Gặp 4 nông dân quên mình cứu ngàn người trong lũ dữ

Thứ Sáu, 29/10/2010, 18:15
Đã hơn 100 năm, người dân vùng cát Quảng Bình mới phải đối mặt với trận lũ tồi tệ như những ngày đầu và giữa tháng 10 vừa qua. Chỉ trong vòng 10 ngày, 2 trận lũ liên tiếp đã làm oằn lưng người dân nghèo nơi vốn chỉ giàu cát và gió. Sau lũ, người dân tất bật vuốt nước mắt gom góp lại những gì lũ chưa kịp cướp đi để ổn định cuộc sống.

Bên cạnh những câu chuyện buồn về lũ, đi đâu ở vùng cát chúng tôi cũng được nghe câu chuyện chan chứa tình người trong lũ dữ của 4 nông dân ở xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Quên cả tính mạng mình, 4 nông dân đã vật lộn với dòng lũ để chèo đò đi cứu cả ngàn người dân thoát khỏi miệng lưỡi tử thần. Và khi cứu xong bà con, họ trở về lại đau lòng chứng kiến ngôi nhà của họ đã bị lũ cuốn trôi, chỉ còn trơ lại cái móng...

“Không lẽ đứng nhìn bà con mình chết”

Từ thành phố Đồng Hới vượt hơn 50km theo đường Hồ Chí Minh, chúng tôi về xã Sơn Trạch. Những hệ quả mà lũ dữ đi qua vẫn còn ám ảnh trên khuôn mặt những người nông dân nghèo nơi đây. Bùn đất nhão nhoẹt bám riết nhà dân. Mùi xú uế của bùn đất, rác rưởi, tanh nồng của xác chết gia súc, gia cầm trong lũ còn làm nặng khí thở. Sau lũ, lo cái ăn cái mặc đã làm người nông dân kiệt sức, có lẽ vì vậy chuyện môi trường sống cũng chưa được bà con quan tâm lắm. Không ít người dân gương mặt còn thất thần, nhìn đăm đăm vào dòng sông Son trước nhà. Tích góp cả năm để có vụ mùa, tích góp cả đời để có mái nhà che nắng che mưa, nhưng chỉ trong phút chốc lũ đã "cướp" đi của họ tất cả.

Hỏi thăm nhiều người, chúng tôi mới gặp được anh Nguyễn Thanh Phương, người đã chèo đò cứu được hàng trăm bà con trong lũ. Thì ra, nhà Phương giờ chỉ còn cái móng nhà nham nhở gạch đá, còn nhà đã bị lũ cuốn trôi mất. Vì vậy, anh Phương phải dắt díu vợ con đi ở nhờ nhà bà con, làng xóm. Mặc vội chiếc áo sứt gần hết khuy, Phương cười buồn buồn: "Thấy bà con lênh đênh giữa biển nước, mình không cứu không lẽ đứng nhìn bà con mình chết". Câu nói của anh Phương mở đầu câu chuyện. Nói rồi, Phương chỉ tay lên ngọn tre làng trước cổng: "Nước lên ngập đến ngọn tre, rác rưởi trong lũ còn mắc lại trên đó, anh coi cả làng tui đã có nhà mô cao bằng ngọn tre ni, nên cả làng đều ngập trong lũ".

Trước ngôi nhà chỉ còn lại cái móng, Vợ chồng anh Phương Phương và các con đang rất cần sự giúp đỡ.

Tối 4/10, nước lũ sông Son đổ về cuồn cuộn. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, nước lũ đã dâng cao hơn 1,5m. 12h đêm, bóng tối bao trùm cả thôn Cù Lạc, thôn Xuân Sơn, thôn Hà Lời... xã Sơn Trạch. Nước lũ đục ngầu réo rắt đổ về ngập hết nhà dân. Những tiếng kêu thất thanh, hoảng loạn váng động bên sông Son. Nhiều người dân không kịp chạy lũ đã phải leo lên nóc nhà, đu bám vào ngọn cây để tránh... lũ.

Cầm lấy mái chèo con đò nhỏ của gia đình, Nguyễn Thanh Phương vội đưa mẹ già, vợ con chạy lũ. Chòng chành trong nước lớn, rọi đèn pin vào nhà dân, anh thấy những cánh tay trẻ em vẫy vẫy, tiếng kêu cứu thất thanh, vẻ mặt thất thần của nhiều người đang cố bám víu vào nóc nhà để khỏi bị lũ cuốn đi. Đưa được gia đình đến nơi an toàn, Phương chống mái chèo quay lại trong lũ dữ, anh chỉ kịp nghe tiếng khóc ngăn cản của mẹ và vợ.

