Đem mùa xuân ra “pháo đài canh biển”
- Bãi Tư Chính và tầm nhìn chiến lược xây dựng nhà giàn DK1
- Nhà giàn DK1: 30 năm - Cột mốc chủ quyền giữa biển khơi
Vượt ra khỏi giá trị vật chất, những món quà Tết còn là tình cảm, hơi ấm đất liền, sự quan tâm của nhân dân cả nước đối với những người lính “đầu đội trời, chân đạp sóng” nơi tuyến đầu sóng gió.
Chuyến tàu mùa Xuân mang hơi ấm đất liền
Cũng như Trường Sa, mùa xuân đến với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 được đánh dấu bằng chuyến tàu chở quà tết ra thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đây cũng là “mốc” thời gian để các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 cảm nhận về mùa xuân đang hối hả tràn về, nối đất liền với biển cả xa xôi.
Ngoài số quân nhu quân trang còn có nhiều quà tết của nhân dân cả nước gửi tặng như lợn hơi, gà, vịt, quất tết, hoa mai, hoa đào, lá dong...
Chiến sĩ trẻ hăng hái lên đường ra nhà giàn làm nhiệm vụ. |
Trong phút giây xúc động chia tay người đi biển xa, người ở lại đất liền, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân chủ trì lễ tiễn tàu đã tặng hoa cho các trưởng đoàn chúc tết. Ông quán triệt: “Đây là chuyến quà tết đặc biệt, là chuyến đi cuối cùng của năm cũ đem tình cảm đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Dự kiến từ ngày 18 đến ngày 20-1, vùng biển DK1 sẽ có sóng to gió lớn do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh và gió mùa đông bắc tràn xuống, nhưng dù khó khăn gian khổ, sóng to gió lớn thế nào, quà tết cũng phải được trao tận tay cán bộ, chiến sĩ. Mùa xuân đã về với nhà giàn DK1, các đồng chí hãy yên tâm tư tưởng, vững tay súng canh biển, giữ nhà giàn bằng trái tim và ý chí kiên cường. Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và nhân dân cả nước chờ đón niềm tin, hoàn thành nhiệm vụ của các đồng chí”.
Sau khi quán triệt nhiệm vụ và chúc tết, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đêm giao thừa tết Tân Sửu, Bộ Tư lệnh Vùng sẽ phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình trực tiếp, kết nối với các cụm nhà giàn DK1, tàu trực trên biển với đất liền. “Đây là lần đầu tiên giữa nhà giàn DK1 được thực hiện cầu truyền hình trực tiếp đêm giao thừa, đất liền sẽ thấy không khí đón tết của cán bộ chiến sĩ DK1 giữa biển cả của đại dương”, Đại tá Tuấn thông tin.
Chuyện của những người lính biển
Trong cán bộ, chiến sĩ ra nhà giàn DK1 lần này có Trung sĩ Phạm Ngọc Khánh - chàng lính trẻ quê gốc Ninh Bình lần đầu tiên “vượt sóng” ra nhà giàn DK1 nhận nhiệm vụ.
Tôi hỏi “cảm xúc ra sao khi lần đầu tiên em đón tết xa đất liền, bố mẹ?”. Khánh bảo: “Em rất hồi hộp khi đi nhà giàn. Em cảm thấy tự hào. Cũng có chút nhớ nhà nhưng em sẽ cố gắng. Nhà giàn sẽ là nơi em thử sức và cống hiến tuổi trẻ của mình”.
Thiếu tá Nguyễn Văn Linh bịn rịn chia tay vợ con trước phút chia xa. |
Khánh cho biết thêm, cậu đi nhà giàn DK1 là muốn nối tiếp truyền thống gia đình. Bố Khánh - ông Phạm Văn Quang từng là chiến sĩ ở đảo Gạc Ma. Sau sự kiện “Trường Sa 1988”, ông về đất liền công tác ở Vùng 4 Hải quân, sau đó nghỉ hưu. Trước khi vào Hải quân, Khánh theo học Đại học Nha Trang năm nhất ngành Công nghệ thông tin. Khánh vào Hải quân, một mặt nối tiếp truyền thống gia đình, một mặt muốn rèn luyện bản thân để trưởng thành nơi gian khổ. “Em sẽ phấn đấu để trở thành sĩ quan phục vụ quân đội lâu dài. Bạn bè em bảo “bỏ đại học vào quân đội có thiệt thòi, chịu được gian khổ không?”. Em trả lời “Tuổi trẻ đẹp nhất là được cống hiến cho Tổ quốc. Nhất định em sẽ làm được”, Khánh chia sẻ.
Trong những người lính đợt này ra nhà giàn có một người con quê hương xứ Nghệ ở xã Diễn Hoàng huyện Diễn Châu (Nghệ An) Nguyễn Văn Linh là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, 6 mùa xuân tạm biệt vợ con đi nhà giàn đón tết, cũng là 6 lần Nguyễn Văn Linh không kìm được xúc động trước phút chia xa.
Niềm vui của chiến sĩ trẻ Phạm Ngọc Khánh được nối tiếp truyền thống gia đình. |
Trong đôi mắt rưng rưng của người lính biển, tôi nhìn thấy niềm tự hào chen lẫn nhớ thương vợ con trước khi tàu rời bến. Linh bảo, bố anh đã mất sớm, ở quê nhà còn mẹ. Lần nào đi biển vợ con anh cũng tiễn chân. Chia tay vợ con những khi tết đến xuân về, cảm xúc trong tim cứ dưng trào. “Tối qua em chở vợ con đi một vòng biển để chia tay. Con gái em hỏi bố đi lâu không? Em bảo tết sau cả gia đình mình sẽ đoàn viên. Vợ em mắt đỏ hoe, còn thằng út thì bám chặt vai áo tíu tít nói “con đợi bố về đấy nhá”. Đợt này em ra nhà giàn DK1/7. Nhiệm vụ của em là trắc thủ radar quan sát phát hiện mục tiêu trên biển. Em sẽ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Thêm một mùa xuân tiễn chồng đi biển, chị Nguyễn Thị Hằng bịn rịn trước lúc chia xa. Tôi hỏi “cảm xúc lúc này tiễn chồng đi biển khi tết đã cận kề?”. Chị Hằng bảo: “Làm vợ lính nhà giàn phải chấp nhận xa chồng là lẽ thường. Em sẽ làm hậu phương vững chắc để anh ấy yên tâm làm nhiệm vụ. Xuân này tạm cách xa, xuân sau cả gia đình sẽ đoàn viên anh ạ”. Chị Hằng nhìn vào mắt chồng, rồi nhìn ra biển để giấu giọt nước mắt chực trào ra.
Tạm biệt đất liền bằng tiếng hát lời ca. |
Chuyển mùa xuân xuống tàu đi DK1. |
Quang cảnh Lễ tiễn tàu. |
16 tuổi quân, lần thứ ba ra “pháo đài thép” ở phía “chân trời” làm nhiệm vụ khi tết Tân Sửu đã ùa về, trong tâm tư của người con xứ Nghệ, Thượng úy nhân viên cơ điện Hoàng Ngọc Sơn chen lẫn xúc động chia tay vợ con là niềm kiêu hãnh vô bờ. Anh bảo: “Đêm giao thừa sẽ rất nhớ đất liền, vợ, con bố mẹ ở đất liền nhưng nhiệm vụ của lính DK1 là giữ vững chủ quyền biển, đảo. Tôi cảm giác tự hào được canh biển của Tổ quốc cho nhân dân đón tết xuân này”.
Tạm biệt đất liền, hẹn xuân sau gặp lại. |