Dưới đường băng còn đó các anh nằm…

Thứ Ba, 18/07/2017, 15:54
Ước tính phía cuối đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh còn có hơn 1000 hài cốt liệt sỹ đang nằm lại. Đó là những chiến sĩ Quân giải phóng đã hy sinh trong hai đợt tấn công vào sân bay đầu Xuân Mậu Thân 1968… Hầu hết những chiến sĩ này đều quê ở Nam Định và Hà Nam.


Khúc bi tráng "Dáng đứng Việt Nam"

Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng cùng các cộng sự từ nhiều năm qua đã sưu tầm hình ảnh, tìm kiếm tư liệu liên quan đến mộ chôn tập thể các chiến sỹ đã hy sinh tại sân bay Biên Hòa, sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Từ những tư liệu và nhân chứng sống của các đơn vị tham gia trận đánh, những tài liệu và không ảnh do các cựu binh Mỹ cung cấp, năm 1995 Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hồ Chí Minh tiến hành khai quật một hố chôn tập thể với 181 hài cốt liệt sỹ đưa về Nghĩa trang Liệt sỹ thành phố an táng.

Cũng từ những bức ảnh chụp thực tế và so sánh, đối chiếu, nhóm KTS Nguyễn Xuân Thắng đã phát hiện một bí mật bất ngờ khác: Có thể còn một hố chôn tập thể khoảng 600 liệt sỹ cạnh bên hố chôn đã tìm thấy. KTS Thắng cho biết: "Nhiều năm trước, tôi nghe một cựu quân nhân Mỹ nói phía Tây sân bay có một khu mộ tập thể chôn cất từ năm 1968. Tuy nhiên, tôi và nhiều người vẫn nghĩ đó là ngôi mộ tập thể đã tìm thấy vào năm 1995".

Công tác khai quật tìm mộ liệt sỹ đang diễn ra khẩn trương tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Có một số bức ảnh do các cựu binh Mỹ như Bob Connor, Martin Stone, David Cave… cung cấp cho thấy, có 2 tấm bia rất giống nhau nhưng mốc thời gian ghi khác nhau trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Mậu Thân 1968. Không rõ tác giả mộ bia là ai, nhưng có dòng chữ ghi: "Nơi đây an nghỉ những chiến sĩ đêm mồng 1 Tết Mậu Thân. Linh thiêng xin các bạn hãy giúp cho xứ Việt Nam thân yêu của chúng ta mau thái bình" và một bia ghi: "Nơi đây yên nghỉ các chiến sĩ tử trận ngày mùng 2 Tết Mậu Thân 1968"…

Nghi vấn từ việc so sánh hai tấm bia trên, cùng với các tư liệu sưu tầm nhiều năm qua, KTS Nguyễn Xuân Thắng cùng các cộng sự đã cho rằng: bức ảnh ghi hình bia mộ thứ nhất là hố chôn 181 chiến sĩ hy sinh đã tìm thấy năm 1995, còn bức ảnh bia thứ hai có thể là một hố chôn khác khoảng 600 chiến sĩ hy sinh vào đêm 31-1 rạng sáng ngày 1-2-1968 tại khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất.

Những tư liệu, hình ảnh, thông tin thu thập được, nhóm KTS Thắng đã gửi văn bản cho Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, đề nghị Cục Chính sách thuộc Tổng Cục Chính trị QĐND, Bộ Quốc phòng khẩn trương xác minh, xử lý thông tin tránh làm mất dấu vết khu vực nghi ngờ mộ tập thể đang có dự án công trình dang dở. Thường trực Ban chỉ đạo 1237 thành phố và Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng vào cuộc tiến hành khảo sát thực địa, tổ chức hội nghị thảo luận về việc tìm kiếm ngôi mộ tập thể thứ 2 với khoảng 600 liệt sĩ đã hy sinh đêm Mùng 1 rạng sáng  Mùng 2 Tết Mậu Thân 1968.

Ông Đỗ Chí Thành, nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 16, Phân khu 2 Long An, đơn vị trực tiếp tham gia trận tấn công sân bay Tân Sơn Nhất kể lại: Đây là trận đánh vô cùng ác liệt không cân sức giữa bộ đội chủ lực ta với lực lượng Mỹ bảo vệ sân bay với các loại vũ khí tối tân hiện đại. Ngoài 3 Tiểu đoàn chủ lực chiến đấu còn có rất nhiều lực lượng bộ đội địa phương, biệt động thành…tham gia ước khoảng 1.600 cán bộ chiến sĩ. Khoảng 1.000 chiến sỹ đã hy sinh trong trận này. Riêng Tiểu đoàn 16 hy sinh hơn 300 người.

Hy vọng sớm đưa các anh về với đất mẹ quê hương

Khu vực 7 ha phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất là nơi đang được khoanh vùng nghi vấn có mộ tập thể 600 liệt sĩ.  Vị trí ngôi mộ phỏng đoán nằm cách cách ngôi mộ đã tìm thấy trước đây khoảng 100m đến 150m. Vị trí này  nằm xéo hướng mũi tàu đường Cộng Hòa - Trường Chinh thuộc P15, Q Tân Bình.

