Để “người rừng” không phải là người rừng

Thứ Ba, 27/08/2013, 19:10

Sáng ngày 7/8/2013, lực lượng dân quân cùng người dân xã miền núi Trà Xinh, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi bất chấp gió mưa đã băng rừng, vượt đèo để đưa hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang từ rừng sâu quay ngược về xóm làng. Sau công cuộc giải cứu đầy ngoạn mục này, giới truyền thông khiến dư luận phát sốt vì thông tin của hai cha con "người rừng" ấy.
40 năm sống ở nơi heo hút với cây rừng, chim muông… với những thức ăn tự cung tự cấp. Đột ngột bị bắt trở về với đời sống thực theo ý nguyện của đám đông, cha con ông Thanh gặp nhiều bỡ ngỡ, họ nhớ rừng quay quắt.

Biết là hành động đưa cha con ông Thanh hòa nhập với cộng đồng là ý rất tốt, nhưng thực tế đã chứng minh, không phải ý tốt nào cũng mang lại hệ quả tích cực.

1. 40 năm trước, khi ông Thanh còn trung niên, khi anh Lang vừa một tuổi thì gia đình ông gặp biến cố lớn. Bom đạn thời đất nước chia cắt đã khiến gia đình ông lâm vào cảnh tang thương, cơn chấn động về tinh thần đã khiến ông không còn đủ tỉnh táo. Ông ôm cậu con trai áp út tên Lang, bỏ chạy một mạch vào rừng sâu. Từ đó, ông sống ở rừng. Những người thân khác của ông may mắn sống sót sau trận bom năm ấy, không còn gặp ông nữa.

40 năm, cha con ông sống trong cái nhà như tổ chim, rộng 2m2 trên cây chò già, được chống đỡ bằng những cây lồ ô, có cầu thang dây làm lối lên xuống. Đói thì săn thú, hái quả dại. Khát, thì uống nước suối, nước mưa... Để có thêm lương thực duy trì sự sống cho mình và con trai, ông khai hoang, trồng ít lúa, ít mè, cây ngô... Rét, cha con ông bện vỏ cây làm áo. Mưa, lấy lá rừng che chắn. Một cuộc sống đúng nghĩa hòa với thiên nhiên.

Cậu con trai của ông còn sót lại ở làng, tên là Hồ Văn Tri nay cũng gần 40 tuổi, kể rằng: Năm anh 12 tuổi, anh theo bác ruột vào rừng tìm cha. Tìm để gặp là vậy thôi, chứ cha và anh trai của anh đều lẩn tránh anh rất nhanh. Anh nhờ người dân trong  làng theo anh vào rừng kêu gọi cha về, nhưng thấy bóng người là ông trốn bặt tăm.

Nhiều năm rồi, cha con ông Thanh sống như vậy. Cho đến những ngày đầu tháng 8, dân làng kéo vào rừng, áp chế cha con ông Thanh về lại cuộc sống chung. Lần này, ông Thanh không thể bỏ chạy nữa. Vì ở cái tuổi 81, ông bị suy nhược cơ thể. Cậu con trai hàng chục năm liền sống cùng ông, thấy cha bị bắt về, ngần ngừ không nỡ rời xa, đành đứng lại để bị đưa về làng cùng ông.

Về làng, ông được chuyển vào trung tâm y tế để chăm sóc sức khỏe, truyền dịch. Còn con trai ông, ở nhà người em ruột để người em hướng dẫn những bước cơ bản nhằm hòa nhập đời sống hiện đại. Anh cởi cái khố, tập mặc áo quần. Anh ngồi sau yên xe máy để em trai chở đi dạo. Anh vuốt ve điện thoại để tiếp cận với công nghệ...

Sau khi được chăm sóc sức khỏe, ông Thanh được cho về nhà, cứ ngồi một mình lẩm bẩm câu "Nhớ rừng quá, nhớ rừng quá". Ông không trò chuyện với ai khác ngoài cậu con trai đã được ông mang vào rừng cùng năm nào. Anh con trai cũng chỉ nói đi nói lại, "muốn về rừng".

Để đảm bảo cha con ông không trốn về rừng, chính quyền địa phương phối hợp cùng người dân trong làng giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động của cha con ông.

Vậy đó, đang sống phóng khoáng cùng thiên nhiên, bất ngờ cha con ông bị giam lỏng trong cộng đồng. Căn nhà trên cây chò già của cha con ông nườm nượp bước chân người hiếu kỳ. Những vật dụng hàng ngày được ống kính truyền thông chĩa vào, chụp cận cảnh. Lương thực tích trữ trong ống lồ ô bị đổ ra để soi xét… Tôi đọc thông tin đến đây, cảm giác buồn không tả được.

Góc riêng của cha con ông, đã không còn là góc riêng nữa(!).

Anh Hồ Văn Lang ngày được người dân đưa trở về cuộc sống hiện tại.

