Đêm trắng của chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ ở Hòa Bình

Thứ Hai, 16/10/2017, 14:51
1 giờ 10 phút, ngày 12-10, bóng tối bao trùm các nóc nhà xóm Khanh. Bà con khép lại ngày cũ bằng giấc ngủ say. Con thác Khanh hiền hòa nơi cuối xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) bỗng gầm lên. “Ầm! Ầm!” - trong thoáng chốc, hàng ngàn mét khối đất, đá ập xuống. 18 người đang ngủ trong những ngôi nhà sàn thoáng chốc bị vùi lấp…

Thác Khanh không còn hiền hòa nữa, không còn là một điểm đến thơ mộng mà trai gái xứ Mường và các vùng lân cận vẫn đến đây để vẫy vùng bơi lội.

Xóm Mường ngày định mệnh

Nước. Nước rất nhiều. Nước chảy từ trên đỉnh núi xuống. Nước tràn qua nhiều đoạn đường trên quốc lộ 6, đoạn qua các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn… Ngay trong ngày 12-10, cũng trên tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Bắc này, nhiều đoạn, CSGT lập chốt, chặn các xe ôtô, đặc biệt là xe container. Được biết, trên quốc lộ 6, đoạn qua đèo Thung Khe nước vẫn ngập sâu hơn 1m, các phương tiện cơ giới không đi lại được. Người dân bản địa đã kết bè mảng để chở những người có việc gấp khi phải đi qua đây.

Lực lượng Công an, Bộ đội tích cực công tác tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích.

Từ quốc lộ 6, đoạn huyện Tân Lạc, Hòa Bình, chúng tôi tiếp tục rẽ vào con đường đầy bùn đất màu vàng để đến hiện trường vụ sạt lở núi rạng sáng 12-10. Tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới thấy sự thảm khốc của thảm họa này. Cả một quả đồi đổ ụp xuống, kéo theo hàng nghìn tấn đất đá trùm lên một góc xóm Khanh, nơi có khoảng 10 hộ dân sinh sống. Thác Khanh vẫn tung bọt trắng xóa…

Chỉ khác là, trước đây cụm thác Khanh với 3 thác nước đứng liền kề nhau, phía trước là thung lũng với những ruộng lúa bậc thang và những ngôi nhà sàn ẩn dưới những tán cây. Thì nay, phía trước thác Khanh là những khối đất đá khổng lồ, là tiếng máy xúc và hàng trăm con người đang nỗ lực đào bới…

Anh Phạm Văn Hoàng, 27 tuổi, nhà ở trung tâm huyện Tân Lạc thở dài: “Ngày thường thác Khanh đẹp lắm. Ngay dưới chân thác là dòng suối xanh, mát rượi. Cuối tuần, anh và nhóm bạn thường rủ nhau vào đây vui chơi, vùng vẫy trong làn nước mát. Thế mà…”.

Các cán bộ Công an, Bộ đội tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 9 bị vùi trong đất, đá.

Xóm Mường ngày định mệnh buồn não nề. Chỉ trong một đêm, 18 nhân mạng đã nằm sâu trong đống đất, đá. Đáng thương hơn nữa là trong số 4 hộ bị ngọn núi đổ sập vào nhà, thì 3 hộ không còn ai…

Bác Bùi Văn Vân, ở xóm Chao 1 (xã Phú Cường) đôi mắt cay xè nhìn về phía nhà của anh Đinh Công Sinh – một trong 18 nạn nhân bị vùi lấp đang được người thân chuẩn bị tang lễ chia sẻ: “Tôi sinh ra, lớn lên ở Phú Cường đến nay đã 47 năm rồi, nhưng chưa bao giờ thấy sự việc nào đau lòng như vậy. Chỉ trong tích tắc, 4 căn nhà với 18 người đã vĩnh viễn ra đi!”. 

Những ngày trước đó, mưa lớn kéo dài trên địa bàn xã Phú Cường nói riêng và huyện Tân Lạc nói chung. Con suối chạy qua các thôn, xóm ở Phú Cường nước cuộn chảy đục ngầu. Lo sợ sạt lở đất nên bác Trưởng xóm Bùi Văn Hức cùng anh Đinh Công Sinh – Phó Chi hội trưởng Chi Hội nông dân xóm Khanh đến các hộ gia đình trong xóm, nhất là đối với các hộ nằm dưới các quả đồi để tuyên truyền, vận động bà con cách phòng chống lũ ống, sạt lở đất, đá.

