Đừng đánh đổi tính mạng vì làm đẹp
Nhiều người hẳn còn nhớ vụ án chấn động xã hội cách đây vài năm ở thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội), bệnh nhân được gây mê hút 11 ống mỡ từ vùng bụng để bơm vào ngực, không lâu sau đó tử vong, bác sĩ hoảng sợ đã vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng phi tang.
Tử vong vì hút mỡ bụng
Một tuần sau sự cố tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện An Việt (đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến nữ bệnh nhân tử vong, thông tin mới được hé lộ.
Ngày 6-4, chị Đỗ N.A. (25 tuổi, ở Phú Thọ) đến Bệnh viện An Việt để hút mỡ bụng. Chị A. lấy chồng và sinh sống, làm việc trong lĩnh vực làm đẹp ở Nhật Bản, đã có một con 16 tháng tuổi. Đầu tháng 4-2019, chị A. về Việt Nam và có ý định hút mỡ bụng. Tuy nhiên, khi bác sĩ mới tiêm thuốc gây mê, chị A. có biểu hiện khó thở, tụt huyết áp, trụy tim rồi hôn mê. Chị được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu ngay trong đêm.
Gần 1 tuần sau, ngày 12-4, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, chị A. được chuyển tới viện trong tình trạng hôn mê sâu, đang phải hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Các xét nghiệm và hình ảnh chụp chiếu cho thấy, chị A. bị thiếu mãu não, phù não. Mặc dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa, song do bệnh quá nặng, chị A. đã tử vong lúc 15h30 ngày 10-4.
Nhiều nguy cơ biến chứng do làm đẹp. |
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bệnh nhân Đỗ N.A. vào Bệnh viện An Việt để tạo hình thành bụng và sau khi gây tê tủy sống, bệnh nhân có biểu hiện bất thường. Nghi ngờ bệnh nhân bị sốc phản vệ, Bệnh viện An Việt đã cấp cứu và chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong ngày 10-4. Bước đầu Sở Y tế cho rằng, bệnh nhân tử vong là nghi sốc phản vệ.
Hút mỡ bụng là một phẫu thuật phải gây mê nên chỉ được tiến hành ở những bệnh viện được cấp phép nhưng thời gian qua, có một số cơ sở không đủ điều kiện vẫn liều lĩnh hút mỡ “chui”. Khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Quân đội 108 từng tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lở loét thành bụng, hoại tử da. Khi được hỏi thì bệnh nhân cho biết đến một cơ sở làm đẹp để hút mỡ bụng. Các bác sĩ đã phải tiến hành cắt bỏ các tổ chức bị hoại tử, tiến hành vá da, trường hợp này chắc chắn sẽ để lại sẹo xấu và biến dạng thành bụng.
Biến dạng thành bụng, thậm chí là mất mạng vì hút mỡ bụng đã xảy ra nhưng nhiều chị em vẫn “điếc không sợ súng”, vẫn chọn những nơi thực hiện “chui” để giao phó tính mạng với mong muốn được đẹp một cách thần tốc.
Trở lại vụ việc cô gái 25 tuổi mất mạng khi đi hút mỡ bụng ở Bệnh viện An Việt, Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện này để phục vụ công tác điều tra. Toàn bộ giấy tờ, giấy phép cũng như cơ sở vật chất liên quan đến hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ của Bệnh viện An Việt đã được Cơ quan công an niêm phong để làm sáng tỏ sự việc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân gây ra cái chết cho chị N.A.
Bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt Bệnh viện E cấp cứu cho cô gái 19 tuổi bị chảy máu không ngừng sau khi cắt mí mắt tại spa. |
Trào lưu làm đẹp không nghĩ đến hậu quả
Phẫu thuật thẩm mỹ luôn “hot” khi công nghệ làm đẹp ngày càng được quảng cáo với nhiều chiêu trò hấp dẫn, biến xấu thành đẹp, kéo dài tuổi xuân... Không chỉ quảng cáo “bốc trời” mà ở nhiều nơi còn thực hiện nâng ngực, nâng mũi, xóa nếp nhăn, tạo cằm V- line, nâng mũi, môi trái tim... bằng chất làm đầy trôi nổi.
Có những khuôn mặt sau khi phẫu thuật thẩm mỹ bị biến dạng, hoặc tạo cằm V-line đã khiến nhiều cô gái na ná giống nhau. Hậu quả đã khiến nhiều người phải ân hận khi gặp biến chứng, biến dạng. Hai biến chứng thường gặp nhất là nâng ngực và tiêm chất làm đầy để nâng mũi. Có nhiều người đã phải trả giá đắt bằng tính mạng và mù lòa.
TS. BS Vũ Thái Hà, Trưởng Khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, cách đây không lâu khoa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 27 tuổi bị tắc động mạch mắt sau khi tiêm filler (hay chất làm đầy) làm đầu mũi ngày thứ 7. Bệnh nhân tiêm filler tại một cơ sở spa ở Đài Loan tạo hình mũi bằng kim nhọn. Ngay sau tiêm, bệnh nhân mất thị lực mắt phải và đau nửa đầu phải. Bệnh nhân đã không được xử trí đúng và kịp thời, về Việt Nam sau 7 ngày tiêm.