2. Nhiều năm trước, khi UBND TP HCM có đề nghị di dời người dân ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP HCM) vào đất liền, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trên đảo mỗi lúc có bão, khi thời tiết bất thường, tôi có xuống xã đảo để ghi nhận ý kiến của người dân. Hầu như, tất cả người dân đều muốn ở lại trên đảo. Họ nói đại ý, họ sống ở đây quen rồi, gió mưa cũng quen rồi, bão bùng cùng quen rồi. Họ không mường tượng được thay đổi thói quen họ sẽ ra sao, may mắn là cho đến giờ, người dân ở xã đảo vẫn đang cư ngụ một cách thanh bình trên đảo.

Lâu hơn nữa, là cái đợt mọi người tỏ ra lo lắng về sự an toàn cho người dân miền Tây vào mỗi mùa nước nổi. Nếu tôi nhớ không nhầm, thời điểm ấy giới trí thức đã phải lên tiếng trấn an những người làm chính sách rằng: "Người miền Tây được lợi nhiều hơn từ lũ"... Và thực tế đã chứng minh điều đúng đắn đó, nỗi bất an dần xóa nhòa.

Trở lại câu chuyện của cha con "người rừng". Cần phải nhấn mạnh, những người đang cố giúp cha con "người rừng" làm quen với cuộc sống ở làng, cuộc sống giữa cộng đồng người, đều xuất phát từ lòng tốt. Có lòng tốt, họ mới lặn lội vượt suối lội đèo, băng rừng đưa cha con ông Thanh về làng. Có lòng tốt họ mới đưa ông đến trung tâm y tế để chăm sóc sức khỏe, có lòng tốt họ mới canh chừng ông không cho ông trở lại rừng, có lòng tốt họ mới đến nhà của cậu con trai ông chia vui, có lòng tốt họ mới đang kiến nghị các cơ quan giải quyết chính sách cho ông Thanh, có lòng tốt họ mới giúp đỡ gia đình ông lương thực để đỡ khó khăn hơn cho những ngày sắp tới…

Ông Hoàng Anh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cũng đã xác tín, Cơ quan Quân sự huyện khẳng định ông Thanh từng là bộ đội chính quy Quân khu 5, đóng quân ở miền Tây Trà Bồng trong những năm kháng chiến chống Mỹ... Và hơn hết, có lòng tốt họ mới ngăn ông về rừng, họ sợ ông sẽ gặp những bất trắc khi ở rừng. Mặc cho ông đã ở đấy 40 năm có lẻ. Họ quên mất rằng, ông đã từng chăm bẵm một cậu bé mới vừa hơn một tuổi lớn lên và khỏe mạnh trong môi trường rừng.

Những vật dụng của cha con người rừng.

40 năm dài dằng dặc. 40 năm không phải là chuyện một sớm một chiều, chuyện sớm chuyện khuya. 40  năm đủ để những cái lạ lẫm thành thân quen, ban sơ thành thân thiết… 40 năm đủ dài, để rừng thẳm thành căn nhà của cha con ông Thanh. 40 năm đủ để ông am tường từng góc rừng, tán lá, từng dấu chân của con thú đi qua.

Vậy mà, đám đông vì lòng tốt, đã tách biệt ông ra khỏi sự quen thuộc đó, buồn là sự quen thuộc ấy đã ăn sâu vào máu thịt của ông. Không chỉ ông, cậu con trai mà ông mang vào rừng năm 1 tuổi, nay đã 40 tuổi rồi. Ông cô đơn mười, thì anh phải cô đơn hàng trăm, hàng nghìn lần giữa lòng tốt của người xung quanh. Làm sao anh quen được căn nhà tường xây, chắn mưa nắng. Anh đã quen quá cái tổ chim trên cây chò già. Làm sao anh quen được tivi, đèn điện... khi mà từ lúc ấu thơ cho đến trung niên, anh chỉ quen tiếng gió qua tán cây, tiếng chim hót, tiếng thú rừng gọi nhau. Anh biết điện thoại để làm gì, khi mà anh không có nhu cầu đó trong rừng già…

Bấy lâu nay, chúng ta quen lối áp đặt quan điểm của đám đông lên cá nhân. Bất chấp cá nhân ấy không hề có hành vi vi phạm pháp luật hay gây ảnh hưởng gì đến thuần phong mỹ tục, quy chuẩn đạo đức xã hội.

Cha con ông Thanh có làm gì sai không? Chắc chắn là không làm gì sai. Không nhẽ, lại đi bắt lỗi cha con ông Thanh vì vi phạm Luật cư trú. Như vậy, thì tội nghiệp cho cha con ông Thanh quá. Chung quy lại, tất là bởi lòng tốt mà ra. Vì lòng tốt, nên đám đông tin rằng đời sống của cha con ông Thanh sẽ được đảm bảo hơn khi sống trong làng. Vì lòng tốt, đám đông muốn cưu mang cha con ông trong vòng tay của họ. Bất chấp chuyện cha con ông có muốn được thụ hưởng điều xuất phát từ lòng tốt này hay không?