Trên con đò mong manh như chiếc lá, nước lũ như muốn nuốt chửng anh và con đò. Nhiều lần vật lộn với dòng nước hung dữ, con đò của anh cũng đến được nhà dân đầu tiên đó là nhà anh Nguyễn Văn Hợi ở thôn Cù Lạc. Đứng trên nóc nhà nhưng nước lũ cũng đã ngập ngang bắp chân vợ chồng anh Hợi, bồng 2 con nhỏ trên tay, vợ chồng Hợi chỉ trông đợi một phép mầu mới mong thoát chết. Và phép màu đó chính là nhờ con đò của Nguyễn Thanh Phương.

Cứu được gia đình Hợi, anh Phương chèo đò đi tiếp, nước lũ xô ngang xô dọc, Phương phải bám vào ngọn tre từ cây này qua cây khác, chuyền tay kiểu vậy anh mới cập được đò vào sát nhà dân. Gai tre đâm bầm dập người, máu rỉ ướt cả áo nhưng Phương vẫn gồng mình với suy nghĩ giản đơn "cứu được càng nhiều người càng tốt". Suốt đêm ngày 4 và ngày 5/10, Nguyễn Thanh Phương đã cứu được hơn 200 người dân xã Sơn Trạch thoát chết.

Khi nước lũ lên ngấp nghé mái nhà, anh Ngô Văn Tam, ở thôn Xuân Sơn, xã Sơn Trạch vội đưa vợ và mấy con nhỏ lên sát nóc nhà tránh lũ. Còn anh và đứa con trai đầu Nguyễn Văn Nam đẩy đò vào dòng lũ đi cứu bà con ở thôn Cù Lạc sát sông Son. Quăng quật với dòng nước, chiếc đò của cha con anh Tam mới chòng chành tiếp cận được nhà dân. Nước ngập tới nóc nhà, vợ chồng anh Nguyễn Văn Châu chỉ còn biết cách đập vỡ mấy viên ngói để cả nhà ngóc đầu lên ngoài khỏi mặt nước. Khi cái chết cận kề thì gia đình anh may mắn gặp được thuyền của cha con anh Tam đến cứu. Phải mất gần 20 phút dùng mái chèo nạy từng chiếc đinh phá rui, mè nhà, cha con anh Tam mới đưa được gia đình anh Châu lên đò an toàn.

Thôn Cù Lạc trồng nhiều tre nên các phương tiện cứu hộ như canô, xuồng máy của các lực lượng cứu hộ không thể chạy vào làng vì sẽ vướng tre lật úp. Lúc này chỉ có những chiếc đò nhỏ như của cha con anh Tam mới tiếp cận được nhà dân. Có gia đình 9 người toàn người già và trẻ em kêu khóc thảm thiết giữa nước dữ, may mắn cha con anh Tam đến cứu kịp thời. Sau 2 ngày chống chọi với nước lũ, cha con anh Ngô Văn Tam đã cứu được tất cả 350 người dân đến nơi an toàn.

"Có khi đò sắp bị nước lũ lật úp, tui nghĩ mình răng cũng được, còn thằng Nam có chuyện chi thì tội con quá, hắn còn trẻ. Như biết được ý tui, thằng Nam nói: Cha yên tâm, cứ vô cứu bà con cha ạ, nhìn họ chết thì mình cũng mần răng mà sống thanh thản được", anh Ngô Văn Tam kể lại.

Cũng vào thời điểm anh Nguyễn Thanh Phương và cha con anh Tam đang mải miết cứu dân thì anh Lê Văn Điệp, hiện đang làm việc ở Xã đoàn Sơn Trạch cùng với con đò nhỏ của gia đình cũng băng vào dòng lũ để cứu dân. Điệp cho thuyền hướng về phía những ngôi nhà ngập sâu, nguy hiểm. Lần lượt... 1, 2, 3 người và tính đến trưa 6/10 anh Lê Văn Điệp đã cứu được gần 300 người dân trong xã thoát khỏi dòng nước dữ.--PageBreak--

Trở về với hai bàn tay trắng

Khi hai cha con anh Tam vẫn quăng quật với con đò để cứu dân, anh không hề biết, nước lũ đã ngập đến tận nóc nhà anh. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Xuân ôm 4 đứa con nhỏ ngồi trên nóc nhà khóc cạn nước mắt vì lo sợ. May mắn có anh Ngô Văn Nhường trong thôn chèo đò đến cứu mẹ con chị Xuân thoát khỏi dòng nước hung hãn.

