Để giữ cho rừng im tiếng súng…

Chủ Nhật, 26/04/2020, 09:49
Sau tiếng nổ đanh gọn, khô khốc, khu rừng thuộc núi Trạm Té, xã Cun Pheo, huyện Mai Châu (Hòa Bình) trở lại cái vẻ ma quái, liêu trai. Hân hoan, chạy đến nhặt “chiến lợi phẩm” nhưng trước mặt Lường Văn Nhấn không phải là con thú mà là... Bùi Văn Công.

Dưới ánh đèn pin loang loáng trong đêm, Hà Văn Ân, Hà Văn Hướng cùng giật mình kinh hãi khi thấy thân người nằm gục.

Phát súng oan nghiệt

Ngay sau khi bắn nhầm, gây ra cái chết cho Bùi Văn Công trong lúc đi săn, Lường Văn Nhấn đã đến cơ quan Công an đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Tại cơ quan Công an, Lường Văn Nhấn khai nhận: vào chiều tối ngày 14-12-2019, Nhấn cùng với Bùi Văn Công, Hà Văn Ân (SN 1975), Hà Văn Hướng (SN 1995) là người cùng xóm Cun rủ nhau vào rừng để săn bắn thú rừng. Khi vào khu vực rừng thuộc núi Trạm Té thuộc xóm Cun, xã Cun Pheo, mỗi người mang theo một khẩu súng tự chế (súng kíp) được giấu trên lán canh nương của ông Bùi Văn Sơn (SN 1956) là bố đẻ của Bùi Văn Công.

Phát hiện dấu vết của một con lợn rừng cỡ bự, cả nhóm chia ra các ngả để rình bắn đón. Khi đang ở vị trí rình “mồi”, Lường Văn Nhấn phát hiện thấy có tiếng sột soạt ở bụi cây trước mặt và tưởng đó là con lợn rừng nên đã nổ súng. Phát súng oan nghiệt cướp đi tính mạng của người bạn săn...

Vụ án đã được Công an huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình khởi tố hình sự với tội danh “Vô ý làm chết người”. Trong vụ án này, Lường Văn Nhấn đang là kế toán, còn Hà Văn Hướng cũng là cán bộ của xã Cun Pheo nhưng bất chấp quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, vẫn ngang nhiên vi phạm.

Anh Hà Văn Thoa (trái) được cán bộ Công an xã Xăm Khòe động viên vượt qua nỗi ám ảnh quá khứ để trở thành người có ích cho xã hội.

Theo Thiếu tá Hà Đức Vượng, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Mai Châu thì được biết: đây không phải lần đầu tiên trên địa bàn huyện xảy ra việc đi săn thú, bắn nhầm người.

Chốn rừng xanh, ai cũng có thể trở thành “con mồi”

Theo chân đồng chí Phạm Văn Tùng, Công an xã Xăm Khòe, chúng tôi về xóm Bước tìm gặp Hà Văn Thoa. Sinh năm 1975, năm nay tròn 45 tuổi nhưng nhìn Hà Văn Thoa có cái vẻ già nua, khắc khổ hơn những người đồng trang lứa. Ngoài việc nỗ lực, cố gắng làm việc để nuôi sống vợ con, Hà Văn Thoa còn phải căng sức để trả món “nợ đời” với gia đình Hà Văn Ủm ở mãi tận Thành Sơn, Quan Hóa (Thanh Hóa). Bởi Hà Văn Ủm là người đã lĩnh trọn phát đạn của Hà Văn Thoa trong một chuyến đi săn cách đây hơn 10 năm.

Trò chuyện với chúng tôi, Thoa bảo: “Đó là chuyến đi săn trong rừng đầu tiên của mình. Trước đó, mình cũng chỉ đi bắn chim chóc quanh nhà. Mãi sau thấy anh em đi rừng bắn được nhiều thú nên mới dám lên rừng để săn thú”.

Dù nhiều năm đã trôi qua nhưng trong tâm trí của Hà Văn Thoa vẫn ám ảnh câu chuyện về đêm định mệnh đó. Trong bữa cơm chiều đông năm 2006, khi nghe Hà Văn Thìn là người anh em họ kể về việc phát hiện dấu vết lợn rừng còn rất mới, cả nhóm gồm Hà Văn Thoa, Hà Văn Khối, Hà Văn Thìn rủ nhau đi săn. Mỗi người một khẩu súng.

“Nghe Thìn bảo, con lợn khá to nên để ăn chắc, tôi đã nhồi thêm thuốc súng, thêm cả những viên chì to cỡ hạt ngô vào nòng súng”, Hà Văn Thoa nhớ lại. Khi việc chuẩn bị đã xong, cả nhóm kéo nhau lên rừng. Đi từ chập tối, đến hơn 18h mới tới địa điểm mà Hà Văn Thìn bảo có lối lợn đi.