Tự dưng tôi nghĩ, nếu ai đó trong chúng ta, lâm vào tình cảnh của cha con ông Thanh đang gặp phải, thì chúng ta có cảm thấy hạnh phúc hay không(?!). Chắc là cũng có cá nhân đồng ý là có, nhưng phần nhiều sẽ là không. Cha con ông Thanh hoàn toàn không có sự lựa chọn trong hoàn cảnh hiện tại. Điều mà cha con ông khát khao nhất là được trở về rừng, thì đã bị từ chối mất rồi.

Những người dân lẫn phía chính quyền địa phương đều muốn giúp cha con ông Thanh có cuộc sống tốt hơn, nhưng lại không quan tâm đến cảm xúc của cha con ông, không cần biết cha con ông có muốn nhận lòng tốt của mọi người hay không? Sự thuyết phục bằng các biện pháp mạnh như, giữ chặt tay chân hay cử người canh giữ chỉ mang lại những hệ quả tiêu cực hơn. Bằng chứng là  cha con ông Thanh luôn ở trong trạng thái lầm lì, không muốn tiếp xúc với người xung quanh.

Áo chống rét bện bằng vỏ cây.

3. Đám đông thấy đời sống của cha con ông Thanh đầy khổ cực, trong lúc cha con ông đang khát khao được quay trở lại đời sống đó. Đám đông chưa từng sống trong hoàn cảnh mà cha con ông đã sống hàng chục năm liền, đám đông chỉ nhìn nhận cuộc sống ấy bằng cảm quan. Một cảm quan của những người chưa hề được trải nghiệm. Song đám đông quả quyết, "Sống vậy rất khổ!".

Sự quả quyết này, cho dù là từ thiện tâm, cũng chỉ mang lại hệ quả tiêu cực. Như khi người ta khẳng định, mang một con chim vào lồng để tiện săn sóc, thì con chim sẽ không chịu cảnh nắng mưa, rắn rết, lo lắng về thức ăn, nước uống... điều này sẽ tốt cho chim hơn. Làm sao có chuyện này xảy ra được.

Ống lồ ô chứa lương thực tích trữ của cha con người rừng.

Tách cha con ông Thanh ra khỏi rừng, tức là đã tách cha con ông ra khỏi môi trường sống quen thuộc. Hạnh phúc đâu thể nào hiện hữu từ một khung cảnh khác, khi môi trường sống của chính mình đã bị cướp mất.

Đám đông không minh chứng được những gì cha con ông Thanh được nhận, tốt gấp hàng chục lần những ngày cha con ông sống trong rừng sâu. Đám đông không minh chứng được điều này, thay vào đó là đám đông tin rằng cuộc sống hiện tại tốt cho cha con ông Thanh hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, cha con ông Thanh không có sự lựa chọn nào khác ngoài chuyện phục tùng tư duy của những người xung quanh.

Theo quan điểm của cá nhân, tôi nghĩ mọi người nên để cha con ông Thanh về với nơi mà cha con ông đang nhớ. Về với cái tổ chim trên cây chò già, với gần 1 hécta mà cha con ông khai hoang được, trồng đủ loại cây lương thực, với cái rìu tự chế, với những bữa ăn tự cung tự cấp nơi rừng già và hơn nữa nên giúp cho cha con ông sửa sang lại cái “tổ chim” kia; cấp cho công cụ lao động, quần áo, đồ dùng sinh hoạt... và coi nơi cha con ông ở là nơi cư trú chính thức cho ông.

Tôn trọng ý nguyện của cá nhân, khi mà ý nguyện ấy không gây phương hại cho bất kỳ ai, thì đó cũng chính là làm việc tốt.

40 năm sống ở rừng, cha con ông Thanh có lâm cảnh đói rét không? Với những gì mà truyền thông đã loan tải, tôi nghĩ là không. Bởi cha con ông Thanh đã hoàn toàn có thể thích nghi với cuộc sống nơi rừng sâu. Họ có thực phẩm lưu trữ, họ có thịt thú để dành, họ có cả một mảnh rẫy để trồng trọt, họ có một căn nhà để lưu trú... Họ thật sự đã an cư rồi, chứ có phải sinh sống theo cảnh màn trời chiếu đất, lần mò kiếm ăn qua ngày nữa đâu.

Tất nhiên, mỗi chúng ta có một quan điểm khác nhau. Và rất khó để hy vọng vào cái ngày cha con ông Thanh được mở lòng để có thể quay lại nơi cuộc sống mà 40 năm qua họ đã trải qua. Nên chăng hãy giúp cho cha con ông được sống bình thường ở trong rừng mà không phải người rừng

Ngô Nguyệt Lãng
.
.