Đi về phía Sa Mù

Thứ Ba, 09/02/2021, 10:09
Tháng 10-2020, miền Trung chìm trong thảm họa. Sạt lở và sạt lở. Nước mắt tràn từ Rào Trăng (Thừa Thiên-Huế) đến Hướng Việt, Hướng Phùng (Quảng Trị), từ Thác Voi (Quảng Bình) đến Trà Leng (Quảng Nam)... Đau thương quặn thắt đau thương! Giữa những ngày bão lũ điêu tàn ấy, đã có hàng vạn bước chân của các chiến sĩ CAND lên đường đi về phía đồng bào, đồng chí.

Ngày 17-10, núi rừng tây Quảng Trị chìm trong lũ lớn, nước từ đầu nguồn các dòng sông ào về, đất đá từ các đỉnh núi ập xuống. Thiếu úy Trương Văn Thắng, công an xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hy sinh trong khi tìm kiếm đồng bào bị mất tích. Vào thời điểm ấy, nơi Thắng gặp nạn đã bị cô lập hoàn toàn do các tuyến đường trên địa bàn hai xã Hướng Phùng, Hướng Việt, huyện Hướng Hóa liên tục xảy ra hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng. Em nằm lại giữa rừng, giữa mưa lũ bủa vây. Tôi cùng quê với Thắng, thôn Thọ Hạ, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Nghĩa đồng hương làm tôi quan tâm đến Thắng nhiều hơn. Mong ngóng trong bất lực, tôi vào Facebook của các đồng chí cán bộ chiến sĩ công an Quảng Trị. Đọc và không thể cầm lòng.

“Thắng! Về chưa? hay đang rong ruổi/ trên nắng gió đại ngàn/ đường đi rải vàng/ hoa dã quỳ chen lối/ Thắng! Bánh xe lăn vội/ qua đỉnh Sa Mù/ quanh năm mây phủ/ thoát trộ mưa chiều/ Em bé Vân Kiều/ bên đường e ấp/ dăm mụt măng mập/ nặng trĩu trên vai/ Thắng! Rong ruổi đường dài/ đường xa không ngại/ đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì/ lời thề còn mãi.../ Ai cũng chọn việc nhẹ/ gian khó dành phần ai/ những bản làng xa lắc/ mồ hôi đẫm trên vai/ Những rừng thiêng nước độc/ những đỉnh núi mây mờ/ bên nhà sàn khe khẽ/ tiếng tập đọc i tờ/ Thắng! Về chưa? Hay đang rong ruổi? Cơn lũ qua rồi/ Thắng! Về thôi...! (Facebook Bình minh chim hót).

Thắng hy sinh. Cả đơn vị lặng người. Ai cũng bàng hoàng, đau đáu nhìn về một hướng: Hướng Việt. Làm sao để đưa Thắng về nhà trong điều kiện thời tiết đang diễn ra ngày càng khốc liệt là câu hỏi cồn cào gan ruột mỗi người. Nickname Bi Anh’s vào lúc 4 giờ 3 phút sáng 20/10 viết: “Đồng chí ơi, đồng chí đừng ngủ nữa/ đứng dậy nào, về đơn vị cùng tôi/ anh “ngủ quên” đã được 3 ngày rồi/ về đi thôi, hôm nay anh trực đấy/ cuối năm rồi việc còn nhiều biết mấy/ Vợ anh mới lấy, con mới thôi nôi/ Lịch trực tết, lãnh đạo đã duyệt rồi/ Dậy đi thôi, tôi ra xe đợi trước/ Khi anh đi, đôi chân anh vững bước/ Khi anh về, đồng đội rước trang nghiêm/ Anh thất hứa: Một người con thảo hiền/ nhưng đã giữ cho “miềng” lời thề danh dự/ đường anh đi miền biên cương viễn xứ/ đường anh về đất đá phủ bao quanh/ có hề chi anh đã hứa bao lần: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ...”. Ngóng đợi và lay gọi. Cồn cào và hờn trách. Những dòng thơ của các chiến sĩ Công an Quảng Trị dành cho Thắng làm tôi nghẹn ngào (Chợt nhận ra đằng sau vẻ bề ngoài nghiêm nghị thường thấy, họ - những người mặc cảnh phục ẩn chứa bên trong một tâm hồn nhạy cảm và trái tim nồng ấm).

Ngày 18... Ngày 19... Mưa, vẫn mưa... Rất nhiều phương án được đưa ra. Tuy nhiên, con đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nối Hướng Phùng - Hướng Việt bình thường thơ mộng mơ màng thế, du dương uốn lượn thế, sau những trận lũ lớn trở nên khủng khiếp và đầy bất trắc. Đèo Sa Mù, thác Chênh Vênh, tôi từng muốn đến bởi tiếng tăm về phong cảnh nên thơ của con đường hoa dã quỳ vàng rực và những khúc quanh núi đèo hùng vĩ cũng đã bị băm nát. Không thể dùng máy bay trực thăng do mây mù dày đặc. Không thể đi ô tô do đường sá bị chia cắt khắp nơi. Tất cả đều vô vọng. Nhưng, dù thế nào cũng nhất định không để Thắng nằm dưới mưa to và gió rét thêm được nữa. Quyết định cuối cùng được đưa ra từ mệnh lệnh trái tim: Hành quân bộ đón Thắng trở về! Rất nhiều cánh tay giơ lên “Tôi phải đi...! Phải đi...!”. Đau, rất đau nhưng có lẽ trực tiếp vào đón em cảm giác sẽ dễ chịu hơn chờ đợi! Tổ công tác đặc biệt gồm 12 cán bộ chiến sĩ và một số người dân sống hai bên biên giới dẫn đường chia thành 3 tốp lên đường với nghĩa tình đồng đội, đồng bào cao cả. Facebook Yến Thanh khẩn cầu trước khi lên đường đi tìm Thắng: “Con xin thần linh, thần sông, thần suối, thần núi, các linh hồn phiêu bạt phù hộ cho chúng con hoàn thành tâm nguyện, đưa em về với đất mẹ...”.

