Gã lãng tử “chơi ánh sáng”

Thứ Hai, 08/11/2010, 15:45
Thi thoảng khi ngồi với anh em bạn bè, giờ đây khi đã ở tuổi bước sang nửa bên kia của cuộc đời, phần nào hiểu được cái chân lý của tạo hóa, đôi lúc gã vẫn tự vấn rằng sao cuộc đời mình lại gặp quá nhiều sóng gió đến thế. Nhưng vấn không phải để trách mình. Cũng chẳng phải để trách đời, trách người.

Vấn rồi để ngộ ra rằng chính những sóng gió, vất vả của cuộc đời đã rèn luyện cho gã được thành người có danh như ngày hôm nay. đó là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng Anh Tuấn.

Còn nhớ có một dạo, bộ phận bảo vệ khu công trình tôn tạo di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cứ thấy có một người nhỏ thó, da ngăm đen, tóc xoăn đeo chiếc máy ảnh cũ kỹ lượn lờ khắp mọi chỗ. Lúc gã giương máy chụp, có lúc lại tí toáy ghi ghi chép chép điều gì đó. Ban đầu, người ta còn hỏi han, yêu cầu gã mua vé để vào khu di tích. Lâu dần, phần vì thấy gã lui tới thường xuyên quá, phần vì thấy gã cũng chẳng làm gì nguy hiểm tới công trình mà chỉ lúi húi chụp chụp viết viết, người ta cũng chẳng buồn hỏi đến. Còn gã lại càng chẳng mấy quan tâm đến xung quanh. Hỏi thì mua vé, không hỏi thì cứ thế mà vào. Đều như vắt chanh hai ngày một lần, khi đầu giờ sáng, lúc giữa trưa đi về và tự nguyện ghi hình tất cả những gì diễn ra ở cái công trường đặc biệt ấy. Một người thợ cặm cụi đục mộc. Một chái nhà mới, một góc mái mũi hài được dựng lên đều nằm trong "tầm ngắm" của gã...

Đó là vào năm 1999-2000, khi thành phố đang chuẩn bị kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó có hoạt động rất đáng chú ý là Dự án trùng tu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với công trình xây dựng khu Thái Học. Đến đây có lẽ xin cung cấp lại cho bạn đọc một số thông tin: Văn Miếu được lập năm 1070 dưới triều Vua Lý Thánh Tông, thờ các vị Tiên Thánh, Tiên hiền của Nho học và là nơi cho Hoàng thái tử đương triều đến trau dồi kiến thức. Còn Quốc Tử Giám được lập năm 1076 và vẫn được coi là trường Quốc học cao cấp đầu tiên của nước ta, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê ngày càng phát triển về mọi mặt và từng là cái nôi đào tạo ra hàng nghìn nhân tài bảo vệ và xây dựng quốc gia độc lập, tự chủ và vững mạnh.

Sau khi Vua Gia Long lên ngôi, định đô ở Huế, Quốc Tử Giám mới dần bị mai một. Bởi thế, để kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố quyết định xây dựng lại khu Thái Học. Một công trình mô phỏng kiến trúc truyền thống trên nền Quốc Tử Giám xưa đã thu hút được nhiều sự quan tâm. Vào thời điểm kỷ niệm 990 Thăng Long - Hà Nội ấy, công trình này có thể được coi là nổi bật nhất.

Theo dự án lúc bấy giờ, công trình Thái Học bao gồm 17 hạng mục gồm Tiền đường, Hậu đường, Tả Hữu vu, trang thiết bị nội thất, sân vườn, hệ thống chiếu sáng, nhà để chiêng trống... như hiện nay được dựng lại tổng thể trên diện tích 1.530m2. Các vật liệu cũng được lựa chọn dựa trên thiết kế truyền thống bao gồm gần 1.000m3 gỗ lim thành phẩm, được ngâm tẩm hóa chất để tăng độ bền; 23.820m2 chì tấm lợp dưới các lớp ngói mũi hài để chống thấm; gần 200 nghìn viên ngói mũi hài và khoảng 50 nghìn viên gạch phục chế theo mẫu cổ... Tóm lại là một công trình công phu và hết sức có ý nghĩa của thành phố mà bất cứ ai tham gia hay đóng góp công sức vào đấy đều được quyền cảm thấy tự hào.

Và Phùng Anh Tuấn đã tự "gắn" mình vào sự kiện ấy một cách rất đỗi tình cờ: Trong một lần đưa đón 2 cô con gái xinh xắn đáng yêu đi học về, bắt gặp tấm biển trình bày dự án trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tuấn nổi máu báo chí, sắp đặt luôn chính 2 con thành những em học sinh ngoan trước tấm biển "project" để rồi cứ thế bước vào cuộc hành trình gần 2 năm trời ngốn mất 3.000 tấm phim âm bản với vô số thời gian và tiền bạc. 80 bức ảnh được lựa chọn thật kỹ để tạo thành một bộ ảnh Trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thể hiện được gần như toàn bộ quá trình tôn tạo khu di tích độc nhất vô nhị của Việt Nam này.

