Doanh nghiệp nợ bảo hiểm bị đề nghị xử lý hình sự

Thứ Năm, 27/06/2019, 14:10
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có thực trạng một số chủ sử dụng lao động cố tình không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động hoặc chỉ tham gia cầm chừng mang tính đối phó, một số đơn vị khác cố tình chiếm dụng, không trích đóng, để nợ đọng bảo hiểm số tiền lớn, thời gian kéo dài…

6 tháng đầu năm 2019, Bảo hiểm xã hội TP  Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ đến Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị xử lý hình sự nhiều trường hợp có dấu hiệu lạm dụng quỹ Bảo hiểm y tế; xem xét xử lý hình sự đối với 10 đơn vị…

Hơn 3 nghìn tỷ đồng nợ bảo hiểm

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, BHXH TP Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ đến Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị xử lý các trường hợp có dấu hiệu lạm dụng quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với 29 trường hợp tham gia BHYT hộ gia đình tại Gò Vấp; 3 trường hợp khám chữa bệnh tại Bệnh viện Quận 2; xem xét xử lý hình sự 10 đơn vị đã được BHXH thành phố thanh tra chuyên ngành năm 2018 nhưng vẫn chưa khắc phục quyết định xử phạt, kết luận thanh tra, tiếp tục nợ quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Một số công nhân Công ty TNHH Nam Phương ngừng việc, tập trung đòi quyền lợi BHXH vào tháng 1-2018.

Tính từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh còn nợ BHXH, BHYT, BHTN hơn 3.254 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 345 tỷ đồng nợ khó thu. Số nợ bảo hiểm này tuy có giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn còn cao hơn bình quân chung toàn quốc. 

Trước đó vào tháng 4 vừa qua, BHXH TP Hồ Chí Minh đã "bêu tên" hàng loạt doanh nghiệp vì có dấu hiệu vi phạm Điều 216 Bộ luật Hình sự nhằm bảo vệ quyền lợi bảo hiểm cho người lao động trên địa bàn… do các doanh nghiệp này nợ bảo hiểm trong thời gian dài với số tiền hàng chục tỷ đồng. 

Trong đó, có thể kể như Công ty TNHH Nam Phương nợ hơn 28 tỷ đồng; Công ty CP Mai Linh Miền Nam, Công ty CP DV Bưu chính Viễn thông Sài Gòn, cùng nợ hơn 27 tỷ đồng. Các công ty như Công ty CP Vận tải Dầu khí Việt Nam, Công ty CP Xây dựng Công nghiệp (Descon), Công ty TNHH Vinh Thùy, Công ty TNHH Dệt Kim Fenix (Việt Nam) nợ BHXH từ 9 đến 12 tỷ đồng...

Nếu chỉ tính đến hết tháng 4-2019, vẫn còn 763 doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh nợ đóng BHXH, BHYT trên 6 tháng với số tiền nợ trên 300 triệu đồng mỗi doanh nghiệp. Tổng số nợ BHXH, BHYT mà 763 doanh nghiệp này nợ lên tới hơn 980 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Mến cho rằng việc chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người lao động. 

Tuy nhiên, sau khi BHXH TP Hồ Chí Minh chính thức có văn bản đề nghị Công an vào cuộc xử lý, nhiều doanh nghiệp đã truy nộp bảo hiểm cho người lao động, trong đó 3 doanh nghiệp khắc phục cao nhất với tổng số tiền đến nay hơn 13 tỷ đồng như: Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Hà Nam truy nộp 276 triệu đồng (toàn bộ số nợ); Công ty Cổ phần Sản xuất giày Thượng Thăng truy nộp 12,3 tỷ đồng (còn 1 tháng); Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng kinh doanh nhà Thái Sơn truy nộp hơn 1 tỷ đồng (gần một nửa)…

Hàng chục doanh nghiệp bị xem xét xử lý hình sự

Vụ việc đầu tiên một chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHTN cho người lao động tại TP Hồ Chí Minh bị đề nghị điều tra xử lý hình sự là Công ty TNHH Nam Phương (ở lô B2 - 9 KCN Tây Bắc huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), nợ tiền BHXH lên đến hơn 28 tỷ đồng kéo dài trong 4 năm. Công ty này chuyên may mặc, 100% vốn Hàn Quốc, người đại diện pháp luật là người Hàn Quốc. 

Ngày 26-1-2018, BHXH TP Hồ Chí Minh đã ban hành kết luận thanh tra số 296/KL-BHXH. Theo kết quả thanh tra, Công ty TNHH Nam Phương đã để nợ đọng quỹ BHXH, BHYT từ tháng 9-2015 đến hết tháng 11-2017 hơn 28,5 tỷ đồng, trong tháng 12-2017 công ty mới chỉ khắc phục được số tiền hơn 2,9 tỷ đồng… 

Căn cứ vào các quy định tại Điểm c Khoản 3 và Điểm c Khoản 5 Điều 216 của Bộ luật Hình sự, BHXH TP Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét điều tra xử lý hình sự theo quy định. Tuy nhiên, đến nay vì nhiều lý do vẫn chưa thể xử lý được chủ doanh nghiệp này.

Trên cả nước, BHXH Việt Nam mới đây cũng cho biết trong quý 1-2019 đã chuyển hồ sơ của 162 doanh nghiệp nợ BHXH lớn và kéo dài sang cơ quan Công an để xử lý hình sự. Tuy nhiên, tới nay chưa khởi tố được doanh nghiệp nào do vướng mắc trong quy trình triển khai.

Để hạn chế nợ, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp, yêu cầu cán bộ bám sát đơn vị, đôn đốc đóng nộp đầy đủ, thực hiện việc thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên mà phần mềm thu đã tự động cảnh báo. 

Các đợt thanh tra sẽ có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến các cơ quan Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Liên đoàn lao động... làm căn cứ xử lý hình sự. Trong trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, BHXH Việt Nam tiếp tục kiến nghị cơ quan Công an điều tra, khởi tố theo quy định, hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm trong việc đóng BHXH với cơ quan Công an.

Theo ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng Ban thu, BHXH Việt Nam, trong số doanh nghiệp nợ BHXH, tỷ lệ các đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn khá cao. Nhiều đơn vị còn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động sử dụng vào mục đích khác.

Liên quan đến tình trạng các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận bảo hiểm ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, cuối tháng 5 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã họp và cho ý kiến đối với các dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó có Nghị quyết hướng dẫn áp dụng các tội liên quan đến bảo hiểm.

Ánh Xuân
.
.