“Đường chúng ta đi”!

Thứ Bảy, 27/09/2008, 11:30
Con đường hôm nay chúng ta đi không có bom rơi, đạn nổ, không có người hy sinh, tất nhiên! Nhưng mất mát thì chẳng thiếu, tai nạn xảy ra hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm nếu thống kê lại chẳng thua gì những mất mát trong chiến tranh.

Xin lỗi nhà văn Nguyên Ngọc khi tôi mượn cái tên tùy  bút “Đường chúng ta đi” rất nổi tiếng dạo chiến tranh chống Mỹ của ông để đặt tít cho bài tản bút này. Sở dĩ phải mượn vì chẳng còn cái tên nào khả dĩ hơn dù rằng cùng là con đường nhưng con đường mà người lính nhà văn Nguyên Ngọc cùng những thế hệ thời của ông đi mấy chục năm trước xuyên qua chiến tranh đến với cái đích chiến thắng giải phóng đất nước, khác xa một trời một vực với con đường tôi đề cập trong bài viết.

Con đường nào vậy? Xin thưa rất đơn giản là con đường chúng ta đi hàng ngày trong thành phố để đến với công sở, trường học, nhà máy... đến nơi mà mỗi người hoặc là để kiếm sống, hoặc là để học tập, làm việc hay thư giãn nghỉ ngơi và rồi hết mỗi ngày lại ngược trở lại hành trình về với ngôi nhà của mình.

Con đường hôm nay chúng ta đi không có bom rơi, đạn nổ, không có người hy sinh, tất nhiên! Nhưng mất mát thì chẳng thiếu, tai nạn xảy ra hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm nếu thống kê lại chẳng thua gì những mất mát trong chiến tranh. Gian khổ cũng không! Có cái gì việc đi lại mà gian khổ.

Nhưng cũng đừng đùa, đầy rẫy khó nhọc gian truân đấy, thậm chí còn là nỗi ám ảnh khôn cùng. Và nữa, người lính của con đường năm xưa trước giờ ra trận đầy trăn trở ý thức, cảm xúc trào dâng đến độ thiêng liêng của dâng hiến tự nguyện thì chúng ta hôm nay trước mỗi lần ra đường không trăn trở nhưng phải toan tính, chẳng xúc cảm dâng hiến mà chỉ phập phồng tâm trạng, căng thẳng âu lo.

“Đường ta ta cứ đi” (?!).

Tôi có may mắn được sinh ra và bây giờ được sống ở Hà Nội. Cái thành phố thân yêu của tôi dạo nào nhỏ bé, cổ kính giờ đã hóa thạch trong ký ức tuổi thơ. Thay vào đó là một Hà Nội mở rộng, lớn lao vô biên trong mọi ngóc ngách ngữ nghĩa.

Khu phố cổ thu mình lại ẩn dật, mặc cảm trước sự lấn lướt của đô thị hiện đại nhộm nhoạm, nhốn nháo, xô bồ. Những đại lộ dọc ngang như những cánh tay chi chít vươn ra tứ phía cùng những cao ốc, chung cư bề thế khiến Hà Nội già cỗi như được hồi sinh trẻ lại.

Và người! Dân số thành phố của tôi đông đúc thêm từng ngày. Đất rộng ra, người đặc lại vì tất tật cùng nhau nắm tay tiến vào trung tâm. Cuộc sống đi lên, chiếc xe đạp thứ tài sản quý giá dạo nào giờ thành cổ tích với những tiện nghi thời thượng xe máy, ôtô.

Quy luật! Sự đi lên nào cũng là quy luật. Nào có ai chối bỏ nó. Bây giờ thật hiếm nhà nào không có xe máy. Ôtô cũng không còn là thứ phương tiện xa xỉ, rất nhiều người đang sở hữu thứ tiện nghi hiện đại này. Nói vậy để thấy rất nhiều gia đình Hà Nội “tàng trữ” cùng lúc một tập hợp các phương tiện đặc trưng của mỗi thời.

