Đỗ xe ở Hà Nội - Chuyện không nhỏ: Xây dựng “văn hóa đỗ xe”

Thứ Năm, 11/07/2019, 13:36
Không chỉ dừng lại ở những lời nói, một số người dân khi thấy chướng mắt, bực tức vì bị chủ xe đỗ chắn mất đường đi hoặc chiếm mất chỗ đỗ đã có nhiều hành động thiếu kiềm chế, hủy hoại tài sản của người khác, thậm chí còn gây ra những cuộc hỗn chiến, để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

Trong khi cơ sở hạ tầng chưa kịp phát triển tương ứng với tốc độ tăng số lượng phương tiện thì có lẽ ngay từ bây giờ mọi người cần phải chung một quyết tâm xây dựng văn hóa đỗ xe...

Cái xe có tội tình gì?

Theo thống kê của một số admin thuộc một diễn đàn chuyên về xe ô tô thì nạn đập phá xe do bức xúc vì bị chắn mất lối đi hoặc do tranh chấp chỗ đỗ đã diễn ra từ nhiều năm trước. Song, thời gian khoảng 2-3 năm trở lại đây, do số lượng xe ngày một tăng mà cơ sở hạ tầng cho phương tiện này lại không tăng tương xứng, dẫn đến ngày càng xuất hiện nhiều vụ việc người dân “tự xử” xe ô tô đỗ không đúng chỗ bằng biện pháp bạo lực.

Còn nhớ vụ việc gây xôn xao dư luận vào tháng 7-2017, tại khu vực đối diện Fivimart trên đường Trúc Khê (phường Láng Hạ, quận Đống Đa). Chiếc ôtô mang nhãn hiệu Toyota Innova đã bị một người đàn ông đập vỡ kính trước và hai chiếc gương. Nguyên nhân được cho là vào thời điểm trên, tài xế chiếc ô tô Range Rover điều khiển xe về đến nhà nhưng không vào được vì bị chiếc Innova đỗ chắn cửa nên chủ nhà đã ra tay đập phá chiếc xe lạ.

Hành vi xịt sơn, đập phá xe có thể bị xử lý hình sự.

Đặc biệt, vụ án xảy ra trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) một năm về trước là lời “cảnh tỉnh” cho những ai có ý định hủy hoại tài sản của người khác. Theo tài liệu từ cơ quan Công an, tối 27-6-2018 anh Nguyễn Minh Vượng (trú tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đỗ xe Mazda3 mang BKS 30F-250.54 tại khu vực B9, phố Đầm Trấu (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã bị hàng chục đối tượng lạ mặt cầm gậy golf đập phá khiến chiếc xe bị hư hỏng nặng. Chiếc xe còn rất mới, anh Vượng vừa mua được khoảng 4 ngày.

Sau khi xảy ra sự việc, anh Vượng đã đến Công an phường Bạch Đằng trình báo sự việc. Bị hại cho hay, camera an ninh đã ghi lại hình ảnh một số người trong nhóm đối tượng trên. Công an phường Bạch Đằng đã phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng vào cuộc điều tra làm rõ.

Kết quả định giá giá trị tài sản bị thiệt hại của chiếc Mazda3 là 64,288 triệu đồng. Hành vi của nhóm đối tượng đập phá chiếc ô tô Mazda3 của anh Vượng có dấu hiệu phạm tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 và có khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù giam. Cơ quan CSĐT Công an quận Hai Bà Trưng đã khởi tố vụ án hình sự.

Một vụ việc khác, vào tháng 10-2018 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự đối với vụ việc cào xước xe xảy ra trên địa bàn phường Yên Sở.

Theo chị Nguyễn Thị N. (trú tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tối 28-9 chị phát hiện chiếc xe ô tô Camry đỗ trước cửa nhà có nhiều vết xước quanh thân xe. Kiểm tra camera an ninh gần đó thì phát hiện một người phụ nữ ăn mặc sang trọng đã đi vòng quanh chiếc ô tô này rồi vội vàng rời đi.