Tối 12-10, bác Hức cùng anh Sinh đến nhà anh Đinh Công Hơn và sau đó hai người có ngủ lại để đề phòng sạt lở xuất hiện còn phụ giúp gia đình vượt lũ. Nhưng ai có ngờ rằng, chính đêm đó lại là đêm định mệnh của bác Trưởng xóm, anh Sinh và gia đình anh Hơn…

Câu chuyện của những người lính cứu nạn cứu hộ

Khoảng 2 giờ sáng ngày 12-10, tiếng chuông phòng trực ban Công an huyện Tân Lạc đổ liên hồi. Từ đầu dây bên kia, thông tin báo, tại khu vực thác Khanh xảy ra vụ sạt lở núi khiến nhiều người dân bị vùi lấp. Cán bộ trực ban nhanh chóng báo cáo đồng chí Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng Công an huyện Tân Lạc.

Lập tức đồng chí Hải thông báo tới toàn thể anh em trong đơn vị, yêu cầu tập trung quân xuống hiện trường cứu người gặp nạn. 100 cán bộ chiến sĩ Công an huyện nhanh chóng có mặt tại hiện trường để phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an tỉnh, huyện sơ tán người dân; tìm kiếm các nạn nhân đang bị phủ lấp bởi đất, đá.

Phút ngơi nghỉ của các chiến sĩ cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ tại hiện trường vụ sạt lở đất.

Đại tá Trần Mạnh Hải cho hay, trong bóng tối bao trùm, dưới ánh đèn pin, cán bộ chiến sĩ Công an huyện xác định, nhiều ngôi nhà ở khu vực gần thác Khanh đã bị vùi lấp. Không chút chậm trễ, các anh khẩn trương tìm người mất tích, đưa hàng chục bà con sinh sống gần khu vực sạt lở đến nơi an toàn và tìm .

Có mặt tại hiện trường ngay sau khi vụ sạt lở xảy ra, Đại tá Trần Văn Hoàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình không giấu được sự xót thương trước cơn hoạn nạn mà bà con Phú Cường đang gặp phải. Với quyết tâm còn nước còn tát, nên dù không có phương tiện chuyên dụng, ngay trong đêm, các cán bộ chiến sĩ Công an huyện Tân Lạc, Công an tỉnh Hòa Bình sử dụng phương pháp thủ công: tay, cuốc, xẻng… để bới tìm người gặp nạn. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra sự việc phức tạp phát sinh, nhất là sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm được tập trung triển khai.

Tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến nỗ lực của lực lượng cứu hộ, cứu nạn (CNCH), đặc biệt là các chiến sĩ PCCC và CNCH. Được biết, ngoài lực lượng sở tại, ngay trong sáng sớm ngày 12-10, Đại tá Trần Trung Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC CNCH (Bộ Công an) đã cùng 20 cán bộ chiến sĩ của Cục và Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đem theo các phương tiện thiết bị chuyên dụng được đưa đến hiện trường.

Trên tay đang sử dụng chiếc camera dò tìm nhiệt âm, Trung tá Nguyễn Đình Dương, Đội trưởng Đội CNCH trung tâm, Phòng Cứu nạn cứu hộ - Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết, đây là thiết bị rất hữu ích trong việc tìm kiếm nạn nhân. Cùng với thiết bị thông minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cũng sử dụng chó nghiệp vụ vào việc tìm kiếm. Trong sáng 12-10, 8 thi thể nạn nhân đã được tìm thấy. Và đến khoảng 15 giờ, thi thể nạn nhân thứ 9 được lực lượng CNCH đưa ra ngoài.

15 giờ 30 phút ngày 12-10, hàng trăm cán bộ chiến sĩ Công an, Bộ đội thay phiên nhau tiếp cận hiện trường, tìm kiếm tung tích các nạn nhân. Bên dưới những tán lá cây, những lều bạt dã chiến, những người lính tranh thủ ăn vội bát cơm, thanh lương khô và ngả lưng chợp mắt trong giây lát.

Bắt gặp Hạ sĩ Vũ Ngọc Tú, Phòng Cảnh sát PC&CC tỉnh Hòa Bình bế chú chó đen về lán, chúng tôi vội hỏi chuyện. Chiến sỹ trẻ cho biết, đã phát hiện chú chó này đang nằm giữa khe của các tảng đá ở nơi cao nhất của điểm sạt lở nên leo lên ôm xuống. Chú chó nằm im trong tay người lính trẻ, run rẩy khi được đặt xuống đất và ăn ngấu nghiến hộp cơm nguội. Có lẽ, chú chó này đã may mắn hơn chủ của mình khi đã chạy thoát khỏi cơn địa chấn kinh hoàng.

