với những suy nghĩ của các cán bộ KHKTHS.

Và, mãi cho đến khi ra tòa, nhận 15 năm tù giam về tội mua bán, chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ, Cường vẫn không hiểu, không như trong phim hình sự, kẻ tống tiền chỉ bị bắt khi đi nhận tiền, làm thế nào mà lực lượng CA có thể nhanh chóng phá kế hoạch "Lucky" đã được y chuẩn bị rất "chu đáo, tỉ mỉ" và tóm gọn y khi mà y chưa hề xuất hiện để nhận tiền, và ngoài vợ y, cũng không có người thứ 3 biết về kế hoạch đặt bom tống tiền của y, công an hẳn phải có "3 đầu 6 tay".

(Còn nữa)

Thuận Thiên - Kinh Hữu
.
.