Điểm mặt "cò đất" vùng ven
1. Vi, một người mẹ đơn thân, vốn là thợ may. Tay nghề của chị rất khéo. Một thời cửa hàng may đo của chị ở quận 10, thành phố Hồ Chí Minh rất đông khách. Nhưng từ khi quần áo may sẵn (chủ yếu quần áo Trung Quốc) tràn ngập thị trường thì nghề may của chị gần như thất nghiệp.
Không việc làm, không nhà cửa, chị bồng bế con xuống xã Bà Điểm, Hóc Môn, thuê trọ và ráp đồ cho các cơ sở may hàng chợ. Tình cờ một chủ hàng hỏi thăm, khu vực chị ở có ai bán đất, nhà không chỉ giúp để mở cơ sở may. Vi ậm ờ cho xong nhưng lại tình cờ, về thấy gần nhà có treo bảng bán đất, chị bèn lần hỏi. Chủ đất nói nếu bán được sẽ chi cho chị tiền hoa hồng.
Vi liền thông báo cho chủ hàng và mấy hôm sau một cuộc giao dịch diễn ra, chủ đất sau khi nhận được tiền cọc liền chi ngay cho Vi khoản tiền hoa hồng như đã hứa. Chủ đất còn khen Vi có duyên giới thiệu vì rao bán đã lâu, nhiều người tới xem đất nhưng chẳng có ai mua. Họ xúi cô đi làm cò đất.
"Nghiệp" cò của Vi bắt đầu từ đó. Chỉ trong khoảng 10 năm, từ hai bàn tay trắng Vi đã có 2 căn nhà. Căn nhà thuê trọ ngày nào nay đã thuộc quyền sở hữu của Vi. Chị không còn ráp đồ thuê và căn nhà giờ trở thành cửa hàng tạp hóa và nơi giao dịch bất động sản. Vi đã là "siêu cò vùng ven".
Một khách hàng cho biết: “Giữa lúc thị trường bất động sản khu vực huyện Hóc Môn, Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh lên cơn sốt ảo, do có tin đồn huyện Hóc Môn lên quận, chúng tôi tranh thủ "lướt sóng" một căn nhà. Khi cơn sốt "hạ nhiệt", muốn nhanh chóng thu hồi vốn, chúng tôi nhờ Vi bán giúp. Vi nhận lời nhưng... để đó.
Một buổi giao dịch của một người làm “cò đất” vùng ven. |
Gọi cũng chẳng thèm bắt máy, xuống đến nơi thì nói không có người mua. Sốt ruột, chúng tôi nhờ một cò khác. Khi có người mua, chuẩn bị đặt cọc, thì "siêu cò vùng ven" bất ngờ xuất hiện, ngăn chặn cuộc giao dịch của chúng tôi. Thì ra "tai mắt" của "siêu cò" có mặt khắp địa bàn. Và tất nhiên cuộc giao dịch của chúng tôi không thành.
Hôm sau Vi gọi báo có người muốn mua căn nhà. Giá cả Vi tự quyết, phần trăm Vi tự chia, thủ tục giấy tờ... hai bên tự giải quyết. Hợp đồng đặt cọc giữa chúng tôi và khách mua nhà được viết tại nhà Vi. Hoàn tất thủ tục "siêu cò" cắt phần trăm ngay tắp lự. "Lần sau muốn mua bán gì nhớ qua tui nhé!", Vi dặn mà như đe dọa.
Một lần Vi dẫn người quen của chúng tôi tới mua một căn nhà không giấy tờ, nhưng đã được chính quyền địa phương cấp số nhà, với giá 730 triệu đồng. Người bạn đặt cọc 50 triệu. Chẳng chờ khách đi, Vi cắt ngay 10 triệu tiền cò. Chủ nhà cứ ngẩn người ra.
Ngay sau đó "siêu cò" dẫn chủ nhà trên tới đặt cọc mảnh đất khác. Hành vi cắt tiền cò của "siêu cò" được lặp lại. Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ "siêu cò" đã có 20 triệu đồng. Nhẩm tính, một ngày chỉ cần một cuộc giao dịch thành công, thu nhập của Vi chắc cũng không hề nhỏ.