Đến thời điểm hiện tại, khi công tác CNCH vẫn đang khẩn trương triển khai thì ở phía thác Khanh, nguy cơ sạt lở vẫn còn tiềm ẩn. Thế nên, bên cạnh nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích, việc đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia CNCH cũng được đặt ra. Mong rằng, với sự tham gia của hàng trăm cán bộ chiến sỹ, cùng sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại, những nạn nhân mất tích còn lại sẽ sớm được tìm thấy.

Sẻ chia nỗi đau nơi xóm nghèo   

Xóm Khanh là một xóm nghèo của xã Phú Cường. Bà con nơi đây chủ yếu là người dân tộc Mường, sống dựa vào chăn nuôi và trồng trọt. Trận lở núi vừa qua đã khiến xóm nghèo nơi đây chìm trong một màu tang thương, đau xót. Ngôi nhà của anh Đinh Công Sinh, Phó Chủ tịch Chi hội Nông dân xóm Khanh - một trong 18 nạn nhân bị thiệt mạng do đất đá vùi lên nằm trên triền con đồi dẫn vào khu vực sạt lở. Mọi người trong gia đình đang rầu rĩ, chuẩn bị lo hậu sự cho anh.

Đại diện chính quyền huyện Tân Lạc nhận tiền hỗ trợ gia đình các nạn nhân từ đoàn công tác Báo CAND và công ty CP đầu tư Văn Phú – Invest.

Ngoài sân, thầy Mo đang khấn lễ cầu cho linh hồn của anh Sinh sớm được siêu thoát, về với đất mẹ. Anh Đinh Công Sanh, em rể nạn nhân cùng người cháu họ Đinh Công Giang tất tả cùng người thân liên hệ nơi chôn cất anh Sinh. Anh Sanh bảo, sau khi lực lượng chức năng phát hiện và bàn giao thi thể anh Sinh cho gia đình, anh đã liên hệ với nghĩa trang của xóm nằm cách nhà anh Sinh chưa đến 1km.

Trong ngôi nhà vách gỗ, vợ anh Sinh cùng các con khóc nấc. Tiếng khóc như ai oán số phận. Nỗi đau này không nói thành lời. Trước những đau thương của gia đình anh Đinh Công Sanh, ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Văn Phú – Invest cùng Đại úy Cao Thị Hồng, Phó trưởng Ban Pháp luật – Bạn đọc, Báo CAND đã thăm hỏi, hỗ trợ 2 triệu đồng tới gia đình anh Sinh qua đó mong muốn gia đình sớm vượt qua khó khăn, đau thương, mất mát.

Ông Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết, huyện có 23 xã và một thị trấn. Phú Cường là một trong những địa bàn với hơn ¾ diện tích là đồi núi. Bà con dân tộc Mường chiếm đa phần. Trong số các trường hợp gặp nạn, có 3 hộ gia đình, tất cả các nhân khẩu đều bị chết và mất tích. Đáng chú ý, trong số các nạn nhân gặp nạn, có một cháu bé mới 3 tháng tuổi là con anh Đinh Công Huynh và một trường hợp là anh Nguyễn Hữu Bảo ở huyện Mộc Châu (Sơn La).

Thông qua Báo CAND, Văn Phú – Invest đã thăm hỏi, hỗ trợ tới thân nhân 18 người chết và mất tích mỗi trường hợp 2 triệu đồng và 4 gia đình có nhà hư hỏng nặng, mỗi gia đình 3 triệu đồng.

Đại diện cho các hộ gia đình có người thân gặp nạn cũng như có nhà bị hư hỏng nặng do sạt lở đất gây ra, ông Đinh Công Sứ đã tiếp nhận toàn bộ số tiền trên đồng thời bày tỏ sự cảm ơn tới tấm lòng hảo tâm của những người làm Báo CAND & Chuyên đề ANTG cũng như cán bộ, nhân viên Văn Phú - Invest. Và cũng tại hiện trường vụ sạt lở đất, đá, đại diện Văn Phú – Invest đã trao số tiền 2 triệu đồng tới Công an huyện Tân Lạc nhằm hỗ trợ các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ.

Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest hỗ trợ nạn nhân 50.000.000đ

Với “tinh thần tương thân tương ái”, ngay sau nhận được thông tin về vụ sạt lở đất nghiêm trọng, Đoàn công tác Xã hội – Từ thiện của Báo CAND đã cùng đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest có mặt tại hiện trường thăm hỏi, hỗ trợ người gặp nạn. 

Nhiều năm qua, Văn Phú – Invest luôn ý thức được trách nhiệm xã hội của mình và luôn đi đầu trong các hoạt động vì cộng đồng.

M.Hiền – T.Huy – T.Ngọc
.
.