Đường vào… "cửa tử”

Thứ Tư, 30/10/2019, 16:14
Khánh - người bạn đường trong chuyến xe đêm lên biên giới đọc những thông tin mới nhất về vụ 39 người tử nạn trên chiếc xe tải ở Anh, rồi quay sang bảo tôi: “May cho em, trong cái rủi bị bắt ở biên giới, có cái may không phải chết từ từ trong cái quan tài đá thế này”.


Câu chuyện của Khánh trở về những tháng ngày tận cùng của sự cơ cực, cận kề sống chết mà anh đã nếm trải trong hành trình đi tìm miền đất hứa cách đây mấy năm.

Chuyến đi lỡ làng

Khánh quê Thanh Chương, Nghệ An, vùng đất nổi tiếng về món nhút độc đáo làm từ xơ mít muối chua. Món ăn ấy đã gợi lên cái nghèo khó của một miền quê. Tình cờ đồng hành với anh trong chuyến xe đêm lên biên giới, câu chuyện 39 thi thể chết cóng trong chiếc container ở Anh quốc xa xôi, không ngờ lại sống động ngay cạnh tôi khi người bạn đường ấy cho biết mình đã suýt nữa thì chui vào một cái “quan tài sắt” tương tự.

Kể về căn cớ đã khiến bố mẹ anh cầm cố sổ đỏ để lo tiền cho con bỏ xứ ra đi tìm kế sinh nhai, Khánh kể quê mình nghèo lắm, thanh niên quê đến tuổi lao động, trình độ không có, nghề phụ cũng không, ruộng đất cạn kiệt... Bản thân Khánh lên biên giới làm ăn lần hồi vài năm, rồi do không biết tính toán, bị thua lỗ, lừa gạt hết.

Tay trắng về quê, gánh theo đống nợ chất chồng, bị gọi thúc nợ réo rắt suốt ngày. Đang lúc cùng quẫn, có người trong làng gợi ý sao không sang Anh quốc mà lao động, chỉ vài năm là trang trải hết nợ nần và làm giàu. Trong xóm ngoài làng khi ấy cũng lác đác có người đi Anh, nghe nói tiền gửi về hằng tháng rất khá.

Cảnh sát hạt Essex tiến hành điều tra vụ việc 39 người nhập cư phát hiện đã chết trong container.

Thương con, bố mẹ đã cắm sổ đỏ vay ngân hàng 700 triệu đồng để Khánh làm lộ phí vượt biên theo người mối lái. Đích đến là nước Anh nhưng vì không có giấy tờ hợp pháp nên không thể đi máy bay, Khánh phải đi theo đường bộ xuyên qua Trung Quốc, rồi từ đó vượt biên sang Nga. Từ Nga đi tiếp sang các nước Đông Âu - Tây Âu để vào Pháp. Sau đó sẽ vượt biển đến Anh trên những chiếc xe container ngụy trang chở hàng hóa. Chi phí cho mỗi chuyến đi dao động từ 30.000 USD đến 50.000 USD.

Dù thấy khá mạo hiểm nhưng hy vọng về sự đổi đời, có đồng lưng vốn để làm ăn, trả nợ... nên Khánh vẫn nhắm mắt đưa chân. Cùng đi chuyến ấy có 5 người đồng hương Nghệ An. Từ quê, nhóm của Khánh bắt xe lên biên giới rồi vượt biên theo đường tiểu mạch vào Trung Quốc. Tại đó, có một nhóm “đầu nậu” đón, tập hợp khách ở một địa điểm bí mật để làm giấy tờ giả. Vài ngày sau, khi xong giấy tờ, khách được trung gian đưa đi xuyên qua đại lục để vượt biên vào Nga.

Đến nơi, cả nhóm 6 người bị tống vào một nhà máy may trong thời gian chờ đợi. Bị “cấm túc” tại đây, không được thò mặt ra đường vì sợ cảnh sát Nga bắt về tội nhập cư trái phép. Sau khoảng 1 tháng, có người đưa cả nhóm lên biên giới Nga - Belarus. Hành trình di chuyển hết sức vất vả, chui lủi. Đến gần biên giới, nhóm Khánh xuống xe, đi bộ trong rừng. Đi suốt đêm trong tâm trạng vô cùng lo lắng, sợ hãi bị biên phòng, cảnh sát Nga phát hiện. Dọc đường mấy lần suýt chạm trán với họ.