Chiều đông, bóng tối buông nhanh xuống cánh rừng mà họ vừa đặt chân đến. Dù trời tối nhưng là những người sinh ra, lớn lên ở rừng, thông thạo địa hình nên cả nhóm đã chia nhau đi các hướng rình bắn con lợn. Ở phía của Hà Văn Thoa là một lối đi nhỏ chạy hút vào tán cây rậm rạp. Càng về tối muộn, sương giăng mắc trùm kín cả trảng rừng.

Theo lối lợn về, đôi mắt, đôi tai của Hà Văn Thoa được tập trung tối đa. Bấm những đầu ngón chân vào đất, trong bóng tối, Hà Văn Thoa thoắt ẩn, thoắt hiện như một bóng ma lướt nhẹ trên đám lá rừng ướt đẫm sương đêm. Anh ta bỗng khựng lại. Ngón tay cái lên quy lát. Ngón trỏ đặt nhẹ lên cò. Nòng súng từ từ rê về phía vừa phát ra tiếng sột soạt làm đám cây rừng rung nhẹ. Đoàng! Tiếng nổ đanh, luồng lửa nòng súng phụt thắng về phía trước.

Chỉ kịp thấy một bóng đen như một con thú cỡ bự đang bò sát mặt đất trúng đạn nằm gục xuống. Sợ con thú lớn còn chưa chết sẽ lao về phía mình để phản công, Hà Văn Thoa vứt súng, trèo tót lên cây gần đó. Chờ cho đến khi đám cây rừng phía trước không còn rung động, Hà Văn Thoa mới dám đi về phía “con thú” vừa bị bắn hạ bằng phát súng chí mạng. Nhưng...

Dưới đất không phải con lợn rừng. Mà là một người đàn ông đang nằm thoi thóp với hàng chục vết thương do đạn ghém gây ra. Gần ngay bên cạnh “con mồi” của Thoa là khẩu súng săn cũng đang chuẩn bị nhả đạn với nòng súng hướng về phía trước. “Lúc đó, tôi cũng gai người khi nghĩ chính mình cũng có thể trở thành một “con thú” dưới làn đạn của nòng súng này. Trên rừng vào ban đêm, ai cũng có thể trở thành con mồi của một tay thợ săn nào đó...”, Hà Văn Thoa rùng mình nhớ lại.

Trở lại câu chuyện, Hà Văn Thoa bảo: “Suốt hơn 10 năm qua, tôi chưa khi nào hết ám ảnh về cái chết của người đàn ông trong đêm đó. Ngoài sự trừng phạt của pháp luật thì nhiều năm qua tôi cũng đang phải gánh trả món “nợ” người. Bởi đó là một người chồng, người cha của 2 đứa con nhỏ, là trụ cột chính của một gia đình cũng nghèo khó như mình. Đó cũng là cái giá mình phải trả - một cái giá rất đắt khi phạm phải sai lầm”.

Những nỗ lực không mệt mỏi...

Để giữ cho rừng im tiếng súng, thời gian qua Công an huyện Mai Châu đã nỗ lực rất nhiều từ công tác vận động giao nộp đến việc tổ chức những chuyến luồn rừng thu hồi hàng trăm khẩu súng ở ngay chính nơi cất giấu của những kẻ vẫn còn sống bám vào rừng.

Kể từ khi thực hiện Đề án 1081/ĐA-BCĐ của UBND tỉnh về “Vận động toàn dân giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”, tính từ năm 2010 đến nay, Công an huyện đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương vận động thu hồi được khoảng 6.000 khẩu súng các loại, chiếm hơn 2/3 số súng vận động, thu hồi trên toàn tỉnh.

Về cơ bản, toàn bộ số súng được thống kê, khai báo đều đã được giao nộp cho cơ quan chức năng. Thậm chí, có nhiều khẩu súng vốn được các gia đình treo làm vật trang trí trong nhà cũng đã được vận động giao nộp, thu hồi”, Thiếu tá Hà Đức Vượng, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chia sẻ.

Đối tượng Lường Văn Nhấn bị bắt sau khi đi săn, bắn nhầm gây chết người.

Cũng theo Thiếu tá Hà Đức Vượng thì: “Vũ khí, vật liệu nổ nếu còn tồn tại ngoài xã hội thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương”. Bởi trên thực tế, ở Mai Châu, ngoài những vụ việc sử dụng súng bắn nhầm làm chết người trong lúc đi săn thì cũng đã từng xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến súng. Khi có xảy ra mâu thuẫn, nhiều trường hợp còn mang súng ra dọa bắn, giết nhau.

Có thể kể đến vụ Bàn Văn Tấn (SN 1976) trú tại Nà Báu, Tân Mai (nay là xã Sơn Thủy) trong lúc xảy ra mâu thuẫn đã mang súng kíp dọa bắn chết chị Lê Thị Dung là hàng xóm ngay sát nhà; vụ Giàng A Sùng ở Thung Mặn, Hang Kia sử dụng súng tự chế (súng kíp) bắn chết ông Giàng A Thào là cậu họ vì nghi bị ông Thào bỏ bùa...