Tất cả dồn lên đường phố. Những con đường Hà Nội gồng lên chịu đựng, oằn mình gánh cả biển người cùng phương tiện. Không cần phải liệt kê, phải kể lể, tôi vốn không thích những con số, càng không phải làm cái việc điều tra chi tiết tình trạng giao thông, tôi chỉ muốn nói ra, viết ra cái tâm trạng ngổn ngang khi đi trên đường của mình hiện giờ.

Đường chúng ta đi, tôi thật sự muốn nói đến điều đó. Khi đi trên đường, nhân dân chúng ta đang làm những cuộc hành quân vĩ đại mỗi ngày. Trí tưởng tượng dù ít ỏi đến đâu ai cũng có thể hình dung ra cả biển người như nước loang tràn chảy lấp kín mọi chỗ.

Một ngã tư, một đại lộ, một hẻm ngõ, ở đâu, lúc nào chỉ cần một chướng ngại bất kỳ là đoàn người (tất nhiên gồm cả phương tiện) lập tức khựng lại, rồi cứ thế rùng rùng di chuyển tiến về phía trước bất chấp phải trái, bất chấp luật lệ.

Tiến, tiến lên cứ những kẽ nứt hở mà tiến, ôi đoàn người hùng mạnh có khác gì đoàn quân xung trận dạo nào. Họ dồn cục, đối đầu trong cái thế của “dê đen, dê trắng húc nhau qua cầu” trong câu chuyện ngụ ngôn, chẳng ai chịu ai. Và thế là tắc, là ùn là cãi là vã, là vô thiên lủng những chuyện rắc rối xảy ra.

Không quá chủ quan khi khẳng định có đến tám, chín chục phần trăm tắc đường và tất tật các vấn nạn giao thông là do đám đông chúng ta thiếu ý thức. Không còn sự nhường nhịn, không còn luật lệ, buồn thay đó là thực trạng đã thành báo động đỏ. Đấy chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn giao thông hiện nay.

Tất nhiên còn nhiều thứ khác. Nhỏ là vài ba cái biển báo đặt bất hợp lý, dăm bảy cái ngã tư đèn tín hiệu vô tác dụng, lớn là chế tài xử phạt lỗi thời, cứng nhắc, là quỹ đường ít ỏi so với số lượng khổng lồ của phương tiện. Ti tỉ thứ khác nữa nhưng tất cả chẳng là gì so với ý thức của chúng ta trên những con đường.

Nhà tôi ở Mai Động. Nơi làm việc của tôi là Đài Truyền hình Việt Nam. Chặng đường chỉ ngót nghét chục cây số nhưng với tôi luôn luôn là một thử thách lớn lao không vượt không được. Ấy là nói vào giai đoạn hiện tại, nghĩa là chỉ tính tròm trèm quãng vài chục ngày nay kể từ mốc các công sở Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội để công chức hai nơi nhập vào làm một tấp nập xuôi ngược đi về.

Đó là mới chỉ tính công chức bắt buộc phải đi lại làm việc thường nhật chứ chưa dám kể tới lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân vì nhiều lý do buộc phải vào nội đô để hoàn thành nghĩa vụ bổn phận của một công dân thủ đô mới.

Trước đấy, tình trạng giao thông Hà Nội cũng đã ngột ngạt căng thẳng nhưng tình hình không đến nỗi ách tắc nghiêm trọng như bây giờ, đặc biệt là từ ngày khai giảng năm học mới.

Tôi đã ngoài năm mươi tuổi, việc đi đứng qua lại không còn hùng dũng mà đã co lại rụt rè nói theo ngôn ngữ vỉa hè là “cóng”. Hoàn toàn đúng, cóng, rất cóng. Không cóng họa có là mất trí khi đi trên đường cùng với thập cẩm các loại phương tiện cố sống, cố chết lạng lách giành giật nhau từng tấc đường. --PageBreak--

Đời sống khá lên, một bộ phận người dân đã không còn phải so đo tính toán hôm nay ăn gì, mặc gì. Không còn canh cánh lo ăn lo mặc mỗi ngày và “đi” gì thì có đấy. “Đi” ở đây nghĩa là phải lựa chọn phương tiện phù hợp với công việc của ngày hôm ấy và chọn con đường nào để ta đi cho nó thông đồng bén giọt. Mỗi người trước thực trạng đi lại hiện nay luôn biết tạo ra cho mình phản xạ thích ứng nhanh nhạy với hoàn cảnh để tìm ra phương cách di chuyển hữu hiệu nhất.