Đến gần sáng, cả bọn vẫn loanh quanh trong rừng vì vừa đi vừa dò đường và địa hình rất khó đi. Đúng lúc đó, có một tốp lính biên phòng phát hiện, nổ súng thị uy. Khánh và những người khác mạnh ai người nấy chạy tán loạn. Khánh chạy thục mạng đến gần sáng thì tới một thị trấn. Không biết tiếng, không biết đường, Khánh dừng lại ở một quầy bưu điện, ú ớ ra hiệu gọi điện nhưng người dân không hiểu. Họ nói với nhau điều gì đó, lát sau có một tốp lính biên phòng tới bắt tại chỗ, đưa về đồn.

Tại đây Khánh “đoàn tụ” với 5 anh còn lại và được biết đang ở trên đất Belarus. Cả bọn bị trao trả cho bên Nga. Sau 13 tháng “mặc áo số, ăn cơm cân” trong nhà tù tại Nga, cả nhóm bị trục xuất về Việt Nam. Gia đình lại chạy vạy tiền lo vé về. Về quê, mừng tủi gặp lại mẹ cha, Khánh nói “cạch đến già” những ý tưởng rồ dại mong muốn đổi đời nhanh chóng.

Người dân địa phương tổ chức tuần hành bày tỏ chia sẻ với số phận bi thảm của các nạn nhân.

Trở về nước đã được 5 năm nhưng Khánh chưa quên chi tiết nào trong hành trình cùng cực ấy. Giờ đây đã là ông chủ của một công ty nhỏ, làm ăn ổn định, Khánh thường chia sẻ, khuyên can bầu bạn đừng ai “rồ dại” như mình. Khánh kể lâu nay vẫn ngóng tin từ bên Anh. Một ông em kể: đa số những người đến đích trót lọt có cuộc sống rất tệ. Vì nhập cư trái phép, không có giấy tờ hợp lệ, mang theo khoản nợ cùng những kỳ vọng của người thân ở quê nhà, họ buộc phải làm mọi việc để có tiền và chỗ trú ẩn trốn tránh cảnh sát.

Làm việc trong sự lệ thuộc giới chủ hoặc các băng đảng bảo kê nên họ bị bóc lột, trả công rẻ mạt và phải làm việc nhiều giờ cũng không dám tố cáo. Những người vượt biên sang đấy phần lớn chỉ còn cách làm thuê, sống chui lủi, thậm chí phải làm cho các băng nhóm tội phạm. Họ bị giam cầm, kiểm soát và bị bóc lột sức lao động trong các ngôi nhà bịt kín để ánh điện, mùi vị, âm thanh không lọt ra ngoài.

Cảnh sát Anh kiểm tra rà soát, phát hiện nhiều vụ lao động bất hợp pháp và rồi đám thợ bị bắt, kết án và trục xuất. Những giấc mơ đổi đời tan thành mây khói.

Nói về vụ 39 thi thể phát hiện trong chiếc xe container ở Grays, Essex, Anh, ngày 23-10 vừa qua, Khánh thở dài: “May cho em và cho cả những người đang chuẩn bị “xuống tiền” cho các nhóm đưa người vượt biên sang đó. Vụ án là lời cảnh tỉnh với những ai “sính ngoại”, muốn rời bỏ quê hương ra đi tìm miền đất hứa”.

Qua câu chuyện Khánh kể, có thể thấy lý do khiến người dân cầm cố tài sản, bất chấp nguy hiểm tìm đường ra đi, bởi hy vọng làm giàu sau một thời gian ngắn. Với số tiền sẽ làm ra, họ không khó chuộc lại sổ đỏ đã cầm cố, trả hết các khoản nợ nần vay mượn cho chuyến đi trong một vài năm. Còn sau đó là những khoản tiền lớn hằng tháng gửi về trợ giúp gia đình. Tuy nhiên, người ta thường chỉ nghĩ đến cơ hội mà không nghĩ đến rủi ro.

Giấc mộng đổi đời như làn sóng ngầm đang lan truyền trong một bộ phận dân cư, khiến nhiều người bất chấp những hiểm nguy rình rập trong hành trình bỏ xứ mà đi. Trên hành trình ấy, họ đối mặt với rủi ro như gặp tai nạn ngạt thở trong thùng container, bị truy đuổi, bắt giữ, bị tù đày tại các nước họ đi qua không hợp pháp.

Kết thúc hành trình gian khổ đó, chờ đợi họ tại điểm đến nếu chuyến đi suôn sẻ, lại có thể là những “địa ngục trần gian” được điều hành bởi bọn tội phạm. Vì rằng khi đã sống chui lủi, họ không còn một chút tự do để kiếm tiền bằng những công việc lương thiện. Mà khi đã buộc phải làm những việc chống lại pháp luật của nước sở tại thì cánh cửa nhà tù luôn đợi họ. Nếu làm các công việc đơn giản như làm móng tay, dọn dẹp nhà cửa, phụ việc nhà hàng, khách sạn... thu nhập vừa không cao, vừa đứng trước nguy cơ bị cảnh sát phát hiện, bắt giữ về tội nhập cư trái phép.