Clip ghi lại hình ảnh một chiếc xe bị đập phá trên phố Trúc Khê.

Đáng chú ý, chị N. cho rằng, người phụ nữ xuất hiện trong hình ảnh camera an ninh ghi nhận được chính là người ngồi ở ghế phụ xe ô tô đi ngược chiều vào đường cấm, đối đầu với xe của chị, rồi nảy sinh xích mích. Sau đó, người phụ nữ này đã ngồi sau một chiếc xe máy bám theo rồi lén cào xước xe ô tô của chị N. Để khắc phục các vết xước và sơn lại xe ô tô, chị N. sẽ phải bỏ ra số tiền ước tính khoảng 24 triệu đồng - theo báo giá của nhân viên hãng Toyota.

Một vụ việc khác, xảy ra vào cuối tháng 2-2019 mà sau đó đối tượng có hành vi hủy hoại tài sản đã phải nhờ người thân xin lỗi và tiến hành hòa giải. Anh Ngô Minh Quân (SN 1991, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) kể lại. Trưa 24-2, anh đỗ xe ô tô sát bên phải ở ngõ số 2 phố Nguyên Hồng - điểm giáp ranh giữa phường Thành Công và Láng Hạ (quận Đống Đa) để cất đồ đạc vào nhà trong khoảng thời gian 15 phút.

Khi quay ra để cất xe vào bãi, anh Quân phát hiện dọc thân xe xuất hiện nhiều vết xước, nghi do vật sắc nhọn gây ra. Kiểm tra camera an ninh gần nơi đỗ xe, anh Quân nhìn thấy một cụ ông tóc bạc đi đổ rác ngang qua đó. Đáng chú ý, khi tiến lại gần chiếc xe, tay trái của cụ ông có hành động chạm vào xe ô tô. Động tác này tiếp tục lặp lại khi cụ ông quay trở về.

Cũng theo anh Quân, cụ ông tóc bạc xuất hiện trong clip là công dân trú tại địa phương và gia đình này có sở hữu một chiếc xe ô tô. Anh Quân đã làm đơn trình báo cơ quan chức năng, yêu cầu làm rõ vụ việc, bảo vệ tài sản của gia đình.

Ít ngày sau, khi cơ quan điều tra tiến hành thực nghiệm hiện trường, hoàn tất thủ tục tố cáo ở trụ sở công an phường thì người nhà của “thủ phạm” mới xuất hiện. Danh tính của cụ ông được làm rõ là L.N., gần 70 tuổi, trú tại ngõ 2 Nguyên Hồng. Người nhà của ông N. thừa nhận hành vi của ông N. và xin được hòa giải, bồi thường hậu quả, khắc phục thiệt hại. Họ cũng nói lý do bố mình hành động như vậy vì bức xúc về chuyện nhiều người đỗ xe ở vị trí đó. Gia đình anh Quân đã chấp nhận lời xin lỗi và đồng ý hòa giải.

Xảy ra xô xát chỉ vì tranh chấp chỗ đỗ xe.

Cũng do tranh chấp chỗ đỗ, hai lái xe Nguyễn Quốc Toản (SN 1968) và Phương Kim Chiến (SN 1976), cùng trú tại xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, đã phải trả giá đắt cho hành vi của mình.

Trước đó, do tranh chấp chỗ đỗ xe tại khu vực quán nước ở gầm cầu vượt Quốc lộ 5A, thuộc địa phận thôn Lê Xá (xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng) Toản và Chiến đã dùng điếu cày, gậy kim loại đánh nhau. Hậu quả, Toản bị gãy xương trụ cẳng tay trái và rách da vùng đỉnh đầu, mức độ tổn hại sức khỏe 14%. Còn Chiến bị thương tích gãy xương tay trái, mức độ tổn hại sức khỏe 12%. Hai tài xế sau đó bị khởi tố điều tra và cùng lĩnh mức án 26 tháng tù giam.