Thời thơ ấu - Phùng Anh Tuấn.

Từ những bức ảnh rất tình cờ như ảnh những công nhân, kỹ sư tham gia công trình nhờ gã chụp lưu niệm cho đến hình ảnh lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự lễ khởi công, lễ cất nóc nhà Thái Học hay ảnh chụp buổi lễ khánh thành mang đậm tư duy báo chí đều được Tuấn lưu giữ lại cẩn thận. Tuy không thể ra mắt trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa rồi, nhưng gã vẫn tự hào, thậm chí có lúc đến mức "ngạo mạn" mà rằng chẳng ai có được bộ ảnh đặc biệt như thế. Mà cũng đúng như thế thật. Anh em trong nghề tiếc cho Tuấn, còn gã thì lại tiếc cho người xem...

Gã bảo cái tuổi Canh Tý (1960) của mình nó thế. Mệnh niên là đất trên vách nhà. Mệnh cung là cung Tốn (gió), là người có tâm, tính tình tuy có lúc nhu lúc cương nhưng đã thích làm gì thì làm bằng được. Bảo tính cách hình thành nên số phận trong trường hợp của gã quả không sai một tí nào. Ba năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp loại khá của Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, thị xã Hà Đông, gã "đi" Công an.

Vào biên chế của Lực lượng Công an tại Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ E29, sau 3 năm huấn luyện đặc biệt, đặc biệt đến mức có những điều mà người thường gần như không tưởng tượng ra như làm thế nào để bước đi trên lá khô mà không gây ra tiếng động chẳng hạn, để rồi cả đơn vị được điều vào Tây Nguyên truy quét tàn quân Fulro. 8 năm quân ngũ của gã là 8 năm trời nếm mật nằm gai với những trận mai phục, đụng độ nảy lửa với đám tàn quân người chẳng ra người, ma chẳng ra ma ấy. 5 năm tăng cường cho Công an tỉnh Lâm Đồng và 3 năm làm nhiệm vụ tại Gia Lai - Kon Tum đã đem lại cho gã một cô vợ giáo viên ở Đức Trọng, cô con gái đầu lòng kháu khỉnh và một... mảnh đạn M79 găm vào bụng.

Thương vợ, thương con còn nhỏ, Phùng Anh Tuấn quyết định rời quân ngũ với quân hàm Thiếu úy, bắt đầu bước vào cuộc mưu sinh đầy vất vả để rồi sau này, khi đã trở thành nhiếp ảnh gia nổi tiếng rồi, Tuấn cũng không hiểu nổi tại sao mình lại vượt qua được ngần ấy khốn khổ như thế. Không xin được hợp lý hóa gia đình, Tuấn viết đơn xin ra khỏi lực lượng. Khi ấy đơn vị làm thất lạc hồ sơ, mặc dù biết trước là sẽ phải đối diện với vô vàn khó khăn, Tuấn vẫn kiên quyết quảy balô trở về với vợ và con gái. Về sau này, khi đơn vị đã tìm lại được hồ sơ, xác nhận cho Tuấn suốt cả quá trình chiến đấu gian khổ ấy với chiếc dấu đỏ chót tròn trịa, nhiều người ở đơn vị cũ đã thốt lên một câu tiếc thay cho gã...

Biển lặng - Phùng Anh Tuấn.

Rời đơn vị, mất hồ sơ đồng nghĩa với việc Tuấn tự đưa mình vào cảnh thất nghiệp triền miên. Phùng Anh Tuấn trở thành một người lao động tự do, làm bất cứ việc gì để có tiền phụ giúp vào đồng lương giáo viên ít ỏi của vợ nuôi con. Hơn chục năm quân ngũ, ngoài nhiệm vụ tiễu phỉ ra gã đâu có được đào tạo nghề gì khác? Đào hố trồng cà phê, nuôi tằm hái dâu, đào giếng, buôn bán nhỏ thế nào cũng được, miễn là có tiền.

Cũng hơn chục năm quân ngũ, Tuấn đã được rèn rũa một ý chí vươn lên mạnh mẽ và một tác phong kỷ luật vững vàng trước mọi tình huống. Nhưng con người đâu phải gỗ đá? Đã có lúc ngồi bệt dưới đáy giếng đang đào dở, gã từng ngửa mặt lên trời mà mong cho cái bờ đất vô tri vô giác kia đổ ụp xuống cho nhanh, để Tuấn khỏi phải nhìn thấy cái thế giới tròn tròn nho nhỏ hun hút phía bên trên kia nữa...

Bây giờ, gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng Anh Tuấn có nụ cười giòn tan, đôi mắt sáng long lanh mà nghe đâu trong giới truyền nhau rằng có thể đo sáng trực tiếp không sai lệch với máy móc là mấy, ít ai nghĩ rằng con người ấy lại đã từng có một quãng đời cơ cực đến vậy.