Cảnh báo sau thảm họa

Theo báo cáo của Bộ Công an, tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc phát hiện hơn 1.000 vụ, với gần 1.500 đối tượng, lừa bán hơn 2.600 nạn nhân. Có thể thấy những “vòi bạch tuộc” của các nhóm tội phạm buôn người quốc tế đã vươn về nhiều làng quê Việt Nam từ lâu. Nếu như ở các nước láng giềng, người Việt thường bị lừa gạt, dụ dỗ, cưỡng ép vượt biên thì với các nước châu Âu, sự ra đi của họ thường là tự nguyện, dưới sự tác động, dụ dỗ, dẫn dắt, bảo kê của các băng nhóm tội phạm nước ngoài, cấu kết với đối tượng trong nước.

Sau sự kiện phát hiện 39 thi thể trong xe tải tại Anh, ông Gareth Ward - (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam) đã viết trong một bài bình luận: “Các bạn ạ, di cư vì mục đích kinh tế và tìm kiếm cơ hội tốt đẹp hơn là một nhu cầu chính đáng đối với bất cứ ai ở bất cứ quốc gia nào.

Nước Anh luôn chào đón những người đến Anh hợp pháp, có đầy đủ sự hiểu biết và đánh giá thận trọng. Những kẻ giúp bạn sang Anh bằng "cửa sau” cộng với lời hứa về một công việc hấp dẫn đang chờ đón chỉ là muốn lấy tiền của bạn. Đừng đánh cược tương lai của mình. Chúng không phải là bạn. Chúng là đối tượng phạm tội.

Tài xế Mo Robinson, người lái chiếc xe container chở 39 thi thể tại Anh.

Ở Anh, chúng sẽ lợi dụng sự yếu thế của người nhập cư bất hợp pháp để ép bạn làm những công việc phi pháp nhằm kiếm lợi nhuận cao trên rủi ro và nguy hiểm của bạn. Đó là hành vi mua bán người. Mua bán người Việt Nam tại Anh gần hơn bạn nghĩ. Đừng để bản thân và gia đình rơi vào bàn tay của kẻ buôn người. Hãy hiểu rủi ro và tránh xa nó!”.

Được biết, toàn bộ 39 thi thể trong container ở Anh đã được chuyển đến nhà xác Bệnh viện Broomfield từ tối 26-10 (theo giờ Việt Nam). Việc xác định danh tính nạn nhân đang được triển khai thông qua đối chiếu dấu vân tay, ADN của các gia đình đang lo lắng có người thân nằm trong số 39 thi thể, với kết quả pháp y. Đồng thời, nhà chức trách cũng đã bắt giữ 5 người có liên quan đến vụ việc.

Qua tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội mấy ngày qua, thấy xuất hiện những lời kêu gọi người dân cung cấp thông tin cá nhân về thân nhân đang mất tích ở nước ngoài, nghi bị chết trong chiếc container đó. Chủ tài khoản tự xưng là người đang làm việc, sinh sống bên Anh quốc hoặc có quan hệ bên đó. Lý do là để họ hỗ trợ, giúp đỡ việc truy tìm danh tính nạn nhân.

Theo các cán bộ chuyên môn, người dân không nên dễ dãi tin vào điều đó vì có thể ẩn chứa trong đó ý đồ đánh cắp thông tin cá nhân để sử dụng vào những việc làm trái pháp luật, hoặc đòi tiền công... rất phức tạp.

Đành rằng từ tin nhắn trong chiếc điện thoại của một nạn nhân trong thùng xe, nghĩ đến khả năng có thể còn những người Việt khác trong số các nạn nhân xấu số nhưng các gia đình cần kiên nhẫn, bình tĩnh chờ đợi khuyến cáo từ cơ quan chức năng. Nếu cần cung cấp thông tin của thân nhân hay mẫu tế bào để xác định ADN, hãy liên hệ với Cơ quan công an sở tại, hoặc với cơ quan lãnh sự Bộ Ngoại giao, chứ không nên tùy tiện trao đổi thông tin trên mạng xã hội với những người không quen biết.

Hiện nay, theo các cán bộ điều tra cho biết, cơ quan chức năng Anh quốc đang tích cực xác minh về danh tính những nạn nhân còn lại, chưa có kết luận chính xác. Đồng thời, các cơ quan ngoại giao Anh quốc đã khuyến cáo báo chí, người sử dụng mạng xã hội không nên có những đồn đoán, có thể gây nhiễu loạn, khó khăn cho hoạt động xác minh.

Đào Trung Hiếu
.
.