Theo TS. BS Vũ Thái Hà, trường hợp này đến viện quá trễ để xử lý, khó có thể giữ mắt phải cho bệnh nhân. Đối với những ca như thế này, bệnh nhân sẽ được điều trị theo đúng phác đồ xử trí tắc mạch do HA và phối hợp với chuyên khoa mắt để xử trí mắt mất thị lực. Bệnh nhân sau đó tiếp tục đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thăm khám. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân đã hỏng hoàn toàn mắt phải, mắt còn lại đang nỗ lực cứu chữa nhưng rất khó khăn.
Theo GS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bệnh nhân này tiêm filler mũi nhưng đường kim lệch sang đâm thủng nhãn cầu, gây tắc toàn bộ vùng trán, sống mũi, mí mắt, liệt hoàn toàn mi bên phải, có tình trạng mù, thị lực 1/25 không nhìn thấy.
Theo GS Sơn, vùng xung quanh trán, gốc mũi là nơi rất nhiều mạch máu, mạch máu này thông với mạch máu của mắt, não, chính vì vậy bơm áp lực rất mạnh có thể ẩn filler đó vào trong các mạch máu và filler đi đến đâu gây tắc mạch, dẫn tới những hậu quả không lường trước được. Vì filler đi không đúng còn vào mạch máu và chớm lên não, gây ra co giật, hôn mê sau khi tiêm. Đặc biệt là filler trôi nổi, không nguồn gốc, gây biến chứng nặng nề.
Cô gái 27 tuổi bị mù một mắt sau khi tiêm filler nâng mũi ở spa tại Đài Loan. |
Mù mắt do tiêm chất làm đầy là biến chứng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua nhưng vẫn tiếp tục có người mắc phải. Các trường hợp này đều làm ở những spa thực hiện tiêm, truyền “chui”. TS. BS Vũ Thái Hà khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, chị em muốn tiêm filler làm đẹp cần tìm đến cơ sở y tế uy tín. Người tiêm filler phải là bác sỹ chuyên gia về tạo hình thẩm mỹ da liễu, có chứng chỉ hành nghề. Chọn sản phẩm tiêm filler có nguồn gốc, kiểm chứng độ an toàn, tinh khiết. Sau khi tiêm cần được theo dõi và được xử trí kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Tiêm feller hiện nay được rất nhiều chị em ưa chuộng để nâng mũi, làm mờ vết nhăn, cho làn da căng và được nhiều cơ sở spa, thẩm mỹ quảng cáo như một “thần dược” làm đẹp, trẻ hóa. Theo TS Hà, chị em hãy là khách hàng thông minh để biết rằng nếu các phương pháp này không được thực hiện bởi các bác sỹ có uy tín, được đào tạo bài bản sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm.
Filler trong đó có acid hyaluronic được nhắc đến nhiều nhất do tính hiệu quả với độ an toàn cao, tương thích với cơ thể. Khi tiêm vào các nếp nhăn sẽ khiến làn da nhanh chóng trở nên căng bóng, hoặc tạo hình khối thẩm mỹ ưng ý trên gương mặt mà không cần sử dụng dao kéo.
Đây là phương pháp làm đẹp nhanh, tức thì, không cần đến phẫu thuật, dễ làm, chị em không phải nghỉ ngơi lâu, yêu cầu khoảng thời gian ngắn, khoảng 1 giờ tính cả khi bôi tê. Sự thay đổi diễn ra ngay lập tức sau khi tiêm filler, thời gian duy trì tác dụng tùy theo sản phẩm và theo cơ địa từng người.
Hiện nay có một số sản phẩm tiêm filler đã được cấp phép đảm bảo tính hiệu quả và an toàn, tuy nhiên còn có rất nhiều sản phẩm không biết rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường. Không ít cơ sở đã dùng silicon lỏng (chất đã bị cấm) thay thế chất làm đầy. Vì thế, chị em không nên đánh cược với tính mạng, chỉ vì làm đẹp mà không tìm hiểu kỹ, vừa tiền mất, tật lại mang.
Sập bẫy vì “lời quảng cáo đường mật”
Kể với chúng tôi về liệu trình tiêm thuốc giảm béo hết 45,5 triệu, chị Lê Thị L. (Ninh Bình) cho biết, vì tin vào quảng cáo trên mạng về gói dịch vụ siêu giảm béo theo công nghệ Hàn Quốc, hiệu quả giảm cân tùy vào cơ địa của khách hàng, tối đa giảm 10-15cm vòng eo, giảm 10-12kg cân nặng, chị đã tìm đến một cơ sở làm đẹp trên phố Triệu Việt Vương, Hà Nội. Nhân viên tư vấn cấy thuốc giảm béo dưới da, 30 ống hết 45,5 triệu. Trước khi cấy thuốc, nhân viên không đo vòng bụng của khách với lý do “đây là nguyên tắc của ban giám đốc”.