Sở chỉ huy tiền phương công tác cứu nạn Công an Quảng Trị đặt tại xã Hướng Phùng với sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn. Hướng Phùng là địa danh mà mỗi khi nhắc đến, chúng ta luôn cảm thấy buốt nhói thương đau. Nơi ấy, chỉ sau mấy giờ đồng hồ khi Trương Văn Thắng gặp nạn đã xảy ra một trận lở núi kinh hoàng ngay trong đêm, vùi lấp doanh trại của Đoàn kinh tế quốc phòng 337, khiến 22 cán bộ chiến sĩ quân đội hy sinh. Không thể đi trực tiếp từ Hướng Phùng vào Hướng Việt, cán bộ chiến sĩ Công an Hướng Hóa, Quảng Trị phải làm một chuyến đi vòng lịch sử. Từ Hướng Phùng vượt qua 4 bản của đồng bào dân tộc Vân Kiều, vượt sông Sê Băng Hiêng và những dòng suối nước cuồn cuộn chảy, xuyên biên giới sang nước bạn Lào rồi tiếp tục ngược rừng trở lại Hướng Việt.

Chân trần, quần cộc, áo phao, họ hành quân, không cần biết trên đầu mưa sa, dưới chân nước cuốn, chỉ biết Thắng đang chờ mình giữa đại ngàn cách trở. Yêu thương quá nên dù khó khăn, nguy hiểm bủa vây, “bom nước”, “bom đá” treo lơ lửng trên đầu vẫn không thể khuất phục được họ. Khi đi, đi thật vội vã, để mau tìm thấy Thắng. Khi về, về thật khẩn trương để Thắng gặp lại gia đình và đơn vị càng sớm càng tốt. Bố Thắng ở Quảng Sơn đã vào. Huê và cu Ken - vợ con Thắng từ Triệu Phong đã lên. Đồng đội ở nhà đã tập trung hết ở đơn vị  rồi. Ai cũng ngóng Thắng  đến cháy ruột cháy gan Thắng ạ!

Tôi xem đi xem lại rất nhiều lần clip quay quãng đường đồng đội đưa Thắng về. Dốc cao và trơn trượt. Suối sâu và chảy xiết. Có những đoạn suối phải thòng cáp từ bên này sang bên kia để níu giữ. Có những dốc đứng, người đi trước phải có người đi sau kéo lại. Ngã lên. Ngã xuống. Bàn chân bong rộp tứa máu. Bắp cơ cứng căng chực vỡ tưởng chừng không thể lê bước. Nhưng, có đớn đau nào xót buốt bằng nỗi đớn đau trong tim? Cứ thế đi và đi. Nước mắt chát mặn. Nước mưa lạnh giá. Lặng lẽ thay phiên nhau đặt Thắng lên vai. “Dù thế nào cũng không được làm Thắng đau thêm nữa nhé!”. 

Và Thắng đã ấm êm ngủ trên vai đồng đội như thế để về nhà. Lời thì thầm đẫm nước mắt của một người anh cùng đơn vị với Thắng: “Vậy là em đã về với đơn vị, về với gia đình. Buồn lắm, xót thương lắm Thắng ơi. Em vừa đi qua đơn vị lần cuối đó..., em biết không?”.  Có ai đủ lạnh lùng để không quay mặt đi nơi khác quệt vội dòng nước mắt đã chảy tràn trên mặt khi đọc những dòng tiễn biệt này?

Ngày 5-12, đúng ngày lễ chung thất 49 ngày của Thắng, Kim Huê - vợ em đăng dòng trạng thái trên Zalo “Đã ngừng đập một trái tim ấm... Nhớ da diết!”. Thương em, tôi gọi điện hỏi thăm. Huê có bình tĩnh hơn một chút “Mẹ con em ổn, chị ạ. Bữa chừ, các chú các bác, các o rồi mấy anh mấy chị trong đơn vị anh Thắng luôn ở bên mẹ con em mà chị. Em cảm ơn tất cả! Cảm ơn mấy chú, mấy anh đi tìm anh Thắng về cho mẹ con em...!”. Lúc nào cũng vậy, chỉ sau mấy câu là Huê nghẹn giọng. Huê đau và nhớ! Làm sao không nhớ! Mà không chỉ mình Huê nhớ thôi đâu, Thắng ạ. Đồng chí, đồng đội và cả đồng bào Hướng Việt nhớ thương Thắng lắm đấy. Nhớ thương chú công an hiền như đất mà nhiệt tình thì không ai bằng. Ai cũng nhìn phía Sa Mù và nghĩ: Thắng đang vi vu đâu đó trên những cung đường về với nhân dân.

Mùa xuân này, đèo Sa Mù có thêm một vầng mây trắng!

Trương Thu Hiền
.
.