Khó khăn rồi cũng tạm lui. Nhưng khi cô con gái thứ hai ra đời, Tuấn bắt đầu có những đêm nằm vắt tay lên trán mà nghĩ về một cái nghề đích thực. Làm thuê cuốc mướn, tuy có đảm bảo được cuộc sống trước mắt nhưng đâu phải kế dài lâu? Con đường đến với nhiếp ảnh của Phùng Anh Tuấn bắt đầu từ những đêm trắng như thế, với một vài buổi gặp gỡ, "lên lớp" ngay tại hiện trường và một chiếc máy ảnh Minolta cũ mèm. Gã nhận chụp bất cứ thứ gì để "kiếm" cơm, và cũng chụp bất cứ thứ gì gã cho là thích. Chỉ mỗi tội hai cái sự ấy nhiều lúc nó cân bằng nhau đến mức vợ Tuấn đã giận chồng đến cả tháng trời vì tưởng chồng ngày nào cũng xách máy ảnh đi kiếm tiền nuôi vợ bé...

Loay hoay trong cái huyện Đức Trọng nhỏ bé của tỉnh Lâm Đồng, Tuấn bắt đầu học được những bài học đầu tiên về nghề nhiếp ảnh. Về sau này, khi đã trở thành nhiếp ảnh gia gạo cội và là biên tập viên ảnh chính của Tạp chí Phật học, Cơ quan của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có trụ sở ngay trong chùa Quán Sứ, Hà Nội, Anh Tuấn vẫn ngờ ngợ về mối nhân duyên của mình bởi cuộn phim đầu tiên đấy của chính anh  cũng là chụp khách đi chùa ở Đức Trọng thủa nào. Cuốn phim đầu tiên bị lộ sáng hỏng, gã đã ý thức được việc tìm đến từng khách hàng để xin lỗi và đề nghị chụp lại để lấy chữ tín. Qua mỗi lần vấp váp, nghề lại dạy nghề, mảnh đất đỏ bazan với những luống cà phê xanh rờn dần trở nên chật hẹp cho thỏa chí đam mê của một tay máy như Phùng Anh Tuấn.

Ra Hà Nội, ban đầu Anh Tuấn được nhận vào làm bảo vệ cho một cơ quan. Đó cũng là thời điểm anh  thực hiện bộ ảnh trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám trứ danh. Thực sự chính gã cũng không giải thích được tại sao một anh bảo vệ còn đang phải chạy lo cơm áo hàng ngày, vậy mà như mê mê mẩn mẩn tích cóp hàng trăm cuộn phim cho một việc mà tại thời điểm đó, chẳng biết để làm gì? Trong đầu Tuấn chỉ ý thức được một việc: Văn Miếu - Quốc Tử Giám là cội học của đất Việt. Đời gã và chắc của không ít người khác nữa, sẽ chẳng bao giờ được chứng kiến công việc trùng tu lần thứ hai, như một sự tri ân của lớp con cháu với tiền nhân đất Việt.

Nhà tiền đường (Văn Miếu) bắt đầu được dựng phần khung gỗ ngày 28/3/2000.
Lợp ngói nhà tiền đường và nhà hậu đường ngày 14/7/2000.

Sau khi trở lại đơn vị cũ lấy được xác nhận quá trình "đi" Công an vũ trang, Phùng Anh Tuấn được cấp Thẻ nhà báo và chính thức bước vào con đường báo chí chuyên nghiệp. Người ta thấy một Phùng Anh Tuấn lang thang khắp nơi, chụp, chụp và chụp. Gã phóng viên ảnh báo Bưu điện ấy đồng ý và thậm chí làm đơn tình nguyện xin đi tất cả các phong trào thanh niên, chi đoàn của Bộ Bưu chính viễn thông, chẳng ngại khổ, chẳng mong lợi lộc. Đi chỉ để đãi nghề. Kể cả khi đã "về gần với Phật" (Tạp chí Phật học - theo cái giọng kể cả của anh mỗi khi vui chuyện), Phùng Anh Tuấn cũng vẫn thói quen ấy, đi để chỉ mong có ảnh đẹp, chẳng cần khoản đãi gì nhiều.

Đã có bận, năm đầu tiên khai mạc Quốc lễ Đền Hùng, gã phải ngủ qua đêm trong thùng xe tải vì hết chỗ trọ... Những giải thưởng trong nước và quốc tế cứ theo cái tác phong ấy mà tìm đến Phùng Anh Tuấn. Hai cuộc triển lãm "Đất và Thời gian" và "Lặng..." tuy khiêm tốn về số lượng với một tên tuổi như Phùng Anh Tuấn, nhưng lại đủ công lực "đánh thức cơn buồn ngủ của nhiếp ảnh Việt Nam" - như một đồng nghiệp đã nhận xét. 18 bức ảnh bố cục ánh sáng cực kỳ hoàn hảo, chất chứa triết lý nhà Phật trong "Lặng..." như là sự giác ngộ trong tâm của người nghệ sĩ - mà cũng là của con người ta giữa chốn bụi trần bề bộn

Việt Anh - Tú Anh
.
.