Thôi, không nói trời nói bể cứ suy từ thằng tôi ra cho nó tiện. Tôi thừa kinh nghiệm trong những chuyện này. Tốt nhất là đi thật sớm, Hà Nội trước 6h 30 đường khá thoáng. Đi vào giờ này dùng loại phương tiện gì cũng được.

Nếu phải đi đúng giờ tầm, dễ thôi, hãy chọn một con đường mình đi quen nhất để luồn lách, hãy tránh xa những giao lộ không có cảnh sát giao thông. Ở những điểm đó dứt khoát tắc ùn vì “dê đen dê trắng”.

Nếu là đường độc đạo phải đi qua những “điểm đen” nổi tiếng thì chỉ cần tính toán thời gian dôi ra chút ít là ổn, bởi những điểm này luôn túc trực đông đảo bóng dáng áo vàng cảnh sát. Yên tâm, chỉ ùn chậm lưu thông chứ không thể tắc. Còn nữa, nếu không bị câu thúc thời gian thì hãy tìm quán cà phê nào đó nhấm nháp đợi hết giờ tầm.

Chao ôi, thật là cách rách, thật kinh hồn. Đã có bao nhiêu dự án tiền tỉ, bao nhiêu cơ quan tham mưu, bao nhiêu chỉ đạo sâu sát, cực nhọc nhất là công lao của bao nhiêu người, đêm ngày bám mặt đường gìn giữ trật tự giao thông  nhưng vẫn cứ đâu hoàn đấy, tắc vẫn hoàn tắc, tử vẫn hoàn tử. Thời gian tiền bạc của cá nhân, của xã hội nhìn thấy bay đi một cách vô công mà xót xa bất lực.

Không phải chúng ta không nhìn thấy những vô lý trong phát triển giao thông, thậm chí nhìn rõ sự chậm trễ tiến độ của một vài công trình cầu đường có thể coi đó là tội ác, ai cũng biết dù đã rất cố gắng thì hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông cũng chỉ như muối bỏ bể so với cả biển người, phương tiện hỗn loạn hàng ngày, biết hết nhưng chúng ta đã làm được những gì?

Thay vì đi gặp những người có trách nhiệm, những cơ quan có trách nhiệm để kiếm tìm tài liệu như hàng trăm đồng nghiệp đã làm, tôi lái xe lao vào đường cấm cố tình mắc lỗi vi phạm để làm một tét thử. Phạt, tất nhiên. Giấy tờ bị giữ. Phương tiện được dùng để đi đến kho bạc nộp tiền phạt sau đó quay lại nộp biên lai nhận lại giấy tờ.

Vô lý! Nhanh cũng phải mất hàng tiếng đồng hồ. Tại sao lại không phải là những tờ biên lai trực tiếp do cảnh sát giao thông xử lý ngay tại hiện trường. Một sự lãng phí thời gian quá lớn. Cả phiền phức nữa cho người đại diện pháp luật xử phạt và người bị phạt. Chính sự phiền phức này đã tạo ra những kẽ hở để pháp luật bị mất đi tính công minh.

Một cú điện thoại, một tấm thẻ ngành, một thẻ nhà báo, một nghệ sĩ quen mặt, một quan hệ quen biết và ai dám đảm bảo không có sự dích dắc về tiền bạc chỗ này. Chính cơ chế xử phạt đã gián tiếp làm luật lệ xói mòn. Mức xử phạt cũng vậy, quá thấp.

Tôi cứ giả dụ một người đi xe máy vượt đèn đỏ, nếu lỗi ấy “trảm” bằng tờ biên lai có giá trị hàng triệu đồng bằng nửa tháng lương của người lao động bình thường, liệu cái người ấy có dám vi phạm khi chính anh ta có mức lương như vậy. Không đời nào.