Ăn đứt các "cò truyền thống", cò ở khu vực nông thôn, cò lớn tuổi... thế hệ cò 9x biết tận dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm, vừa đông khách, hàng luân chuyển cũng nhanh hơn.
Long, sinh năm 1992, quê Thanh Hóa, là thợ điện lạnh, vào Nam kiếm việc làm, nhưng: "Nghề chọn người chứ người đâu có chọn được nghề. Xin việc không được, em quay qua mở quán cà phê, nhưng chẳng trụ được, vốn đi đằng vốn, người đi đằng người.
Một người quen rủ em đi làm môi giới nhà đất. Không có chút kiến thức gì về lĩnh vực này, suốt 7 tháng trời chạy khắp các hang cùng ngõ hẻm mà chẳng bán được miếng đất nào, chán quá định bỏ ngang thì một ngày cuối năm, em giới thiệu cho khách được miếng đất, chủ đất cho 12 triệu, thế là có tiền về quê ăn tết. Và rồi em "bén duyên" với nghề từ đó, cũng được 5 năm rồi anh chị ạ!", Long chia sẻ.
Địa bàn hoạt động của cậu chàng ở quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Long có tài thuyết phục người khác. Tuổi trẻ, thế mạnh của cậu là biết sử dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm. Hơn nữa cậu còn biết lấy lòng khách và giữ khách. Cậu sẵn sàng "ăn ít", bớt phần trăm môi giới của mình cho khách để... làm quen. Với khách hàng chuyên đầu tư thì như vậy cậu lợi cả đôi đường.
2. Ở đâu, khu vực nào giá nhà đất có biến động thì y rằng người ta nói là do các cò tung tin làm giá, khiến giá bất động sản tăng cao.
Đỉnh điểm của sự bát nháo là sau khi có thông tin Thủ tướng Chính phủ đã chính thức chấp thuận chủ trương xây cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với TP. Hồ Chí Minh cùng tin đồn 2 xã Phú Hữu và Đại Phước của huyện Nhơn Trạch sẽ được sáp nhập vào một quận của TP Hồ Chí Minh và có một tập đoàn lớn bỏ tiền ra đầu tư vào khu vực này khiến bất động sản "tan băng", giá đất ở đây đã tăng vọt, từ 50% - 100%.
Nhiều người đổ về Nhơn Trạch tranh thủ "lướt sóng". Kẻ mua lắm, người bán cũng nhiều khiến không khí nhộn nhịp hẳn lên. Góp phần không nhỏ vào không khí nhộn nhịp ấy là những những người môi giới, đủ mọi thành phần, gọi chung là "đàn cò". Thông qua "tiếng hót" của đàn cò ấy, giá đất tăng chóng mặt từng ngày. Các cò liên kết với nhau tạo thành một "thế trận", chỉ cần ai nhẹ dạ một chút là sập bẫy. Rất nhiều người đã bị "say sóng" bởi "chiếc bánh vẽ" của "liên quân cò". Tuy nhiên, khi chiếc "bánh vẽ" quá nhỏ không đủ chia phần thì "bầy cò" lại quay ra "mổ" nhau do tranh giành khách.
“Cò” Trâm ngụ quận 2 kể, chẳng là có một căn nhà mà chủ nhờ nhiều người giới thiệu. Một sáng chủ nhật, nhiều cò dẫn khách tới xem nhà, thấy vậy chủ nhà hét giá cao hơn ban đầu, cho rằng “cò” Trâm muốn hớt tay trên của mình nên hằn học, vừa ra khỏi căn nhà trên thì một cò chặn đường chửi bới và định hành hung chị. Rất may có nhiều người can ngăn và chủ nhà đứng ra giải thích cò kia mới bớt giận, nhưng xem chừng vẫn còn rất hằn học.
Một điểm chung ở những người làm nghề môi giới bất động sản là họ rất rành về việc làm thủ tục, giấy tờ mua bán, sang nhượng. Từ công chứng cho tới thủ tục vay mượn, thế chấp ngân hàng, họ đều có thể tư vấn cho khách. Nhà cửa, đất đai chưa có (hoặc không có, nếu không xảy ra tranh chấp) họ vẫn đảm bảo cho khách khi mua - lập vi bằng (bằng chứng nếu xảy ra tranh chấp), những lúc như vậy người mua nên thận trọng, nếu không muốn "mua dây buộc mình".