Nói chuyện với phóng viên Chuyên đề ANTG, chị Chúc, một người dân thôn Cù Lạc cứ khóc hoài: "Khi lũ ngập nóc nhà, tui ôm chặt 2 đứa con nghĩ quẩn, mẹ con chắc chết, mà chết thật nếu không có thuyền của cha con anh Tam đến cứu". Còn bà Tạ Thị Huê, cả 4 người trong gia đình được Nguyễn Thanh Phương cứu sống nói: "Nếu như không có anh Phương thì hàng trăm người làng tui chắc đã trôi ra sông ra biển, cái thằng ngày thường hiền như cục đất, vậy mà khi lũ dâng nhìn hắn ngâm mình trong nước cứu bà con anh hùng chi lạ".

Cụ Ngô Quyền (72 tuổi, thôn Xuân Sơn, Bố Trạch, Quảng Bình) nói: "Cả đời tui mới chỉ chứng kiến 4 trận lũ ở các năm 1945, 1962, 1975 và nay 2010, nhưng chưa khi mô lũ to và ập vào nhanh như lần ni. Bà con leo lên giường vừa ngồi chưa ấm chỗ để tránh lũ, thì lũ rượt đuổi phải leo lên cả bàn thờ, lũ vẫn dâng phải lên tra nhà, rồi lũ lên tận nóc nhà. Nói thật với anh, hàng trăm bà con chới với trên nóc nhà nếu không có những người như cha con thằng Tam, thằng Phương hay thằng Điệp thì biết bao nhiêu bà con mất mạng vì lũ".

Nhấp một ngụm trà, Nguyễn Thanh Phương và Lê Văn Điệp nhìn vào mông lung buồn rười rượi. Lo mải miết cứu người, khi Phương và Điệp trở về nhà mình thì nhà đã bị lũ cuốn từ lúc nào. Quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình, Nguyễn Thanh Phương đưa vợ con lên Sơn Trạch, Bố Trạch lập nghiệp hơn chục năm nay. Vợ chồng anh tảo tần, làm bè cá trên sông Son để nuôi 3 đứa con ăn học. Cách đây vài năm, dành dụm mãi vợ chồng Phương mới cất được căn nhà cấp 4. Không nhà cao cửa rộng nhưng cũng có chỗ để vợ chồng, con cái quây quần ấm cúng. Với Phương thế là hạnh phúc, nghe tiếng cười của các con anh lấy làm mãn nguyện.

Ông Ngô Quyền: "Nếu không có những người như cha con thằng Tam, thằng Phương, thằng Điệp thì biết bao nhiêu bà con mất mạng vì lũ".
Anh Lê Văn Điệp (người thứ 2 từ phải sang), sau lũ tiếp tục chở các nhà hảo tâm đi cứu trợ đồng bào.
Cha con anh Ngô Văn Tam.

Đêm 4/10, khi Phương đang mải miết vật lộn với lũ dữ để cứu giúp bà con thì lũ dữ đã cuốn trôi nhà anh ra sông Son. Căn nhà cấp 4 của Phương giờ chỉ còn cái móng nham nhở đất đá. Biết lấy gì để sống? Phương nói vậy rồi nén tiếng thở dài. Ba đứa con của Phương cứ bám lấy mẹ đòi mua sách vở để trở lại trường học, nước mắt vợ Phương lưng tròng.

Chị Trần Thị Huế, vợ anh Điệp nhớ lại: "Sáng 4/10, nước lũ bắt đầu tràn vào nhà nhưng anh Điệp vẫn mải miết lo đi giúp dọn nhà cho bà con. Một mình tui tự khuân vác đồ đạc trong nhà kê lên cao không xuể, phải nhờ thêm ông anh cọc chèo trợ giúp. Đến chừng 21h, nước lũ dâng cao quá, tui phải bế con gái đầu lòng mới 2 tuổi chạy sang nhà khác leo lên nóc nhà tránh lũ. Mới ngồi được một lúc thì nước lũ chạm gần tới nóc nhà, nhìn sang thì thấy nhà mình bị lũ cuốn sập, nhiều đồ đạc trong nhà cuốn theo dòng nước chảy xiết, nước mắt tui chảy ròng...". Hiện cả Phương và Điệp đang phải dắt díu vợ con đi ở tạm nhà láng giềng. "Được ngày nào hay ngày đó, rồi cũng phải tính để làm lại từ đầu", Điệp quả quyết.

Chia tay cha con anh Ngô Văn Tam, Nguyễn Thanh Phương, Lê Văn Điệp chúng tôi ra khỏi xã Sơn Trạch, nhiều người dân còn nói với theo: "Không có 4 người đó thì xã tui chết cả ngàn người trong lũ, nhà báo nói răng để họ được khen thưởng mới đúng". Thiết nghĩ, với những hành động dũng cảm, 4 nông dân ở xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình cần được các cấp, ngành liên quan kịp thời động viên, giúp đỡ để họ ổn định cuộc sống sau lũ

Dương Sông Lam
.
.