Chúng ta đang thực hiện kinh tế thị trường vậy tại sao không thị trường hóa quy định xử phạt. Nâng mức phạt lên gấp năm, gấp mười cũng có khác gì giá xăng, giá điện, giá gạo, giá muối đang tăng. Phạt, phạt thật nặng, bất kể giàu nghèo, tôi đồ rằng khi phải móc ví ai cũng như ai đều không thể xem thường.

Điều đó có nghĩa khi ai đó định lấn trái, định vượt đèn đỏ, định lạng lách đi vào đường cấm, vân vân và vân vân tóm lại là những hành vi nhờn luật sẽ không có cơ tồn tại. Quy định chính là một dạng của luật lệ. Con người làm ra luật lệ thì tại sao lại không thể sửa đổi nó?

Sẽ có người phản biện lại, dào ôi vẽ chuyện, người đâu mà duy trì ở tất cả các nút, mối giao thông để mà xử với chả lý. Có một thực tế thế này, ngã tư nào không có cảnh sát thì ở đấy hệ thống đèn tín hiệu không còn hiệu lực. Cũng chính là luật lệ không còn hiệu lực. Dân ta không sợ luật mà sợ cảnh sát tức là sợ phạt. Đừng ảo tưởng dùng các biện pháp tuyên truyền giáo dục có thể nâng cao được nhận thức và tính tự giác của người dân.

Đúng là Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội không đủ lực lượng để rải đều khắp thành phố mà chỉ tập trung vào những nút giao thông trọng yếu. Còn những lực lượng khác thì sao?

Công an phường nào chả có một ôtô sáng sáng, chiều chiều chở quân đi dẹp hàng rong vỉa hè. Không suy bì so sánh nhưng hàng rong vỉa hè sao nguy cấp bằng tắc nghẽn giao thông, hãy ưu tiên cái gì cần thiết hơn. Cấp quận nữa, quân số chẳng phải dư thừa nhưng cũng không thể nói không huy động được cho nhiệm vụ tối quan trọng này.

Tại sao lại không thể sử dụng những lực lượng này cho nhiệm vụ cảnh sát giao thông? Hãy mạnh dạn giao quyền cho họ bằng chính những tập hóa đơn xử phạt trực tiếp. Tại sao Công an thành phố không quy hoạch địa bàn cho từng địa phương cụ thể?

Cấp phòng của sở đảm nhiệm những vị trí then chốt, trọng điểm trong thành phố. Quận lo địa bàn quận với những địa điểm quan trọng thứ hai sau cấp sở. Còn phường nhận nốt phần còn lại. Sẽ nảy sang chuyện kinh phí. Không khó, kinh phí lấy từ tập hóa đơn tiền phạt kia, tiếc làm gì dăm ba chục phần trăm trích ra cũng trực tiếp từ những tấm hóa đơn phạt. Cái được sẽ lớn hơn rất nhiều. 

Có lạc quan không khi ai đó nói rằng, nếu thay đổi chế tài xử phạt, nếu địa bàn hóa và nói vui kiểu nghệ thuật “xã hội hóa lực lượng” thì một ngày nào đó sẽ không còn nhiều vi phạm. Nếu được như thế, tôi tin rằng xã hội sẽ mở hầu bao, ngân sách sẽ mở khóa két. Bởi vì ít người vi phạm đồng nghĩa với việc đường sẽ thông thoáng, cùng với những điều kiện khác trả lại cho giao thông Hà Nội sự yên bình vốn có.

Đó dầu sao cũng chỉ là một ước mơ không phải của riêng tôi. Dù chỉ là ước mơ thì đêm nay tôi cũng đã thức trắng để viết những dòng này. Như người lính trong “Đường chúng ta đi” với một đêm trăn trở để sớm mai ra trận bằng niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng “Sáng rồi. Phương đông rực rỡ một màu hồng chói lọi”. Tôi cũng vậy, sáng mai đây, khi lái xe ra đường, tôi tin con đường của chúng ta đi sẽ không còn tắc nghẽn. Vẫn biết đó chỉ là giấc mơ

P.N.T.
.
.