Đến năm 1966, sân bay Tân Sơn Nhất rộng 2.000 ha, được sử dụng cho cả quân sự và dân sự. Khu vực sân bay quân sự có nhà nổi chứa khoảng 400 đến 500 máy bay cùng hàng trăm kho bom, đạn dược các loại. Khu vực quân sự được bảo vệ bằng 22 lớp rào kẽm gai với các loại kẽm gai, bùng nhùng, mắt cáo, rào đơn, kép... Xen giữa những lớp rào kẽm gai đó, quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn bố trí dày đặc các bãi mìn "gài chết" để ngăn chặn sự đột nhập của Quân giải phóng.

Ngoài ra, địch còn có một hệ thống đường nhựa dành cho các toán xe tuần tra, tuần bộ và thả nhiều chó berger, ngỗng…để cảnh giới. Phía bên trong là những tuyến lô cốt dày đặc, san sát nhau được trang bị các loại vũ khí hiện đại, có hệ thống hào sâu 1m, rộng 8m và hệ thống đèn pha cực sáng chiếu xa 3.000m...

Dù được bao bọc bởi hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt và đặc biệt như thế, các đơn vị Quân giải phóng vẫn từng có nhiều lần xâm nhập và tấn công đốt cháy nhiều máy bay, kho bom đạn và khí tài quân sự của Mỹ - Ngụy trong sân bay Tân Sơn Nhất. Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất vào đầu Xuân Mậu Thân 1968 là trận đánh có quy mô và quân số tham gia lớn nhất

Nhận lệnh từ Bộ Chỉ huy và Quân ủy Miền, từ tháng 12-1967, Tiểu đoàn 16 đã bí mật hành quân từ Tây Ninh tập kết tại khu vực Ba Thu, biên giới Long An giáp Campuchia, chuẩn bị tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Chiều 28 Tết (ngày 29-1-1968) đơn vị ăn Tết tại Ba Thu và nhận mật lệnh vượt sông Vàm Cỏ Đông đến đình Mỹ Hạnh, Đức Hòa (Long An) hợp với các đơn vị khác thành Trung đoàn.

Ba đơn vị Tiểu đoàn 16, 12 và 267 được giao nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất từ hướng Tây. Đến 11h30 toàn đơn vị đã áp sát sân bay gần hãng dệt Vinatexco (Cty Dệt Thành Công hiện nay) triển khai đội hình chờ giờ G (giờ giao thừa, 24h đêm 30-1-1968) nổ súng. 

Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Các mũi tấn công đều gặp sự kháng cự rất mạnh của hỏa lực từ đại bác, xe tăng và bộ binh Mỹ.  Thương vong quá lớn, Quân Giải phóng phải mở đường máu rút lui ra phía hãng dệt. Trên 1.000 chiến sỹ các đơn vị tham chiến hy sinh và bị thương.

Cũng chính hình ảnh Chính trị viên Phó Đại đội 1 Nguyễn Văn Mẹo hy sinh trong tư thế tựa người vào xác chiến xe tăng M113 của địch bị ta bắn hỏng, tay anh vẫn kẹp chặt khẩu súng AK chĩa họng súng về phía trước với tư thế sẵn sàng tiến công đã bật trào cảm hứng cho nhà thơ, Anh hùng liệt sĩ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) sáng tác bài thơ "Dáng đứng Việt Nam" bất tử về hình tượng người chiến sĩ Giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhất.

Hiện nay, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chức năng liên quan đang tiếp tục đào bới tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất trong phạm vi khoanh vùng khu vực nghi ngờ có hố chôn tập thể khoảng 600 liệt sỹ.

Chiều ngày 12-7, Bộ trưởng Bộ LĐTB &XH Đào Ngọc Dung  cùng Trung tướng Đỗ Căn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND (Bộ Quốc phòng) đã đến thực địa khu vực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Tại hiện trường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã xúc động cho biết: "Hiện nay cả nước còn hơn 200.000 liệt sĩ ngã xuống nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Chiến tranh đã qua lâu rồi, địa hình, địa vật, nhân chứng cũng không còn như cũ gây khó khăn trong việc tìm kiếm. Tuy nhiên, dù còn một manh mối nhỏ chúng ta vẫn phải làm hết sức mình để đưa các anh, các chị về với đất mẹ, về với mái nhà chung...".

Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa - Chính ủy Bộ Tư lệnh TP cho biết thêm: Việc thi công dự án dịch vụ hàng không sân bay buộc phải tạm ngưng để triển khai công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Bước đầu, các đơn vị tìm kiếm đã tìm thấy một số di vật thường mang theo bộ đội, nhưng vẫn chưa tìm được ngôi mộ tập thể. Với quyết tâm và trách nhiệm cao của các đơn vị, chính quyền và các cơ quan chức năng, hy vọng sẽ sớm tìm được mộ tập thể của 600 liệt sỹ trong tháng 7. Đây cũng là một việc làm mang đậm ý nghĩa cao quý thiêng liêng đối với các anh hùng, liệt sỹ trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ. Để sớm đưa các anh về với đất mẹ, quê hương…

Hoàng Châu
.
.