Trong quá trình cấy thuốc, nhân viên cho khách xem thuốc để so sánh với mẫu thuốc trong clip, không cho khách mang vỏ thuốc về vì “vấn đề bản quyền”. Khi cấy thuốc, chị L. còn được cơ sở này livestream trên mạng. Sau đó chị L. được phát một lọ thuốc uống kèm. Uống thuốc này vào, chị bị tiêu chảy liên tục đến nỗi phải nhập viện. Tuy nhiên, khi gọi điện đến cơ sở làm đẹp chị nhận được câu trả lời “tiêu chảy hết thuốc sẽ tự cầm”.
Hết liệu trình, vòng bụng của chị L. chỉ giảm được 2cm, da bụng bèo nhèo, có dấu hiệu xổ bụng. “Một tháng ăn uống kham khổ, đánh mỡ bụng mà chỉ xuống được 2cm, bức xúc, tôi đã tới cơ sở thẩm mỹ yêu cầu hoàn trả tiền. Nhưng nhân viên cửa hàng “đổ” cho tôi ăn uống mất kiểm soát sau liệu trình nên không chịu trách nhiệm” - chị L. phản ánh. Chị đã gửi đơn tới một số cơ quan báo chí, sau sự vào cuộc quyết liệt, cuối cùng cơ sở thẩm mỹ này đã hoàn trả lại tiền cho chị.
Do khát khao làm đẹp, khi nhận ra một số mánh khóe của dịch vụ thẩm mỹ nhưng trót đóng hết tiền, nhiều khách hàng đành “tặc lưỡi” làm tiếp. Dịch vụ thẩm mỹ không được phép tiêm truyền nhưng nhiều nơi đánh tráo khái niệm thành “cấy dưới da” để hấp dẫn khách hàng, vừa qua mặt cơ quan chức năng. Vi phạm phổ biến là các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ tiêm truyền “chui” lồng vào dịch vụ thẩm mỹ như tiêm botox, truyền trắng...
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng, để phát hiện việc tiêm, truyền ở những dịch vụ thẩm mỹ rất khó, đoàn kiểm tra tới nơi, họ đã “giải phóng” hết tang vật, nhiều khi kiểm tra phát hiện rác thải y tế có nghi ngờ nhưng bệnh nhân không phối hợp cũng không xử lý được.
Những cái chết, biến chứng nặng nề từ thẩm mỹ “chui” xảy ra nhiều nhưng do công tác quản lý còn chưa sát sao khiến cho các hoạt động chui gây nguy hiểm tới tính mạng con người có đất để hoạt động. Nhiều người ham rẻ, đến cơ sở làm đẹp không được cấp phép để tiêm chất làm đầy nâng mũi, tiêm giảm đau, truyền trắng và đã phải trả giá đắt. Có cơ sở làm đẹp ở TP Hồ Chí Minh sau khi tiêm filler nâng mũi khiến khách bị mù mắt đã dọn dẹp máy móc bỏ chạy, cơ quan y tế đến kiểm tra chỉ thấy “vườn không, nhà trống”.
Ngày 20-3, Bệnh viện E Hà Nội tiếp nhận và cấp cứu cho một cô gái 19 tuổi ở Thái Nguyên do mí mắt bị chảy máu liên tục trong 8 tiếng. Nguyên nhân là cô gái đi cắt mí mắt tại một spa ở quận Cầu Giấy, Hà Nội và gặp biến chứng.
Hầu hết các vụ được phát hiện là do đơn thư phản ánh của nạn nhân hoặc khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Công tác quản lý địa bàn không nắm được những hoạt động sai phép dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Việc xử lý chưa nghiêm, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, dẫn tới dịch vụ làm đẹp “chui” nhờn luật, bất chấp hậu quả, bất chấp tính mạng của khách hàng để trục lợi, thậm chí lừa đảo.
Để những cái chết và biến chứng nguy hiểm tới tính mạng không xảy ra, việc giám sát, kiểm tra, phát hiện những vi phạm ở các cơ sở thẩm mỹ, spa phải được tiến hành chặt chẽ, nghiêm ngặt. Đặc biệt là những cơ sở hoạt động chui tại nhà dân phải được chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phát hiện, xử lý nghiêm.
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng do làm đẹp ở các cơ sở spa, thẩm mỹ chui, có người đến viện trong tình trạng suýt mất mạng. GS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, ông từng cứu nhiều trường hợp thành bụng bị biến dạng do hút mỡ vào cấp cứu, có những ca thập tử nhất sinh. Có người đến viện trong tình trạng bụng “lổn nhổn” do hút mỡ ở nơi không được cấp phép, spa không có chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn tiến hành các thủ tục tiêm, chích, thậm chí là hút mỡ bụng... |