Xuất phát từ thực tế đó, sau khi hoàn thành Đề án 1081/ĐA-BCĐ của UBND tỉnh, hằng năm Công an huyện Mai Châu đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, tiếp tục vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, chủ yếu là súng tự chế (súng kíp). Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

“Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận động những năm qua Công an huyện đã mở các hòm thư tố giác tội phạm ở các địa bàn trọng điểm, gần rừng, địa bàn giáp ranh. Từ thông tin của quần chúng nhân dân, lực lượng Công an cũng đã nắm bắt, thu hồi nhiều khẩu súng đang được người dân cất giấu, lén lút sử dụng”, Đại úy Vì Văn Dậu, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Mai Châu cho biết thêm.

Ngoài các biện pháp trên, tại địa bàn các xã cũng đã tập trung làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động người dân. Ví như ở Xăm Khòe, chính Hà Văn Thoa sau khi hoàn thành án phạt đã trở thành người đi tuyên truyền, vận động người dân. “Nhìn vào hoàn cảnh của Hà Văn Thoa nhiều người cũng biết sợ. Khi được vận động đã tự nguyện, tự giác đi giao nộp súng. Nhờ đó, có thời điểm công an xã tiếp nhận hàng chục khẩu súng của người dân đến giao nộp. Với sự tuyên truyền, vận động của công an xã, các ngành đoàn thể, nhiều người trước đây thường xuyên vào rừng săn bắn cũng đã bỏ nghề, chuyển sang làm việc khác.

Tính từ năm 2012 đến nay trên địa bàn xã không còn khẩu súng nào, kể cả súng treo trên tường làm vật trang trí. Đồng thời, cũng không có trường hợp nào lén lút, tàng trữ, sử dụng trái phép. Đợt cuối năm 2019 và đầu năm 2020 vừa qua, tổ công tác của công an huyện đi kiểm tra các lán trại của người dân trên địa bàn xã nhưng qua kiểm tra, không phát hiện trường hợp nào còn cất giấu súng”, đồng chí Phạm Văn Tùng, Công an xã Xăm Khòe chia sẻ.   

Cần sự ủng hộ của mọi người

Dù cho đã cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi trong việc vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ đến từng xóm, bản, từng hộ gia đình nhưng theo Thiếu tá Hà Đức Vượng thì một bộ phận người dân vẫn còn tàng trữ, lén lút sử dụng súng tự chế để đi săn. Số này, chủ yếu tập trung ở những vùng giáp ranh và những địa bàn còn có rừng, giáp rừng. Đặc biệt là khu vực giáp ranh với huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Hơn nữa, do là địa bàn giáp ranh, người dân có mối quan hệ họ hàng, thân thiết nên khi cần vẫn có thể sang mượn súng hoặc gửi súng chỗ người thân. Khi cần sử dụng mới sang lấy về. Thế nên, việc phát hiện, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, đây cũng là địa bàn chủ yếu là các xóm vùng sâu, hoạt động sản xuất kinh tế chủ yếu ở các nương rẫy xa khu dân cư. Do vậy, người ta thường đem giấu súng tại các lán trại. Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì việc tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ trái phép có chế tài xử lý rất nặng. Do vậy, khi đi vận động cũng chẳng ai dám mang giao nộp. Đây là loại vũ khí tự chế nên việc chế tạo rất dễ dàng. Nếu bị thu hồi thì người ta có thể chế tạo khẩu khác.

Nắm bắt được tâm lý đó, cuối năm 2019 và thời điểm đầu năm 2020, Công an huyện đã thành lập tổ công tác do Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội làm chủ công. Tổ công tác chia thành 4 mũi. Mỗi mũi có từ 4-5 cán bộ phối hợp với công an các xã, trưởng xóm tiến hành đi rà soát tất cả các lều, lán khu vực sản xuất của người dân ở xa khu dân cư tại các xã Cun Pheo, Bao La, Piềng Vế, Hang Kia, Pà Cò, Vạn Mai, Noong Luông, Tân Dân.

Qua đợt kiểm tra, rà soát, các mũi đã tiến hành kiểm tra toàn bộ 64 lều lán của người dân ở các khu sản xuất. Đã thu giữ 87 khẩu súng tự chế (súng kíp và súng cồn) được người dân cất giấu. Số súng này, chiếm 2/3 tổng số súng mà Công an huyện thu hồi trong năm 2019 và tháng đầu năm 2020 (năm 2019 và tháng 1-2020 Công an huyện Mai Châu thu hồi được 152 khẩu súng các loại).

Chính từ việc làm tốt công tác quản lý vũ khí, từng bước ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng săn bắn trái phép đã làm cho nhiều cánh rừng ở Mai Châu được hồi sinh. Giữa đại ngàn, muông thú và cả con người không còn giật mình với những tiếng nổ chát chúa trong đêm phát ra từ những khẩu súng của các tay thợ săn. Rừng hồi sinh, nhiều loại muông thú đã trở về sinh sôi giữa đại ngàn xanh tốt. Thậm chí, có nơi gà rừng còn về ở chung với gà nhà.

Ngô Thủy
.
.