“Tự xử” là vi phạm pháp luật

Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đang “bùng nổ” các loại phương tiện cá nhân, trong đó có xe ô tô. Và chính vì sự phát triển không đồng bộ giữa lượng phương tiện đi lại với cơ sở hạ tầng đã dẫn tới quá tải mạng lưới giao thông tĩnh trong khu vực nội đô.

Bên cạnh đó, phải kể tới nhiều chủ xe ô tô còn thiếu ý thức, “tiện đâu đậu đó”, gây ảnh hưởng giao thông, đã gây ra không ít bức xúc cho người dân. Có nhiều chủ xe vô duyên tới mức đậu xe chắn ngang cửa, lối ngõ khiến người ra không được, vào không xong, nhất là với các địa điểm không có vỉa hè hoặc vỉa hè quá chật. Cũng không ít lần chúng tôi chứng kiến các chủ xe bỏ qua biển cấm dừng đỗ của cơ quan chức năng, không quan tâm việc mình làm là vi phạm pháp luật.

Chính sự tùy tiện, thiếu hợp tác của các tài xế đã gây ra xung đột giữa chủ xe với chủ nhà, chủ cửa hàng mặt đường tại điểm đỗ xe. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những vụ trả đũa “dở khóc dở cười”, thậm chí còn xâm phạm nghiêm trọng đến tài sản của người khác.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trong không ít vụ việc, dù con phố không có biển cấm dừng đỗ, vỉa hè rộng, phố thoáng đãng, tài xế được phép đỗ xe nhưng nhiều chiếc xe vẫn bị xử oan bởi tâm lý độc quyền vỉa hè, không gian trước cửa nhà đang đẩy câu chuyện đỗ xe sang chiều hướng thiếu văn hóa. Đánh giá về những trường hợp này, nhiều người cho rằng do xuất phát từ tâm lý ích kỉ, động cơ đê hèn muốn phá hủy tài sản của người khác. Và các hành vi này cần phải bị nghiêm trị.

Chiếc Madza3 mới mua được 4 ngày của anh Vượng bị đập phá.

Theo luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội), trong câu chuyện đỗ xe nơi công cộng thì việc cần nhất là phải tuyên truyền, nâng cao ý thức của cả chủ xe lẫn người dân. “Hãy đặt vị trí mình là chủ nhà, có xe ô tô, hoặc có mặt tiền để kinh doanh mà luôn bị các xe khác chắn ngang, không cho xe ra hoặc chắn mất không gian buôn bán thì sẽ hiểu được sự tức giận của họ. Ngay bản thân tôi cũng nhiều lần phải ngồi ngoài cửa chờ cả giờ đồng hồ mới đưa được xe vào trong nhà” - luật sư Ứng bày tỏ.

Mặc dù vậy, chủ nhà, chủ cửa hàng... cũng không thể vì bức xúc mà có những hành vi phá hoại tài sản của người khác. Không thể lấy cái sai của người khác để biện minh cho cái sai của mình. Bên cạnh công tác sát hạch lái xe, cần xây dựng một “văn hóa” lái xe nói chung, văn hóa đỗ xe nói riêng. Và việc này có thể bắt đầu một cách đơn giản như không đỗ xe bừa bãi, để lại số điện thoại trên xe...

Theo luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) các hành vi như đốt xe, phun sơn, cào xước xe ô tô, đập kính, phá gương, chọc thủng lốp hay các hành vi phá hoại xe ô tô của người khác thì tùy vào mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự và phải bồi thường dân sự.

Cụ thể, nếu giám định thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp tại khoản 1, Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình. Theo đó, họ có thể bị phạt tiền lên tới 5 triệu đồng về hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”.

Nếu thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp tại khoản 1, Điều 178 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt cho tội này là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm... kịch khung là đến 20 năm.

Minh Tiến - Minh Trí
.
.